Đặc Ngữ Công Giáo: Góp ý về ba từ Kinh Thánh, Thánh Kinh, Sách Thánh - từ nào đúng? |
Tác Giả: Nguyễn Long Thao | |||
Thứ Ba, 09 Tháng 11 Năm 2010 09:31 | |||
Sách viết về Thánh Kinh Công Giáo Việt Nam có vấn đề đáng chú ý là nhiều tác giả chỗ này dùng từ Thánh Kinh, chỗ khác viết là Kinh Thánh, có chỗ lại viết là Sách Thánh. Xin nêu vài thí dụ điển hình.
- Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của Tổng Giáo Phận Sàigòn do nhà xuất bản Tôn Giáo in năm 1997, nơi trang 59,người ta thấy tựa đề của mục 5 viết: “ Kinh Thánh Trong Đời Sống Giáo Hội”. Nhưng chỉ cách đó 15 dòng, sách giáo lý lại viết: “Toàn bộ Thánh Kinh chỉ là một cuốn sách duy nhất…” - Các tác giả phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng Việt có khi dùng từ Thánh Kinh, có khi dùng từ Kinh Thánh. Ví dụ: LM Albert Schlicklin thường được gọi là cố chính Linh dịch thánh kinh cựu ước lấy tựa đề: Thánh Kinh Cựu Ước. Các giáo sĩ dòng Đa Minh, LM Gerard Gagnon, LM Nguyễn Thế Thuấn, LM Trần Đức Huân đều lấy tiêu đề cho tác phẩm của mình là Thánh Kinh Tân Ước hay Thánh Kinh Tòan Bộ. Trong khi đó Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn lại đặt tiêu đề Kinh Thánh Tân Ước. - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có một ủy ban lấy tên là Ủy Ban Kinh Thánh. Một Thành viên của ủy ban là Linh Mục Nguyễn Văn Trinh viết tác phẩm Lịch Sử Hình Thành Quyển Thánh Kinh. Chỉ đọc phần dẫn nhập của tác phẩm này, người ta đã thấy Linh Mục dùng cả ba từ Thánh Kinh, Kinh Thánh và Sách Thánh. - Giáo Hội Tin Lành tại Việt Nam cũng dùng lẫn lộn hai từ Thánh Kinh và Kinh Thánh. - Tác giả Nguyễn Đình Diễn trong tác phẩm Từ Điển Công Giáo Anh Việt, dịch từ Bible: Kinh Thánh. - Thuật Ngữ Thần Học Anh -Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 dịch từ Bible: Thánh Kinh hay Sách Thánh. Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam cũng như Tin Lành đều dùng cả ba từ Thánh Kinh, Kinh Thánh và Sách Thánh để diễn tả từ mà Anh và Pháp ngữ gọi là Bible, người Tàu gọi là 聖 经 [shèngjìng], và Hy Lạp, Latin là Biblia. Vậy ba từ Thánh Kinh, Kinh Thánh, Sách Thánh, từ nào đúng? Vì sao lại có hiện tượng hiểu Thánh Kinh là Kinh Thánh? Đó là nội dung bài nghiên cứu này. GIẢI NGHIÃ TỪ THÁNH KINH Thánh Kinh 聖 经 là hai từ Hán Việt. Thánh 聖 có các nghĩa sau: (1) Người có nhân đức cao như Thánh Nhân. (2) Được tôn vinh như thần thánh: Thánh Cung, Thánh Thể, Thánh Địa (3) Thuộc về vua như Thánh Thượng, Thánh Chỉ. Kinh được viết là 經 hay 经, phát âm là [jìng]. Kinh nếu là danh từ có nghiã là sách có giá trị đặc thù, được coi là phép tắc, khuôn mẫu như: Thi Kinh 詩經, Thư Kinh 書經, Hiếu Kinh 孝經. Với tôn giáo, Kinh cũng có nghiã là sách như Phật Giáo có Lăng Nghiêm Kinh 楞嚴經, Lăng Già Kinh 楞伽經, Bát Nhã Kinh 般若經. Hồi Giáo có Kinh Coran, Ấn Độ Giáo có Kinh Veda. Sách của một triết thuyết cũng gọi là Kinh như, Ngũ Kinh của triết học Khổng Tử. Tóm lại Kinh có nghiã là sách. Kinh của các tôn giáo có tính chất tín ngưỡng quan trọng, nên chúng có thể mang thêm tĩnh từ Thánh: Thánh Kinh. Về mặt văn phạm, hai chữ Kinh và Thánh đều là từ Hán Việt. Nếu muốn đúng theo văn phạm tiếng Tàu thì phải đặt tĩnh từ Thánh trước danh từ Kinh sau. Vì thế phải nói Thánh Kinh 圣 经 thì đúng văn phạm hơn là nói Kinh Thánh. Thần Học Từ Điển 神学辭典 của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc dịch từ Bible là 聖 经, phát âm là [shèngjìng], Hán Việt đọc là Thánh Kinh. Trong kho tàng ngôn ngữ Công Giáo Việt Nam có từ Thánh Ca, Thánh Thể. Nhưng không ai nói Ca Thánh, Thể Thánh. Trường hợp Thánh Linh có thể nói ngược lại là Linh Thánh, Thánh Thần là Thần Thánh nhưng Linh Thánh khác nghiã với Thánh Linh, Thần Thánh khác nghiã với Thánh Thần. Còn nếu muốn nói theo tiếng Việt để chỉ Thánh Kinh thì ta có thể nói Sách Thánh. Nếu ta nói Kinh Thánh thay vì Thánh Kinh thì ý nghĩa sẽ khác đi vì Kinh Thánh có nghiã là kinh cầu các thánh. Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum của Đức Giám Mục AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 định nghĩa Kinh Thánh: Litaniae sanctorum nghiã là Kinh Cầu Các Thánh. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896, định nghiã Kinh Thánh là Kinh Cầu Các Thánh. Linh Mục Anthony Trần Văn Kiệm trong mục từ Kinh của tác phẩm Từ Điển Văn Học Việt Nam, tập 1, ấn bản năm 2007 viết rằng từ Thánh Kinh đã hoá Nôm nên từ Kinh Thánh cũng chấp nhận được nhưng nên dùng từ Thánh Kinh thì hơn (trang 728). Riêng Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 không có từ Sách Thánh nhưng đã méo mó định nghiã Thánh Kinh hay Kinh Thánh là Sách giáo lí của đạo Thiên Chúa. Thánh Kinh là dịch từ chữ Hy lạp Ta Biblia. Ta có nghĩa là những (số nhiều); Biblia nghĩa là sách. Vậy Ta Biblia nghĩa là những sách.Thánh Kinh là bộ sách chứa đựng lời Chúa nói với con người qua các thời đại lịch sử của một dân tộc (Israel), được viết dưới nhiều hình thức khác nhau, do nhiều tác giả được sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Thánh Kinh gồm 2 bộ: Bộ Cựu Ước gồm 46 quyển, viết về giao ước Chúa ký kết với Dân tộc Israel. Bộ Tân Ước, gồm 27 quyển, viết về giao ước giữa Chúa và loài người, qua Chúa Giêsu. Có 4 sách Phúc Âm là quan trọng nhất, vì ghi lại đời sống và lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Từ Cựu Ước và Tân Ước mới có gần đây. Từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum ghi Cổ Thánh Kinh: Vestus Testamentum và Tân Thánh Kinh: Novum Testamentum tức Cựu Ước và Tân Ước. Trước khi có từ Thánh Kinh, người Công Giáo dùng từ Sấm Truyền: Sách Sấm Truyền. VÌ SAO THÁNH KINH TRỞ THÀNH KINH THÁNH? Lý giải thế nào về hiện tượng ngày nay dân chúng Công Giáo cũng như Tin Lành đều hiểu Kinh Thánh đồng nghiã với Thánh Kinh? Chưa có lời giải thích nào cho vấn nạn này. Theo thiển ý, có lẽ ban đầu một vị nào đó đã lầm lẫn gọi Thánh Kinh là Kinh Thánh, rồi từ đó từ Kinh Thánh được phổ thông, được nhiều người chấp nhận nên Linh Mục Trần Văn Kiệm mới có thể viết từ Thánh Kinh đã hóa Nôm. Một khi đã hóa Nôm thì tĩnh từ Thánh có thể đặt sau danh từ Kinh: Kinh Thánh. Một lý giải khác cũng có thể chấp nhận được là ngôn ngữ có thể biến đổi theo thời gian. Ví dụ trước đây các từ điển Tầu cũng như Hán Việt đều giải thích Tạo Vật 造 物 là Tạo Hóa (creator) nhưng ngày nay người ta hiểu Tạo Vật là vật được tạo thành, không phải Tạo Hóa. Kết Luận: Chúng ta nên dùng từ Thánh Kinh thì đúng hơn là Kinh Thánh và nếu muốn nói theo tiếng Việt ta nên dùng từ Sách Thánh.
|