Home Đời Sống Tôn Giáo Bức Tường Than Khóc ở Jerusalem

Bức Tường Than Khóc ở Jerusalem PDF Print E-mail
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm / Ảnh: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Năm, 03 Tháng 6 Năm 2010 20:51

Bức Tường Than Khóc (Wailing Wall) hay còn được gọi là Bức Tường Phía Tây (Western Wall) tọa lạc trong thành cổ Jerusalem là địa điểm Thánh tích rất quan trọng

 đối với người Do Thái. Tường bằng đá trắng hơi ngà, hơn nửa chiều cao bức tường kể cả 17 tầng đá phía dưới mặt đường có tuổi từ thời Ngôi Ðền Thứ Nhì được xây vào khoảng năm 19 Trước Công Nguyên (TCN) bởi vua Herod (tiếng Việt âm là Hêrôđê là người xử Chúa Jesus).

Bức Tường Than Khóc của người Do Thái ở Jerusalem 

Những tầng đá còn lại trên tường được xây thêm vào thế kỷ thứ 7 và sau đó.

 Ngày nay Tường Than Khóc được xem như đền thờ Do Thái Giáo lộ thiên dành cho tất cả mọi người tới cầu nguyện hay thăm viếng suốt ngày đêm.

Sau khi viếng nhà thờ Mộ Chúa chúng tôi lên xe buýt của đoàn hành hương để đến Bức Tường Than Khóc nằm cách Mộ Chúa chỉ 600 mét về hướng Tây Nam trong khu vực Do Thái (Jewish Quarter) trong khi nhà thờ Mộ Chúa (Church of the Holy Sepulchre) nằm bên khu vực Thiên Chúa Giáo (Christian Quarter). Xe buýt đoàn hành hương đậu vào bãi đậu xe và cả đoàn 18 người chúng tôi cùng với bà hướng dẫn viên du lịch đi vào quảng trường phía Tây cạnh Bức Tường Than Khóc.

Bức tường cũng bằng loại đá trắng màu ngà cao nghều nghệu phía bên kia tường mái vòm bằng vàng của ngôi đền Hồi giáo Rock Mosque nhô lên óng ánh trong nắng chiều Xuân.

Trước khi bước vào quảng trường đông đảo tín đồ Do Thái Giáo và du khách, mọi người phải qua một bàn kiểm soát của quân đội Israel để xem coi có bom, chất nổ, vũ khí gì hay không?

Lính Israel mặc quân phục người ôm ốm và rất trẻ, có cả nữ quân nhân cũng rất xinh đẹp. Họ vui vẻ, vừa làm nhiệm vụ vừa tự nhiên cười giỡn với nhau.

Tại đây có một thùng để những chiếc mũ tròn bằng giấy của người Do Thái Giáo thường hay đội khi cầu nguyện gọi là “kippah” cho những ai không có mũ thì lấy đội lên đầu trước khi tới Bức Tường Linh Thiêng nhất của Do Thái Giáo. Do Thái Giáo bắt buộc mọi người đến bức tường không được để đầu trần, tức nhiên là phải đội mũ và dễ dàng là mũ gì cũng được và đàn bà nếu không có mũ thì đội khăn nên đoàn chúng tôi mọi người đều có chiếc nón kết màu trắng nên xem như đủ điều kiện, ai thích thì lấy thêm chiếc “kippah” để kỷ niệm.

Ngày xưa phụ nữ không được cầu nguyện ở Bức Tường Than Khóc nhưng ngày nay phụ nữ được bình quyền nhưng họ có khu vực cầu nguyện riêng ở phía Nam.

Những thầy giảng Rabbi cầu nguyện ở bức tường.

Ðến gần bức tường có rất đông người Do Thái đang thành tâm cung kính cầu nguyện, có người đứng với quyển kinh sách để trên giá gỗ trước mặt, có người ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu trắng tay cầm sách kinh và những thầy giảng Rabbi mặc đồ Veste đen, đội mũ đen rộng vành hai tay ôm bức tường lâm râm cầu nguyện.

 Lại có những người lính trong quân phục nhưng đầu đội “kippah” đang quây quần với nhau từng nhóm học kinh thánh hay gì đó.

Nhìn kỹ lên bức tường phía trên cao thấy có những bụi cỏ dại mọc trên đó, phía dưới thấp nơi khoảng hở giữa các tảng đá vuông người ta nhét đầy những mảnh giấy trắng ghi lời cầu xin và hai lần một năm được thu gom hết đem chôn trong Núi Olives.

Lịch sử khu vực Núi Ðền

Bức Tường Than Khóc là bức tường cổ có công dụng chận đất (retaining wall) nằm ở bờ phía Tây Núi Ðền (Temple Mount).

 Núi Ðền được Do Thái Giáo tin là nơi Chúa Trời chọn để thành lập thế gian, thủy tổ loài người là ông Adam được Chúa Trời nắn bằng đất cũng tại nơi đây.

Theo Thánh Kinh Hebrew Núi Ðền cũng là nơi ông Abraham được Chúa Trời thử lòng trung thành bằng cách bảo ông hy sinh con trai mình là Isaac để tế lễ. Ông vâng lời chẳng chút đắn đo, đem con trai Isaac lên núi định giết để tế lễ nhưng Chúa cho thiên thần xuống cản ngăn kịp thời và ông Abraham đã giết con dê tế lễ thay cho con mình.

Núi Ðền cũng là nơi vua Solomon (con của vua David) xây Ngôi Ðền Thứ Nhất vào năm 957 TCN và bị quân Babylon tàn phá năm 586 TCN.

Ngôi Ðền Thứ Nhì được xây năm 516 TCN và bị quân La Mã thiêu rụi năm 70 SCN khi xâm chiếm Jerusalem. Dù bao năm phải sơ tán khắp bốn phương, người Do Thái vẫn giữ truyền thống là sẽ xây lại Ngôi Ðền Thứ Ba là ngôi đền cuối cùng cũng tại nơi này nên mỗi khi cầu nguyện họ hướng về nơi đây.

Vì tính chất linh thiêng nên nhiều người Do Thái không dám lên Núi Ðền sợ quấy rầy chốn các đấng thần linh ngự trị là nơi Thượng Ðế phán truyền trực tiếp mệnh lệnh đến các giáo chủ tối cao của Do Thái giáo. Họ tin vùng núi này còn chứa tảng đá khắc Mười Ðiều Răn (Ten Commandments) đang bị vùi lấp đâu đó dưới đống tro tàn đổ nát của đền thờ bị phá hủy.

Từ bãi đậu xe xuống Bức Tường Than Khóc.

Về phía người Hồi Giáo, Núi Ðền là thánh địa linh thiêng thứ 3 của họ, là nơi giáo chủ Muhammad kết thúc hành trình đến Jerusalem và đã thăng thiên về trời tại nơi đây.

 Vì vậy khi người Hồi chiếm Jerusalem năm 637 SCN, vua Abd al-Malik ibn Marwan đã cho xây đền thờ Rock Mosque tại Núi Ðền với vòm mái bằng vàng và hoàn tất năm 692 như chúng ta thấy ngày nay và là một trong những đền Hồi giáo xưa nhất trên thế giới chỉ sau đền Kaaba ở Thánh địa Mecca thuộc nước Saudi Arabia là nơi trong đời người, tín đồ Hồi Giáo phải hành hương đến đó một lần.

Cả hai Do Thái Giáo và Hồi Giáo đều xem Núi Ðền là Thánh địa linh thiêng nên nơi đây trở thành địa điểm tôn giáo bị tranh chấp chủ quyền nhiều nhất.

Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel đã kiểm soát vùng Ðông Jerusalem trong đó có Núi Ðền khiến khối Hồi Giáo cực lực phản đối và Núi Ðền Jerusalem là “điểm nóng” trong cuộc căng thẳng giữa Israel và người Palestine.

Hiện nay Israel giao quyền quản lý đền thờ Rock Mosque cho một hội đồng Hồi Giáo là Muslim Waqf và để người Hồi không đổ thừa có sự phá hoại từ nước ngoài, Israel ban hành lịnh chỉ có người Hồi giáo được đến cầu nguyện hoặc thăm viếng đền thờ Rock Mosque mà thôi.

Vì lý do đó mặc dù mỗi ngày ở Jerusalem đều nhìn thấy vòm mái vàng lấp lánh của đền thờ Hồi huy hoàng nhưng đoàn chúng tôi không có thăm viếng cũng như không đặt chân tới Núi Ðền. Núi Ðền được xây quanh bằng một vòng tường thành hình chữ nhật, nghĩa là thành nhỏ của đền thờ nằm trong thành lớn Jerusalem và Bức Tường Than Khóc của Do Thái giáo là phần tường phía Tây bên ngoài của vòng tường thành Núi Ðền này.

Lịch sử Bức Tường Than Khóc

Những mảnh giấy ghi lời cầu xin gắn trên bức tường.

Nơi quảng trường chúng tôi đứng là Western Wall Plaza, tổng chiều cao của bức tường từ nền móng là 105 ft. (32 m) với phần lộ thiên nhô lên khỏi mặt đất 62 ft. (19 m).

Bức tường có tất cả 45 tầng đá chồng lên nhau, 28 tầng ở trên mặt đất, còn lại 17 tầng được chôn dưới đất.

Bảy tầng đầu tiên người ta thấy là nguyên thủy được xây từ niên đại vua Herod bằng đá vôi có thể được lấy từ hầm đá ở hang động Zedekiah nằm dưới khu phố Hồi Giáo (Muslim Quarter) hay ở Ramat Shlomo nằm cách 4 km về hướng Tây Bắc thành cổ Jerusalem.

Trung bình mỗi tảng đá hình khối chữ nhật to lớn nặng từ 2 đến 8 tấn và được đục đẻo tinh xảo góc cạnh ngay ngắn. Bốn tầng đá kế tiếp được thêm vào dưới thời vua Hồi Umayyads vào thế kỷ thứ 7. Mười bốn tầng kế tiếp được xây dưới thời Ottoman và 3 tầng trên cùng được xây bởi người Hồi Sunni khi họ cai quản khu thánh địa trước 1967.

Theo Thánh Kinh Do Thái Tanakh, ngôi đền của vua Solomon được xây trên Núi Ðền vào thế kỷ thứ 10 TCN và bị người Babylon tàn phá năm 586 TCN.

 Ngôi Ðền Thứ Hai được hoàn thành vào năm 516 TCN và khoảng năm 19 TCN vua Herod bắt đầu cho mở rộng các công trình ở Núi Ðền nên phải bành trướng diện tích xây dựng bằng cách xây tường chắn và đem đất đá lấp bằng trên Núi Ðền. Công việc kéo dài đến 11 năm và nhờ thời tiết Jerusalem lúc đó chỉ mưa ban đêm nên họ xây dựng tường ban ngày.

Bức Tường Phía Tây ngày nay chính là một phần trong tường chận đất thời Harod. Ngôi đền Harod bị quân lính đế quốc La Mã thiêu rụi cùng lúc với thành Jerusalem vào năm 70 SCN trong cuộc chiến tranh thứ nhất giữa Do Thái và La Mã.

Vào những thế kỷ đầu SCN, quân La Mã cấm người Do Thái cư trú trong thành Jerusalem, thỉnh thoảng chỉ cho họ được phép đến núi Olives hay Núi Ðền để cử hành việc thờ phượng.

 Khi Thiên Chúa Giáo trở thành quốc giáo của La Mã dưới thời vua Constantine I, người Do Thái được phép vào thành mỗi năm một lần trong ngày thứ 9 Tháng Av (theo lịch riêng của người Do Thái) để than khóc về sự mất mát của Ngôi Ðền tại Bức Tường Than Khóc.

Theo ký sự hành hương đi từ Bordeaux của tác giả vô danh viết năm 333 SCN ghi lại rằng: “Người Do Thái đến viếng Tảng Ðá Moriah (Rock of Moriah, tảng đá có một lỗ tròn, cả Do Thái và Hồi Giáo tin rằng là vật thể linh thiêng nhất, hiện tảng đá nằm giữa đền thờ Hồi Giáo Dome of the Rock có mái bằng vàng) mỗi năm và cầu nguyện, kêu than, xé rách y phục và rồi lại ra đi.”


Dừng chân ăn trưa trong cổ thành Jerusalem.

La Mã suy tàn được thay thế bằng đế quốc Byzantine theo Chính Thống Giáo, tiếp đến người Hồi đánh thắng Byzantine vào năm 638, năm 1517 Ottoman chiếm Jerusalem cho đến Ðệ Nhất Thế Chiến.

Trong thời kỳ Ottoman nhiều lần quân Thập Tự Chinh từ Âu Châu tiến sang đánh chiếm.

Luôn bị nước khác xâm chiếm, người Do Thái không có cơ hội làm chủ đất nước của mình phải tha hương lang bạt khắp bốn phương trời, họ không được phép trở về để cầu nguyện nơi đền thờ do Solomon xây dựng, là một trong những tổ phụ của họ được nhắc rất nhiều trong kinh thánh Cựu Ước, là cuốn kinh chỉ Nam của Do Thái giáo là một đạo lâu đời nhất trước cả Thiên Chúa và Hồi Giáo.

Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, Ottoman bại trận bị xóa tên trên bản đố thế giới, người Do Thái trở về đất nước và đất Israel được Hội Quốc Liên giao cho người Anh quản trị nhưng các nhóm Ả Rập kình chống nhau liên tục khiến quân Anh kiểm soát không được phải rút lui, đó là cơ hội ngàn năm muôn thưở người Do Thái đứng lên giành độc lập năm 1948. Cuộc chiến 6 ngày năm 1967 giữa Israel và các nuớc Ả Rập xung quanh, người Israel lấy lý do truy kích quân Jordan, họ tiến sang Ðông Jerusalem lúc đó do Jordan cai trị.

 Khi Liên Hiệp Quốc ra lệnh ngưng bắn, quân đội nước nào ở yên vị trí tại chỗ thì... quân đội Israel đã “lỡ bộ” đóng quân ở Ðông Jerusalem rồi và toàn bộ thánh địa linh thiêng Jerusalem với biết bao nhiêu thánh tích như Mộ Chúa, Núi Ðền, Bức Tường Than Khóc, Núi Olives, Vườn Gếtsimani lại trở về với người Israel.

Bánh xe lịch sử luôn xoay dần, không một đế quốc, quyền lực nào tồn tại lâu dài, lúc thịnh lúc suy, cơ hội đến người Israel biết nắm lấy và họ đã thành công.

Nay đứng trước Bức Tường Than Khóc của người Do Thái, thấy họ thành kính cầu nguyện, người tựa ôm bức tường đá, kẻ cầu nguyện hàng giờ, các thầy giảng Rabbi đứng nghiêm chỉnh gục gật cái đầu trong khi các quân nhân nam nữ mang súng vui đùa. Họ chiến thắng nhưng không ngủ quên trên chiến thắng, họ không tự kiêu về thành tích của mình mà vẫn đến cầu xin cùng Thượng Ðế, biết đâu nhờ đó mà Thượng Ðế ban ơn và dẫn dắt cho họ?

 Nếu không có Thượng Ðế thì niềm tin tôn giáo cũng là sức mạnh giúp họ chiến thắng, nhiều người uống dược thảo vô thưởng vô phạt (chỉ tốn tiền) mà cũng hết bịnh, đó cũng là nhờ niềm tin.

Họ rất tin tưởng nên sau khi cầu nguyện nhiều người gỡ mảnh vụn bức tường, ngắt nhánh cỏ khô mọc trên đá, cung kính gói lại làm lá bùa hộ mạng. Người khác gởi những lời cầu xin viết trên những mảnh giấy trắng nhét vào những khe hở trên bức tường.

Hãng điện thoại Israeli Telephone Company cũng biết cách làm ăn bằng cách mở ra dịch vụ chuyển những điện thư (fax) cầu xin đến bức tường cho những người không đến được thánh địa.

Ngày 26 Tháng Ba, 2000 Ðức Giáo Hoàng John Paul II đặt lá thư của mình trên bức tường và bưu điện Israel đã phát hành tem thư đánh đấu sự kiện này.

Trong Tháng Bảy, 2008 ứng cữ viên Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng đặt lời cầu xin ở đây và nhật báo Maariv in trên báo mình.

Năm 2009 Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI cũng ký thác lời cầu nguyện trên tường và các hãng truyền thông chụp ảnh nội dung và phổ biến trên báo chí. Mỗi năm có hơn 1 triệu mảnh giấy cầu xin gắn nơi đây và được thu nhặt 6 tháng một lần đem chôn trên Núi Olives là nơi ngày xưa Chúa Jesus đã đến cầu nguyện và nghỉ qua đêm.

Những di tích khác liên quan đến cuộc đời Chúa Jesus quan trọng đối với Thiên Chúa giáo nhưng không quan trọng đối với người Do Thái.

 Do Thái giáo gắn liền với kinh thánh Do Thái, xem mình là dân tộc được Thượng Ðế chọn và họ phải giữ mối liên hệ giao ước với Thượng Ðế. Họ tin rằng tổ phụ là ông Adam do Thượng Ðế tạo dựng, sau đó là Abraham, Moses, Noah, David và Solomon. Solomon đã xây đền thờ để hiệp thông cùng Thượng Ðế, nay đền thờ không còn nữa, chỉ còn lại bức tường nguyên thủy ở phía Tây là di tích duy nhất còn sót lại của tổ phụ nên họ rất thành kính đến cầu nguyện, chiêm bái nơi đây.