Home Đời Sống Tôn Giáo Bàn về “Công lý và Hòa Bình” và về “Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình”của HĐGMVN

Bàn về “Công lý và Hòa Bình” và về “Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình”của HĐGMVN PDF Print E-mail
Tác Giả: An Đức   
Thứ Tư, 20 Tháng 10 Năm 2010 11:07

Vậy giờ đây với sự ra đời của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Dân Chúa có quyền trông đợi và có quyền đòi hỏi HĐGM lên tiếng nói mạnh mẽ bênh vực cho Công Lý và Hòa Bình.

 
Sau kỳ họp ĐH lần này, HĐGM có thêm một ủy ban: Ủy ban Công lý và Hòa Bình.

Ủy ban này được dư luận trông đợi từ lâu, với hy vọng ủy ban  sẽ đảm nhiệm việc nói lên tiếng nói của Công Lý và Hòa Bình trong lúc có rất nhiều sự kiện đang gây bất bình trong GH và trong XH.

Ngay sau khi ĐHĐGM vừa bế mạc, ĐGM Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ Tịch HĐGM đã trả lời  cuộc phỏng vấn do Phóng viên Gia Minh (RFA) thực hiện. Các câu hỏi phần lớn  liên quan đến vai trò của  Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình.

Trước khi bàn về quan điểm của HĐGMVN , qua lời của ĐGM Phó Chủ Tịch, về Công Lý và Hòa Bình và UB Công Lý và Hòa Bình sẽ hoạt động theo hướng nào, thiết tưởng cũng nên tìm hiểu Công Lý và Hòa Bình là gì.

I. Thế nào là công lý và hòa bình

a. Công lý là gì:

Theo ông Gioan Lê Quang Vinh thì:

Giáo Hội hiểu “Công Lý và Hòa Bình” là dấu chỉ của thời Thiên Sai, là triều đại của Vua Vinh Hiển. Công lý (Justice) được hiểu là sự công bằng, sự liêm khiết, sự hợp lý, sự phán quyết công minh, phù hợp pháp luật và trên hết là sự thực thi lề luật Thiên Chúa :  các luật tự nhiên ghi khắc trong lòng người và luật được Thiên Chúa truyền dạy cho Dân Ngài”

Theo luận thuyết về công lý của GS John Rawls, giáo sư triết học tại đại học Harvard, thì  đơn giản: “Công lý là công bằng”

Qua hai khái niệm được trình bày trên, ta thấy “công bằng” là điều kiện không thể thiếu để thực hiện công lý.

Vậy công bằng là gì ?

Có hai nguyên tắc để có công bằng:

Nguyên tắc thứ nhất là : “Phần của ai trả về cho người ấy”.

Đây là nguyên lý được phát biểu trong tác phẩm Republica của Plato và cũng được ghi trong phần mở đầu của công trình san định luật La mã của Hoàng đế Justinian I.

Theo nguyên lý này thì ”Chiếm giữ cho mình cái thuộc về người khác là bất công”.

Nguyên tắc thứ hai: “Dành cho mỗi người điều họ đáng được hưởng”

Mỗi người phải được hưởng phần của họ, căn cứ theo sự phân phối vật chất công bằng.

Ngoài vật chất mỗi người dân còn phải được hưởng mọi quyền của con người. Nếu một xã hội tìm cách hạn chế các quyền con người của người dân thì đó là một xã hội bất công. Ai làm xáo trộn cuộc sống  yên bình của người khác mà lẽ ra họ có quyền hưởng cũng là bất công.

Ngoài sự công bằng, GH đã đưa ra những điều kiện khác rất quan trọng để có công lý: sự liêm khiết, sự hợp lý, sự phán quyết công minh, phù hợp pháp luật . Đây là những điều không thể thiếu mà bất cứ một xã hội nào muốn có công lý cần thực hiện. Hơn thế nữa, GH còn đưa ra một nguyên tắc rất quan trọng và cũng rất riêng của mình: Một nền công lý theo quan niệm Công Giáo buộc phải có: sự thực thi lề luật Thiên Chúa: các luật tự nhiên ghi khắc trong lòng người và luật được Thiên Chúa truyền dạy cho Dân Ngài”.

b. Muốn có hòa bình phải có công lý

Hòa bình là tình trạng không có xung đột (dù công khai hay ngấm ngầm), giữa các nhóm hoặc cá nhân có quyền lợi khác nhau

Để có hòa  bình, mọi thành phần tham gia phải chấp nhận những quy định chung. Những quy định này phải công bằng cho mọi người.  Những quy định chung này cũng là công lý ,. Nhờ những  quy đinh chung này mà mọi hoạt động của xã hội có thể vận hành trong trật tự, hòa bình. Ai phạm đến quy định chung, công lý chung  thì phải chịu hình phạt.

Nhiều người thường chủ trương cần  nhẫn nhịn  để có bình an nếu xảy ra  sự bất đồng trong các tương quan giữa các thành viên trong gia đình và trong xã hội: “Một sự nhịn , chín sự lành”.

…Tuy nhiên, nếu muốn hòa bình thì người ta không thể nén nhịn hoặc bắt nạn nhân của sự bất công phải nén nhịn một cách uất ức rối thì coi như đã hòa giải.

Đó là hòa giải của sự khuất phục, hòa giải không nội dung, nhà thơ Việt Phương đã viết “Tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách”,…

Trong xã hội bình đẳng ngày nay, một việc nhỏ trong nhà thôi, người vợ hay chồng đều tìm cách giải quyết bằng đối thoại như họ mở màn: ” em muốn nói chuyện với anh” , hay “chúng ta không thể im lặng”… Đó là hòa giải có giải quyết bằng đối thoại, chứ không phải hòa giải chỉ là im lặng cam chịu khuất phục, rồi ấp ủ những căm ghét nguyền rủa ở bên trong….

Từ nhà ra ngõ, từ tế bào gia đình đến xã hội thấy rằng: người ta không thể nào có được hòa giải đích thực cũng như tình yêu đích thực, nếu bỏ qua không cần đến công lý. Bởi công lý chính là chìa khóa chung, lẽ sống chung, giải pháp chung, đáp số chung dành cho mọi người, chứ không phải “sư nói sư phải , vãi nói vãi hay”, hoặc sói nói ngôn ngữ ăn thịt cừu, còn cừu thì chỉ có lời biết ơn tận hiến, không phải lối đàn ông cậy sức ăn hiếp đàn bà, người khôn đánh lừa người dại, người lớn bắt nạt trẻ em, hay kẻ dùng tiền và quyền bắt chẹt những người thấp cổ bé họng. Muốn có hòa giải và hòa bình đích thực, thì mọi người cũng như xã hội, hơn thế là cả thế giới phải biết tôn trọng hiệp ước chung sống bất thành văn. Hiệp ước đó cũng chính là công lý dành cho tất cả mọi người.

(Trích: Muốn hòa giải không thể bước qua công lý. Nguyễn Hoàng Đức. Nguồn: Hòa Giải và Yêu Thương)

Sau khi tìm hiểu qua “Công Lý và Hòa Bình” là gì theo nghĩa thông thường  , thiết tưởng chúng

ta  có thể bàn đến quan điểm của HĐGM về công lý và hòa bình, qua bài phỏng vấn ĐGM Nguyễn Chí Linh.

II. Quan điểm  của HĐGM về Công Lý và Hòa Bình và  sứ mệnh của HĐGM:

ĐGM Linh nói: “Có lẽ dư luận chung hiểu khái niệm ‘công lý và hòa bình’ khác với quan điểm của giáo hội Công giáo. ‘Công lý’ cũng đồng nghĩa với ‘tình thương’, con người sống với nhau bằng sự tôn trọng quyền lợi của nhau, tôn trọng những sở thích của nhau.

Qua việc tìm hiểu ý nghĩa của công lý ở trên, có thể thấy quan điểm chung của mọi người và quan điểm của Giáo hội Công giáo cùng nhấn mạnh tới yếu tố công bằng khi thực hiện công lý. Ai vi phạm luật chung, công lý chung thì phải chịu hình phạt. Còn nói công lý cũng đồng nghĩa với tình thương…..như ĐGM Linh, thì chỉ là một lối nói tránh né vấn đề,  bằng cách mập mờ đưa ra đòi hỏi  tình thương và tôn trọng sở thích của nhau  khi giải quyết vấn đề bất công, mà không đề cập tới yếu tố công bằng.  Nếu người xử bất công với  anh em có những sở thích ngược ngạo: thích chiếm đoạt vợ con, của cải của người khác, thích nói xấu, nhục mạ thậm chí hành hung hoặc giết người khác thì chúng ta, những người sống trong cùng một xã hội với cả thủ phạm lẫn nạn nhân, sẽ khuyên nạn  nhân, thân nhân nạn nhân  tôn trọng sở thích của người bất công như thế nào .

ĐGM Linh nói: Hội đồng Giám mục Việt Nam có sứ mệnh mang tính toàn diện, chứ không phải chỉ đấu tranh cho công lý và hòa bình.Một đàng mình cũng cần ‘công lý, hòa bình’; một đàng cũng cần phải làm cho sự hiện hữu của mình giữa lòng xã hội hiệu quả về mọi phương diện.

Qua lời của ĐC Linh, có thể hiểu giữa công lý và những lợi ích (mà ĐGM  gọi là hiệu quả về mọi phương diện), HĐGM sẽ chọn lợi ích và bỏ rơi công lý. Đây là điều gây thất vọng ghê gớm cho những ai đang trông đợi một HĐGM dấn thân vì sứ điệp tin mừng. Rõ ràng HĐGM  đã đem công lý ra để mặc cả, cân nhắc hơn thiệt trước khi quyết định xem có nên bênh vực anh em bị đối xử bất công hay không.

ĐGM Linh nói: Bởi vì đa số người giáo dân Việt Nam sống đạo bình thường chứ không đòi Hội đồng Giám mục Việt Nam phải làm ‘thế nọ, thế kia’. Do đó chúng ta phải ‘cân, đong, đo, đếm’ thế nào để có sự công bằng trong vấn đề dư luận hay vấn đề truyền thông.


 
Sự cân, đong, đo, đếm ở đây thật là vô nghĩa, vì không phải số đông lúc nào cũng đúng. Trong Cựu ước chúng ta thấy khi dân chúng Israel trong sa mạc nhớ cá, dưa bở, dưa gang, củ hành củ tỏi ở Ai Cập mà than trách Chúa  thì cái số đông ấy có đúng không ? Khi họ đúc bò vàng để thờ thay thế cho việc thờ phụng Đức Giavê, thì số đông có đúng không ? Trong Tân Ước khi số đông thầm lặng để yên cho bọn Giáo Sĩ, Kinh sư, Biệt phái toa rập với Hêrôđê bắt  Chúa Giê su đem đi giết, thì số đông ấy có đúng không ?

Là ngôn sứ, tức là lương tâm sống động của Dân Chúa ,HĐGM cần xem xét mọi việc  bằng cái nhìn của Chúa, chứ không nên  vin vào số đông thầm lặng để tránh trút nhiệm vụ (mà đã là số đông thầm lặng thì làm sao HĐGM biết họ nghĩ gì ? Họ có thật sự tán thành cách cư xử hiện tại của HĐGM không ?)

ĐGM Linh nói: Chữ ‘đại hội’ tự nó có nghĩa là ‘sự lắng nghe’, có nghĩa mọi thành phần dân Chúa đều nói…. Tinh thần là như thế, nhưng đại hội có những giới hạn nhất định về thời gian, về không gian, rồi về khả năng của Ban tổ chức. Chứ không phải có đại hội, mọi người đều phải được nói, phải đòi hỏi cho bằng được mọi người đều phải nói.

Đến đây ĐGM lại cố tình làm người nghe hiểu sai vấn đề. Nói ĐH có nghĩa là lắng nghe mà lại không có nỗ lực lắng nghe với lý do không thể để mọi người cùng nói. Đúng là không thể để tất cả mọi người thuộc cộng đoàn Dân Chúa nói trong Đại Hội. Nhưng có thể và cần phải sắp xếp để mọi khuynh hướng đều có đại diện và đều được nói. Đó là công lý. Nếu cố tình để xảy ra sự việc là không có đủ mọi khuynh hướng trong Dân Chúa  có đại diện và có cơ hội phát biểu tại Đại Hội thì  không có công lý  và không thể nói

“…đây là đại hội của tất cả dân chúa tại Việt nam.Những đại biểu có mặt trong đại hội sẽ lên tiếng thay cho mọi thành phần trong Dân Chúa” (Trích thư HĐGMVN gửi CĐDC). Khi đó mọi lời hoa mỹ nói rằng Đại Hội này là Đại Hội của mọi thành phần Dân Chúa đều là lời nói dối.

ĐGM Linh nói: Do vậy việc không đề cử Dòng Chúa Cứu Thế không hề có sự tính toán nào của Hội đồng Giám mục hay của Ban Tổ chức Năm Thánh. Đó là chuyện nội bộ của các bề trên thượng cấp các dòng tu.

Công việc chuẩn bị, tổ chức,lên danh sách tham dự viên  Đại Hội Dân Chúa là để phục vụ Đại Hội. Do đó trong lúc thực hiện việc tổ chức Đại Hội thấy có thiếu sót, thì chỉnh lại cách tổ chức. Nếu thấy việc mọi khuynh hướng trong GH phải được lắng nghe là cần thiết mà lại không có DCCT trong danh sách họp Đại Hội thì sửa lại danh sách. Ở đây xin có một thắc mắc nhỏ:Tổ chức bề trên thượng cấp các dòng tu lớn hơn hay Ban Tổ Chức Năm Thánh và HĐGM lớn hơn mà hai cơ cấu này  không thể thêm DCCT vào danh sách  các dòng tham dự Đại Hội. Dù việc thêm DCCT và danh sách Đại Hội cũng là công lý.

ĐGM Linh nói: Điều quan trọng: Hội đồng Giám mục Việt Nam là một pháp nhân, nhưng không thể đảm đương tất cả những việc mà người khác cho đó là trách nhiệm của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

HĐGM không phải là cơ quan hành pháp nên HĐGM không thể đảm đương tất cả mọi chuyện xảy ra trong xã hội. Nhưng trong một xã hội không có báo chí độc lập, không có một tổ chức xã hội nào giữ vai trò phản biện những chính sách, đường lối của nhà cầm quyền, thì việc nói lên tiếng nói công lý thay cho Giáo Hội, thay cho Dân Tộc là một điều vô cùng cần thiết và có lẽ là cần thiết hơn mọi trách nhiệm của HĐGM trong giai đoạn này. Đó phải chăng là cách thiết thực để  sống phúc âm trong lòng dân tộc như HĐGM đã tự nguyện.

Vậy giờ đây với sự ra đời của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, Dân Chúa có quyền trông đợi và có quyền đòi hỏi HĐGM lên tiếng nói mạnh mẽ bênh vực cho  Công Lý và Hòa Bình. Dân Chúa mong mỏi  tiếng nói của HĐGM sẽ không rụt rè, không chần chừ, không toan tính thiệt hơn và không cân đong đo đếm. Vì nhiệm vụ chính của HĐGM là làm chứng cho Sứ Điệp Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh.

Kính chúc bình an.