Home Đời Sống Tôn Giáo Đời Tu Thế Kỷ 21

Đời Tu Thế Kỷ 21 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lm Phạm Quang OP   
Thứ Tư, 21 Tháng 7 Năm 2010 14:30

Bước tiếp theo cho các tu sĩ nam nữ của thời đại này, sẽ là trở nên những môn đệ vô điều kiện, bám rễ trong một đức tin sâu xa và một cuộc dấn thân hai chiều: dấn thân trong một linh đạo chắc chắn, song linh đạo này lại gắn bó chặt chẽ với một chương trình xã hội là chính sứ vụ của Đức Giêsu.


SÁNG TẠO CÁI MỚI
“Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”
 

 
Khi dân chúng rời bỏ Aicập tiến về Canaan, là vùng đất đã được hứa cho họ, thì họ đã được kêu gọi tiến lên trước, đi vào trong xứ sở này, và chiếm lấy nó. Thực hiện bước này đòi hỏi một sự trả giá, cái giá là bước đi trong niềm tin, không hề được bảo đảm về điều có thể xảy ra hoặc về thành công để chiết khấu. Dân chúng buộc phải có một dấn thân triệt để cho một tương lai mà họ chỉ mới có thể hiểu sơ sơ, một tương lai ở đó tràn trề “sữa và mật”, song cũng lại là một bấp bênh lớn lao. Thế hệ này đã chọn lựa không bước đi về phía trước, không nhận lấy rủi ro của điều chưa được biết, không tin tưởng vào tình yêu và điều khuyến dụ của Thiên Chúa. Nhưng khi làm thế, những con người này lại không còn khả năng quay lui được nữa.  Họ không có thể trở về với một cuộc đời nô lệ. Con đường đã đóng lại cho họ. Sau khi đã chọn lựa không tiến lên phía trước, họ bị kết án phải lang thang trong hoang địa trong vòng bốn mươi năm trường, cho đến khi các thế hệ cứng lòng tin chết sạch. Không một ai trong số họ có được vận may thứ hai để đi vào đất hứa.

Là môn đệ vô điều kiện
Bước tiếp theo cho các tu sĩ nam nữ của thời đại này, sẽ là trở nên những môn đệ vô điều kiện, bám rễ trong một đức tin sâu xa và một cuộc dấn thân hai chiều: dấn thân trong một linh đạo chắc chắn, song linh đạo này lại gắn bó chặt chẽ với một chương trình xã hội là chính sứ vụ của Đức Giêsu. Nững giai đoạn đầu tiên của thời kỳ mới mẻ này đã là hiển nhiên trong một ước muốn đang lớn dần và một việc tìm kiếm nền linh đạo cá nhân cũng như tập thể, và trong ý chí muốn đổi thay khung cảnh chính trị, xã hội và kinh tế của thế giới. Việc gặp gỡ hai thực tại đó thì tạo nên “điểm đồng quy thần học… sẽ được diễn tả qua việc chú trọng đến Đức Giêsu và đến lời công bố triệt để của Người về Nước Thiên Chúa… Trong lòng đức tin Kitô giáo đã sẵn có cuộc nhập thể Thiên Chúa làm người giữa những người nghèo và những người sống bên lề xã hội” (Westmoreland – White, 1994,p.30).

Hai thực tại trên, các tu sĩ nam nữ, xét theo cá nhân hay tập thể, phải ong bằng cách phối hợp cả hai. Chỉ khai triển một linh đạo sâu sắc và phong phú hoặc chỉ dấn thân triệt để cho công bằng xã hội, thì chưa đủ. Hai yếu tố này gắn bó chặt chẽ với nhau đến nỗi người ta không thể quan niệm chúng riêng biệt được. Xa rồi những thời kỳ mà người ta toan tính chọn lựa giữa linh đạo và công bằng, giữa cộng đoàn và sứ vụ, giữa cầu nguyện và tác vụ; những ngày đó coi như đã chết và bị chôn vùi cùng với những vết tích của thời xa xưa. Nói cho tốt hơn, đó là việc phân chia không có nền tảng thực tế và nói dở hơn, điều đó cho thấy một việc không am tường trầm trọng về bản chất đời sống thánh hiến.

Wesmoreland White và nhiều người khác suy nghĩ về cuộc đời của Dietrich Bonhoeffer và Martin Luther King, Jr., coi đó như kiểu mẫu về cuộc đời một môn đệ không điều kiện.
nhận biết rằng việc tôn thờ đích thực và linh đạo Kitô giáo tách rời người Kitô hữu ra khỏi bối cảnh trần tục và hướng họ về nỗi đau khổ và sự dữ của thế giới… Không một ai trong hai vị tử đạo hiện đại trên lại đã tách rời linh đạo với hoạt động xã hội. Đời sống cầu nguyện đã làm cho họ dấn thân sâu xa hơn trong một cuộc đấu tranh cho công lý trong thế giới. Và cuộc đấu tranh cho công lý của họ đã dìm họ ngập sâu hơn trong nguyện cầu. (p.30)
Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đi vào chỗ vắng để cầu nguyện và suy tư, song khi công bố sứ vụ, Người đã diễn tả rõ ràng mối liên hệ giữa “mến Chúa” và “yêu người lân cận.”

Một linh đạo kinh thánh
Đâu là bản chất của thứ linh đạo trọng điểm trong những thời kỳ sắp tới, những thời của lòng trắc ẩn? Rõ ràng, đó sẽ là một linh đạo đặt trọng tâm nơi Đức Giêsu, theo ý nghĩa là sứ vụ của Đức Giêsu, từng khởi hứng cho chúng ta, thì cũng đưa chúng ta đến việc hiểu biết tốt hơn nữa về Chúa Giêsu và về sứ điệp của Người. Đó không phải là một kiểu thân mật với Đức Giêsu mà một người bạn đã ám chỉ khi anh ta đưa ra một quan niệm đầy tình cảm và trữ tình về chuyện đó. Đúng ta, đó là hướng trọn về Đức Giêsu để xem xét những khía cạnh nhân loại và thần thiêng trong cuộc sống cũng như những hành động của Người, được nối kết chặt chẽ với sứ điệp mà Người để lại cho ta. Vậy là nói về việc thương nhau, xóa bỏ những xiềng xích bất công, dám liều, dám chấp nhận đi đến cùng đường và trả giá cho một cuộc dấn thân toàn diện.

Tập trung vào Đức Giêsu, linh đạo của ta lại càng dựa vào Sách Thánh. Một sự thích thú lớn lao đối với Sách Thánh trong những năm gần đây phải được coi là thuần túy mang tính trí thức hơn là để hội nhập vào cuộc đời ta. Sách Thánh không chỉ là một tuyển tập đáng kể những trước tác, những trình thuật và những khuyến dụ; đó cũng còn là một phương tiện để đào sâu nhận thức của ta, dấn thân của ta và ước muốn của ta đi theo Đức Giêsu. Như vậy, Sách Thánh sẽ biến chuyển từ một cuộc truy tầm trí thức đến một thực tại hội nhập sâu thẳm của toàn thể tính của cuộc đời ta, trong tất cả mọi dáng vẻ của nó. Để cho điều đó diễn ra, chúng ta cần một tinh tần chiêm niệm sâu thẳm, một tinh thần cởi mở cho Thiên Chúa, cởi mở cho thế giới, sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng trả lời. Đó là một tinh thần chiêm niệm sống trong thế giới thực sự.

Thảng hoặc lui về để tĩnh tâm hoặc để suy nghĩ một thời gian, điều này sẽ giúp phát triển và duy trì phần chiêm niệm của con người chúng ta. Song để giữ được sinh lực trong ta, tinh thần này phải đứng vững giữa trần thế, giữa hoạt động mà sứ vụ chúng ta đòi hỏi, giữa những con người mà chúng ta sống và làm việc với họ và cho họ. Như vậy, đó không phải là sự chiêm niệm của nếp sống nội vi, song là sự chiêm niệm ở ngoài công trường. Người ta kể lại rằng, một ngày kia Đức Giêsu vượt qua biển Galilê để hướng nếm một trong những khoảng khắc an bình và trầm tư. Nhưng khi Người đến đó, thì năm ngàn con người đã ở đó, đang chờ đợi Người. Người bèn nói với họ, đề nghị với họ những mối phúc thật và cho họ ăn! Đó là tinh thần chiêm niệm ở nơi công trường.

Linh đạo của chúng ta, mặc dù đã ổn định và được bồi dưỡng, vẫn phải hiện diện và gắn bó toàn vẹn với cộng đoàn của ta, với sứ vụ và những tác vụ của ta. Tách rời cầu nguyện và làm việc, thì chỉ là chuyện giả tạo và sinh tai hại. Linh đạo của thời tương lai phải nằm trong những thời gian cô độc và những thời gian hiệp thông, nằm trong tâm tư của ta và trong những công việc của ta, trong những lời ta nói và trong những việc ta làm. Parker Palmer cho rằng hoạt động và chiêm niệm thì không tách rời song làm nên những thành phần của nhau:

Tôi gọi hoạt động là bất kỳ phương tiện nào để đồng sáng tạo thực tại cùng với những hữu thể khác và với Chúa Thánh Thần… Tôi gọi chiêm niệm là bất cứ phương tiện nào có thể vạch trần những ảo tưởng đang trình diện như những thực tại, và mặc khải được thực tại đằng sau những che đậy. (1990, p.17)

Chết và tái sinh
Làm thế nào chúng ta có thể tiến về Canaan? Đâu là cái giá phải trả, những rào cản phải phá hủy, những nỗi lo sợ phải đối đầu và chiến thắng? Ngày hôm nay, “là một môn đệ không điều kiện” có nghĩa thế nào cho chúng ta, những tu sĩ nam nữ đang hướng về thế kỷ XXI và về những hình thức tu trì mới? Trước hết, chúng ta phải chấp nhận sống trong bất trắc, bởi vì cho dù chúng ta giờ đây nhìn thấy nhiều yếu tố mà ta tin rằng chúng sẽ là thành phần của tương lai sắp tới, song chúng ta lại không biết được tương lai thực sự sẽ ra sao. Cho dù chúng ta có nhiều ý tưởng về những cuộc đổi thay đổi dạng thức và về cách thức mà chúng ta biến mình, song chúng ta lại không chắc chắn được điều gì hết về chúng. Ít nhất có một điều mà chúng ta học được kể từ lúc khởi đầu cuộc canh tân hậu Công đồng, đó là sự thay đổi thì không thể tránh khỏi. Chúng ta không hề biết là sẽ thay đổi gì, thay đổi thế nào, song chúng ta biết rằng việc thay đổi sẽ tiếp diễn. Như vậy, tiên vàn chúng ta cần củng cố đức tin và lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Việc ta bám chặt lấy quá khứ thì không dẫn chúng ta trở về với quá khứ được, song lại có thể cản bước đường của chúng ta đi vào tương lai. Nếu ta chống lại việc thay đổi, đương nhiên là chúng ta lại lưu lạc trong sa mạc của ta đằng đẵng bốn mươi năm trường… hoặc cho tới khi ta chết.

Việc lo sợ thay đổi, chống lại thay đổi, không phải là điều ngoại lệ. Có lẽ đó là một trong những thái độ con người nhất. Tuy nhiên, việc kháng cự phải trá giá đắt. Thường thường, chúng ta lường được cái giá của việc đổi thay, song chúng ta lại quên không tính tới cái giá phải trả cho việc chống lại đổi thay. Cách thức xử trí duy nhất về nỗi lo sợ này là lại đặt chúng ta vào niềm tin vào Thiên Chúa, trông cậy vào lời kêu gọi của Đức Giêsu, một lời kêu gọi mà tất cả chúng ta đã đáp trả vào một khoảng khắc trong cuộc đời ta với cảm thức là cho đi tất cả. Nếu vì lý do tuổi tác, vì đời sống tiện nghi, hoặc vì một thực tế nào khác nữa, mà chúng ta mất đi cảm thức trên về việc lệ thuộc đối với Thiên Chúa, về mối tương quan của Đức Giêsu, thì khi đó chúng ta phải khám phá lại, chinh phục lại cảm thức đó.

Đồng thời, chúng ta cũng phải sống cuộc dấn thân sâu sắc cho nhau. Bởi vì tiến lên đơn độc trên một con đường khó khăn thì chắc chắn đó là một cuộc hành trình vất vả nhất.  Chúng ta không bị bó buộc phải đăng trình đơn độc; chúng ta có thể lên đường chung với nhau, giúp đỡ nhau, vổ võ nhau, đôi khi còn mang vác lẫn nhau trong những thời điểm khó khăn. Hình ảnh của đám người Do Thái hỗn tạp lang thang trong hoang địa, khi thì bước đi, khi thì được những người khác cõng trên vai và cũng có khi lại đi cõng những người khác, đặc biệt những trẻ em và các người già, điều đó có thể là biểu tượng cho các tu sĩ nam nữ đang cùng rong ruổi với nhau. Chúng ta cần lấy lại tinh thần của những con người tiền phong này mà ta thán phục hết mình trong cuộc đời ta… vừa trong mỗi một hội dòng vừa trong toàn bộ những con người sống đời tu. Trong lúc lấy lại tinh thần đó, chắc hẳn chúng ta cảm thấy một chút tinh thần phiêu lưu, từng dẫn dắt chúng ta vào đời tu hồi ta còn trẻ, tinh thần này không những cho chúng ta lòng can đảm, song cũng thường cho chúng ta niềm vui lớn lao khi làm những công việc cực nhọc và đầy yêu sách.

Chúng ta sẽ tiến đến một khảo hướng triệt để hơn về tất cả mọi khía cạnh của đời tu: cộng đoàn, quản trị, tác vụ, linh đạo. Tính cách triệt để này một lần nữ sẽ đưa chúng ta tiếp xúc một đàng với những gốc rễ của ta, và đằng khác với tầm nhìn của ta. Hai khía cạnh trên luôn luôn nằm trong tương quan đối thoại với nhau, khi mà đời tu rung lên bần bật. Ngay sau Vatican II, trong những năm đầu của cuộc canh tân, chúng ta đã loại bỏ rất nhiều điều thừa thãi từng được thêm vào những yếu tố chủ chốt của đời tu. Trong nhiều trường hợp, đó là những điều ít trắc ẩn nhất, là những luật lệ và những thủ tục gay gắt nhất. Tuy nhiên, rất nhiều khi chúng ta lại thay thế chúng bằng một tiện nghi, bề ngoài xem ra có vẻ tôn trọng con người, song lại hoàn toàn trái ngược với ý nghĩa sâu thẳm của dấn thân mà chúng ta đang thực thi. Một phần uy tín và đặc quyền đã biến mất cùng với một số thói quen lạ lùng. Song một số đặc quyền khác sẽ còn phải bỏ đi. Để có thể sống với những người nghèo, những người bên lề xã hội, để có thể gây được ảnh hưởng nơi những cơ quan chính trị và kinh tế, cần phải chứng thực về sự thống nhất giữa điều chúng ta công bố và cách thức chúng ta sống và hoạt động. Còn đối với chúng ta, những con người tội nghiệp, việc gân cổ ra mà biện minh cho những chuyện đầu Ngô mình Sở, là chuyện quá dễ rồi.

Một phản ứng hời hợt sẽ không cho chúng ta những kết quả mong đợi. Cần phải triển khai cách thức sống đời tu liên kết được tính cách chân xác của lời gọi chúng ta vào với một cách thức sống lời gọi đó, cách thức này qui tụ những tài năng và những trang bị cần thiết để tạo ra được một cuộc đổi thay đáng ước mong. Thật dễ dàng nếu ta đem cho đi những máy truyền hình, ghi âm, những máy tính v.v… và rồi sống vô sản… và vô tích sự. Điều quan trọng là phải xác định điều gì cho đi thực sự giúp chúng ta gây được ảnh hưởng hoặc khơi lên việc đổi thay, và điều gì tuy phù hợp với những ước muốn và những ưa thích của chúng ta, song lại không thay đổi được gì cả. Biết phân biệt giữa cái chúng ta cần và cái chúng ta ước muốn, giữa cái hữu ích và cái dễ chịu, đó là vấn đề muôn thuở. Trong nhiều năm, các tu sĩ nam nữ đã tự vấn về bản chất một nếp sống đơn giản bằng những ngôn từ về lượng và phẩm của những sự vật sở hữu, và làm như vậy là đã đi ra ngoài những vấn đề thực tế.

Một số sự việc sẽ phải đổi thay, đặc biệt là ấn tượng cho rằng chúng ta cần phải tách rời khỏi dân Thiên Chúa. Rất thường khi, đời tu, khởi đi từ các lão phụ (và lão mẫu) nơi sa mạc, đã nảy sinh từ ước muốn trốn lánh “thế gian”, người đời, thế giới này, dân tộc này từng được Thiên Chúa dựng nên. Ý muốn sống phân cách, ngắt đoạn, thì ở nhiều thời kỳ đã được khởi hứng qua việc sợ phải hư đi vì thế gian, hoặc qua mối nguy hiểm bị phân tâm trong cuộc chiêm niệm Thiên Chúa và trong đời sống thiêng liên. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, việc phân cách lại diễn tả tinh tế cái cảm tưởng mình hay hơn những ngời khác, đã chọn một bậc sống cao cấp hơn. Trong những thời kỳ đầu của Giáo hội, các bà góa, các trinh nữ, các nữ phó tế đã sống giữa lòng cộng đoàn Kitô giáo mà họ phục vụ, về tinh thần cũng như vật chất (Mc Kenna, 1967). Những phụ nữ này đã là những người tiền phong của đời tu nơi nữ giới, đi trước đời đan tu nhiều thế kỷ, và hôm nay họ có thể trở thành những mẫu mực cho chúng ta vì sự hội nhập hoàn toàn của họ vào trong cộng đoàn và vì vai trò cầu nguyện và phục vụ họ.

Chúng ta cần phải sống trong thế giới như nó đang có, và sống ở đấy như những tu sĩ dấn thân sâu sắc. Từ đó, cần có một tâm hồn hết sức đơn sơ để chống lại những ngụy thần, bất kỳ dưới hình thức nào. Sống giữa lòng dân tộc, giữa giáo xứ, giữa khu phố, một thành thị làm thành phần của thực tại, ý thức những điều tuyệt diệu và những mối nguy hiểm, đó là làm tu sĩ, làm nữ tu cho hôm nay và cho ngày mai.

Một số sự việc cũng sẽ phải bỏ đi dần dần, đặc biệt là việc quá lệ thuộc vào những tài sản lớn lao, những ngân phiếu tín dụng, những chế độ hưu bổng. Chúng ta phải luôn luôn chăm sóc những thành viên cao niên của hội dòng, đào tạo những thành viên mới và mưu sinh. Liệu chúng ta có thể làm chuyện đó theo cách thức mà không phải miễn cưỡng dùng lý luận để biện minh cho những lãnh vực lớn lao này, những ngôi nhà hưu dưỡng được tổ chức tốt hơn những ngôi nhà tốt nhất dành cho người giáo dân? Cả một thế hệ tu sĩ nam cũng như nữ, đã ra khỏi một hệ thống cổ xưa để đi vào một nếp hoàn toàn mới trong cách sống, làm việc, tự trị, thì giờ đây thế hệ đó phải đi tìm lấy điều gì thực sự là quan trọng. Điều đó có dễ làm chăng? Không chút nào. Tôi đang ngồi trước máy tính thì dễ dàng hơn, hiệu quả hơn là với cây bút máy hoặc cây bút chì. Tôi cũng phải tự hỏi điều gì là cần thiết cho tác vụ của tôi và điều gì chỉ đơn giản là tiện nghi hơn. Tôi có thể quyết định là tôi cần một máy tính, song không phải là chiếu máy tính đời mới nhất, hoàn thiện nhất,  chạy nhanh nhất, cũng không phải là những chương trình tối tân nhất, và cả đến những phụ kiện hữu dụng.
Đồng hành với dân Thiên Chúa là sống giữa đám dân, có thể đặt ra những thử thách nghiêm trọng. Sống trong một môi trường thợ thuyền và chấp nhận cùng một mức sống với những người chung quanh, điều này khá đơn giản, cho dù là kém tiện nghi hơn so với những gì trước đây chúng ta từng biết. Song nếu tác vụ của chúng ta lại định vị trong khu vực ngoại ô trưởng giả, thì làm thế nào sống giữa những con người này mà không bị cuốn hút vào một lối sống thường là vượt quá những nhu cầu của chúng ta? Ở đây nữa, câu trả lời chiếu lệ không nhất thiết là câu trả lời tốt. Mới đây thôi, có một chị em nói với tôi rằng mình không bao giờ mua ngay một thứ gì mà xem ra đáp ứng với một nhu cầu; chị chờ đợi nhiều tuần lễ để kiểm tra tính cách xác thực của nhu cầu. Một số khác thì quyết định không thêm điều gì vào số những vật sở hữu của mình, song lại luôn luôn thay đổi thứ này bằng thứ khác. Điều có lẽ không hay ho mấy, cho dù khu vực người ta ở có thế nào, đó là dò chừng những nhu cầu của mình bằng cách so sánh với những người hàng xóm. Bởi vì chúng ta phải đặt ra một thách đố nghịch – văn hóa đối với xã hội tiêu thụ đặt nền tảng trên những ước muốn của con người hơn là trên những nhu cầu thực sự, và điều này thì có ở mọi tầng lớp xã hội, ngay cả nơi những người thiếu thốn nhất.

Thay đổi trong các tác vụ
Các tác vụ của chúng ta cũng phải được khảo sát y như những sở hữu của chúng ta. Quả vậy, đôi khi những tác vụ đã biến thành sở hữu. Chúng ta phải liên tục xác minh xem những tác vụ hoặc dịch vụ mà chúng ta duy trì có làm cho sứ vụ được tiến triển hay không, và xem những ưu tiên mà chúng ta chấp nhận có đúng là những trọng điểm hay không. Có khi chúng ta theo đuổi một tác vụ là vì chúng ta luôn luôn làm điều đó hoặc vì chúng ta đã xây dựng điều đó và nó thuộc về chúng ta, hoặc giả bởi vì chúng ta được thoải mái trong dịch vụ này hặc vì thu nhập có thể giúp đỡ cho các soeur cao tuổi. Chúng ta cần nhắc nhủ cho chính mình để đoan chắc rằng khôn ngoan của Thiên Chúa mới đáng kể, chứ không phải là thứ khôn ngoan của Mammon. Những tình huống có thể tế vi hơn so với quá khứ. Các lão phụ sa mạc, những bậc tiền bối của chúng ta trong đời tu, thường thực hành việc “kiểm điểm tinh thần”. Chúng ta phải liên tục kiểm điểm tinh thần để nắm chắc rằng đó chính là Thánh Linh Thiên Chúa chứ không phải chỉ là thần trí của ta.

Những thách đố của tương lai có thể đồng lúc vừa khiến ta sợ, vừa khiến ta say mê. Phần đông trong chúng ta, khi bước vào đời tu đã từ bỏ nhiều sự: gia đình, bạn hữu, tài sản, tự do chọn một nghề, hôn nhân, con cái. Trong nhiệt tình tuổi trẻ, chúng ta tính toán rằng những hy sinh trên sẽ được bù lại nhiều hơn qua việc tìm ra một ý nghĩa cho cuộc đời, tìm ra một sứ vụ, một dấn thân cho một điều gì, hoặc tốt hơn nữa cho một Đấng nào đó cao vời hơn chúng ta. Giờ đây đã già cả, chúng ta lại khám phá rằng những lựa chọn đó có thể vẫn còn kích thích, vẫn còn khuyến dụ và vẫn còn thỏa mãnh, với điều kiện là chúng ta phải có can đảm lãnh trách nhiệm, tiến lên với một thiện ý để xây dựng tương lai, thay vì phải miễn cưỡng bước vào tương lai.

Giờ đây chúng ta đã vượt qua giai đoạn canh tân.  Đó là ột thời kỳ đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt lành và những khai triển thích thú, song ta còn phải đi xa hơn thế nữa. Người ta thường nói đến việc tái lập, song rất ít người trong chúng ta nhìn ra cách thức để cho việc đó có thể diễn ra, đừng kể việc gợi ý cho phép một nhóm nhỏ bắt đầu một điều gì đó mới mẻ hoặc khai triển một mảng nào đó trong nhóm hiện tại. Điều đó có thể xảy ra. Trong quá khứ, những hình thức sống đời tu mới đã xuất hiện và tăng triển, đang khi những kiểu mẫu cũ vẫn tồn tại. Cái mới và cái cũ sống chung với nhau, đôi khi trong nhiều thế kỷ. Dù sao đi nữa, nếu có việc tái lập, điều đó sẽ không có được là nhờ ở một biến cách nhẹ nhàng. Việc chuyển dịch từ những đan viện sang các dòng hành khất đã là một đổi thay triệt để. Về sau, việc xuất hiện đời tu tông đồ cũng đã đánh dấu một đứt đoạn quan trọng. Tuy nhiên, trải qua hai cuộc đổi thay đó, một số yếu tố của đời đan tu vẫn được duy trì, cho dù những yếu tố này không nhất thiết củng cố hình thức tu trì mới mẻ đó. Nếu chúng ta tái lập, thì cần phải làm điều đó, không phải bằng cách thích nghi, không phải bằng cách thêm vào một số điều, song là qua một sự thay đổi triệt để đáp ứng với tính triệt để của Tin Mừng và với tính triệt để của những thay đổi xã hội mà chúng ta đã nhận ra.

Biến đổi: chìa khóa cho tương lai
Điều duy nhất thực sự đưa chúng ta vào tương lai, đó là một biến đổi đòi hỏi nơi chúng ta một việc hoán cải sâu xa và chủ yếu của đời ta và của toàn thể thực tại của chúng ta. Đó là điều bắt buộc cho những người Do Thái; và đó cũng là điều bắt buộc cho những tu sĩ nam nữ. Hoán cải, biến đổi có ngha là dám liều, dám chọn lựa sống một cuộc sống hoàn toàn khác đi và tiếp đến là sống trong chân lý nơi thực tại mới mẻ này.

C.G. Jung, bác sĩ điều trị tâm thần thời danh đã thường nói và viết rằng nửa thứ hai của cuộc đời là thời gian tuyệt vời cho một định hướng mới mẻ, một định hướng để thành nhân, là thời gian để trở nên nhân vị mà người ta được đặt định phải đạt tới, thời gian để cư trú trong hiệp nhất với chính mình, điều mà đối với Jung có nghĩa là thần thiêng. Đời tu có lẽ đang đi vào nửa thứ hai của cuộc hiện sinh, vào thời kỳ biến đổi, tiến về một sự hoàn nguyên và kết hiệp với Thiên Chúa, theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ. Đối với Jung, giai đoạn này đối với một cá nhân cũng có nghĩa là một hành trình hoàn nguyên ay minh triết. Đời tu trong thế kỷ XXI có thể đang ở ngưỡng cửa của nửa thứ hai trong cuộc hiện sinh, đang tiến về việc biến thái và không ngoan

Chúng ta cần điều gì để bước đi? Đích xác đó là điều mà Môsê đã cần để tiến về Đất Hứa, đó là đức tin, là thừa nhận sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa. Ở một giai đoạn của hành trình, khi mà Thiên Chúa đe dọa sẽ bỏ đi, thì Môsê kêu than rằng ông sẽ không tiếp tục, sẽ không thể buông trôi được sự hiện diện của Thiên Chúa. Và đề tài này, Juliana Casey viết:

Môsê đã đuổi theo con đường của mình nhờ sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa chia sẻ kinh nghiệm của con người, thì lúc đó họ có thể tiếp tục… Thiên Chúa của cuộc Xuất Hành tự mặc khải cho chúng ta đang chìm ngập giữa lòng cuộc sống nhân loại, như bị thương tổ mạnh mẽ trong những đau khổ của dân chúng, nhất quyết thân thiện con người và để cho con người nhận biết Ngài. Đây là một Thiên Chúa cùng bước đi với đoàn dân, kêu gọi, vỗ về, dẫn dắt để đưa đoàn dân này đến tự do, đến niềm tin và biết thờ lạy Ngài. (1991, p.5-6)

Trên thực tế, ở đây chúng ta đang đối diện với một ý nghĩa đích thực và sâu sắc về cộng đoàn, về Ecclesia, mặc thấy mình được ở bên Thiên Chúa và ở bên nhau, là một dân được kêu gọi và được dẫn dắt, mà các thành viên trong đó nâng đỡ lẫn nhau khi tham dự vào một hành trình hết sức quan trọng. Một khi loại bỏ những phân cách còn tồn tại chút nào giữa các tu sĩ nam nữ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng những con người đang tiến về Đất Hứa này, về thực tại biến đổi này, thì còn nhiều hơn con số mà chúng ta hy vọng, và chúng ta sẽ tìm thấy họ trong nhiều tình huống bình thường cũng như khác thường. Cho rằng mình là đơn độc, đó là một cảm nghiệm tai hại cho loài người. Song chúng ta không đơn độc; vì có một đoàn lũ đông đảo đang tiến về Canaan.

Có lẽ chúng ta sẽ cảm nghiệm, như những người khác từng cảm nghiệm được niềm vui “được nhảy ra khỏi giường lúc ban sáng” (Mackinnon, 1993), và tìm lại được nhiệt tình ban đầu của Đấng sáng lập, nhiệt tình tuổi trẻ của riêng ta khi chúng ta vững tâm tin tưởng rằng tất cả đều có thể, nhiệt tình của nhiều thế hệ tu sĩ nam nữ từng nghe tiếng gọi trong thời của mình, đã đáp lại lời gọi đó đi ngược lại với lương tri và khôn ngoan của con người, chỉ biết rằng Thiên Chúa đang ở đó. Đức Giêsu đã đòi hỏi hễ tra tay cầm cày thì không được nhìn về đằng sau. Đã đến lúc các tu sĩ nam nữ tra tay cầm cày và nhìn thẳng về phía trước với lòng can đảm và sự quyết đoán cùng với một trái tim nóng bỏng để phụng sự Chúa, góp phần vào sứ vụ của Đức Giêsu. Chúng ta cần nhắc lại lời hứa: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Một cuộc hoán cải sâu xa, niềm tin vào sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa – đó là những phương tiện chúng ta sử dụng để cho hành trình tiến về Canaan có thể thực hiện được. Đó là điều đặt tương lai chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta sẽ bén rễ sâu trong Đức Chúa và trong thực tại Đất Hứa, và chúng ta sẽ đủ can đảm tiến về vùng đất xa lạ này, với “sữa và mật của nó”, song cũng còn với “những người khổng lồ của nó.” Đó chính là điều sẽ giúp chúng ta can đảm sống với kẻ xa lạ và mừng vui ngay giữa những thử thách, nguy hiểm và giữa những cuộc gặp gỡ đầy ân sủng với Thiên Chúa đang kề bên ta.