Home Đời Sống Tôn Giáo Đài BBC phỏng vấn LM Huỳnh Công Minh về việc ngoại giao giữa Vatican và VN

Đài BBC phỏng vấn LM Huỳnh Công Minh về việc ngoại giao giữa Vatican và VN PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Kim Pham   
Thứ Bảy, 10 Tháng 7 Năm 2010 06:52

Chúng tôi nghĩ mình không biết mà cứ nghe bên ngoài nói thì cứ như là tin đồn, nhưng mà nếu bây giờ ví dụ đài BBC nói đã có chuyện Tòa thánh sẽ bổ nhiệm một người đại diện thường trực ở Việt Nam thì chắc bên ngoài có tin tức mà tại đây bản thân tôi rõ ràng tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này, hoàn toàn mù tịt.

Về ngoại giao Vatican và Hà Nội

 
 Đức Giáo hoàng sẽ bổ nhiệm 'đại diện không thường trú' của Toà Thánh ở Việt Nam
Giới Công giáo trong và ngoài nước tiếp tục tìm hiểu tin về vị đại diện không thường trực của Vatican ở Việt Nam mà hiện chưa rõ là ai, trong khi linh mục Huỳnh Công Minh từ Sài Gòn thắc mắc về những điều "không được báo trước".

Sau khi tin loan ra từ Vatican hôm cuối tuần qua rằng Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ bổ nhiệm Bấmđại diện không thường trực ở Việt Nam, bước tiến tới trong quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương, nhiều chi tiết về thoả thuận này vẫn chưa được công bố.

Sau cuộc họp của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican kết thúc tại Roma với trưởng phái đoàn từ Hà Nội là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, hai bên thỏa thuận sẽ thúc đẩy ḥội đàm tiến tới lập quan hệ ngoại giao.

Giám đốc đài Vatican, linh mục dòng Tên, Federico Lombardi được trích lời gọi đây là "một bước tiến rất chắc chắn hướng về quan hệ ngoại giao".

Ông cũng nói người đại diện này sẽ được phép tới Việt Nam, tuy các chi tiết vẫn còn được hai bên tiếp tục bàn thảo.

Trong khi đó, một số bình luận trên các trang ngoài nước tin khó có chuyển biến gì rõ rệt trong quan hệ với Vatican trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đầu 2011.

Việc bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Nhơn Bấmthay cho Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt của Hà Nội, người bị chính quyền chỉ trích sau đợt giáo dân biểu tình đòi đất năm 2008 vẫn tạo tâm lý lo ngại về việc đàm phán chỉ giữa Toà Thánh và chính quyền Việt Nam.

Còn theo trang tiếng Anh Asia Times trong bài hôm 28/6,"Các giám mục của 26 giáo phận và cả Hội đồng Giám mục ở Việt Nam không có tiếng nói gì trong cuộc họp" giữa Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam ở Roma thời gian qua.

Cũng chưa ai rõ vị đại diện này sẽ là người nước nào, làm việc thế nào với Hà Nội và các giám mục Việt Nam.

Bản tiếng Anh nói tư cách "non-resident" cũng có nghĩa là không thường trú, hàm ý vị đó sẽ không đến ở Việt Nam.

Nhưng giữa Vatican và Hà Nội đã có cả chục chuyến thăm viếng cao cấp từ nhiều năm qua mà mục tiêu bình thường hóa quan hệ vẫn chưa đạt được.

Phản ánh tâm trạng này, Linh mục Huỳnh Công Minh, trợ tá cho Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn nói với BBC:

"Về phần tôi, tôi chưa biết gì cả về việc có văn phòng thường trực hay có người làm đại diện không thường trực của Tòa thánh tại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không biết, và những người tôi gặp: linh mục, tu sỹ, giáo dân cũng hoàn toàn không biết."

"Thậm chí sáng nay (29/6/2010) tôi gặp Đức Hồng y, Đức Hồng y cũng không tỏ vẻ gì là biết về vấn đề này. Điều đó làm chúng tôi rất thắc mắc."

 
 Đặc sứ của Vatican, Đức ông Petro Parolin
và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc
Cường họp tại Hà Nội tháng 2/2009
"Chúng tôi nghĩ mình không biết mà cứ nghe bên ngoài nói thì cứ như là tin đồn, nhưng mà nếu bây giờ ví dụ đài BBC nói đã có chuyện Tòa thánh sẽ bổ nhiệm một người đại diện thường trực ở Việt Nam thì chắc bên ngoài có tin tức mà tại đây bản thân tôi rõ ràng tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này, hoàn toàn mù tịt."

BBC: Thưa cha, chuyện này cho thấy điều gì về quan hệ giữa Vatican và các giám mục Việt Nam?

LM Huỳnh Công Minh: Riêng bản thân tôi thì tôi rất thắc mắc. Cũng có thể đây là lần đầu tiên tại nước Việt Nam mình - kể cả thời trước 75 Tòa thánh vẫn không có quan hệ ngoại giao với chính phủ VN Cộng hòa, dù có một vị Khâm sứ nhưng vị Khâm sứ đó là lo chuyện đạo chứ không phải lo chuyện như bây giờ - có vấn đề ngoại giao giữa Bộ Ngoại giao VN với Bộ Ngoại giao của nước Vatican.

Trong mối quan hệ đang xúc tiến hiện nay về ngoại giao thì đối với chúng tôi đây là vấn đề hoàn toàn mới, cho nên tôi cũng không dám có ‎ý kiến. Vấn đề mới mình không biết thì mình chờ. Nhưng mà rõ ràng tôi cũng thắc mắc.

Dầu muốn dầu không, vấn đề ngoại giao của nước Vatican cũng nằm trong vấn đề Giáo hội. Không thể nào mà ngành ngoại giao của nước Vatican không ảnh hưởng đến vấn đề Giáo hội tại Việt Nam.

Thế mà tôi vẫn có cảm tưởng là với tư cách là Hội đồng Giám mục, mà người cũng có vị trí và cũng là cố vấn của Đức Giáo hoàng là Đức Hồng y - trong Hồng y đoàn là cố vấn của Đức Giáo hoàng - mà Đức Hồng y của chúng tôi rõ ràng sáng nay mới đặt vấn đề là có chuyện văn phòng là cái gì?

Chúng tôi mong có cách nào để các vị giám mục của VN trực tiếp liên hệ với Tòa thánh Vatican, không thông qua những trung gian, thì điều đó mới giải tỏa được.

LM Huỳnh Công Minh
Và chuyện cắt cử một đại diện của Bộ Ngoại giao của nước Vatican thì đáng lý ra cũng phải có sự trao đổi, thì rõ ràng đây là vấn đề mà chúng tôi rất thắc mắc.

Và có khi là đặt vấn đề giữa hai chính phủ thì bên chính phủ Việt Nam có thể có tin tức nội bộ người ta thông báo cho nhau, còn bên Giáo hội VN thì không biết là Tòa thánh có hỏi người này người kia không thì mình không biết. Nhưng tại thành phố này thì Đức Hồng y là một người có vị trí cao trong Giáo hội ở VN mà cũng là có vai trò đối với Đức Giáo hoàng, là người cố vấn gần nhất trong Hồng y đoàn, mà chính Hồng y của chúng tôi cũng không biết gì về chuyện mở văn phòng rồi có người đại diện…

BBC:Thưa cha, thế các giáo sĩ cũng như tín đồ ở Việt Nam mong đợi gì từ vị đại diện không thường trực của Vatican?

LM Huỳnh Công Minh: Chúng tôi mong đợi là chuyện này dù có gì thì cũng trao đổi với chúng tôi, vì liên hệ, dầu là liên hệ với nước Việt Nam thì chúng tôi đang sống trong nước VN, thì cũng phải có liên hệ với chúng tôi, chúng tôi cũng phải được thông báo, được trao đổi.

Dĩ nhiên là chúng tôi cũng mong có mối quan hệ ngoại giao giữa nước Vatican và nước Việt Nam, là điều chúng tôi rất mong. Nhưng mà mong thế nào để nó có lợi cho nước nhưng mà cũng có lợi cho Giáo hội tại VN này, và lợi chung cho Giáo hội toàn cầu.

Đối với cách làm việc, ngay như đối với chính phủ hiện nay, qua thái độ của chính phủ hiện nay trong vấn đề với Giáo hội, thì không rõ ràng. Tôi dám quả quyết điều đó.

Những điều Vatican trao đổi với chính phủ, thì chúng tôi được biết sau này, có những điều Vatican yêu cầu chính phủ nhưng chính phủ không làm và chúng tôi cũng không biết. Bởi vì chúng tôi không được thông báo trước, để đòi hỏi, rồi có những chuyện phải rõ ràng chứ?

 
 Giáo Hoàng Benedict XVI tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến
thăm đến Vatican cuối năm 2009

BBC:Thưa cha, như thế có thể nói là các giáo sĩ và giáo dân Việt Nam thất vọng về chuyện không được biết thực chất của chuyến làm việc vừa rồi, cũng như chuyện cắt cử vị đại diện không thường trực sắp tới?

LM Huỳnh Công Minh: Vâng, thì chúng tôi chỉ có nói là chúng tôi rất là bức xúc, rất buồn, chứ chúng tôi cũng không dám trách. Mình bé nhỏ, mình chẳng dám trách ai. Thế nhưng mà chúng tôi cảm thấy buồn.

Trong toàn cảnh hiện tại, người trong cuộc là chúng tôi cảm thấy rất buồn.

BBC: Với tình hình như vậy, theo cha, vị đại diện không thường trực sắp tới liệu có giúp Vatican hiểu được tiếng nói thực chất của các tín đồ cũng như giáo sĩ ở Việt Nam?

LM Huỳnh Công Minh: Với cách thể hiện cho tới bây giờ thì chúng tôi cũng không có hi vọng gì, vì ngay tiến trình để làm thì ít nữa tôi chỉ dựa vào Đức Hồng y ở đây. Rõ ràng là chúng tôi không thể chờ đợi gì ở người sẽ được là đại diện không thường trực.

Chúng rất mong mối quan hệ như thế nào đó nó cũng giải tỏa được nhiều thứ. Nhưng mà chúng tôi cũng phải nói quan hệ ngoại giao trong nghĩa nào đó, trong hoàn cảnh thực tế của VN hiện tại, của chính phủ VN hiện tại, thì có vẻ nó rất bất lợi cho giáo hội VN, hơn là có lợi cho giáo hội VN, mà cũng sẽ bất lợi cho nước VN, dân tộc VN.

BBC:Trong các bình luận của quốc tế vừa qua, cũng có nhận xét cho là mặc dù đây có thể là bước tiến ngoại giao nhưng nó lại làm yếu đi vai trò của các giám mục ở VN thì cha có đồng ý với ý kiến này?

LM Huỳnh Công Minh: Vâng, tôi cũng có cảm tưởng như vậy.

BBC: Thưa cha, chuyện này cho thấy liệu Vatican có hiểu được nội tình của Giáo hội Việt Nam bây giờ không?

LM Huỳnh Công Minh: Qua chuyện vừa rồi, tôi nghĩ có thể là thế này: những vị có trách nhiệm lớn trong Giáo hội của chúng tôi ở tại Vatican, Đức Giáo hoàng, các vị Hồng y đứng đầu các bộ trong Giáo triều thì tôi nghĩ các vị đó vẫn muốn phục vụ cho lợi ích chung của Giáo hội và lợi ích của Giáo hội tại VN.

Họ cũng muốn lợi ích của Giáo hội toàn cầu và lợi ích của Giáo hội VN nó liên hệ đến lợi ích của toàn xã hội, trên thế giới cũng như tại VN. Chúng tôi tin điều đó.

Nhưng mà các vị đó làm thế nào để biết hoàn cảnh của chúng tôi tại VN? Phải thông qua người giúp việc. Thì bộ phận trung gian này, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề.

Cho nên chúng tôi mong rằng có cách nào để các vị giám mục của VN trực tiếp liên hệ với Tòa thánh Vatican, không thông qua những trung gian, thì điều đó mới giải tỏa được.

Hiện nay, vai trò của giám mục được xác định là người kế vị các thánh tông đồ, và trong các thánh tông đồ thì Đức Giáo hoàng cũng là kế vị vị tông đồ đứng đầu là thánh Phedro, nhưng cũng là kế vị một tông đồ. Các giám mục cũng là những người kế vị các thánh tông đồ, thì đồng trách nhiệm với nhau, chứ không phải cấp dưới. Hệ thống tổ chức của Giáo hội là như vậy.

Thế mà thực tế cho thấy như thể những người trung gian ngăn cản mối quan hệ trực tiếp giữa các giám mục và chính những người đứng đầu tại Tòa thánh Vatican.