Home Đời Sống Tôn Giáo Nhìn lại – thấy rõ – để tiến lên!

Nhìn lại – thấy rõ – để tiến lên! PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồ Học-Trần Trung Luận   
Thứ Hai, 07 Tháng 6 Năm 2010 06:38

Các đấng bậc cao trọng của Giáo hội, hàng ngũ linh mục, tu sĩ, giáo dân, những người yêu chuộng công lý sự thật, những người quan tâm cần nhìn lại – thấy rõ – để tiến lên!

 

Nữ Vương Công Lý nhận được bài viết của nhà nghiên cứu xã hội ngoài công giáo Hồ Học – Trần Trung Luận, nhận định về tình hình diễn biến vừa qua với Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đây là quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nữ Vương Công Lý.


TGM Ngô Quang Kiệt chính thức rời sứ vụ, rời giáo phận ra đi đến nay đã gần một tháng. Và cũng với thời gian ấy tân TGM Nguyễn Văn Nhơn đương nhiên và chính thức nắm trong tay cây gậy chủ chăn của cả TGP (lưu ý là cả hai lễ trọng đáng phải có theo thông lệ là lễ chia tay với cựu TGM và lễ nhậm chức của tân TGM đều đã không diễn ra).

Sự việc không đơn giản và cũng không chỉ đơn thuần là việc thay đổi một TGM… Người ta đã thấy rõ mấy chục năm oan khuất tức tưởi dưới chế độ cộng sản vô thần được dồn nén lại trong 2 năm với một dải các biến cố Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm… 2 năm bi tráng và lẫm liệt ấy dồn nén lại trong 2 tháng với chuyến đi chữa bệnh tại Vatican của TGM Ngô Quang Kiệt, hội nghị HĐGMVN tại Bãi Dâu – Vũng Tàu, rồi sự trở về đột ngột của TGM Ngô Quang Kiệt ngay trong ngày đầu diễn ra hội nghị để chuẩn bị, đón đưa người kế vị, thay thế sứ vụ của mình.

Hai tháng bất ngờ, kịch tính ấy dồn nén lại trong một ngày. Ngày 7 tháng 5… ngày thánh lễ tạ ơn – ngày đón tân TGM Phó Nguyễn Văn Nhơn (người kế vị)…

Và sự dồn nén đã nổ bung… Giáo dân phẫn nộ tự phát, theo cách riêng có thể với cả rừng băng rôn khẩu hiệu quanh Nhà thờ Lớn, với một thỉnh nguyện thư 15.000 chữ ký (được tập hợp trong thời gian ngắn nhất) quỳ dâng lên Đức TGM và cấp tốc gửi tới Tòa Thánh Vatican.

Thánh lễ tạ ơn đã diễn ra trong uất ngẹn, tủi hổ… nỗi niềm cay đắng chưa từng có 500 năm qua kể từ khi tôn giáo này bắt rễ đâm chồi trên đất nước Việt Nam… Thánh lễ ấy trở thành cuộc đòi “công lý sự thật” của giáo dân mà người đã lấy đi lại chính là những vị chủ chăn của mình. Trong Thánh lễ ấy, một số linh mục, giáo sĩ đã hành xử với con chiên như công sai của chính quyền hành xử với dân oan đang diễn ra trên khắp nẻo miền đất nước thay vì là hành xử của các thừa sai, các ngôn sứ của Chúa Trời với dân được chọn.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo Giáo hội đã tỏ hoang mang lúng túng, với những nhận định, phát ngôn trái ngược, bất nhất, chỉ cách nhau mấy ngày “một trang sử mới” đã trở thành “một trang sử buồn”.

Và thánh lễ tạ ơn ấy đã là một sự kiện chấn động cả Giáo hội Công giáo Việt Nam, nó đã diễn ra mà hệ quả thấy được lúc này như một “cú hích”, một “bước nhảy lượng tử” đưa toàn cảnh sự kiện (“sự kiện Ngô Quang Kiệt” theo cách gọi của nuvuongcongly.net) sang một cục diện mới, một nấc thang mới, một giao diện mới.

Kể từ đây “tinh thần Ngô Quang Kiệt” là niềm kiêu hãnh, là sức sống riêng có của Giáo phận Hà Nội sẽ đồng hành cùng “hình ảnh Nguyễn Văn Nhơn” với bóng dáng vị chủ chăn già nua luôn cúi mặt, đi tới đâu cũng kéo theo cả rừng băng-rôn, khẩu hiệu tụng ca, đòi trả lại vị chủ chăn tiền nhiệm.

Lễ Chúa Giêsu lên trời, Lễ Hiện xuống, lễ bế giảng năm học tại Đại Chủng viện Cổ Nhuế… và ngày hội ngộ linh mục toàn giáo tỉnh Hà Nội, vị chủ chăn ấy vẫn cúi đầu lầm lũi bước đi, không một lần ngước mắt nhìn những tấm băng-rôn, những con chiên bé mọn khổ đau khát khao công lý sự thật.

Cũng kể từ đây Giáo dân Hà Nội lại can đảm dấn bước trong cuộc lội ngược dòng đẫm nước mắt đi tìm “công lý sự thật” đi tìm “chủ chăn đích thực” với những tấm băng rôn, khẩu hiệu đau xé lòng người “em ngươi đâu?” “hãy trả lại vị chủ chăn đáng kính!” “Tinh thần Ngô Quang Kiệt bất diệt!”…

 

 

Những biểu hiện chưa bao giờ có trong lịch sử 500 năm của giáo hội công giáo


Cục diện đã thay đổi hơn là “một trang sử…” nào đó được mở ra (như nhận định của Giám mục Nguyễn Chí Linh) bởi tất cả mâu thuẫn của sự kiện vẫn còn nguyên, vẫn những bất công dối trá, vẫn những tiếng kêu đòi công lý sự thật  của giáo dân bé mọn, đơn sơ.

Một cục diện mới đã tiến tới chỗ minh bạch hơn, rõ ràng hơn và rất đáng khâm phục cho giáo dân Hà Nội với thỉnh nguyện thư, với băng-rôn, khẩu hiệu đã đẩy cục diện sang hẳn sự phân tranh rõ nét, dứt khoát của chính tà, thiện ác, đúng sai phải trái…

Điều đáng nói trước đây cuộc đấu tranh này là giữa một Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo, Tông truyền với một chế độ chính trị độc tài, lạc hậu và chậm tiến bậc nhất thế giới thì nay lại diễn ra trong lòng Giáo hội ấy, và giữa giáo dân và hàng bậc cao trọng nhất (Hội đồng Giám mục, Tổng Giám mục…) của Giáo hội.

Và điều đáng nói thêm nữa là tất cả từ giáo dân cho tới linh mục, tu sĩ lúc này đây cũng đã quen dần, và chấp nhận cục diện này, một niềm tin mới, một đà tiến mới của sự dấn thân… giáo dân đã thấy được sức mạnh, trách nhiệm của mình với chủ chăn, với Giáo hội, với cái xã hội đầy bất công oan trái, giả dối và bạo lực đang đòi hỏi một cuộc cách mạng triệt để nhất giành lại “công lý sự thật” giành lại nhân phẩm, tự do cho nhân dân, trong đó bao gồm cả các tín hữu công giáo.

Phiên tòa ô nhục xét xử 8 nạn nhân Thái Hà 27/3/2009


Đây là cục diện cần có của cuộc đấu tranh tất yếu giữa công lý và bất công, giữa sự thật và dối trá, một bước cách mạng đồng nhịp, đồng tông của Giáo hội Công giáo với dân tộc, với đất nước… mà trong bài cuộc thương khó bắt đầu, chúng tôi đã tiên báo và nhận định, nhưng cái đau đớn và là tổn thương lớn nhất cho Giáo hội chính là đã có những đấng, bậc, những giáo sĩ danh tiếng đã bước sang phía bên kia của của ranh giới, đã là tác nhân chính cho toàn bộ “sự kiện Ngô Quang Kiệt”. Đây là đặc điểm chính của cục diện mới đã được hình thành này.

Trở lại với điểm đầu của các sự kiện là biến cố Toà Khâm sứ, hay Thái Hà, một câu hỏi được đặt ra là nếu những đất đai, nhà cửa đó không bị biến thành siêu thị, cao ốc, không bị chia chác thành những lô nhà “vàng” cho những “ông chủ đỏ”, những “tập đoàn đỏ” thì liệu có hay không những đêm thắp nến cầu nguyện, những buổi hiệp thông vang vọng “Kinh Hoà Bình” của giáo dân Hà Nội?

Câu trả lời là không có, là không thể bởi lịch sử không thể và không bao giờ quay trở lại để có được phép thử hay trải nghiệm duy nhất đúng nào. Nhưng chắc chắn rằng những buổi thắp nến, hiệp thông cầu nguyện ấy không phải để đòi đất, bằng chứng là: để bảo vệ tiền bạc đã bỏ ra cũng như nguồn lợi khổng lồ sẽ thu được trên hai mảnh đất “vàng” này, giới cầm quyền Hà Nội đã đưa ra những giải pháp rất “cộng sản” trong quá trình đối thoại như “đền bù” hay “chuyển đổi” cho những mảnh đất khác có giá trị tương đương, hoặc cao hơn đối với Toà Khâm Sứ, hay trả lại một nửa hoặc hai phần ba với Thái Hà…

Nhưng lãnh đạo Tổng Giáo phận cũng như Giáo Xứ Thái Hà đã kiên quyết khước từ bởi lẽ đây là tài sản, là mồ hôi nước mắt của cha ông để lại, phục vụ cho việc truyền giáo thiêng liêng cao cả, đã bị cường quyền cưỡng chiếm một cách bất công và gian trá, phải được trả lại vô điều kiện, rồi trên cơ sở đó mới tính tới chuyện đóng góp cho cộng đồng, cho lợi ích xã hội, lợi ích công cộng khác, theo những cách thức khác có thể… Đấy là lý do vì sao hai mảnh đất bỗng chốc biến thành hai công viên vừa vô duyên vừa bất đắc dĩ về quy hoach đô thị, và đây cũng chính là những gì tạo nên “tinh thần Ngô Quang Kiệt” một giá trị tinh thần kết dính giáo dân trong giáo phận thành một khối hiệp thông thống nhất trong những thời điểm cam go nhất.

Những “phiên toà ô nhục” xử 8 giáo dân, những Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm… chỉ là những đòn thù, những cú đánh dằn mặt, những cái bẫy ác độc của giới cầm quyền tạo ra nhằm dập tắt “tinh thần Ngô Quang Kiệt” từ đó, đi bước tiếp theo là biến công viên (vườn công cộng – không còn liên quan tới nhà thờ nữa) thành tài sản riêng của giới cầm quyền với những cái tên mỹ miều “phục vụ dân sinh” “phục vụ lợi ích kinh tế xã hội”…

Nhận định trên đây của chúng tôi có phần nào còn khiên cưỡng, còn là võ đoán… bởi Giáo hội vẫn còn nguyên đó với tám triệu giáo dân với những chủ chăn được nuôi dưỡng, trưởng thành từ một nguồn tinh thần vô uý lẫm liệt của các thánh tử đạo… bởi những “đáng tiếc” những “sai sót” ở chỗ này, đoạn kia là có, nhưng Toà Thánh Vatican sẽ không bao giờ phản bội, hay bỏ rơi một phần thân thể của chính mình khi nhận ra “sai sót” và “đáng tiếc” đó… bởi giới cầm quyền không dám mạo hiểm hơn nữa khi tất cả đã bị phơi bày, cái còn lại trong tay họ chỉ là bạo lực, sử dụng đến bạo lực nghĩa là sự sụp đổ cả thể chế là không tránh khỏi (thật ra chế độ cộng sản lúc này yếu hơn bao giờ hết, chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn vấn đề này trong những bài tới)…

Nhưng chắc chắn việc sẽ lại biến 2 công viên thành những món cổ phần, cổ tức khổng lồ luôn là tham muốn, là âm mưu, là nằm trong toan tính của giới cầm quyền Hà Nội, thế nên mới xảy ra “sự kiện Ngô Quang Kiệt” chấn động cả Giáo hội vừa qua.

Chưa thể khẳng định là “một trang sử” nào được mở ra nhưng rõ ràng cục diện của cuộc đấu tranh đòi “công lý sự thật” đã thay đổi, “công lý sự thật” đã bước thêm một bước mạnh mẽ và dứt khoát hơn, với một giao diện mới đó là diễn ra ngay trong lòng Giáo hội, để có một Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo, Tông truyền, hòa chung vào cuộc đấu tranh đòi “công lý sự thật” của cả dân tộc đang trên đường tiến tới toàn thắng ở ngày mai.

Các đấng bậc cao trọng của Giáo hội, hàng ngũ linh mục, tu sĩ, giáo dân, những người yêu chuộng công lý sự thật, những người quan tâm cần nhìn lại – thấy rõ – để tiến lên!