Home Đời Sống Tôn Giáo Sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh lên thánh giá

Sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh lên thánh giá PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 29 Tháng 4 Năm 2010 10:53

Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là yếu tố căn cốt trong thần học Cơ Đốc giáo,

liên quan mật thiết với giáo lý cứu rỗi, sự thương khó và sự chết của Đấng Messiah như là điều kiện cần thiết để con người được tha thứ tội lỗi.

 
 Chúa bị đóng đinh, tranh của Vouet, 1622,
Genoa

Sự kiện Chúa Giê-su bị đóng đinh lên thánh giá (hoặc Chúa Giê-xu chịu Đóng đinh trên Thập tự giá, cuộc khổ hình của Chúa Giê-xu, cuộc tử nạn của Chúa Giê-xu...) được ký thuật trong bốn sách phúc âm.[1] Sự kiện này xảy ra ngay sau khi ngài bị bắt và bị xét xử. Sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là yếu tố căn cốt trong thần học Cơ Đốc giáo, liên quan mật thiết với giáo lý cứu rỗi, sự thương khó và sự chết của Đấng Messiah như là điều kiện cần thiết để con người được tha thứ tội lỗi. Theo Tân Ước, đến ngày thứ ba Chúa Giê-xu sống lại và hiện ra cùng các môn đồ trong 40 ngày trước khi ngài về trời.

Tổng quan

Sau khi dự bữa Tiệc Ly với mười hai sứ đồ, Chúa Giê-xu bị bắt tại vườn Gethsemane, chịu xét xử trước Tòa Công luận, Tổng đốc La Mã Pontius Pilate, và Vua Herod Antipas, rồi bị đưa đi đóng đinh trên cây thập tự. Sau khi bị đánh bằng roi, Chúa Giê-xu bị bọn lính đem ra chế giễu, gọi ngài là “Vua dân Do Thái”, mặc áo điều và đội mão gai trên đầu, đánh và nhổ vào ngài, rồi giải đi qua thành Jerusalem đến chỗ đóng đinh.

Khi đến đồi Golgotha, Chúa Giê-xu bị lột áo xống rồi bị đóng đinh hai tay vào thanh ngang của thập tự giá, bị treo ở đó trong ba tiếng đồng hồ, giữa hai tên cướp. Bọn lính gắn trên đầu cây thập tự một tấm biển ghi bằng ba ngôn ngữ, “Vua dân Do Thái”. Họ chia nhau áo xống, và bốc thăm để được chiếc áo dài không có đường may của ngài, họ cho ngài rượu nho pha với mật đắng, cuối cùng dùng giáo đâm vào hông Chúa Giê-xu để biết chắc ngài đã chết. Kinh Thánh cũng ghi lại bảy câu nói của ngài khi bị treo trên cây thập tự, cũng như các sự kiện siêu nhiên xảy ra vào thời điểm ấy. Joseph người Arimathea đến gặp Pilate xin xác Chúa Giê-xu, hạ thi thể ngài xuống khỏi cây thập tự, “bọc trong tấm vải liệm trắng, đặt trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong đá.”[2] Lúc ấy, Nicodemus cũng đến để phụ giúp người.[3]

Các Ký thuật

Sự kiện Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá cũng được chép trong lịch sử Đế quốc La Mã.[4] Các sách phúc âm đã ký thuật chi tiết về sự kiện này. Các phát hiện của ngành khảo cổ cũng đưa ra những chi tiết đồng nhất với những ghi chép trong Kinh Thánh về quy trình hành quyết theo cách đóng đinh của người La Mã.

Các sách Phúc âm

Cả bốn sách phúc âm đều thuật lại các chi tiết ban đầu về sự chết của Chúa Giê-xu: Matthew 27,[5] Mark 15,[6] Lu-ca 23,[7] và Giăng 19.[8] Trong các thư tín của Tân Ước cũng có các ghi chép liên quan đến sự kiện này. 

 
 Hạ thi thể Chúa Giê-xu khỏi
cây thập tự,
tranh của Rubens,
Lille.

Theo bốn sách phúc âm, Chúa Giê-xu bị đem đến một nơi gọi là “Đồi Sọ”[9] bị đóng đinh với hai tên cướp ở hai bên,[10] với cáo trạng tự nhận mình là "Vua dân Do Thái" (Pilate cho treo trên đầu cây thập tự một tấm bảng có ghi nội dung tương tự),[11] lính La Mã chia nhau áo xống của ngài[12] ngay trước khi ngài gục đầu trút hơi thở cuối cùng.[13] Joseph người Arimathea đến gặp Pilate xin xác Chúa Giê-xu, rồi an táng ngài trong một ngôi mộ mới.[14]

Ba sách phúc âm đồng quan cung cấp thêm các chi tiết khác như Simon người Cyrene đã vác cây thập tự,[15] đám đông xúm lại chế giễu Chúa Giê-xu, cả tên cướp bị đóng đinh cũng phỉ báng ngài,[16] tuy nhiên, một trong hai tên cướp xưng nhận tội lỗi và cầu xin Ngài tha thứ.[17] Trời tối sầm từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín,[18] và bức màn trong đền thờ xé đôi từ trên xuống dưới.[19] Các sách phúc âm này cũng ghi lại lời của các chứng nhân, trong đó có lời chúc tụng Thiên Chúa của quản cơ quân đội La Mã,[20] những người đàn bà đứng nhìn từ xa,[21] hai người trong số họ có mặt trong lúc mai táng ngài.[22]

Lu-ca là tác giả phúc âm duy nhất bỏ qua chi tiết người ta đặt giấm pha với rượu nho trên đầu gậy đưa cho Chúa Giê-xu khi ngài bị treo trên cây thập tự.[23] Chỉ có Mark và Giăng thuật lại việc Joseph hạ xác ngài xuống từ thập tự giá.[24] Trong khi đó, chỉ có Matthew ghi lại cơn động đất, các thánh sống lại, và lính La Mã được sai đến gác mộ Chúa Giê-xu.[25] Mark là tác giả phúc âm duy nhất ghi chính xác thời điểm đóng đinh (giờ thứ ba, tức là 9 giờ sáng) và lời chứng của quan quản cơ.[26] Trong khi đó, chỉ có thể tìm thấy trong Phúc âm Lu-ca lời Chúa Giê-xu nói với các phụ nữ đang than khóc, lời một tên cướp quở trách tên cướp kia, phản ứng của đám đông đi xem “đấm ngực mà trở về”, cùng chi tiết các phụ nữ chuẩn bị thuốc thơm để đến thăm mộ ngài.[27] Chỉ có Giăng ghi lại chi tiết đánh gãy chân của các tử tội, nhưng khi “quân lính đến nơi Chúa Giê-xu, thấy Ngài đã chết rồi, thì không đánh gãy ống chân Ngài; nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra” (để ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước), cũng như chi tiết Nicodemus đến trợ giúp Josep trong việc an táng.[28]

Các Ký thuật khác

Bởi vì đóng đinh trên thập tự giá là hình phạt trong thế kỷ thứ nhất dành cho những người Do Thái bị xem là chống lại Đế quốc La Mã, nên không có nhiều sử gia thế tục ghi lại sự kiện này.[29] Sử gia La Mã Tacitus, trong quyển Annals (năm 55), nhắc đến sự kiện “Christus….chịu án tử hình trong thời trị vì của Tiberius bởi một trong các quan tổng đốc…”[30]

Sử gia người Do Thái thế kỷ thứ nhất Josephus viết:[31]
Vào lúc này, Giê-xu, một người khôn ngoan, nếu gọi như thế là hợp pháp; vì người làm những điều kỳ diệu, dạy dỗ người ta biết cách tiếp nhận chân lý cách vui thỏa. Người thu hút cả người Do Thái lẫn dân ngoại bang. Người là đấng Cơ Đốc. Khi Pilate, do yêu cầu của các trưởng lão của chúng ta, đã đóng đinh người trên thập tự giá, những kẻ yêu người từ ban đầu không chịu lìa bỏ người; vì đến ngày thứ ba người sống lại và hiện ra cùng họ; như các tiên tri thánh đã báo trước nhiều điều lạ lùng liên quan đến người. Và cộng đồng người Cơ Đốc, mang danh người, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. – Josephus, Antiquities of the Jews - XVIII, 3:8-10

Kinh Talmud Babylon của người Do Thái có nhắc đến sự kiện đóng đinh (treo trên cây gỗ,[32]):
Ngay trong ngày trước Lễ Vượt Qua, Yeshu bị treo trên cây gỗ. Suốt bốn mươi ngày trước cuộc hành hình, một người tiên báo đến than khóc, “Người sắp bị ném đá bởi vì người đã đuổi quỷ và xúi giục dân Israel bội đạo. Bất cứ ai muốn nói điều gì để bênh vực người, hãy tiến lên mà nài xin cho người.” Song không ai bênh vực người, người bị treo trong ngày trước Lễ Vượt Qua! – Sanhedrin 43a
Dù thi thoảng vẫn có những tra vấn liệu Yeshu có phải là Giê-xu không, nhiều sử gia tin rằng ký thuật trên chắc chắn là nói về Chúa Giê-xu.[33]

Địa điểm và Thời điểm Chúa Giê-xu bị đóng đinh

Địa điểm và thời điểm chính xác Chúa Giê-xu bị đóng đinh là chủ đề của nhiều cuộc nghiên cứu cũng như những sự suy đoán. Mặc dù vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các học giả tôn giáo và các nhà khoa học về địa điểm và thời điểm chính xác, trong những năm gần đây người ta khởi sự ứng dụng cách đồng bộ các phương pháp độc lập để kiểm chứng và diễn dịch. Lấy thí dụ, các học giả Kinh Thánh xác định năm Chúa Giê-xu bị đóng đinh bằng cách dựa trên phương pháp suy luận tương đồng với phương pháp mà Isaac Newton khám phá qua quan sát quỹ đạo mặt trăng, hiện nay vẫn thường được những nhà thiên văn học sử dụng.

Thời điểm

Mặc dù vẫn chưa có sự đồng thuận tối hậu về ngày hoặc năm Chúa Giê-xu bị đóng đinh, nhiều học giả đồng ý với nhau rằng sự kiện này xảy ra dưới thời Tổng đốc Pontius Pilate (từ năm 26 CN– 36 CN), nhằm ngày Thứ Sáu gần Lễ Vượt Qua (ngày 15 tháng Nisan theo lịch Do Thái). (Cũng có những ý kiến khác cho rằng có thể nhằm Thứ Năm[34][35] hoặc ngay cả Thứ Tư[36]). Ghi chép trong Phúc âm Giăng cho thấy trong lúc xét xử Chúa Giê-xu, các nhà lãnh đạo Do Thái chưa dự bữa ăn của Lễ Vượt Qua,[37] Giăng cũng ghi lại thời điểm ngay trước khi ngài bị kết án trước tòa Pilate, "Vả, bấy giờ là ngày sắm sửa Lễ Vượt Qua, độ chừng giờ thứ sáu."[38] Như vậy, sự kiện này có thể xảy ra vào ngày 14 tháng Nisan, ngày luật pháp qui định dâng chiên con làm tế lễ từ 3 giờ đến 5 giờ chiều, rồi ăn trước nửa đêm ngày 14 tháng Nisan,[39][40][41] điều này phù hợp với nghi thức Cựu Ước. Chúa Giê-xu vào thành Jerusalem với tư cách là "Chiên con của Thiên Chúa" vào ngày 10 tháng Nisan,[42] bị đóng đinh và chết vào lúc 3 giờ chiều ngày 14 tháng Nisan, đúng vào lúc thầy Thượng tế dâng tế lễ chiên con,[43] rồi phục sinh vào sáng sớm ngày 16 Nisan, ngày lễ dâng hoa quả đầu mùa theo lề luật Moses, trong ý nghĩa ngài là “trái đầu mùa” của sự phục sinh cho mọi kẻ tin ngài.[44]

 
         Chúa Giêsu giảng dạy

Biên niên sử trong Phúc âm Giăng bị xem như là không đồng bộ với các ký thuật trong các sách phúc âm đồng quan cũng như truyền thống tin rằng Tiệc Ly là bữa ăn của Lễ Vượt Qua,[45] vì đặt thời điểm đóng đinh của Chúa Giê-su vào ngày 15 tháng Nisan. Tuy nhiên, vấn nạn này có thể giải quyết dễ dàng khi biết rằng có sự khác biệt nếu tính theo lịch của người Do Thái kể từ sau cuộc lưu đày.[46] Có lẽ Chúa Giê-xu và các môn đồ đã dự lễ Vượt Qua vào sáng sớm Thứ Năm, trong khi theo cổ lệ, người Do Thái giữ lễ này bắt đầu từ chiều tối cùng ngày.[47][48] Cũng có thể Chúa Giê-su đã chọn dự bữa ăn Lễ Vượt Qua cùng các môn đệ sớm hơn một ngày.[49][50][51]

Isaac Newton là một trong những khoa học gia đầu tiên tìm cách ước tính ngày Chúa Giê-xu bị đóng đinh bằng cách tính toán độ rõ tương đối của trăng khuyết giữa lịch Do Thái và lịch Julian. Theo Newton, đó là vào Thứ Sáu, ngày 23 tháng 4 năm 34.[52] Tuy nhiên, cũng sử dụng cùng một cách tính, nhà thiên văn học Bradley Schaefer đi đến kết luận ngày ấy nhằm vào Thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 33.[53] Năm 2003, hai nhà thiên văn học Liviu Mircea và Tiberieu Oproiu sử dụng một chương trình điện toán để ước tính ngày Chúa Giê-xu chết nhằm Thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 33, và phục sinh vào Chúa nhật, ngày 5 tháng 4, phù hợp với ước tính của Schaefer nhưng khác biệt đôi chút với Newton.[54][55] Năm 1991, viết trên tạp chí của Hội Thiên văn học Hoàng gia, John Pratt lập luận rằng cách tính của Newton là đúng mặc dù có vài sai sót nhỏ ở phần cuối. Pratt tin rằng năm 33 là thời điểm chính xác.[56]

Con đường Khổ nạn

Cả ba sách phúc âm đồng quan đều nhắc đến Simon người Cyrene đã vác cây thập tự của Chúa Giê-xu,[57] còn Giăng chép “Chúa Giê-xu vác thập tự giá mình”.[58] Tuy nhiên, ở đây Giăng dùng từ “bastazō” với hàm ý miêu tả một sự chịu đựng.[59] Trong khi đó, Matthew và Mark sử dụng từ “airō” nghĩa là nâng, nhấc, đẩy lên,[60] và Lu-ca dùng từ "pherō̄" nghĩa là mang, vác.[61]

Phúc âm Lu-ca cũng ghi lại những lời Chúa Giê-xu nói với các phụ nữ và đám đông đang than khóc, "Hỡi con gái Jerusalem, đừng khóc vì ta, nhưng hãy khóc vì chính mình các ngươi và vì con cái các ngươi! Vì nầy, ngày hầu đến, người ta sẽ nói rằng: Phước cho đàn bà son sẻ, phước cho dạ không sinh nở và vú không cho con bú! Bấy giờ người ta sẽ nói với núi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta! với gò rằng: Hãy che lấp chúng ta! Vì nếu người ta làm những sự ấy cho cây xanh, thì cây khô sẽ ra sao?"[62]

Theo truyền thuyết, con đường khổ nạn của Chúa Giê-xu (tiếng Latin Via Dolorosa) là một con đường trong khu phố cổ của thành Jerusalem, được đánh dấu bởi 14 trạm thập tự giá. Năm trạm cuối nằm bên trong Nhà thờ Mộ cổ (Church of the Holy Sepulchre).

Địa điểm

Địa điểm Chúa Giê-xu bị đóng đinh vẫn còn là một sự suy đoán. Các ký thuật trong Kinh Thánh cho biết địa điểm này nằm bên ngoài tường thành Jerusalem,[63] người đi đường có thể đến gần, và có thể quan sát được từ xa.[64] Eusebius xác định vị trí của nó là phía bắc Núi Zion.[65]

Đồi Sọ là địa danh bắt nguồn từ tiếng Latin (calvaria) do Jerome dịch từ tiếng Aram Gûlgaltâ, nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh. Do văn bản không giải thích ý nghĩa của từ này, đã có một số giả thuyết được đưa ra: Một giả thuyết cho rằng tại đây vương vãi sọ của những người bị hành quyết vô thừa nhận nên có tên Đồi Sọ. Một giả thuyết khác tin rằng nó mang tên một nghĩa trang kế cận. Còn theo giả thuyết thứ ba, tên được đặt theo hình thù ngọn đồi trọc trông giống cái sọ.[66]

Hiện có hai địa điểm được xem là nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh: Vị trí truyền thống nằm trong Nhà thờ Mộ cổ thuộc khu Cơ Đốc giáo của khu phố cổ Jerusalem, có từ thế kỷ thứ tư. Địa điểm thứ hai, thường được gọi là Đồi Sọ của Gordon, nằm ở phía bắc của khu phố cổ gần Ngôi mộ trong Vườn (Garden Tomb), phát triển từ thế kỷ 19 bởi các tín hữu Mormon.

Bảy lời sau cùng của Chúa Giê-xu 

 

Cách sách phúc âm ghi lại bảy câu nói của Chúa Giê-xu khi ngài bị treo trên thập tự giá:

• "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì." - Phúc âm Lu-ca 23: 34

• "Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi." – Phúc âm Lu-ca 23: 43

• "Đàn bà kia ơi, kia là con của bà." – Phúc âm Giăng 19: 26

• "Thiên Chúa tôi ơi! Thiên Chúa tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?"[67] - Phúc âm Matthew 27: 46; Phúc âm Mark 15: 34

• "Ta khát." – Phúc âm Giăng 19: 28

• "Mọi việc đã được trọn." – Phúc âm Giăng 19: 30

• "Cha ơi, Con giao thác linh hồn Con lại trong tay Cha!" – Phúc âm Lu-ca 23: 46

Tất cả đều là những câu nói ngắn. Bị ngạt thở do kiệt sức và thương tích, người bị treo trên cây thập tự phải gắng sức lấy hơi mới có thể thốt ra vài lời trong đau đớn.[68][69]

Các Hiện tượng


Khắp xứ đều tối tăm
Theo ký thuật của Kinh Thánh, khi Chúa Giê-xu bị treo trên cây thập tự “khắp xứ đều tối tăm” trong ba tiếng, từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (giữa trưa đến xế chiều). Cả nhà hùng biện người La Mã Julius Africanus và nhà thần học Cơ Đốc Origen đều nhắc đến sự kiện sử gia người Hi Lạp Phlegon viết rằng “liên quan đến hiện tượng che khuất thiên thể (eclipse) trong thời Tiberius Caesar, khi Giê-xu bị đóng đinh, và những trận động đất lớn xảy ra vào thời điểm ấy.”[70] Julius cũng trích dẫn các tác phẩm của Thallus khi ông bác bỏ khả năng xảy ra nhật thực: “Hiện tượng trời tối sầm này, trong quyển thứ ba thuộc bộ Sử ký của ông, Thallus gọi là nhật thực, nhưng theo tôi điều này không hợp lý. Bởi vì người Hebrew kỷ niệm lễ vượt qua vào ngày thứ 14 theo mùa trăng, và ngày thương khó của Cứu Chúa chúng ta rơi vào ngày trước lễ vượt qua; hiện tượng nhật thực chỉ xảy ra khi mặt trăng che khuất mặt trời.”[71] Xét theo khía cạnh khoa học, nhật thực xảy ra vào ngày trăng tròn là điều bất khả.[72] Nihau Diogenes được thuật lại đã đưa ra nhận xét, “Hoặc là Đấng Tối cao đau đớn vào thời điểm ấy, hoặc Ngài đồng cảm với ai đó đang gánh chịu nỗi thống khổ ấy.”[73] Nhà biện giáo Cơ Đốc Tertullian viết, “Cũng vào giờ đó, ánh sáng ban ngày bị rút lại khi mặt trời ở đỉnh điểm chói lòa của nó. Bất cứ ai chưa từng biết điều này về Chúa Cơ Đốc đã được tiên báo chắc sẽ nghĩ rằng đó là nhật thực. Nhưng đối với các bạn, thời triệu cho thế giới này vẫn còn được lưu giữ trong tâm trí mình.”[74]

Màn Đền thờ xé đôi, đất rúng động, và các thánh sống lại
Các sách phúc âm đồng quan chép rằng, màn trong đền thờ bị xé đôi từ trên xuống dưới. Theo Josephus, bức màn trong đền thờ do Herod xây dựng ở Jerusalem cao gần 18 m (60 feet) và dầy 100 mm (4 inches). Theo luận giải của tác giả sách Hebrew,[75] bức màn này là biểu tượng cho sự phân cách giữa Thiên Chúa và loài người, chỉ có thầy Thượng tế mới được phép vào đây mỗi năm một lần[76] bước vào sự hiện diện của Thiên Chúa để làm lễ chuộc tội cho dân Israel.[77] Các nhà luận giải Kinh Thánh đều đồng ý với nhau rằng sự kiện bức màn trong đền thờ bị xé đôi là biểu trưng cho phương thức tiếp cận mới, qua cái chết của Chúa Giê-xu, con người có thể đến gần Thiên Chúa.[78]

Theo ghi nhận của Matthew, đã xảy ra những trận động đất, đá lớn vỡ, mồ mả mở ra, nhiều thi thể của các thánh đồ đã qua đời được sống lại (Sau khi Chúa Giê-xu phục sinh, họ ra khỏi mồ mả mà vào thành thánh, hiện ra cho nhiều người).[79]
Các sách phúc âm đồng quan chép rằng quan quản cơ quân đội La Mã đang canh giữ Chúa Giê-xu, chứng kiến những điều này, thì kinh hãi mà nói, "Người này thật là Con Thiên Chúa!"[80] và "Người này quả thật là người công chính!"[81]

Khía cạnh Y học
Có một số giả thuyết sử dụng kiến thức y khoa thế kỷ 20 giải thích những diễn biến trong sự chết của Chúa Giê-xu hình thành bởi các nhà y học, sử gia và ngay cả các nhà thần bí. Hầu hết các giả thuyết được trình bày bởi các chuyên gia y khoa (từ pháp y đến nhãn khoa) đi đến kết luận rằng trước khi chết trên cây thập tự Chúa Giê-xu phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp. Năm 2006, John Scotson điểm hơn 40 ấn phẩm nói về nguyên nhân gây ra cái chết của Chúa Giê-su cũng như xem xét các giả thuyết từ sự vỡ tim đến nghẽn phổi (pulmonary embolism).[82]

Đến đầu năm 1847, dựa vào Phúc âm Giăng 19: 34, bác sĩ William Stroud đưa ra giả thuyết cho rằng vỡ tim là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giê-xu.[83][84] Đã có những thí nghiệm thực hiện trên các tình nguyện viên khỏe mạnh, và nhiều bác sĩ đồng ý rằng bị đóng đinh trên thập tự giá có thể khiến nạn nhân bị ngạt thở. Ảnh hưởng phụ của tình trạng ngạt thở là người bị đóng đinh dần dần thấy khó thở. Điều này có thể giải thích tại sao những lời nói sau cùng của Chúa Giê-xu trên cây thập tự đều là những câu nói ngắn.[85]

Giả thuyết đột quỵ do tim mạch là cách giải thích đang chiếm ưu thế, cho rằng Chúa Giê-xu chết vì đột quỵ. Theo giả thuyết này, do bị roi vọt, đánh đập, và bị treo trên thập tự giá, Chúa Giê-xu bị suy kiệt, mất nước, và chấn thương nặng khiến một số triệu chứng xảy ra cùng một lúc: mất nước, chấn thương toàn thân và các sang chấn (do bị đánh đập trước đó), khó thở, kiệt sức, tất cả các yếu tố này đã khiến ngài bị đột quỵ.[86][87]

Viết trên Tạp chí Hiệp hội Y học Mỹ, bác sĩ William Edwards và các đồng sự ủng hộ giả thuyết cho rằng Chúa Giê-xu chết vì đột quỵ tim mạch và ngạt thở. Họ tin rằng nước chảy ra từ hông của ngài khi bị đâm như được thuật lại trong Phúc âm Giăng 19: 34[88] là dịch màng ngoài tim (pericardial fluid).[89]

Trong tác phẩm The Crucifixion of Jesus (Sự Đóng đinh Chúa Giê-xu), nhà bệnh lý học pháp y Frederick Zugibe cung cấp một số giả thuyết giải thích chi tiết sự đóng đinh, sự đau đớn và cái chết của Chúa Giê-xu.[90][91] Zugibe đã thực hiện các thí nghiệm với những người tình nguyện có cân nặng khác nhau bị treo trong những tư thế khác nhau; ông cho đo lực kéo trên mỗi cánh tay khi chân ở các vị trí khác nhau.

Trong mỗi trường hợp các thí nghiệm chỉ ra rằng lực kéo mà đôi tay phải chịu tương ứng với sự đau đớn tác động trên thân thể nạn nhân là rất lớn.[92]

Pierre Barbet, dược sĩ và là nhà văn khoa học viễn tưởng, triển khai một số giả thuyết miêu tả chi tiết cái chết của Chúa Giê-xu. Theo Barbet, do bị kiệt sức vì ngạt thở, Chúa Giê-xu buộc phải buông lỏng cơ để có thể thốt ra những lời sau cùng, bởi vì nạn nhân phải chịu lực trên đôi bàn chân bị đóng đinh hầu có thể rướn người lên để có đủ hơi thở mà phát âm.[93]

Ý nghĩa Thần học
Trong thần học, Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá nghĩa là ngài gánh chịu sự rủa sả dành cho loài người. Tín lý Heidelberd tin rằng ý nghĩa đặc biệt của sự chết của Chúa Giê-xu, bị đóng đinh trên thập tự giá chứ không phải bởi phương cách nào khác, là để người tin nhận ngài “được bảo chứng rằng Ngài đã gánh chịu sự rủa sả của chính tôi, bởi vì người bị đóng đinh trên cây gỗ là kẻ bị Thiên Chúa rủa sả. (Q&A 39).
Tương tự, Ga-la-ti 3: 13 trích dẫn Phục truyền Luật lệ ký 21: 23 khẳng định rằng "Chúa Cơ Đốc đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã vì chúng ta mà trở nên sự rủa sả – vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ."

Sự Đền tội thay
 

 
      Trên Đồi Sọ, tranh của
    Paolo Veronese, thế kỷ 16
 
Đối với phần lớn tín hữu Cơ Đốc, sự kiện Chúa Giê-xu tự hiến mình đền tội cho nhân loại được xem là một sự tuân phục tuyệt đối, là sinh tế của tình yêu thương đẹp lòng Thiên Chúa.[94][95] Các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo xem sự đền tội thay là ý nghĩa căn cốt của sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá mặc dù vẫn tồn tại một số dị biệt.

Công giáo Rôma chấp nhận giáo thuyết đền tội theo luận giải của Aquinas,[95] theo đó, sự thống khổ của Chúa Giê-xu cung ứng công đức đền bù tội lỗi. Sự đền tội ấy, theo Aquinas, là lớn hơn sự phạm tội của toàn thể nhân loại; từ đó ông xây dựng khái niệm công đức thặng dư mà giáo hội là nơi tồn trữ chúng.[96] Giáo dân cũng cần phải thực thi Acts of Reparation to Jesus Christ,[97] theo tông huấn Miserentissimus Redemptor của Giáo hoàng Pius XI, là “một cách bồi thường cho người bị hại” liên quan đến sự khổ nạn của Chúa Giê-xu.[98] Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi đó là “nỗ lực không ngừng để đứng bên cạnh những thập tự giá vô hạn trên đó Con Thiên Chúa tiếp tục chịu đóng đinh.”[99]

Theo quan điểm Christus Victor, phổ biến rộng rãi trong Chính Thống giáo Đông phương, Thiên Chúa sai Chúa Giê-xu đến để đánh bại Satan và sự chết. Chúa Giê-xu đã đánh bại Satan và sự chết để phục sinh vinh hiển. Vì vậy, loài người không còn bị ở dưới ách của tội lỗi, nhưng được giải phóng để trở nên con dân Thiên Chúa bởi đức tin chấp nhận Chúa.[100]
Sự đền tội, theo quan điểm thần học Kháng Cách, nghĩa là Chúa Cơ Đốc, bởi sự chết hiến tế của ngài, đã nhận sự trừng phạt thế cho tội nhân hầu có thể thỏa mãn đức công chính của Thiên Chúa, nhờ đó con người được tha thứ tội lỗi. Khi nhận lấy hình phạt thay cho tội nhân, Chúa Giê-xu đã thỏa mãn đức công chính của Thiên Chúa để chuộc tội cho những ai tiếp nhận và hiệp một với ngài bởi đức tin.[101]

Theo Luther, sự đền tội thay của Chúa Cơ Đốc là sự tuân phục đối với luật pháp của Thiên Chúa: là đấng Thần Nhân hoàn toàn vô tội, Chúa Giê-xu đã làm trọn luật pháp suốt trong những ngày sống trên đất, và qua sự chết trên cây thập tự, ngài đã gánh chịu sự trừng phạt đời đời của loài người vì họ đã phạm tội.[102]

Calvin dạy rằng theo sự phán xét của Thiên Chúa mọi người đều phạm tội và đáng bị án phạt hư mất đời đời. Song, Con Thiên Chúa đã trở thành người và thay thế con người gánh chịu cơn thịnh nộ khủng khiếp của Thiên Chúa thánh khiết và công chính đối với tội nhân. Ngài “đền tội thay cho những kẻ phạm luật, gánh chịu án phạt dành cho họ.”[103]