Home Đời Sống Tôn Giáo Thừa kê và sang đoạt

Thừa kê và sang đoạt PDF Print E-mail
Tác Giả: Túy Nguyệt   
Thứ Bảy, 03 Tháng 7 Năm 2010 08:31
Nuôi con đã khổ, dạy con còn khổ hơn nhiều. Xa rồi cái thời vàng son “sinh voi sinh cỏ”,
ngày nay voi đông hơn cỏ

I. THỪA KẾ:
Một gia đình nọ may mắn sinh ra mười người con. Đi đâu ai cũng khen:
“Ông bà phúc đức quá! Đông con lắm cháu!”. Hai vợ chồng nhà quê này
rất phấn khởi, hân hoan đón nhận lời khen ấy vì thường nghe câu “đông
con nhiều cháu sống ba bốn đời” như kiểu cụ Tôbia ngày xưa chẳng hạn,
sống tới ngũ đại đồng đường. Đây là câu chuyện của nửa thế kỷ trước…
Còn bây giờ, nếu gia đình ấy chuyển dịch múi thời gian xuống năm mươi
năm sau ở thời hiện tại thì… họa nhiều hơn phúc! Nuôi con đã khổ, dạy
con còn khổ hơn nhiều. Xa rồi cái thời vàng son “sinh voi sinh cỏ”,
ngày nay voi đông hơn cỏ, phố xá chật hẹp, người đông của khó nên quan
niệm mỗi thời mỗi khác. Không thể lấy cái xưa áp dụng triệt để vào cái
nay được. Nếu có, thì chỉ ở vài khía cạnh nào đó thôi! Con người cũng
nên tùy vào mỗi thời mỗi lúc để hành xử sao cho phù hợp, nhất là công
cuộc rao giảng Tin Mừng.
Tuy nhiên, Lời Chúa là Lời Hằng Sống, Lời vĩnh cửu, dù cho đất trời
qua đi, một nét phẩy vẫn không sai lệch, điều này người có Đạo ai
cũng thuộc, không phải bàn bạc ở đây. Nhưng, điều quan trọng là Lời
Chúa đang ở tại thế kỷ “hạt nhân và nút bấm”. Con người tin vào khoa
học, nhờ khoa học, sống với khoa học tân kỳ tuyệt đỉnh. Vì mọi nhu cầu
đều có thể giải quyết bằng khoa học: thông tin, y tế, sản xuất, chế
biến, chế tạo và giao lưu ở mức toàn cầu chỉ bằng vài cái bấm nút
hay click chuột. Trẻ con bây giờ chẳng thèm nghe chuyện cổ tích,
chẳng mơ màng gì đến cung tiên cõi thánh, xuất quỷ nhập thần… Vì nó có
thể ngồi một chỗ mà biết hết mọi chuyện, đôi lúc biết cả chuyện “người
lớn” khi chưa đủ tuổi trưởng thành, thật là phúc lắm họa nhiều! Vậy
phải làm gì? Biện pháp nào để tìm cho Thiên Chúa một chỗ dừng chân ở
mặt đất này và mời Ngài ghé thăm từ bọn trẻ đến người già, nói chung
là mọi thành phần, mọi gia đình? Trẻ con ngày xưa quấn quýt theo Chúa
đến mức độ các Tông Đồ cảm thấy khó chịu! Còn trẻ em bây giờ chỉ nghe
nói về một “ông” Chúa kinh khủng, nắm trong tay Thiên Đàng – Hỏa Ngục
đáng sợ vô cùng! Còn người lớn thì quen Chúa qua lời kinh, cầu nguyện
và xin xỏ…
Thế rồi, Thiên Chúa bị đẩy lùi vào quá vãng, như một danh nhân, một kẻ
chỉ vang bóng một thời rồi lịm dần và ngủ yên trong Kinh Thánh. Tại
sao? Câu giải đáp nằm ở đâu? Cũng ví như một cây kiếm quý, hãy xem
phải sử dụng ra sao? Người hiệp sĩ chân chính thì dùng nó để diệt
gian trừ bạo, kẻ bất chính thì cướp của giết người, còn thường nhân
chỉ để chặt củi,thái rau… Cho nên, cách sử dụng báu vật còn tùy
thuộc vào tay người dùng. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một gia
sản của Nước Trời, một kho báu vô giá là con đường Hằng Sống mà cả
trần gian này chẳng kho tàng nào dám sánh! Trong khi đó, mỗi chúng ta
là một thừa kế nhân, vậy chúng ta đã thừa kế được những gì từ nơi Chúa
Giêsu?
Ngay từ thời khởi thủy, khi loài người lần đầu tiên xuất hiện thì dấu
ấn thừa kế ban đầu đã đến với nhân loại qua Adam – Eva và Cain là:
“không vâng lời – tham ăn –và giết người”. Đây là một thừa kế bẩm sinh
rất nguy hiểm mà trong mỗi chúng ta đều sẵn có. Nhưng cái vốn xấu xa
ấy đã được tẩy rửa nhờ máu Chúa Giêsu đổ ra trên Thập giá để cứu
chuộc, thì ta không còn lo sợ về vườn Địa đàng hay Thiên Đàng không
trở lại. Nhưng không phải vì thế mà ta lại ngủ quên trong chiến thắng
mà Chúa Giêsu đã dành lấy cho ta bằng chính mạng sống của Ngài.
Nhìn vào thực tại, chúng ta đang phải trải qua biết bao cơn thử thách
trong cuộc sống. Những cuộc bách hại không định hình, bủa vây khắp mọi
nơi đang diễn ra rất “ngọt ngào”, đẩy ta đến chỗ nghi nan, không phân
biệt phải- trái, đúng- sai, tội- phúc; gây nên thảm trạng mất Đức tin
và cuối cùng là chối bỏ Thiên Chúa ngay khi ta đang là một Kitô hữu.
Cha ông ta ngày xưa ít học, đói rách, nhưng đã làm nên một ca khúc bi
hùng: “Bài ca nghìn trùng”. Còn ngày nay, mỗi lần tưởng nhớ đến cha
ông, ta không khỏi lặng thầm cúi đầu “xin tạ tội”! Phải chăng ta còn
quá yếu đuối, quá chủ quan tin vào cái “tư duy tự do” mang tính chất “
tôn thờ bản thân”, không chịu vươn rộng trí khôn tới chân trời hiểu
biết và khôn ngoan được ban phát bởi Thần Khí và Tình Yêu. Từ
đó, hệ quả của trị số sai lạc lan truyền tự bản thân ảnh hưởng tới thế
hệ trẻ, một thế hệ rất quan trọng cho tương lai Giáo hội, xã hội và
gia tộc.
Nghiệm thử một bài toán đơn giản về giới trẻ ngày nay: Những giọt
nước mắt và mồ hôi của cha mẹ, không còn đủ hiệu lực để tác động đến
tình phụ mẫu thâm sâu nơi những đứa con của họ. Khi ấy, cha mẹ không
còn là thần tượng nữa! Trong khi trào lưu văn minh, văn hóa các kiểu
thu hút đám trẻ, khiến những bậc làm cha làm mẹ đánh mất những đứa con
giữa cuộc đời đầy ngang trái này. Thật vô phương cứu chữa! Đó là nguồn
gốc cái tư duy tự do mà không biết tự chủ của con người…
Nghiệm thử một cái khác: Đó là cái TÔI trong mỗi người hiện nay! Khi
cái TÔI đang ở trong cao trào của sự kiêu hãnh, bảo thủ, cố chấp,
không chịu chấp nhận cái gì khác ngoài sỉ diện, tự ái, thật là cái TÔI
rất nguy hiểm! Ma quỷ thường bám dựa vào đây để tấn công chúng ta. Đó
là ngón đòn gây chia rẽ rất lợi hại, nó đã làm chúng ta xa lìa Thiên
Chúa, xa lìa Địa đàng, làm cho máu kẻ vô tội đổ ra từ Aben. Và rồi kể
từ đó, gia đình, xã hội, Giáo hội đều bị ma quỷ xen vào bằng sự chia
rẽ. Đây là điều đối nghịch với Thiên Chúa vì Chúa chính là sự hiệp
nhất hoàn hảo, hoàn thiện. Vô tình ta đánh mất đi kỳ vọng thừa kế mà
Chúa Giêsu trao cho ta: “Thừa kế sự yêu thương” là một trong nhiều sự
thừa kế khác…
Một điều nữa cũng cần lưu ý tới chính là cái bệnh “cảm xúc”. Ma quỷ
lợi dụng bản chất vốn có của con người là cảm xúc để tấn công vào tư
duy mỗi chúng ta bằng những hình ảnh xấu xa đê tiện đang phổ biến trên
một diện rộng, không rào cản. Nên phải ngăn ngừa một “cái tôi đầy cảm
xúc” của sự tha hóa – dâm dục –hèn mọn –mơn trớn xác thịt . Phải làm
chủ chính mình, nếu muốn thế, phải biết nương tựa vào bàn tay của Chúa
Thánh Thần, ngoài ra phải tập cầu nguyện bằng hình ảnh tốt đẹp siêu
nhiên của Chúa. Có như thế thì hình ảnh xấu xa kia mới bị đẩy lùi. Vì
ở đâu có sự thánh thiện, ở đó có Chúa hiện diện.
Thật vậy, sự thừa kế của ta đã không tốt lành từ ban sơ. Nhưng nhờ máu
của Đức Kitô tẩy rửa, ta được trở nên tốt lành, ta hãy chọn cho mình,
con cháu mình THỪA KẾ một tông giống mới, phát xuất từ Đức Giêsu Kitô,
nhờ công cuộc của Người và sự phục sinh của Người mỗi chúng ta đều
được Phục sinh và nhờ Chúa Thánh Thần ta luôn được đổi mới.
II:SANG ĐOẠT :
Ngoài vấn đề ta được thừa kế gia sản Chúa Giêsu để lại cho ta qua các
Thánh Tông đồ, qua hành trình Đức tin của Giáo hội, các vị chủ chăn,
ta đã sử dụng công cuộc thừa kế đó ra sao? Một khi trong cuộc sống còn
biết bao trăn trở với những khó khăn chúng ta đang phải tiếp cận mỗi
ngày… Lời Chúa như hạt giống đang được triển khai như thế nào: đất khô
cằn sỏi đá hay gai góc, màu mỡ(?) Thời gian cùng với công việc hàng
ngày, cuốn hút chúng ta vội vã, thay nhau vùn vụt như bóng câu ngoài
song cửa! Phải chăng đó là những cánh chim trời thời đại, đang chớp
nhoáng nuốt hết Lời Chúa, để mảnh hồn ta là một khối trơ vơ sỏi đá! Ta
lấy đâu hạt giống mới mà gieo trồng cho mảnh tâm hồn người khác? Ta
đâu thể nào lấy cái mà ta không có để cho ai! Đôi khi, cả cái mà ta
tưởng rằng đó là hạt lúa mẩy, thì không chừng đó lại là hạt lúa lép!
Nếu có gieo trồng và có trổ sinh, thì cũng là giống chết non chết yểu
với sự xói mòn của thời gian. Ôi, cây lúa mỏng manh đang phải chen lấn
với cỏ lùng!
Thật vậy, cũng như cuộc sống của con người, ngày ngày phải đấu tranh
danh lợi và cơm bánh, may mắn vớ được một chuyện lành, thì nơm nớp lo
sợ cả trăm chuyện dữ nó “vành” ở ngoài cửa. Thử hỏi bình an trốn ở nơi
nao, bình an của Chúa lên trời rồi chăng? Không phải thế! Khi ta dọn
mình dự lễ, không thể nào đọc đến câu: “Lỗi tại tôi - lỗi tại tôi…” mà
lại thò tay sang đấm vào ngực ông hàng xóm đang đứng bên cạnh, mà phải
đấm vào ngực mình. Vì thế, chẳng nên đổ lỗi cho một ai khác ngoài bản
thân mình và cũng đừng bao giờ đoạt cái của người khác mà lại bảo là
của mình… Sự thật mới là tất cả, vì sự thật là nền tảng của cán cân
công lý. Gần đây nhất, có một vị chủ chăn nói rằng: “Phải có một can
đảm lớn - để nghe một sự thật nhỏ”. Câu nói của Ngài cũng là một lời
giáo dục có giá trị để tôn vinh sự thật.
Sự thật muốn nói ở đây là niềm thao thức về cách đem Lời Chúa cho
người khác. Đây là một kế hoạch, không thể coi thường hay chỉ miệt mài
cách máy móc thì sẽ phí sức, tốn công, hiệu quả ít… Như hiện nay, trên
quê hương mình tỉ lệ người có đạo còn rất thấp, dưới mức trung bình
rất xa (8%). Có khi nào trong một khoảnh khắc riêng tư, ta tự hỏi:
“Sao ít người theo đạo vậy? Cả xóm chỉ mình tôi có đạo? Cả làng tôi,
chỉ mỗi mình tôi có bạn đời là tân tòng… Bỗng dưng, dạo này bạn đời
tôi lơ là đạo đức vì bạn tôi bất mãn một người “đạo gốc” nọ gian lận,
ăn chơi, bê tha… Rồi bỗng dưng một bà kia, vô tình chửi đổng một câu:
“Tụi đạo Chúa nó ác lắm! Mày cưới ai cũng được, phải kiêng mấy đứa đó
ra!”
Nghe mấy lời đó: Giận ư? - Không hiệu quả! Tự ái ư? - Càng thất bại!
Hét lên biện hộ ư? - Tầm bậy, càng rắc rối to! Phải làm sao? Hãy trả
lời: - Đúng vậy! Còn hơn cả thế đấy! Ta không lên án ta hay lên án ai,
nhưng ta chân nhận rằng: Ta có lỗi với Chúa, và thất đức với anh em,
làm cho anh em đứng ngoài cửa Thiên Đàng và ta đã dành lấy cái chìa
khóa của Thánh Phêrô mà không cho ai vào… Ôi! Đi khắp thế gian rao
giảng Lời Chúa mà lại đóng cửa Thiên Đàng ư? Ngày nay, bổn phận rao
giảng là của mỗi người, không thể ỷ lại vào các vị chủ chăn. Chúng ta
là giáo dân “quân đông hơn tướng” cứ lo sống buông thả, không biết
vâng lời, giữ luật Chúa, rồi đổ lỗi cho Bề Trên giảng đạo không tốt là
bất công và ác độc! Nên muốn cho Lời Chúa triển nở, điều quan trọng là
ta tự ý thức sửa sai, để Đức Kitô trong bản thân ta được nổi bật với
một phong cách rất Giêsu: “Hiền hậu, khiêm nhường, tử tế”. Sau đó, mới
nói tới chuyện rao giảng Lời Chúa. Vì nguyên tắc chung “mến người mới
mến cảnh”, yêu quý ai thì tin lời người đó! Chẳng ai dại gì mà tin lời
nói suông, khi lời ấy đem lại ơn Cứu độ. Vì thế, lời nói cần có sự
minh chứng, mà mỗi Kytô hữu phải là một chứng nhân. Đó là vấn đề cần
suy nghĩ, có “Tri kỷ - tri bỉ” mới biết được đạo lý Thắng- Thua, Mất-
Còn thế nào !
Nguyên nhân dẫn đến ngày càng ít người ham học hỏi Lời Chúa, để Lời
Chúa bị lãng quên, hờ hững, xa cách, ít được quan tâm nơi người có đạo
và khó gieo rắc cho người ngoại đạo, là do chính chúng ta: các gia
đình Công giáo. Trách nhiệm gương sáng đạo đức nơi các gia đình chưa
đủ sức thuyết phục người ngoại đạo và cá nhân mỗi chúng ta trong giao
tế đời thường cũng không đủ làm gương sáng cho anh em, cho nên họ ác
cảm với Chúa vì chúng ta! Ơn kêu gọi cũng từ đó ít đi từ các gia đình…
Một khi bản thân ta chưa đủ ý thức mà nói Lời Chúa thì rất khó tác
động đến người nghe. Ngoài ra, cũng có những khi ta nói về Lời Chúa
thì ít, mà đề cao “cái tôi ích kỷ” của mình thì nhiều. Có những khi
trình bày diễn đạt, ta chỉ chú trọng đến những ngôn từ, mổ xẻ sâu sắc
mà quên hẳn người sáng tác ra bài học đó chỉ giảng dạy bình dân với
những hình ảnh rất dung dị đời thường rất dễ nghe dễ hiểu như: ông chủ
- đầy tớ , tiệc cưới với kẻ khôn - người dại, chủ chăn và đàn chiên,
bà góa – quan tòa, cánh đồng - thợ gặt… Vậy mà khi rao giảng, ta lại
lấy Lời Chúa để mặc vào thân phận của ta mà giãi bày, ta vận dụng mọi
lời lẽ kể cả ý riêng mình thì nhiều mà cốt lõi căn bản Lời Hằng Sống
thì ít, mặc dù vẫn giữ nguyên bản không sai một dấu phẩy, nhưng diễn
đạt thì lại là “cái tôi danh dự” thay chúa Giêsu. Ta quên mất, ta là
kẻ làm công cho chủ, vô tình ta lại làm chủ, còn Chúa Giêsu bị bỏ rơi!
Khi ta nói rất hay về ngôn ngữ và hình thái, người nghe họ rất thích,
họ hoan nghênh, ta lại cảm thấy phấn khởi mừng rỡ… Vô tình, ta rơi vào
thảm trạng “Bị người khác khen ta –không phải khen Chúa!”.
Những điều như thế cứ lâu dần sẽ thành thói quen, rồi người này học
hỏi người khác, mạnh ai nấy rao giảng theo kiểu cách riêng tư không
còn nhớ đến Đấng sáng lập. Và từ đó, Lời Chúa bị lai tạp “qua phong
cách cá nhân”, không phải phong cách Giêsu, nên cuối cùng kẻ nghe
không biết theo đường nào. Vì mỗi người đem “cái tôi” của mình để
trình bày Lời Chúa, sau đó cái gương sống đạo của mình… Thử hỏi, người
nghe họ cho mình là thần tượng, vì họ chỉ tin tưởng ta mà nghe ta, họ
chẳng biết gì về Chúa! Nên khi thần tượng trong họ bị đổ vỡ, Lời Chúa
trong lòng họ cũng không còn giá trị. Cả một chuỗi dài như vậy , sẽ
gây ra hội chứng Lời Chúa bị người khác không chú tâm học hỏi, xem
nhẹ, lơ là, xao lãng… Vô tình, ta mắc sai phạm :
-Sang đoạt Lời Chúa
-Sang đoạt danh dự của Chúa
-Sang đoạt công trình Cứu Độ của Chúa
Nhìn vào cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài không sang
đoạt bất cứ điều gì! Hãy nghe Ngài nói: “Ta không tự mình làm được
việc gì. Ta nghe thể nào xét đoán thể ấy mà việc phán đoán của Ta công
minh; vì Ta không theo ý Ta chỉ theo tôn ý Đấng sai Ta thôi.” (Gioan
5-30)
Qua lời nói trên, Chúa Giêsu một mực tôn vinh Thiên Chúa Cha. Ngài
không sang đoạt danh dự của cha Ngài.
Chúa Giêsu không sang đoạt danh dự của Môisê và các Ngôn sứ, Ngài nói:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisê hoặc lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5-17)
Chúa Giêsu đã thừa kế công việc của Cha Ngài: “Ta nói thật với các
ngươi: con chẳng tự mình làm được việc gì, mà chỉ làm được những việc
thấy cha làm mà thôi!”
Chúa Giêsu đã thừa kế công cuộc cứu độ từ nơi cha Ngài cách trọn hảo
để chịu chết mà chuộc tội cho chúng ta .
Trên đây chỉ là đôi nét viết về Đức Kitô, bút mực nào ghi cho đủ, lòng
trí nào suy cho cùng! Chỉ cầu mong hạt cát nhỏ trong sa mạc cũng được
theo dấu chân Người.