Home Đời Sống Tôn Giáo Bang giao Vatican-Việt Nam dậm chân tại chỗ

Bang giao Vatican-Việt Nam dậm chân tại chỗ PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Giao   
Thứ Hai, 09 Tháng 8 Năm 2010 18:25

Điều trớ trêu là nhà cầm quyền cộng sản VN cũng muốn gạt những tay sai của họ trong giáo hội sang một bên để điều đình thẳng với Vatican

Sau vòng họp thứ II giữa Tòa Thánh và Việt Nam vào các ngày 23 và 24-06-2010 tại Vatican, dưới sự đồng chủ tọa của Đức Ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh Ettore Balestrero và Thứ Trưởng Ngoại Giao VN Nguyễn Quốc Cường, Tòa Thánh đã ra thông cáo trong đó có đoạn chính yếu như sau:

"Hai phái đoàn đã trao đổi sâu rộng về quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như những quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương, như một bước đầu, cả hai bên đã thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một vị Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam" (Zenit 27-6-10).

Phát ngôn viên của Tòa Thánh, Lm Federico Lombardi SJ, đã giải thích rằng chức vụ mới này chưa tạo nên mối quan hệ ngoại giao toàn diện và đầy đủ giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam, vì chức vụ này không phải là một vị Sứ Thần hay Khâm Sứ (Hà Minh Thảo trích dẫn theo Dominic David Trần. Vietcatholic 2-7-10).

Như vậy bang giao giữa Vatican và Việt Nam đã có tiến bộ gì chưa? Vị đại diện sắp được bổ nhiệm không phải là Sứ Thần cũng không phải Khâm Sứ, thì là gì?

Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio) tương đương với chức vụ Đại Sứ của một quốc gia được cử đến một nuớc có quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

Khâm Sứ Tòa Thánh (Apostolic Delegate) được cử đến một quốc gia với nhiệm vụ chính là liên lạc giữa Tòa Thánh và giáo hội địa phương.

Theo nguyên tắc, Sứ Thần là đại diện chính trị, Khâm Sứ là đại diện tôn giáo. Trên thực tế, công việc của hai chức vụ này lẫn lộn với nhau. Sứ Thần hay Khâm Sứ cũng phải được chính phủ liên hệ chấp nhận. Sứ Thần không phải chỉ lo về bang giao và chính trị mà thôi (theo truyền thống của các quốc gia phương Tây, Sứ Thần Tòa Thánh đương nhiên được coi như đứng đầu ngoại giao đoàn), mà còn liên lạc với giáo hội địa phương, gửi báo cáo về tình hình và nhân sự của giáo hội nơi đó cho Vatican. Khâm sứ cũng không chỉ lo riêng về tôn giáo, nhưng cũng được coi như đại diện của Vatican với chính phủ sở tại. Vậy Sứ Thần hay Khâm Sứ được gọi tùy theo mức độ bang giao hoặc theo hoàn cảnh, đôi khi tế nhị, giữa Vatican và quốc gia nơi Sứ Thần hay Khâm Sứ được cử đến.

Đại Diện không thường trú của Đức Giáo Hoàng (Non resident Representative of the Holy See) không có mặt thường trực ở quốc gia được cử đến để đại diện, và thường cũng không có văn phòng tại quốc gia đó. Trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng có thể cử một Sứ Thần hay Khâm Sứ thường trú tại một quốc gia lân cận Việt Nam để kiêm nhiệm vai trò đại diện tại Việt Nam. Cũng có thể Đức Giáo Hoàng sẽ cử một chức sắc tại Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh đảm trách vai trò này. Như vậy, văn phòng và người đại diện Vatican ở Việt Nam đều ở ngoài Việt Nam. Có gì khác tình trạng từ trước tới nay? Khác chăng là mỗi khi Toà Thánh có chuyện muốn nói với nhà nước Việt Nam hay mỗi khi nhà nước VN có vấn đề muốn đặt với Tòa Thánh, thì vị Đại Diện không thường trú đương nhiên đóng vai trò trung gian và điều đình, không cần lập phái đoàn gặp gỡ theo định kỳ hoặc khi có việc khẩn cấp, trừ khi vấn đề vượt khỏi thẩm quyền quyết định của vị này.

Có thể nói thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng cử Đại Diện không thường trú chỉ là một quyết định tạo sự thuận tiện cho việc liên lạc và đối thoại không thể không có giữa hai bên, không thể coi là một tiến bộ cho bang giao Vatican-Việt Nam. Đây là một hình thức "Dậm chân tại chỗ" để gọi là có nhúc nhích nhưng không bước thêm được bước nào. Hai bên vẫn còn tỏ ra nghi kỵ, e dè nhau, nếu không nói là còn đang mặc cả những điều kiện bang giao theo toan tính của mỗi bên. Qủa núi lại đẻ ra con chuột! Chẳng lẽ gặp nhau thảo luận hoài mà không "đẻ" ra được một kết qủa nào? Chẳng lẽ Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố như đinh đóng cột ngày 11-12-09 trước khi yết kiến Đức Giáo Hoàng: "Chúng tôi đang tìm cách bang giao với Tòa Thánh" mà đàn em không biết dàn cảnh để chứng tỏ lãnh tụ không nói cuội? Chẳng lẽ không đem lại chút an ủi nào cho những người qúa sức "hồ hởi" vì cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng và Nguyễn Minh Triết sẽ đem lại bang giao và mở ra một chân trời mới như Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn tuyên bố với hãng thông tấn Fides ngày 10-12-09: "Cuộc gặp gỡ này là biến cố mang niềm hy vọng tới cho những trái tim người Công Giáo VN, mở ra những viễn tượng mới, nâng cao những ước vọng lớn lao"? Vì vậy phải dậm chân rất hùng dũng để thiên hạ có cảm tưởng sự việc đang chuyển động, nhưng thực tế vẫn đứng yên ở vị trí cũ.

Trước quyết định cử Đai Diện không thường trú của Vatican "bên cạnh" nhà nước VN, phản ứng của Hội Đồng Giám Mục VN ra sao? Có thể nói là không có phản ứng gì chính thức. Giám Mục Chủ Tịch Hội Đồng Nguyễn Văn Nhơn đang trong thời kỳ "thủ khẩu". Giám Mục Phó Chủ Tịch Nguyễn Chí Linh mắc bận trả lời phỏng vấn để rửa tay trách nhiệm về vụ TGM Ngô Quang Kiệt và hô hào sống chung hòa bình với cộng sản (xem bài của hai tác giả Trần Phong Vũ và Lê Thiên trong số báo này). Trong khi đó, nguyên Giám Mục Tổng Thơ Ký Hội Đồng Ngô Quang Kiệt được bí mật đưa đi chữa bệnh mất ngủ ở một nơi nào không ai biết. Chỉ có thầy trò Hồng Y Phạm Minh Mẫn - Huỳnh Công Minh ở Sài Gòn tỏ ra "bức xúc" công khai.

Khi trả lời phỏng vấn của phái viên đài BBC, Lm Huỳnh Công Minh, Tổng Đại Diện Tổng Giáo Phận "TP Hồ Chí Minh" từ 30 năm nay, đảng viên cộng sản, nguyên đại biểu Quốc Hội cộng sản, đã tỏ ra "rất thắc mắc" về việc thầy trò của ông không được Tòa Thánh hỏi ý kiến và thông báo chính thức. Theo Lm Minh, HY Phạm Minh Mẫn ở trong HĐGM, trong Hồng Y đoàn là cố vấn của Đức Giáo Hoàng "mà Đức Hồng Y của chúng tôi rõ ràng sáng nay mới đặt vấn đề là có chuyện văn phòng (đại diện) là cái gì?"

Trong một câu trả lời khác, Lm Minh tỏ ra "rất buồn" Tòa Thánh về việc gạt sang lề những người VN quan trọng như thầy trò của ông khi lấy quyết định có liên quan đến đất nước và giáo hội VN: "vì liên hệ, dầu là liên hệ với nước Việt Nam thì chúng tôi đang sống trong nước VN, thì cũng phải có liên hệ với chúng tôi, chúng tôi phải được thông báo… Chúng tôi rất là bức xúc, rất buồn, chứ chúng tôi không dám trách".

Phái viên đài BBC đã "vô cùng ngạc nhiên" khi thấy Lm Minh nói về hậu qủa của việc Vatican sắp cử một đại diện không thường trú: "Trong hoàn cảnh thực tế của VN hiện tại, của chính phủ VN hiện tại, thì có vẻ nó rất bất lợi cho giáo hội VN, hơn là có lợi cho giáo hội VN, và cũng sẽ bất lợi cho nước VN, dân tộc VN".

Oán thán và đổ tội nặng cho Tòa Thánh như vậy mà lại nói "chúng tôi không dám trách". Ăn nói theo kiểu của ai vậy? Trước quyết định chung của Vatican và Hà Nội, Lm Huỳnh Công Minh không dám trách móc Hà Nội nửa lời, chỉ dồn sự "bức xúc" vào Vatican. Tại sao? Thưa, vì Vatican đi thẳng với Hà Nội, không qua trung gian những giám mục "khả nghi" và những linh mục "quốc doanh". Từ nhiều năm qua, nhất là trong thời gian gần đây, Vatican đã biết qúa rõ và qúa chán một cơ cấu HĐGMVN với những chia rẽ, những yếu đuối, những mưu mô, những báo cáo không đúng sự thật, những cộng tác lộ liễu với quyền và tiền của một số khuôn mặt tai to mặt lớn quen tên trong đạo ngoài đời. Vatican cũng đã qúa nản những linh mục vâng lệnh đảng cộng sản hơn vâng lệnh Giáo Hội. Vì vậy, nếu đi thẳng được với nhà cầm quyền mà không cần sự môi giới và cản mũi của những thành phần này, thì Vatican tội gì không đi? Trước tình cảnh này, Lm Huỳnh Công Minh mới tím gan tím ruột lên án quyết định cử đại diện của Vatican là bất lợi cho giáo hội VN, đất nước VN, dân tộc VN. Lm Minh không còn tin ai trong Hội Thánh nữa, ngoài HY Phạm Minh Mẫn của ông, ông nói: "Không có hy vọng gì…Tôi chỉ dựa vào Đức Hồng Y ở đây".

Điều trớ trêu là nhà cầm quyền cộng sản VN cũng muốn gạt những tay sai của họ trong giáo hội sang một bên để điều đình thẳng với Vatican. Họ đã tưởng những tay sai này có thể làm được gì nên cơm cháo, nếu không thành lập được một giáo hội nhà nước như bên Trung Quốc thì ít ra cũng phải tạo được sự thống nhất theo lệnh đảng trong hàng giám mục và linh mục. Thực tế lại khác. Không phải chỉ có một giám mục như Ngô Quang Kiệt, một linh mục như Nguyễn Văn Lý, mà còn có rất nhiều những vị tương tự, dù không ra mặt và không lên tiếng công khai. Giáo dân thì tuyệt đại đa số chống đảng và nhà nước. Những anh quốc doanh đang trở thành vô dụng. Nói chuyện với các anh làm gì? Tiếp tục nuôi dưỡng các anh chỉ toi cơm! Từ nay đã có tiền lệ: mỗi khi có vấn đề cần giải quyết liên quan tới GHCGVN, cộng sản Hà Nội sẽ nói chuyện thẳng với Vatican, không coi hàng giám mục và linh mục VN ra gì. Vì vậy những người như Huỳnh Công Minh cay cú vô cùng, nhưng chỉ "ngậm bồ hòn làm ngọt", không dám oán trách các đồng chí quan thầy, chỉ trút giận lên đầu Vatican.

Nếu vòng họp II giữa Vatican và Hà Nội vừa rồi có đạt thành công nào thì đó chỉ là việc hai bên nói chuyện thẳng với nhau, không cần qua những cố vấn thầy dùi quốc doanh vô tích sự. Ngoài ra, mọi việc khác vẫn còn nguyên đó. Người ta tự hỏi, sau khi nhượng bộ để chiều lòng nhà nước cộng sản, sau khi phải hy sinh một mục tử nhân từ thuộc hàng cao cấp của Giáo Hội, sau khi gây ra việc mất uy tín và chia rẽ trong Giáo Hội để mong đổi lấy bang giao, kết qủa nhận được sau vòng điều đình này có tương xứng với những nhượng bộ và mất mát đó không? Kinh ngiệm 65 năm đối phó với cộng sản chưa đủ giúp nhiều người nhìn ra sự thật hay sao? Sự thật là cộng sản luôn dùng trò trí trá với mọi đối tác, khi đánh khi xoa, khi thả mồi, khi cho bắt bóng, chỉ để thực hiện đường lối không thay đổi là bảo vệ sự độc tôn, độc quyền của họ. Chỉ khi nào cộng sản VN tôn trọng các quyền tự do căn bản của nhân dân VN, trong đó có quyền tự do tôn giáo, thì việc bang giao cũng như mọi việc khác mới trở nên dễ dàng, không còn vấn đề phải giằng co, chơi trò cút bắt với nhau nữa.

Giáo Hội Cuba đối thoại thành công với Cộng sản

Nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra ngày 15-7-10 loan tin, tính đến ngày 14-7-2010 có 9 tù chính trị Cuba mới được trả tự do đã cùng với gia đình đặt chân đến Tây Ban Nha với tư cách di dân, không phải với tư cách tỵ nạn chính trị. Họ thuộc số 52 tù chính trị được trả tự do trong khuôn khổ thỏa hiệp được ký kết tuần trước đó giữa Raul Castro, Chủ Tịch Cuba, với Giáo Hội Công Giáo Cuba và Ngoại Trưởng Tây Ban Nha.

Giáo Hội Công Giáo Cuba luôn đặt vấn đề với nhà cầm quyền cộng sản về việc cải thiện chế độ lao tù và thả tất cả các tù nhân chính trị và lương tâm. Ngày 19-5-10, Chủ Tịch Raul Castro đã cam kết với Hồng Y Jaime Ortegas là chính quyền sẽ cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân và sẽ phóng thích một số người vì lý do sức khỏe. Raul Castro đã giữ lời. Một số người được chuyển đến những nơi giam giữ gần nhà để được gia đình thăm nuôi. Nhà cầm quyền của chế độ cộng sản cực đoan này cũng không đàn áp những bà mẹ và những người vợ của tù nhân khi họ mặc y phục trắng diễn hành mỗi Chúa Nhật tại thủ đô Havana để phản đối việc bắt bớ và đòi trả tự do cho chồng con họ. Những phụ nữ này không sợ hãi vì họ tin tưởng được Giáo Hội và những nước văn minh hỗ trợ. Liên Hiệp châu Âu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc làm áp lực với chế độ cộng sản Cuba. Bà Catherine Ashton, Trưởng Ban Ngoại Giao của Liên Hiệp châu Âu, tuyên bố: "Liên Hiệp châu Âu quan tâm đặc biệt đến cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và chính phủ Cuba". Cuba e ngại những biện pháp trừng phạt của châu Âu dù Cộng đồng châu Âu đã hủy bỏ dự án về "Lập Trường Chung" đặt điều kiện trao đổi kinh tế và viện trợ cho Cuba với việc cải tiến nhân quyền. Cuba cũng hy vọng nghị quyết của Ủy Ban Canh Nông Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ, được biểu quyết ngày 30-6-10, kêu gọi hủy bỏ việc cấm người Mỹ du lịch Cuba và cho phép Cuba được bán nông phẩm cho các đảo vùng biển Caraibes, sẽ được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận. Những sự kiện này cũng thúc đẩy nhà cầm quyền Cuba có những hành động cởi mở để tỏ thiện chí.

Nhiều người dân tại Cuba cho rằng không thể tin những người cầm quyền cộng sản. Từ nhiều thập niên qua, cộng sản đã phóng thích nhiều đợt tù nhân, nhưng chẳng bao lâu sau, các nhà tù lại đầy ứ những người bị bắt mới. Tuy nhiên, cũng có những người lạc quan, chẳng hạn cựu tù chính trị Oscar Espinosa Chepe thuộc "Nhóm 75" tuyên bố: "Ngoài sự quan trọng có tính cách nhân đạo về việc trả tự do cho tất cả những người thuộc Nhóm 75, giải pháp cho vấn đề này đã tạo điều kiện đẩy mạnh những cải cách mà đất nước đang cần".

Bài học trên đây cho thấy Giáo Hội Công Giáo Cuba đã biết xử dụng uy thế do sức mạnh của giáo dân và dựa vào sự ủng hộ của các quốc gia tôn trọng nhân quyền trên thế giới để nói chuyện với nhà cầm quyền cộng sản ở thế mạnh, không phải ở thế xin-cho. Vì thế mới đạt kết qủa, tuy chưa toàn diện, nhưng rất đáng kể.

Cộng sản chỉ sợ sức mạnh và chỉ nhượng bộ trước sức mạnh. Sức mạnh của các giám mục không phải là tiền và súng đạn. Sức mạnh của các vị là lòng yêu mến và sự ủng hộ của giáo dân. Cộng sản sợ nhất là sức mạnh của nhân dân vì họ đã có những bài học cay đắng ở Liên Xô và Đông Âu. Tại VN, khi thấy hàng hàng lớp lớp giáo dân đứng sau lưng TGM Ngô Quang Kiệt, cộng sản phải tìm cách bôi nhọ Đức Cha và đưa ngài đi khỏi Hà Nội, khỏi Việt Nam. Muốn được dân yêu mến và ủng hộ thì phải biết thương dân, lo cho dân và làm theo ý nguyện chính đáng của dân. Ngược lại, khi giáo dân và giáo sĩ bị đánh trọng thương ở Tam Tòa, Đồng Chiêm mà hội đồng chủ chăn nín khe, không một lời an ủi nạn nhân, không một lời phản đối những kẻ bạo hành; khi đất đai của giáo dân bị chiếm ở Đà Nẵng mà chủ chăn lại khuyên giáo dân tôn trọng quyết định của kẻ ăn cướp… thì làm sao giáo dân có thể đứng sau lưng mục tử để tạo sức mạnh cho mục tử đối thoại với quyền lực đời? Thay vì cương quyết đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, chẳng những cho giáo dân của mình mà còn cho cả các thành phần dân tộc khác, một số chủ chăn lại khúm núm, xin xỏ, cộng tác với bạo quyền. Như thế bạo quyền đâu thèm đối thoại với các vị ấy? Đòi tôn trọng nhân quyền, đòi thả tù nhân chính trị không phải là làm chính trị, nhưng là làm bổn phận hàng đầu của những người muốn dẫn giắt người khác đi tìm chân lý, muốn hướng dẫn lương tâm nhân loại, muốn rao giảng Lời Chúa "Ta đói các con đã cho ta ăn, ta khát các con đã cho ta uống, ta rách rưới các con đã cho ta mặc, ta bị tù đầy các con đã thăm viếng". Giáo Hội CGVN đã cứu được một tù nhân lương tâm nào ra khỏi nhà tù chưa? Ngay tù nhân lương tâm LM Nguyễn Văn Lý cũng chỉ được tạm tha vì cộng sản sợ ngài chết trong tù, không phải do sự can thiệp của TGM Huế hay của Chủ Tịch HĐGMVN. Nếu biết dùng sức mạnh của giáo dân cộng với những áp lực đòi hỏi nhân quyền từ các nước bên ngoài (không thiếu), Giáo Hội có thể làm nhiều việc hữu ích cho đất nước và dân tộc

Qủa thật Giáo Hội Cuba đã nêu gương sáng, đã tranh đấu kiên cường và đã thành công. Trong số 52 người được thả nhờ sự can thiệp của Giáo Hội, không phải tất cả đều là tín đồ Công Giáo. Thiếu gì người thuộc các tôn giáo khác hoặc không theo đạo nào. Việc tranh đấu cho quyền lợi của mọi người, không phân biệt tôn giáo, là một yếu tố xây dựng tình đoàn kết dân tộc, liên kết khối quần chúng để tạo thành sức mạnh vạn năng hầu đối phó với mọi thứ quyền lực tối tăm.

Như có bác Hồ trong ngày vui...rước Mẹ !

Trước khi bắt đầu cuộc rước tháng hoa Đức Mẹ ngày 8-5-10 tại xứ Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ) thuộc giáo phận Hưng Hóa và cũng là quê hương của Giám Mục Vũ Huy Chương và người em họ Vũ Tất mới được phong Giám Mục để phụ tá ông anh, ban kèn đồng đã cử bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" khiến nhiều người vừa buồn vừa cười cho hiện tượng Công Giáo hội nhập với cộng sản hay cộng sản đã bị Công Giáo hóa (?) Giáo hội phiá Nam cũng không chịu thua. Trong thánh lễ bế mạc Năm Thánh Linh Mục và truyền chức cho 33 tân linh mục của Tổng Giáo Phận Sài Gòn vào tháng 6-2010, ban kèn đồng cũng chơi bài "Cùng nhau đi Hồng Binh" (dĩ nhiên chỉ có nhạc, không có lời ca: ‘Cùng nhau đi Hồng Binh. Đồng tâm ta đều bước. Đừng cho quân thù thoát. Ta quyết chí hy sinh’. Một giáo dân không biết nhạc điệu bài này, chỉ truy tìm lời ca trong phim phóng sự buổi lễ, dĩ nhiên không thấy, nên kết án oan những người loan tin là nói láo).

Riêng cuộc rước Đức Mẹ ở Dị Nậu có nhiều chuyện ly kỳ hơn. Điện báo Nữ Vương Công Lý ở VN loan tin và cho chiếu cả một video quay cảnh cuộc rước. Người ta không thấy một lá cờ Hội Thánh nào, chỉ thấy cờ đỏ sao vàng được rước sau thánh giá. Đặc biệt hơn cả là cảnh một bàn thờ khá lớn được trang trí mầu mè, treo đèn kết hoa rất trịnh trọng, trên đó trưng Chúa chịu nạn trên thánh giá, tượng Đức Mẹ Maria và tượng "Bác" Hồ thiếp vàng chói lọi lớn hơn hai tượng kia. Thế là sau khi được ngồi chung bàn thờ với Đức Phật trong chùa Đại Nam Quốc Tự ở Bình Dương, tuy ngồi hàng dưới, lần này "Bác" lại được ngồi với Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria ở xứ đạo Dị Nậu, giáo phận Hưng Hóa, và được ngồi ngang hàng với vóc dáng bề thế.

Sau khi video và tin tường thuật về cuộc rước được phổ biến, Giám Mục Hưng Hóa Vũ Huy Chương vội vàng dàn xếp một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Cha Chương tố cáo nhiều chi thiết không đúng sự thật như cấm treo cờ Tòa Thánh, bắt trưng cờ đỏ sao vàng trong cuộc rước. Đức Cha cũng giải thích về sự kiện có hình ông Hồ trên bàn thờ (chối sao được?). Đại ý, Đức Cha cho biết, đồng bào Công Giáo và không Công Giáo ở Dị Mậu sống rất đoàn kết và "chan hòa" với nhau. Chính những đồng bào không Công Giáo trưng cờ đỏ sao vàng và tượng Đức Mẹ trên xe "truck" chạy vòng vòng trong khu vực để cổ động cho cuộc rước. Cũng chính họ lập những bàn thờ bái vọng có tượng ông Hồ trên lộ trình rước kiệu. Trong số những tấm hình chứng minh được đăng ngay dưới bài phỏng vấn, người ta thấy rất rõ hình một bàn thờ lộng lẫy, chỉ có tượng ông Hồ đặt chính giữa, bên trên có hàng chữ: "Lương dân thôn Dị lập bàn thờ để chào mừng lễ rước hoa kính Đức Mẹ". Thật là lương giáo đề huề! Có điều thắc mắc là tại sao lương dân lập bàn thờ bái vọng tỏ tình đoàn kết tôn giáo mà không có tượng Đức Phật, chỉ có tượng ông Hồ? Chắc thứ lương dân này chỉ toàn là cán bộ đảng viên đảng cộng sản, đệ tử thuần thành của "thánh" Hồ, đã đưa "thánh" Hồ thay thế Đức Phật.

Nữ Vương Công Lý phản biện những lời đính chính và giải thích của GM Vũ Huy Chương. Họ đưa ra những ông trùm, ông trưởng, giới chức các Ban Hành Giáo với tên họ rõ ràng để qủa quyết chính GM Chương đã ra lệnh cấm treo cờ của nước Vatican và buộc phải trưng quốc kỳ của tổ quốc (?) (Thật ra, lá cờ vàng trắng, ngoài việc tượng trưng cho quốc gia Vatican, đã trở thành biểu hiệu cho Giáo Hội Công Giáo. Không nên lạm dụng sự lẫn lộn này, nhưng cũng không nên dẹp hết những lá cờ biểu tượng trong các cuộc lễ lạc, rước xách). Họ cũng qủa quyết rằng bàn thờ có tượng Chúa, tượng Đức Mẹ và tượng bán thân ông Hồ được thiết lập hôm trước ngày rước kiệu. Việc thiết lập bàn thờ này không biết do ai và không hề bị ngăn trở. Như vậy là có sự đồng tình của nhà đạo.

Để bênh thượng cấp, Lm Nguyễn Văn Giang OP, Phó xứ An Thịnh, địa phận Hưng Hóa, tuyên bố với giáo dân sau thánh lễ : "Trang này (Nữ Vương Công Lý) là trang của ma qủy, của Satan. Ai xem trang đó là mắc tội trọng, phải đi xưng tội". Lm Nguyễn Kim Cương, chánh xứ An Thịnh cũng dọa dẫm: "Ai đọc hoặc cất giữ những bài viết của Nữ Vương Công Lý thì tôi sẽ xử ngay, kể cả linh mục".

Vụ này đã gây khổ lụy cho cha già Đỗ Xuân Quế, cũng thuộc dòng Đa Minh nhưng trước đây thuộc tỉnh dòng Lyon, Pháp. Cha Quế thấy đàn em ăn nói không ổn bèn ra lời dậy bảo. Đâu dè bị Bề Trên Giám Tỉnh xát xà bông, bắt xin lỗi về chuyện "vạch áo cho người xem lưng". Sau khi gọi điện thoại cho hai linh mục đàn em (đúng ra là hàng con cháu) để hỏi chuyện và được hai linh mục cho biết là "sự việc không phải như vậy", Cha Quế đã rút lại lời và xin lỗi.

Sự việc không ngừng ở đây. Nữ Vương Công Lý đã viết thư cho hai linh mục trẻ yêu cầu xác nhận có nói như vậy hay không. Lm Nguyễn Văn Giang trả lời không hề nói như thế. Nữ Vương Công Lý phản pháo bằng việc đưa ra lời chứng của ông Hải, Trưởng Ban Hành Giáo (tương đương Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ) giáo xứ An Thịnh. Ông Hải khẳng định rằng Lm Giang có nói những lời như đã tường thuật trước hàng ngàn giáo dân. Lm Nguyễn Kim Cương không trả lời có nói hay không, nhưng vòng vo xoay qua chuyện khác. Đặc biệt Cha Cương còn bàn chuyện tranh cãi bằng một câu rất lạ phát ra từ ngòi bút của một linh mục: "Sáng nay, có một vị chức sắc kể câu chuyện về một cuộc tranh cãi. Trong câu chuyện đó, có một người đã chửi tục "l. mẹ mày" (người viết phải viết tắt vì tôn trọng độc giả. Trong thư của Lm Cương, chữ l. được viết đầy đủ cả chữ lẫn dấu).

Vì đâu nên nỗi đoạn trường này? Vì đâu ông Hồ được đặt ngồi chễm chệ ngang hàng với Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria? Vì đâu một giám mục phải biện minh loanh quanh và đưa ra những bằng chứng không thật? Vì đâu có những linh mục nói rồi lại chối, hoặc dùng những tiếng tục tằn để chửi khéo người đồng đạo? Phải chăng chúng ta đang sống trong thời "mạt đạo", hay nói một cách văn hoa như Nữ Vương Công Lý thì "mô hình Phúc Âm, Dân tộc và Chủ nghiã Xã Hội" đang được áp dụng tại giáo phận Hưng Hóa và nhiều giáo phận khác? Nếu qủa đúng như vậy thì đạo Công Giáo và chủ nghiã xã hội đang hòa nhập với nhau, mình với ta tuy hai mà một. Đã có "thánh lớn" Hồ Chí Minh thì sẽ có rất nhiều "thánh con" như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Chí Vịnh, Trương Tấn Sang, Tô Huy Rứa…Dại gì mà không đến vái lậy những thánh con này để xin ân huệ khi họ còn là thánh sống? Đợi đến khi các ngài rửa chân leo lên bàn thờ mới đốt nhang đèn thì còn sơ múi gì. Có điều những "thánh nữ" như Tăng Tuyết Minh, Nguyễn Thị Minh Khai, Nông Thị Xuân… vốn được coi như các "thánh nữ tử vì đạo" thì nay phải gọi là gì? Chẳng lẽ lại phải hạ xuống hàng trinh nữ nhà lành bị "thánh" Hồ xâm phạm tiết hạnh rồi quất ngựa truy phong?