“Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ…”. Câu hát vẳng sang từ phòng anh bạn sinh viên Việt Nam ở cạnh phòng tôi. Và bỗng dưng hai chữ “mười năm” làm tôi chợt nhớ đến ngày kỷ niệm mười năm thụ phong linh mục sắp tới của mình. Tôi lẩm nhẩm theo điệu nhạc của bài hát: “Mười năm linh mục tưởng mình đã cũ…” Mà cũ thật! Bởi sau mười năm chẳng còn ai gọi tôi là “cha mới” nữa. Cũ quá đi chứ. Tuy nhiên, là “cha cũ” nhưng tôi không thể để cuộc đời và ơn gọi linh mục của mình cũ đi được. Các nhà tu đức đã chẳng bảo các linh mục phải làm mới lại ơn gọi của mình mỗi ngày là gì? Như một cố gắng để làm mới lại cuộc đời và ơn gọi linh mục của mình, tôi để mặc cho dòng tư tưởng cuốn mình đi. Tôi nhớ lại một mẩu chuyện về thánh Don Boscô…
Hôm 7/6/1841, hai ngày sau khi lãnh chức linh mục, Cha Don Boscô đã trở về dâng lễ tại quê nhà. Sau thánh lễ, bà Marguerite, mẹ Người, đã ôm Người một hồi lâu. Bỗng dưng bà buông con ra và trợn mắt nhìn con. Sau cùng, bà lùi ra xa, quỳ xuống trước mặt con. Cha Don Boscô ngỡ ngàng vội đỡ bà dậy và nói:
- Mẹ ! Mẹ làm sao thế ? Mẹ thấy con lạ lắm sao ?
Bà Marguerite ấp úng trả lời:
- Vâng. Thưa... Vâng. Con lạ lắm. Con là ai? Con cao trọng.
Và bà đã oà lên khóc.
Con là ai? Linh mục là ai? Một câu hỏi đã được đặt ra rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa có câu trả lời đầy đủ và thoả đáng. Cũng có thể sẽ không có câu trả lời đầy đủ và thỏa đáng, vì ơn gọi linh mục là một mầu nhiệm do ý muốn khôn dò của Thiên Chúa. Mầu nhiệm, bởi xét trong một góc độ nào đó, con người và cuộc đời linh mục là một sự hoà trộn khó hiểu của biết bao nhiêu điều mâu thuẫn.
1- Mâu thuẫn giữa bản thân yếu hèn của linh mục với sự cao cả của sứ mệnh:
- Là con người bất toàn, nhưng linh mục lại phải thi hành những nhiệm vụ thánh, phải chu toàn những công việc linh thiêng.
- Được xức dầu thánh hiến để thuộc về Thiên Chúa, nhưng linh mục vẫn phải sống giữa lòng cuộc đời đầy những bất trắc và cạm bẫy.
- Là con người sống trên mặt đất này, nhưng bàn tay linh mục lại phải không ngừng vươn lên tới Trời cao.
- Là con người sống giữa thế gian, nhưng linh mục không được thuộc về thế gian mà phải thuộc về Thiên Chúa.
- Linh mục phải sống đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng cũng phải làm vừa lòng con người.
- Linh mục phải là một cánh chim bay trên núi thánh, nhưng cũng phải gần gũi với từng con người yếu hèn.
2- Mâu thuẫn giữa thực tại thiêng liêng và những giá trị vật chất:
- Là người làm chứng cho những thực tại thiêng liêng, nhưng linh mục không thể phủ nhận sự cần thiết của những điều kiện vật chất mà đời sống đòi hỏi.
- Là người xây dựng Nước Trời trong lòng anh chị em mình, nhưng linh mục lại bị vây bọc bởi những quyến rũ của trần thế.
- Là người phân phát những của cải không hư nát, nhưng linh mục vẫn phải lệ thuộc vào những của cải chóng qua.
- Là người mời gọi anh chị em mình tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, Đấng nuôi sống từng con chim, Đấng săn sóc từng cánh hoa ngọn cỏ, nhưng linh mục vẫn phải lo toan cho mình nơi ăn chốn ở.
3- Mâu thuẫn giữa sức mạnh và yếu đuối:
- Mỗi ngày linh mục cầm trong tay, rước vào lòng mình Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng là Sự Thật và là Sự Sống, nhưng linh mục vẫn phải đương đầu với những cám dỗ bất trung, bội tín và đôi khi linh mục cảm thấy như sự sống tâm linh của mình bị cạn kiệt.
- Là người phải có niềm tin chuyển được núi, dời được non, nhưng nhiều lúc linh mục vẫn thấy lòng mình đầy những nghi nan và ngờ vực.
- Là người giới thiệu Đấng Cứu Thế cho người khác, nhưng nhiều lúc linh mục quờ quạng mãi mà vẫn như không thấy Chúa đâu.
- Là người rao giảng tình yêu thương và sự tha thứ, nhưng nhiều lúc linh mục cảm thấy như mình phải trả giá quá đắt cho những đòi hỏi này.
- Là người hướng dẫn tâm linh, nâng đỡ người khác, nhưng linh mục không tránh khỏi những nguy cơ khiến mình ngã gục.
- Là người thay quyền Chúa tha tội cho những tội nhân, nhưng linh mục cũng rất cần được ơn tha thứ.
- Là người giới thiệu con đường giải thoát, nhưng linh mục vẫn sợ mình không được ơn cứu độ.
4- Mâu thuẫn giữa những cái riêng tư và những cái chung:
- Linh mục luôn ý thức rằng Chúa đòi hỏi phải vượt lên trên những ràng buộc của gia đình và huyết thống để hoà nhập vào một gia đình rộng lớn hơn, nhưng linh mục vẫn là một người con không có quyền sống ngược lại bổn phận hiếu thảo mà mình đã rao giảng.
- Là người được đặt lên vì và cho cộng đoàn, nhưng linh mục vẫn có cuộc đời riêng để sống.
- Là người được tách ra khỏi thế gian để lo việc của Thiên Chúa, nhưng linh mục vẫn cứ phải bận tâm với những công việc của đời này.
5- Mâu thuẫn giữa những từ bỏ và những sở hữu:
- Là người của mọi người, nhưng linh mục lại chẳng được giữ riêng ai cho mình.
- Là người được gọi làm bạn hữu của Thiên Chúa, được trao quyền lãnh đạo cộng đoàn, nhưng linh mục vẫn phải sống như một người tôi tớ phục vụ anh chị em mình.
- Là người quản lý cả đoàn chiên, nhưng không được có con chiên nào là của riêng...
Và còn nữa, còn rất nhiều những mâu thuẫn gay gắt trong cuộc đời linh mục.
Những mâu thuẫn này dường như không dịu đi hay mất đi theo tuổi đời linh mục. Trái lại, càng ngày chúng càng trở nên gay gắt hơn. Dung hòa được những mâu thuẫn để sống trọn vẹn mọi chiều kích của đời mình là điều không dễ dàng. Chính trong thực tại đầy những mâu thuẫn ấy mà cuộc đời linh mục trở thành một cuộc chiến dai dẳng và thật gay go. Chiến đấu với những nghi nan ngờ vực trong đời sống đức tin của chính mình. Chiến đấu với những khát vọng tầm thường vẫn cứ như nung như nấu trong cõi lòng. Chiến đấu chống lại những mệt mỏi, rã rời của thân xác. Chiến đấu chống lại những chán chường khi tinh thần bạc nhược. Chiến đấu chống lại những ý tưởng muốn buông xuôi, muốn chạy trốn, muốn đào ngũ… Mà cuộc chiến nào lại chẳng có đổ máu, có thương tích, có chết chóc, có chiến thắng và chiến bại?
Trong lá thư gửi các linh mục, một nữ giáo dân người Nga đã viết: “ Một đêm kia khi tôi đang cầu nguyện, bỗng thấy những bức tường nhà tôi như biến mất. Rồi căn nhà bé nhỏ của tôi xuất hiện đầy những bóng linh mục. Những linh mục đang sống trong nghi nan. Những linh mục đang quằn quại vì khổ đau, những nỗi đau thầm kín. Những linh mục đang chờ đợi hồi tục. Những linh mục đang muốn kết hôn. Những linh mục đã hồi tục đang muốn ly dị. Những linh mục vẫn còn đang ở lại nhiệm sở, nhưng hầu như quá mệt mỏi. Có một vài vị như đã hết hơi, đã kiệt sức...
Lúc ấy trong tâm trí tôi hoàn toàn tan biến cái ý định kết án bất cứ ai trong số những linh mục thiếu đức tin, yếu đuối và thiếu chín chắn này. Rồi tâm hồn tôi bỗng tràn ngập tình yêu và lòng thương cảm. Tôi muốn an ủi tất cả các vị ấy. Tôi muốn nói với các vị ấy rằng: Tôi và tất cả chúng tôi, những người giáo dân cần đến các linh mục biết bao”.
Những lời bộc bạch thật chân thành của một người giáo dân! Người nữ giáo dân ấy không tô son vẽ phấn cho các linh mục, không đưa các linh mục lên tới tận trời xanh bằng những lời tung hô và chúc tụng. Nhưng bà đã vẽ nên những bức chân dung rất thật của đời linh mục, đã hiểu được tất cả những nghiệt ngã của cuộc sống mà người linh mục phải đối diện, đã thông cảm với những yếu hèn nơi bản thân linh mục. Và cho dù có những khuyết tật nơi khuôn mặt cũng như đời sống của các linh mục, bà vẫn không đánh mất lòng tôn kính mến yêu. Trái lại, niềm tôn kính mến yêu ấy dường như dạt dào hơn bởi bà biết và tin rằng các linh mục là người của Thiên Chúa và là người của mọi người. Bà cũng biết rằng : để có thể sống trọn vẹn đời mình, các linh mục rất cần đến lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của anh chị em giáo dân.
Có thể có những người không đồng ý với những suy nghĩ của bà. Và có thể họ sẽ đặt câu hỏi : « Tại sao các linh mục được gọi là người của Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn lại có thể có những khuyết tật trong đời sống mình như vậy? Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã đưa ra câu trả lời : “Tư tế nào cũng là người được chọn trong số những người phàm và được đặt lên làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng lễ phẩm cũng như lễ đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những người yếu đuối và những kẻ lầm lạc, bởi chính Người cũng đầy yếu đuối. Mà vì yếu đuối nên Người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy » (Dt.5, 1-3).
Thật vậy, là người của Thiên Chúa nhưng rõ ràng các linh mục cũng chỉ là những con người yếu đuối như bao người khác. Bí tích truyền chức không tự động biến đổi con người linh mục trở thành một vị thánh. Vẫn còn đó nơi con người linh mục những hèn yếu và giới hạn. Nhiều anh chị em giáo dân không chấp nhận được hình ảnh của những linh mục thất trận có lẽ vì họ đã được nghe nói nhiều đến những dáng vẻ cao sang bề ngoài của người linh mục. Hậu quả là khi người linh mục không phản ảnh được bức chân dung đích thực của Đức Kitô thì những anh chị em ấy mất niềm tin. Không chỉ mất niềm tin nơi người linh mục mà mất niềm tin cả nơi Thiên Chúa nữa. Dịp Tuần Thánh năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị đã đi hành hương Đất Thánh. Từ chính căn phòng tiệc ly ngày xưa của Chúa Giêsu và các Tông Đồ, Người đã viết một lá thư gửi cho các linh mục trên toàn thế giới nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày kỷ niệm Chúa Giêsu lập bí tích Truyền Chức Thánh. Trong thư Người ghi lại : “ Nhiều lần, sự yếu hèn của con người linh mục đã che khuất khuôn mặt Đức Kitô trong con người họ. Tại phòng tiệc ly đây, không phải chỉ sự phản bội của Giuđa đạt đến cao điểm, nhưng chính Phêrô cũng phải đối diện với yếu đuối của mình khi nghe lời tiên báo chua xót về sự khước từ của ông. Khi chọn những con người giống như nhóm mười hai, quả thực Đức Kitô không ảo tưởng. Bởi chính trên sự yếu đuối của con người mà Chúa Giêsu đóng ấn bí tích sự hiện diện của Người. Thánh Phaolô tỏ cho chúng ta biết lý do: « Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cor.4, 7) (Gioan Phaolô II, Thư gửi các linh mục – Thứ Năm Tuần Thánh 2000 ).
Thân phận con người linh mục là thế đấy. Được bao bọc bởi muôn điều thánh thiêng nhưng chính con người mình lại chẳng phải là thánh. Được trao phó để quản lý những kho tàng quý báu, nhưng bản thân mình lại chỉ như chiếc bình sành mong manh dễ vỡ.
Không biết tôi có bi quan quá hay hạ giá người linh mục quá không khi suy tưởng về cuộc đời linh mục như thế ? Không biết tôi có thiếu lương thiện khi trưng dẫn Lời Chúa và lời của Đức Thánh Cha để « biện minh » cho những yếu đuối của mình ? Tôi sợ nếu không dám chấp nhận sự thật về những yếu đuối của mình mà cứ tô hồng cho cuộc đời linh mục bằng những hào quang bên ngoài thì e rằng sẽ tạo nên những ảo tưởng cho chính mình và cho những người khác. Tiên tri Isaia đã chép lại lời Giavê: “Ta đã gọi tên con, con thuộc về Ta” (Is 43,1). Vâng, Thiên Chúa đã gọi đích danh người linh mục, đã thánh hiến để linh mục thuộc về Người. Nhưng dù thuộc về Thiên Chúa, nhưng linh mục vẫn cứ còn mang trong mình những bất toàn và yếu đuối.
Biết thế nên cùng với lời tạ ơn Thiên Chúa sau mười năm linh mục, tôi cũng dâng lên Người những lời tạ tội và những lời cầu xin tha thiết để mình có thể sống trọn vẹn ơn gọi linh mục giữa biết bao mâu thuẫn và giằng co của cuộc đời. Tôi cũng nói thầm trong lòng mình rằng: “Thưa anh chị em giáo dân, chúng tôi cần anh chị em biết bao! Cần lời cầu nguyện, cần sự tha thứ, cần sự cảm thông, cần sự nâng đỡ để chúng tôi mãi mãi là những mục tử như lòng Chúa mong ước”.
|