Home Đời Sống Tôn Giáo Cồn Dầu không cần là ”Cồn Giàu”

Cồn Dầu không cần là ”Cồn Giàu” PDF Print E-mail
Tác Giả: LM Antôn Nguyễn Trường Thăng   
Thứ Bảy, 30 Tháng 10 Năm 2010 08:50

Giáo dân Cồn Dầu cố gắng trong tuyệt vọng để “bám đất giữ làng” không phải vì họ chống phá Nhà Nước, không phản động diễn biến hòa bình, mà họ chỉ muốn sống bình thường trong một đất nước Việt Nam yên vui, giữ gìn truyền thống của cha ông và đức tin công giáo. 

Hãy để cho du khách, khi máy bay sắp đáp xuống hoặc khi vừa cất cánh rời phi trường Đà Thành, được nhìn xem vẻ đẹp của Non Nước với ruộng lúa non xanh con gái hay vàng ươm chín tới của các cánh đồng vây quanh thành phố chứ không phải là những bải đất đỏ vô chủ, những Superlingas xa lạ, những đống kiến trúc xô bồ hộp diêm. Singapore, Hồng Kông… ao ước biết bao cảnh thanh bình quanh thành phố nầy. Hỡi các đại gia, các Đại công ty, hỡi những người có trách nhiệm, hãy thương nông dân Việt Nam nói chung, họ đã khổ lắm rồi, không giúp đở như đã hứa hẹn thì thôi, hãy để cho họ yên.

“Tao không cần sự giàu có nầy“. Vị tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã hét lên như vậy. Vì nhân dân ông đã “chiến đấu”, vì nhân dân ông “phục vụ”, vì độc lập của tổ quốc, vì tự do, vì “hạnh phúc của đồng bào”, ông sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để mãi mãi không còn cảnh “người bóc lột người”. Nhưng ông đau khổ vì con cái thoái hóa đến mức quên tất cả quá khứ dân tộc, cả truyền thống tổ tiên. Trẻ em Việt Nam mỗi ngày học lịch sử đều biết bao thế hệ cha ông đứng lên chống thực dân, phong kiến, cường hào ác bá, đế quốc, bá quyền bành trướng… vì tổ quốc và các thế hệ tương lai. Không ai có thể đảo ngược lịch sử.

 
                  Cảnh đẹp ngoại ô Đà Nẵng (Ảnh Trường Thăng)

“Tạo công ăn việc làm” đồng nghĩa với thức đêm, thức hôm làm việc với đồng lương chết đói, để một thiểu số dân các nước giàu có miếng ngon cho vào miệng, có quần áo, giày dép đẹp để chưng diện, còn con trai con gái chúng ta phục vụ, hầu hạ họ và bị đối xử như một món hàng hóa. Cho nông dân không còn quyền làm chủ vườn rau, vườn quả, vườn hoa, ruộng lúa của mình mà phải phơi sương, phơi nắng, gió mưa, quét rác, nhổ cỏ sân golf. Cho các làng chài bỏ nghề nhường chỗ cho “ô tên”, “rì dọt” (hotel, resort), Cho con cháu những người từng cầm súng bảo vệ quê hương, chiến đấu cho công lý, nay nhục nhã mặc chiếc áo bảo vệ, canh gác cho cơ sở tư bản hoang dã (capitalisme sauvage) cho họ ngũ yên, du hí, đánh bạc. Cho mồ mã, ruộng vườn, quê hương anh hùng thời chiến phải di dời tức tưởi, dành chỗ cho sân golf, cho những ai ở mô mô.

 
                      Cồn Dầu quá sinh thái rồi (Ảnh Trường Thăng)

Vùng đất xinh đẹp thơ mộng ấy một trăm năm trước Toàn quyền Paul Doumer đứng trên đỉnh Hải Vân trầm trồ khen ngợi đẹp hơn Nice, đáng giá cho một chuyến tàu thủy từ Pháp sang đây, để chỉ được chiêm ngưởng quang cảnh nầy một lần trong đời, nay loang lổ, tanh bành vì hai từ “sinh thái”, vì hai chữ “phát triển”. Thời Pháp thuộc, dân vùng núi Hòa Vang nhờ 500 hec ta chè và cây trái, tuy nghèo nhưng vẫn sống vui vẻ, bây giờ, núi đồi được cày ủi, sang lấp, múc đất lấn sông, lấn biển… Dân không biết làm gì để sống. Đàn chim thiên di qua đèo Hải Vân không còn Bàu Nghè, Bàu Tràm để nghỉ cánh và tìm thức ăn. “Đất là của toàn dân”, nhưng dân không còn là người quản lý, phải nhường chỗ cho những ông chủ, công ty dấu mặt. Họ là người Việt hay là ngoại quốc? Qui hoạch nếp sống văn minh thế nào mà lũ lụt năm nào cũng tràn vào phố thị. Không khéo một ngày đất cũ Hòa Vang nay là quận Ngũ Hành Sơn thành một Hòa Duân (Thuận An) thứ hai. Lúc đó, bờ biển “đẹp nhất hành tinh” như báo đài ca tụng, chỉ là bải bùn cát vô tích sự. Đức Phật Thích Ca ngự trên đỉnh núi Bà Nà, Đức Quán Thế Am sừng sửng tại Bán đảo Sơn Trà, Mẹ Maria khiêm nhường Sao Biển… không lẽ ở đấy để chứng kiến cảnh bài bạc, ăn chơi, rửa tiền ở các Casino, cảnh sống thác loạn, ăn nhậu, gian dối của những kẻ làm giàu nhanh chóng với lối sống vô đạo đức. Chắc các ngài cũng phải sa nước mắt!

 
                         Quy hoạch hay không quy hoạch

Giáo dân Cồn Dầu cố gắng trong tuyệt vọng để “bám đất giữ làng” không phải vì họ chống phá Nhà Nước, không phản động diễn biến hòa bình, mà họ chỉ muốn sống bình thường trong một đất nước Việt Nam yên vui, giữ gìn truyền thống của cha ông và đức tin công giáo. Là con cháu của những cư dân Miền Bắc, Trung Tín Quảng Ngãi và nhiều thôn làng xứ Quảng Nam từng đã bị mất tất cả tài sản trong thời kỳ Minh Mạng, Tự Đức bách hại và phân tháp. Là nạn nhân của phong trào Cần Vương do Văn Thân “bình Tây, sát Tả”. Họ lo sợ một cuộc phân tháp của Tân Văn Thân nhân danh “quy hoạch”. Họ sợ bao hy sinh của các thế hệ cha anh đắp đường, đắp vườn, đắp đê ngăn mặn hàng trăm năm nay trở thành vô nghĩa.

Hãy thương họ hơn là giận họ.

 
   Lm. Nguyễn Trường Thăng và các em khuyết tật tại Cô nhi viện Hội An, Giáng sinh 2008

Hãy để Cồn Dầu là Cồn Dầu mãi mãi. Họ chẳng cần biến thành “Cồn Giàu”!

Nguyên linh mục hạt trưởng Hạt Hội An, nơi có giáo xứ Cồn Dầu.

LM Antôn Nguyễn Trường Thăng