Home Đời Sống Tôn Giáo Tản mạn về ….mục tử ngày nay

Tản mạn về ….mục tử ngày nay PDF Print E-mail
Tác Giả: Khải Huyền   
Thứ Sáu, 06 Tháng 8 Năm 2010 08:23

Tỉnh thức để tỉnh táo trước những biến cố sự kiện thử thách đức tin Công Giáo. Cầu nguyện để vững tin và phó thác và không bị hoài nghi trong hành động.

 

Một cú lừa tuyệt hảo

 
                              Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn
Mùa Xuân Canh Dần tại miền Nam Cali. Chương phát thanh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phát đi lúc 4 giờ sáng mỗi ngày, được chú ý vì bản Thông Báo về Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa cho biết có sự hiện diện của Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong vai trò chủ tế thánh lễ đại trào bế mạc. Linh mục Micheal Nguyễn Trường Luân, giám đốc chương trình phát thanh cũng là nhà chữa lành nổi tiếng trong cộng đồng Công giáo ở đây, sẽ là Trưởng Ban Tổ Chức. Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa diễn ra tại thành phố biển Long Beach.

Tưởng cần nhắc lại, sau bài viết về lá cờ vàng cờ đỏ thói đời, HY Mẫn đã trở thành một “persona non grata” tại Little Saigon nói riêng và người Việt hải ngoại nói chung.

Vì không muốn HY Mẫn xuất hiện tại miền Nam Cali nắng xuân thanh bình, một số hội đoàn đã ngồi lại thành lập một ban tổ chức biểu tình chống vị hồng y, người được đứng đầu dàn “lục ca áo tím” khuynh loát Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (GHCGVN) hôm nay.

Ban tổ chức biểu tình lên tiếng “sẽ biểu tình,” trên các phương tiện truyền thông Việt ngữ, nhưng lại không liên lạc tiếp xúc với ban tổ chức. LM Nguyễn Trường Luân  cũng không tiếp xúc với ban tổ chức biểu tình. Hai bên chẳng trao đổi phải quấy với nhau gì hết. Tự ái và ai cần ai và xem ai thắng ai?

Gần đến ngày Lòng Thương Xót Chúa xảy ra, bản thông cáo của chương trình phát thanh Công Giáo Mẹ Hằng Cứu Giúp không còn tên HY Mẫn nữa.

Phía biểu tình bèn đăng ba thông cáo trên các nhật báo Việt ngữ, đại ý nói rằng, bản thông cáo của BTC Lòng Thương Xót Chúa không xướng danh HY Mẫn như là vị  chủ tế nữa, coi như hồng y không có mặt,  nên coi đây là một thiện chí của BTC Lòng Thương Xót Chúa. Vì tin vào cha Luân, một mục tử, phía biểu tình cũng bày tỏ thiện chí đáp lại: không biểu tình nữa.

Nhưng đùng một cái, vào lúc thánh lễ đại trào Lòng Thương Xót Chúa, được trực tiếp truyền hình trên TV Việt ngữ, HY Mẫn xuất hiện chủ tế. Ngài cũng giảng nhưng rất ngắn. Rồi ngài cũng biến mất sau khi Đại Hội Lòng Thương Xót Chúa bế mạc.

Ban tổ chức biểu tình trở tay không kịp. Phải nói đây là một màn lừa hồi mã thương tuyệt chiêu của ban tổ chức Lòng Thương Xót Chúa và LM Luân. Ai bảo mục tử không làm chính trị? Bái phục! Bái phục!

Mục tử trong vòng “ba bịt”

Trong ba năm trở lại đây, tình hình GHCGVN và nhà cầm quyền CSVN trong mấy năm qua, đã làm cho người Công giáo Việt Nam quan ngại.

Bộ phận cao nhất đại diện cho GHCGVN là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN). Hội đồng này, có khi mỗi năm, có vài ba năm, mới họp. Họp phải xin phép. Họp xong ra một thư chung. Đúng như chữ “chung,” nội dung mang tinh thần chung chung, không đi vào cụ thể những vấn đề nóng bóng của thời đại, của xã hội và của giáo hội. Nội dung lá thư chung mới nhất mang tinh thần “hợp tác và đối thoại.” Đây là một kiểu nói khác của chế độ “xin cho”, vì Cộng sản không bao giờ hợp tác với, hay đối thoại với, những thành phần phải xin xỏ họ. Anh xin xỏ tôi, còn cho hay không là quyền của tôi. Tức là anh không đồng ngang sức với tôi, hà cớ chi tôi phải hợp tác hay đối thoại với anh. Anh có gì ngoài cây thánh giá và 6 triệu giáo dân, tôi có cả một quân đội, một lực lượng công an dày đặc, đập tan anh bất cứ lúc nào tôi muốn.

Trong một quốc gia tự do, tôn giáo và chính trị tồn tại theo luật pháp công bằng và dân chủ. Cứ thế mà sinh hoạt miễn không vi phạm luật pháp. Trong các quốc gia cộng sản, nhà nước cũng nói như thế, nhưng việc làm của họ trái ngược lại: khống chế hoàn toàn mọi tổ chức và sinh hoạt tôn giáo, ngay đến các tổ chức tôn giáo quốc doanh cũng bị kiểm soát chặt chẽ. Một trong những phương cách làm cho tôn giáo tê liệt là cắt đứt mọi hầu bao theo đúng nguyên tắc ai làm chủ kinh tế là làm chủ chính trị.

LM Phan Khắc Từ, trong một cuốn video phỏng vấn được loan tải trên trang mạng Nữ Vương Công Lý, đã xác nhận,  cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo là một bộ phận của Mặt Trận Tổ Quốc, tức là của đảng CSVN. Ủy ban này được đảng cấp văn phòng và kinh phí nên mới tồn tại. Vợ của Phan Khắc Từ công khai ra mắt và lên tiếng thách thức GHCGVN và Vatican có dám treo chén Phan Khắc Từ không? Y thị còn hăm nếu cần sẽ công bố mục tử giám mục hay linh mục nào có vợ con: sáng làm cha tối làm chồng như cha Từ. HY Mẫn im thin thít.

CSVN cấm GHCGVN kinh doanh làm ra tiền để điều hành. Giáo dân xin lễ hay dâng cúng là nguồn tài trợ nòng cốt của mỗi nhà thờ. Hàng năm, Vatican cũng chu cấp một khoản tiền dành cho các xứ truyền giáo, Việt Nam là một. Nhưng số tiền này không bao giờ đủ cả. Muốn sửa sang hay xây nhà thờ hay một dự án nào đó, đành chịu.

Nhưng kể từ khi CSVN phải “mở cửa” để sống còn trước làn sóng cộng sản Đông Âu và Số viết sụp đổ, nền kinh tế thị trường bắt đầu được du nhập và áp dụng. Trước là từ từ sau là dồn dập đến độ trở thành tư bản hoang dã.  Nhưng chỉ trong kinh tế thôi. Chính trị vẫn khắc nghiệt như xưa. CSVN dùng hai lực lượng võ trang quân đội và công an để trấn áp thẳng tay những cá nhân hay tổ chức chống đối.

Tham nhũng, ăn chơi, lối sống cuồng sống vội và thi đua làm giàu được dịp tràn lan trong những thành thị. Tầng lớp cai trị sống bằng tham nhũng. Làn sóng các giám mục, các linh mục chạy chọt xin ra ngoại quốc xin tiền về xây hay sửa sang nhà thờ như đê vỡ bờ. Tại các nhà thờ ở Little Saigon, Quận Cam miền Nam California, Hoa Kỳ, trong những năm cuối thập niên 90 sang đầu thế kỷ 21, rất thường thấy hình ảnh các linh mục từ Việt Nam sang cử hành thánh lễ đồng tế rồi đứng cuối nhà thờ chờ các giáo dân tặng tiền. Hình ảnh đó vẫn còn lác đác kể từ vụ Tòa Khâm Sứ vào năm 2007 và trong những ngày này không thấy nữa.

CSVN nới lỏng gọng kềm kẹp kinh tế. Dần dần một tầng lớp tư bản đỏ hình thành. Có thể nói không ngoa rằng, đảng viên CSVN ngày nay đã trở thành những quan chức thống trị bóc lột mà đối tượng của họ là người dân. Cái gọi là kinh tế tư nhân như doanh nhân, cũng xuất thân từ đảng hay có giây mơ rễ má với đảng. Họ đại diện cho một giai cấp phi lao động, ngồi mát ăn bát vàng như trong một bài viết của Nguyễn Hưng Quốc nhan đề: quan chức CSVN chẳng phải làm gì cả.

Trong bối cảnh đó, GHCGVN cũng bị lôi cuốn vào lối sống chạy theo vật chất và phô trương
phù phiếm: trong nhà xứ phải có hầm rượu, nhà thờ phải nguy nga, “hoàng tráng”. Muốn thế
phải bắt tay với quan chức địa phương. Cha xứ đi nhậu với công an là chuyện phổ biến tại những
giáo xứ trong những thành phố hay tại ven đô. Các giám mục, tuy không ra mặt, nhưng
có những tay trung gian, như các cha dưới quyền, hay giáo dân, đóng vai “cò” con thoi giữa nhà
nước và các mục tử để “xin cho”.

Trong một chuyến về Việt Nam năm 2005, người viết mới khám phá ra người em họ là một “cò”
giấy tờ. Anh ta có thể chạy bất cứ loại giấy tờ gì, nhất là giấy phép làm cái này cái nọ, miễn chịu
chi tiền. Anh đã xin nhiều giấy phép cho một giám mục. Để giao lưu qua lại, nhân dịp lễ giỗ người cha, vị giám mục đó cất công đến tận tư gia nhà anh ta cử hành thánh lễ.

Mỗi đại chủng sinh muốn được chịu chức linh mục hay một linh mục muốn được phong làm giám mục, ngoài sự chấp thuận của giáo quyền, còn phải có sự đồng ý của nhà nước. Chính cái điều kiện thứ hai này mới quan trọng nhất. Muốn được nhà nước chuẩn phê, đương sự phải làm tờ cam kết này nọ. Nếu quí vị hỏi một linh mục hay giám mục chịu chức dưới chế độ có phải cam kết gì không thì đều được trả lời là không. Ngay đến cả khi được cấp visa sang Mỹ hay ra ngoại quốc, các linh mục hay giám mục cũng phải cam kết và nghe lời răn đe của quan chức. Không cần phải chứng minh cụ thể, vì bản chất của chế độ CSVN trong việc quản lý kiểm soát người dân không bao giờ cho đi ra ngoài hay lên một chức vụ lãnh đạo mà không có cam kết hay răn đe. Đó là sự thật một trăm phần trăm.

Đó là cái vòng kim cô hay cái khóa bịt miệng, bịt mắt, bịt tai (ba bịt) hàng mục tử GHCGVN ngày hôm nay. Vị mục tử can trường như ngài Tổng Kiệt quả là hiếm hoi như sao buổi sớm.

Đời sống mục tử trong xã hội Việt Nam ngày nay

Trong bài viết “Việc chuyển đổi các linh mục đến giáo xứ khác có ý nghĩa gì?” dăng trên Diễn Đàn Ba Cây Trúc của tác giả Nguyễn Tuấn Hoan viết tại An Lạc ngày 15-7-2010 có đoạn nói về một thực trạng của các mục tử ngày nay, có đoạn đáng chú ý như sau:
“Chính vì thế, một số cha sở cứ mặc sức tung hoành, tác oai tác quái như một lãnh chúa, coi dân như cỏ rác. Dân rất oán hận nhưng chẳng có ai dám lên tiếng, một số sợ tội thì ít, mà đa số sợ bị khó khăn khi có nhu cầu thiêng liêng, con cái lấy vợ lấy chồng, chịu các bí tích v.v. Một số học viên giáo lý Hôn nhân nói với tôi rằng ở vùng Gia Kiệm, Long Khánh các cha khó lắm, dù lý do công ăn việc làm phải về thành phố, nhưng muốn học giáo lý hôn nhân ở xứ nào trong thành phố, thì phải xin phép cha trước, cha có đồng ý mới được, nếu không, thì dù có học xong khoá giáo lý, có giấy chứng nhận hợp lệ, cha cũng không chấp thuận. Đúng là luật rừng, cũng không lạ vì giáo phận Xuân Lộc khá nhiều rừng, tất nhiên các đấng tu rừng không phải là ít. Tôi được nghe nói rất nhiều về lối sống dung tục, tha hoá, đặc biệt là thái độ quan liêu hống hách của những linh mục trong giáo phận này. Nói đến những thái độ vênh váo hống hách quát nạt dân thì tôi lại liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn “Con lừa mang hòm xương thánh! “

Tác giả nói không oan vì người viết, trong một chuyến về Việt Nam thăm gia đình ở địa phận Long Khánh đã được nghe nhiều chuyện long trời lở đất của các mục tử miền đất đỏ cao su này.

Giáo dân một mực tin Chúa nên coi các đấng các bậc là đại diện của Chúa ở trần gian, đành phải chấp nhận mục tử ra oai với mình rồi đi nhậu khúm núm với nhà nước khi cần xin một cái gì. Riết rồi không biết ý nghĩa đích thực của đạo là gì? Riết rồi đạo trở thành một business không hơn không kém?  Giáo dân đã bị công an hành ngoài đời, rồi lại bị các mục tử hành trong nhà thờ.

Háo danh, háo quyền (trong nhà thờ) đã làm cho không ít mục tử tha hóa, không sống chết bảo vệ đạo, bảo vệ đàn chiên như đã tuyên hứa. Ngược lại, có mục tử còn tiếp tay với lang sói ăn thịt con chiên (như vụ GM Châu Ngọc Tri ở Cồn Dầu).

Phải công nhận giáo dân Việt Nam nhẫn nhục chịu đựng giỏi thật. Xin bài phục và bái phục.

Liên minh áo tím ma quỷ muốn bang giao với Vatican hay không?

Xin trở lại ý trên “hợp tác và đối thoại” một chút. Quốc gia duy nhất mà cộng sản VN muốn hợp tác và đối thoại là Trung Cộng, còn ngoài ra, ngay cả đến Mỹ, Ba Đình cũng không cần. Những gì bà Ngoại Hillary Clinton tuyên bố ở Hà Nội trung tuần tháng 7 vừa qua, Bộ Chính Trị nghe qua cho vui. Đảng CSVN bang giao hay giao du buôn bán với các nước trên thế giới để làm dáng cho khỏi quê mùa. Thực sự,  CSVN chẳng cần Mỹ hay Pháp hay Anh , chỉ cần Tàu để yên cho là được. Nói nghe vô lý nhưng thực tế là vậy.

Mới đây, một chuyên viên kinh tế Âu Tây than phiền rằng, CSVN làm kế toán không giống tiêu chuẩn quốc tế. Chúng có lối làm kế toán không nước nào có. Nhất định chỉ làm theo lối này, không cần biết kế toán quốc tế là gì. Trong các lãnh vực khác cũng vậy.  Ký hợp đồng bán gạo, khi cần, ngưng cái rụp, hỏi lý do tại sao? CSVN trả lời vì anh ninh lương thực trong nước. Phía bên kia kiện ra tòa án quốc tế đòi bồi thường vì có hợp đồng hẳn hoi. Túng quá, CSVN đành phải dàn xếp sau cánh cửa và bồi thường 5 triệu Mỹ kim. Vụ án ông vua chả giò Việt kiều ở Hòa Lan mang bạc triệu về VN kinh doanh bị công an hốt trọn ổ, tống giam. May phúc vượt ngục và thoát về Hòa Lan kiện ngược lại. CSVN cũng phải bồi thường mới được vào WTO.

Tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, là kẻ thù không đội trời chung của CSVN. CSVN nhìn vị sứ thần tòa thánh ở Hà Nội chẳng khác nào như kẻ dòm vào nhà mình dò xét, làm sao dám manh động những vụ đàn áp dã man như Tam Tòa, Cồn Dầu, Đồng Chiêm  v.v…Trong khi đại sứ VC ở Vatican tha hồ dòm ngó chẳng sao. Thế vạn bất đắc dĩ CSVN đánh chịu cho Vatican cử một đại diện không thường trực tại Việt Nam. Đây mới chỉ là trên nguyên tắc, lý thuyết. Con đường đi đến trao đổi công hàm ngoại giao còn xa vời vợi.

Mặt khác, vị đại diện không thường trực cũng sẽ là cái gai trước một số mục tử bàn tay nhuộm đỏ vì sẽ phải lên tiếng những bất công trong xã hội, không thể ba bịt như hiện nay.

Có thể nói không sợ ngoa ngôn rằng, CSVN và hàng mục tử liên minh với ma quỷ không muốn có ngoại giao với Vatican vì bất lợi nhiều hơn là có lợi.

Mục tử GHCGVN sẽ đi về đâu?

Trước mắt, HĐGMVN kể như hoàn toàn vô hiệu hóa, hữu danh vô thực, nếu không muốn nói là công cụ của nhà cầm quyền CSVN. Chẳng những thế, có mục tử còn rước kiệu “Hồ Chí Minh” trong đoàn rước tháng Đức Mẹ và treo cờ đỏ sao vàng thay vì cờ hội thánh trong cuộc rước. Mục tử can trường bảo vệ đạo đã bị bứng đi trong đêm khuya. Đây là thời của bóng ma đêm đen bao phủ bầu trời GHCGVN.  Phải, đây là thời “Đạo nạn”. Nhưng rồi cũng không qua khỏi đào thải, vắt chanh bỏ vỏ. Giáo Hội Chúa vẫn trường cửu Cộng Sản sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi, nếu không muốn nói sụp đổ đang xuất hiện ở chân trời mới, đất mới.  Hàng mục tử nào bắt tay với Satan quả là cận thị. Đức tin tan vỡ.

Người CG Việt  Nam phải làm gì?

Một câu hỏi mà câu trả lời vừa dễ vừa khó. Theo dõi tình hình GH quê nhà trong ba năm qua, có thể nói theo dõi từng giờ từng ngày vụ Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Cồn Dầu,  Vĩnh Long….người viết cũng rơi vào tâm trạng hoang mang, nao núng nhưng đức tin không bị giao động. Một mặt, người viết có đủ mọi mặt của đời sống một con người. Mặt khác, thấm nhuần đạo gần ba phần tư thế kỷ, đọc lịch sử Hội Thánh nên rất tin và phó thác vào “việc Chúa làm.”

Xin nhớ, GHCG tồn tại không phải mới hai ngàn năm nay mà đã có từ thời Chúa dựng lên trái đất và ông A Dong bà E Và. Giáo hội cũng có những lúc thăng trầm, nhưng chưa bao giờ phải đứt quãng. Trái lại, nhân loại, dù có bước tiến ngàn dặm về khoa học cũng không thể nào phủ nhận nhu cầu tâm linh. Bao nhiêu chế độ đã qua đi, nhà thờ, mái chủa, đền thờ vẫn còn đó, không kẻ thù nào, mạnh như Sa Tan, cũng không phá đổ nổi. Vatican từng bị Stalin đặt vấn đề có sư đoàn nào không mà dám đọ sức? Kết cục Vatican còn đó, Stalin chết và Sô Viết có cả chục sư đoàn sụp đổ tan tành.

Nói như thế, không có nghĩa cứ ngồi yên rồi phó thác mọi sự cho Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện, suy niệm để củng cố đức tin trong cơn phong ba bão táp của thời ma vương lộng hành. Chúa còn bị Satan cám dỗ nữa là.

Chúng ta phải hành động theo lương tâm công giáo và tài năng Chúa ban cho. Dù trong hoàn cảnh nào, hãy sống theo lời Chúa: tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức để tỉnh táo trước những biến cố sự kiện thử thách đức tin Công Giáo. Cầu nguyện để vững tin và phó thác và không bị hoài nghi trong hành động.

Nói gì thì nói, cuộc sống đức tin của người CGVN trong nước rất khó khăn, thử thách vì trực diện với răng nanh lang sói và hàng mục tử tiếp tay cho lang sói hành hạ con chiên mình. Người CGVN ở hải ngoại, như người viết, được tự do giữ đạo, hành đạo cảm thấy đau xót cho người anh em trong một nhà Chúa.

Chưa bao giờ Bải Giảng Trên Núi có ý nghĩa như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ Kinh Hòa Bình lại thấm thía đến như vậy.

Little Saigon 8/2010