Home Đời Sống Tôn Giáo Đức Gioan Phaolô II và Mùa Xuân Tự Do

Đức Gioan Phaolô II và Mùa Xuân Tự Do PDF Print E-mail
Tác Giả: Vũ Văn An   
Thứ Ba, 22 Tháng 2 Năm 2011 06:27

Càng gần đến ngày ngài được tôn phong lên hàng Á Thánh, Đức Gioan Phaolô II càng được quần chúng nhắc đến với thật nhiều tình cảm nồng hậu,

nhất là quần chúng Ba Lan, đồng hương của ngài. Ngày 17 vừa qua, linh mục Mariusz Frukacz, chủ bút tuần báo Công Giáo Niedziela của Tổng Giáo Phận Czestochowa, Ba Lan, có dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài cho hay: đối với dân tộc Ba Lan, tưởng nhớ Đức Gioan Phaolô II là tưởng nhớ một con người đã đem lại cho dân tộc “buổi khởi đầu của mùa xuân tự do”. Việc bầu cử vị Giáo Hoàng Đầu Tiên Người Slav đã đem “ánh sáng Ba Lan soi sáng cho các thay đổi vĩ đại tại Ba Lan và toàn bộ Âu Châu” và cách riêng, đã đem lại cho “dân tộc Ba Lan sức mạnh tâm linh và tinh thần để từ kháng chiến chống bất công tiến qua chiến thắng sự ác bằng sự thiện”.

Theo Cha Frukacz, năm 1978, khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II, thì Ba Lan đang quằn quại dưới ách thống trị của chế độ cộng sản. Bởi thế, việc bầu cử này có một tầm quan trọng hết sức lớn lao, không phải chỉ riêng đối với Ba Lan, mà còn đối với cả khối Trung và Đông Âu nữa. Dân chúng Ba Lan và dân chúng các nước vừa kể không những cảm thấy niềm vui mà cả tinh thần tự do nữa. Đức Gioan Phaolô II mang theo ngài lòng trung tín đối với Tin Mừng và lòng can đảm đối với niềm tin vào sự thật. Theo cha, câu “đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” của ngài đã bật đèn xanh cho các thay đổi có tính thời đại tại Ba Lan và khắp Âu Châu. Việc bầu ngài làm giáo hoàng quả đã khởi đầu cả một mùa xuân cho tự do. Ngài đã bật đèn xanh cho cuộc cách mạng tâm linh và tinh thần tại Ba Lan và các nước khác tại Trung và Đông Âu.

Được hỏi phải chăng vì Wojtyla làm giáo hoàng mà Liên Xô không dám xâm lăng Ba Lan, Cha Frukacz cho hay: đối với câu hỏi này, ta không thể trả lời một cách đơn giản được. Hiện nay, ta không biết hết các tài liệu của chế độ cộng sản, càng biết ít hơn về thời kỳ Tướng Wojciech Jaruzelski thiết quân luật khiến các quyền dân sự bị hạn chế và các nhà tranh đấu của Phong Trào Đoàn Kết bị bắt và bị cầm tù. Theo Cha, một số sử gia nghĩ đúng khi họ viết rằng người Nga không xâm lăng Ba Lan vì họ không muốn lặp lại hoàn cảnh năm 1968 lúc họ xâm lăng Tiệp Khắc. Tướng Wojciech Jaruzelski chủ trương rằng vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, ông ta phải thiết quân luật tại Ba Lan, vì nếu không người Nga chắc chắn sẽ xâm lăng Ba Lan. Ngày nay, ta biết rằng điều ông ta tuyên bố lúc đó không đúng sự thật. Từ quan điểm của một số tài liệu cũng như dựa vào vào một số nhân chứng, các sử gia tại Ba Lan cho rằng chế độ cộng sản, nhất là Leonid Brezhnev, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, muốn Tướng General Jaruzelski và chế độ cộng sản tại Ba Lan phải giải quyết vấn đề “Đoàn Kết” bằng chính các lực lượng của mình. Ngày nay, ta cũng biết rằng suốt trong thời kỳ thiết quân luật tại Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II có các tiếp xúc ngoại giao gần gũi với tổng thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, và ngài từng viết một lá thư cho Leonid Brezhnev để thuyết phục ông ta đừng xâm lăng Ba Lan. Dù thế mặc lòng, ta vẫn không thể quả quyết một cách đầy đủ và chắn chắn rằng người Nga không xâm lăng Ba Lan là vì Đức Hồng Y Wojtyla được bầu làm giáo hoàng.

Về lý do tại sao cả chủ nghĩa quốc xã lẫn chủ nghĩa cộng sản đều không thành công trong việc tách rời Ba Lan ra khỏi gốc rễ Kitô Giáo và tiêu diệt đức tin Công Giáo của họ, Cha Frukacz cho rằng nguồn mạch dứt khoát cứu được đức tin Công Giáo chính là việc các gia đình Ba Lan đã luôn luôn tôn kính và lưu truyền cho con cái họ gia tài thiêng liêng của các thế hệ đi trước. Trong suốt thời Quốc Xã và sau đó thời Cộng Sản, trong các gia đình Ba Lan, người ta thấy mối liên hệ của đức tin với văn hóa Kitô Giáo và văn hóa quốc gia luôn luôn sống động và mạnh mẽ. Đối với dân tộc Ba Lan, đức tin luôn nối kết với lòng yêu nước chân chính nghĩa là yêu Chúa và yêu quê hương. Cha cũng nghĩ rằng các phong trào và hiệp hội Kitô Giáo đóng một vai trò rất lớn trong việc duy trì gốc rễ Kitô Giáo trong xã hội Ba Lan, như Phong Trào Đời Sống Và Ánh Sáng của Tôi Tớ Chúa là Cha Franciszek Blachnicki. Các câu lạc bộ Công Giáo như Câu Lạc Bộ Trí Thức Công Giáo, Tuần Lễ Văn Hóa Kitô Giáo, cũng góp nhiều đóng góp học thuật và mục vụ cho việc sống đức tin vì tại đây, các nghệ sĩ liên tục trình bày và truyền bá nền văn hóa và văn chương quốc gia cho tín hữu tại các nhà thờ.

Và không ai quên vai trò lớn lao của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski (1), người mà cha gọi là “giáo phẩm của thiên niên kỷ”. Chính ngài là người tổ chức “Các Lời Hứa Jasna Gora” vào năm 1956, tức chín năm chuẩn bị kỷ niệm 1,000 năm Kitô Giáo có mặt tại Ba Lan (1957-1966). Chính ngài đã sâu sắc hóa và truyền bá điều vốn được gọi là nền thần học về quốc gia (theology of the nation) để củng cố căn tính Công Giáo của người Ba Lan. Đức Gioan Phaolô II cũng làm chứng cho tầm quan trọng và sự cao cả của Đức Hồng Y Wyszynski khi phát biểu: “Có thể đã không có một vị Giáo Hoàng Người Ba Lan trên tòa Phêrô nếu không có đức tin của Đức Hồng Y Wyszynski cũng như việc ngài bị cầm tù và Jasna Gora” (2)

Về hai người con sáng chói của Ba Lan, tức chân phúc Jerzy Popieluszko (3) và chuẩn chân phúc Karol Wojtyla, Cha Frukacz cho rằng có nhiều yếu tố chung giữa hai vị anh hùng thời đại này về lòng can đảm và việc làm chứng anh hùng của họ. Yếu tố thứ nhất là cả hai vị cùng có một đức tin vững mạnh. Các vị đều là người của đức tin theo nghĩa hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Yếu tố thứ hai: cả hai vị đều thể hiện trong đời mình lòng trung tín chân thực đối với Tin Mừng và các giá trị Kitô Giáo. Nhân danh Tin Mừng và nhân danh việc tôn trọng các giá trị Kitô Giáo trong lãnh vực sinh hoạt công cộng, cả hai vị đều đã bênh vực nhân quyền và phẩm giá nhân vị. Cả hai đều đã làm chứng một cách đích thực và đầy can đảm cho Chúa Kitô đến độ đổ máu mình ra. Chân Phúc Jerzy Popiełuszko bị công an chìm của chế độ cộng sản sát hại, còn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì bị tấn công tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Cha Popieluszko và Đức Gioan Phaolô II đều đã cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền, quyền lợi công nhân và phẩm giá nhân vị, tất cả dưới ánh sáng Tin Mừng. Đối với Ba Lan và đối với toàn thế giới, họ đều đã thực hành và làm chứng cho nhân đức can đảm, lòng trung tín đối với Thiên Chúa, với Thánh Giá Chúa Kitô và với Tin Mừng, tình yêu Thiên Chúa và quê hương. Cả hai đều đại biểu cho lòng yêu nước theo nghĩa Kitô Giáo, coi nó như một nhân đức văn hóa và xã hội. Một yếu tố chung khác nữa là cả hai vị đều có một linh đạo về Đức Mẹ và hoàn toàn tín thác vào ngài. Chân phúc Popieluszko lấy Thánh Maximilian Kolbe làm gương mẫu, còn đối với Đức Gioan Phaolô II, gương mẫu đó chính là Thánh Louis Mary Grignion de Montfort.

Nhưng thực ra, đâu là các đặc tính đặc trưng của Đức Gioan Phaolô II? Cha Frukacz cho hay: ngài biết Đức Gioan Phaolô II từ lúc lên 8 khi Đức Giáo Hoàng về thăm quê hương hồi tháng 6 năm 1979. Hình ảnh còn rõ nét trong cha là một nhân vật mặc đồ trắng với cánh tay rộng mở. Không khí hôm ấy là một không khí hân hoan của những ngày vui lịch sử. Cha mẹ cha nước mắt đầm đìa, nhất là thân phụ cha, một đoàn viên của Phong Trào Đoàn Kết. Rồi những năm sau đó, cha được cùng gia đình gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II tại Đền Thờ Jasna Gora và tại Czestochowa trong các năm 1983, 1987, 1991, 1997, 1999. Điều hết quan trọng đối với linh đạo của cha là lần gặp vào tháng 8 năm 1991, lúc Đức Gioan Phaolô II tới làm phép đại chủng viện Czestochowa. Lúc ấy cha đang học năm thứ hai tại chủng viện này. Cha rất cảm động khi nghe Đức Giáo Hoàng phát biểu: “với lòng tận tụy trọn vẹn và hoàn toàn, xứng hợp với thái độ của Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá, … các con hãy công bố Tin Mừng của Con ngài và làm chứng cho Tin Mừng ấy trong đời sống, một cách quảng đại, không hề thỏa hiệp với tinh thần thế gian và đừng sợ hãi”. Theo cha, vị giáo hoàng người Ba Lan này là một con người của cầu nguyện. Cha vẫn luôn ghi nhớ trong tâm hồn Thánh Lễ cha được đồng tế với Đức Gioan Phaolô II tại nhà nguyện riêng của tòa khâm sứ vào ngày 7 tháng 9 năm 2000. Cha cho rằng Đức Gioan Phaolô II là một con người của niềm vui Kitô Giáo đích thực. Trong suốt thời gian du học tại Rôma (2000-2007), cha có dịp được gặp Đức Giáo Hoàng và chuyện trò với ngài dịp lễ Giáng Sinh. Nhờ thế, ngài thường được nghe Đức Giáo Hoàng ngâm ngợi các ca khúc Giáng Sinh. Đức Gioan Phaolô II cũng là một con người có một tình yêu lớn lao đối với người lân cận, đối với Chúa Kitô và đối với Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng có lòng yêu kính đặc biệt đối với Đức Mẹ, năng đọc kinh Mân Côi.

Về lễ phong chân phúc cho Đức Gioan Phaolô II, Cha Frukacz không biết sẽ có bao nhiêu người Ba Lan qua Rôma tham dự, nhưng chắc một điều: cả nước Ba Lan đang được huy động. Các phương tiện truyền thông đại chúng ước lượng sẽ có chừng 1 triệu người Ba Lan qua Rôma tham dự thánh lễ phong chân phúc cho người đồng hương rất yêu quí của họ, người vốn được họ coi là đại biểu của mùa xuân tự do.

Ghi chú

(1) Stefan Wyszyński (3 tháng 8 năm 1901 - 28 tháng 5 năm 1981) là giáo chủ Ba Lan, được Đức Piô XII nâng lên hàng hồng y năm 1953, và thường được gọi là giáo chủ của thiên niên kỷ. Thời ngài, Giáo Hội Công Giáo tích cực hỗ trợ phong trào chống cộng. Một trong các vấn đề hàng đầu là việc cộng sản tịch thu đất đai của Giáo Hội. Năm 1950, Đức TGM Wyszyński quyết định hòa hoãn với cộng sản, nhờ thế, Giáo Hội được quyền duy trì một số tài sản và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, năm 1953, cộng sản lại mở một đợt bách hại mới và khi các giám mục tiếp tục ủng hộ phong trào kháng chiến, thì nhiều cuộc đấu tố và giam cầm giáo sĩ đã diễn ra, chính Đức Hồng Y cũng cùng chung số phận này và chỉ được thả ngày 26 tháng 10 năm 1956. Ngài không bao giờ ngưng các công trình tôn giáo và xã hội của mình. Thành tựu lớn nhất của ngài là việc cử hành năm 1966, để kỷ niệm 1,000 năm Đạo Công Giáo du nhập Ba Lan. Nhà nước Cộng Sản không cho phép Đức Phaolô VI qua Ba Lan tham dự. Tuy nhiên, vẻ vang nhất đối với ngài là lúc Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng. Ngài qua đời ngày 28 tháng 5 năm 1981, lúc 79 tuổi và năm 2001, được quốc hội Ba Lan tuyên dương là “Người Ba Lan, tuyên uý và chính khách vĩ đại”. Năm ấy cũng được Quốc Hội Ba Lan mừng là Năm Hồng Y Stefan Wyszyński.

(2) Đan viện Jasna Góra (nghĩa là Núi Sáng) tọa lạc tại Częstochowa, Ba Lan, là đền thánh nổi tiếng nhất dâng kính Đức Mẹ tại Ba Lan và là trung tâm hành hương của cả nước, được nhiều người coi là thủ đô tinh thần. Được các đan sĩ dòng Thánh Phaolô thiết lập từ năm 1382, từ đó trở thành địa điểm hành hương nhờ bức ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng mà người ta quen gọi là Đức Mẹ Đen Częstochowa. Người ta vẫn cho rằng nhờ Đức Mẹ mà Jasna Gora thoát cuộc xâm lăng của Thụy Điển vào thế kỷ 17. Và chính vì thế, nó trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến Ba Lan. Ngày 1 tháng 4 năm 1656, Jan Kazimierz, Vua Ba Lan, đã long trọng đọc lời thề hứa dâng cả nước cho sự che chở của Mẹ Thiên Chúa và tuyên xưng ngài là Quan Thầy và là Nữ Vương mọi lãnh thổ thuộc vương quyền của ông.

(3) Jerzy Popiełuszko (ngày 14 tháng 9 năm 1947 – ngày 19 tháng 10 năm 1984) là một linh mục Công Giáo Ba Lan, có liên hệ với Nghiệp Đoàn Đoàn Kết. Ngài bị ba nhân viên của sở tình báo cộng sản Ba Lan hạ sát, được Giáo Hội nhìn nhận là tử đạo và được phong chân phúc ngày 6 tháng 6 năm 2010. Cha nổi tiếng chống cộng, có tài thu hút và được phái tới với những người đình công tại hãng sắt ở Warsaw, sau đó, liên hệ với các công nhân và nhân viên của nghiệp đoàn Đoàn Kết, là những người chống chế độ cộng sản tại Ba Lan. Trong các bài giảng, ngài luôn đan kết các lời khuyên thiêng liêng với các sứ điệp chính trị, chỉ trích hệ thống cộng sản và khuyến khích người ta lên tiếng phản đối. Các bài giảng của ngài được Đài Âu Châu Tự Do phát đi, trở thành nổi tiếng khắp Ba Lan như tuyên ngôn bất khoan nhượng chống lại chế độ. Sau nhiều mưu toan bất thành, tình báo Ba Lan đã bắt cóc cha ngày 19 tháng 10 năm 1984. Cha bị tra tấn dã man và bị thảm sát bởi 3 viên tình báo. Xác ngài bị ném xuống đập nước Vistula và được tìm thấy ngày 30 cùng tháng. Tin ấy làm rúng động Ba Lan. Hơn 250,000 người, trong đó có Lech Wałęsa, đã tham dự đám tang của cha. Năm 1997, Giáo Hội Công Giáo khởi đầu án phong chân phúc cho cha và lễ phong chân phúc này đã diễn ra ngày 6 tháng 6 năm 2010 tại Quảng Trường Piłsudski. Mẹ cha là bà Marianna Popiełuszko, người trước đó mấy ngày vừa tròn 100 tuổi, đã tham dự thánh lễ này.

Đức Gioan Phaolô II và Mùa Xuân Tự Do


Càng gần đến ngày ngài được tôn phong lên hàng Á Thánh, Đức Gioan Phaolô II càng được quần chúng nhắc đến với thật nhiều tình cảm nồng hậu, nhất là quần chúng Ba Lan, đồng hương của ngài. Ngày 17 vừa qua, linh mục Mariusz Frukacz, chủ bút tuần báo Công Giáo Niedziela của Tổng Giáo Phận Czestochowa, Ba Lan, có dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài cho hay: đối với dân tộc Ba Lan, tưởng nhớ Đức Gioan Phaolô II là tưởng nhớ một con người đã đem lại cho dân tộc “buổi khởi đầu của mùa xuân tự do”. Việc bầu cử vị Giáo Hoàng Đầu Tiên Người Slav đã đem “ánh sáng Ba Lan soi sáng cho các thay đổi vĩ đại tại Ba Lan và toàn bộ Âu Châu” và cách riêng, đã đem lại cho “dân tộc Ba Lan sức mạnh tâm linh và tinh thần để từ kháng chiến chống bất công tiến qua chiến thắng sự ác bằng sự thiện”.

Theo Cha Frukacz, năm 1978, khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla được bầu làm giáo hoàng với tước hiệu Gioan Phaolô II, thì Ba Lan đang quằn quại dưới ách thống trị của chế độ cộng sản. Bởi thế, việc bầu cử này có một tầm quan trọng hết sức lớn lao, không phải chỉ riêng đối với Ba Lan, mà còn đối với cả khối Trung và Đông Âu nữa. Dân chúng Ba Lan và dân chúng các nước vừa kể không những cảm thấy niềm vui mà cả tinh thần tự do nữa. Đức Gioan Phaolô II mang theo ngài lòng trung tín đối với Tin Mừng và lòng can đảm đối với niềm tin vào sự thật. Theo cha, câu “đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” của ngài đã bật đèn xanh cho các thay đổi có tính thời đại tại Ba Lan và khắp Âu Châu. Việc bầu ngài làm giáo hoàng quả đã khởi đầu cả một mùa xuân cho tự do. Ngài đã bật đèn xanh cho cuộc cách mạng tâm linh và tinh thần tại Ba Lan và các nước khác tại Trung và Đông Âu.

Được hỏi phải chăng vì Wojtyla làm giáo hoàng mà Liên Xô không dám xâm lăng Ba Lan, Cha Frukacz cho hay: đối với câu hỏi này, ta không thể trả lời một cách đơn giản được. Hiện nay, ta không biết hết các tài liệu của chế độ cộng sản, càng biết ít hơn về thời kỳ Tướng Wojciech Jaruzelski thiết quân luật khiến các quyền dân sự bị hạn chế và các nhà tranh đấu của Phong Trào Đoàn Kết bị bắt và bị cầm tù. Theo Cha, một số sử gia nghĩ đúng khi họ viết rằng người Nga không xâm lăng Ba Lan vì họ không muốn lặp lại hoàn cảnh năm 1968 lúc họ xâm lăng Tiệp Khắc. Tướng Wojciech Jaruzelski chủ trương rằng vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, ông ta phải thiết quân luật tại Ba Lan, vì nếu không người Nga chắc chắn sẽ xâm lăng Ba Lan. Ngày nay, ta biết rằng điều ông ta tuyên bố lúc đó không đúng sự thật. Từ quan điểm của một số tài liệu cũng như dựa vào vào một số nhân chứng, các sử gia tại Ba Lan cho rằng chế độ cộng sản, nhất là Leonid Brezhnev, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, muốn Tướng General Jaruzelski và chế độ cộng sản tại Ba Lan phải giải quyết vấn đề “Đoàn Kết” bằng chính các lực lượng của mình. Ngày nay, ta cũng biết rằng suốt trong thời kỳ thiết quân luật tại Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II có các tiếp xúc ngoại giao gần gũi với tổng thống Hoa Kỳ, Ronald Reagan, và ngài từng viết một lá thư cho Leonid Brezhnev để thuyết phục ông ta đừng xâm lăng Ba Lan. Dù thế mặc lòng, ta vẫn không thể quả quyết một cách đầy đủ và chắn chắn rằng người Nga không xâm lăng Ba Lan là vì Đức Hồng Y Wojtyla được bầu làm giáo hoàng.

Về lý do tại sao cả chủ nghĩa quốc xã lẫn chủ nghĩa cộng sản đều không thành công trong việc tách rời Ba Lan ra khỏi gốc rễ Kitô Giáo và tiêu diệt đức tin Công Giáo của họ, Cha Frukacz cho rằng nguồn mạch dứt khoát cứu được đức tin Công Giáo chính là việc các gia đình Ba Lan đã luôn luôn tôn kính và lưu truyền cho con cái họ gia tài thiêng liêng của các thế hệ đi trước. Trong suốt thời Quốc Xã và sau đó thời Cộng Sản, trong các gia đình Ba Lan, người ta thấy mối liên hệ của đức tin với văn hóa Kitô Giáo và văn hóa quốc gia luôn luôn sống động và mạnh mẽ. Đối với dân tộc Ba Lan, đức tin luôn nối kết với lòng yêu nước chân chính nghĩa là yêu Chúa và yêu quê hương. Cha cũng nghĩ rằng các phong trào và hiệp hội Kitô Giáo đóng một vai trò rất lớn trong việc duy trì gốc rễ Kitô Giáo trong xã hội Ba Lan, như Phong Trào Đời Sống Và Ánh Sáng của Tôi Tớ Chúa là Cha Franciszek Blachnicki. Các câu lạc bộ Công Giáo như Câu Lạc Bộ Trí Thức Công Giáo, Tuần Lễ Văn Hóa Kitô Giáo, cũng góp nhiều đóng góp học thuật và mục vụ cho việc sống đức tin vì tại đây, các nghệ sĩ liên tục trình bày và truyền bá nền văn hóa và văn chương quốc gia cho tín hữu tại các nhà thờ.

Và không ai quên vai trò lớn lao của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski (1), người mà cha gọi là “giáo phẩm của thiên niên kỷ”. Chính ngài là người tổ chức “Các Lời Hứa Jasna Gora” vào năm 1956, tức chín năm chuẩn bị kỷ niệm 1,000 năm Kitô Giáo có mặt tại Ba Lan (1957-1966). Chính ngài đã sâu sắc hóa và truyền bá điều vốn được gọi là nền thần học về quốc gia (theology of the nation) để củng cố căn tính Công Giáo của người Ba Lan. Đức Gioan Phaolô II cũng làm chứng cho tầm quan trọng và sự cao cả của Đức Hồng Y Wyszynski khi phát biểu: “Có thể đã không có một vị Giáo Hoàng Người Ba Lan trên tòa Phêrô nếu không có đức tin của Đức Hồng Y Wyszynski cũng như việc ngài bị cầm tù và Jasna Gora” (2)

Về hai người con sáng chói của Ba Lan, tức chân phúc Jerzy Popieluszko (3) và chuẩn chân phúc Karol Wojtyla, Cha Frukacz cho rằng có nhiều yếu tố chung giữa hai vị anh hùng thời đại này về lòng can đảm và việc làm chứng anh hùng của họ. Yếu tố thứ nhất là cả hai vị cùng có một đức tin vững mạnh. Các vị đều là người của đức tin theo nghĩa hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Yếu tố thứ hai: cả hai vị đều thể hiện trong đời mình lòng trung tín chân thực đối với Tin Mừng và các giá trị Kitô Giáo. Nhân danh Tin Mừng và nhân danh việc tôn trọng các giá trị Kitô Giáo trong lãnh vực sinh hoạt công cộng, cả hai vị đều đã bênh vực nhân quyền và phẩm giá nhân vị. Cả hai đều đã làm chứng một cách đích thực và đầy can đảm cho Chúa Kitô đến độ đổ máu mình ra. Chân Phúc Jerzy Popiełuszko bị công an chìm của chế độ cộng sản sát hại, còn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì bị tấn công tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ngày 13 tháng 5 năm 1981.

Cha Popieluszko và Đức Gioan Phaolô II đều đã cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền, quyền lợi công nhân và phẩm giá nhân vị, tất cả dưới ánh sáng Tin Mừng. Đối với Ba Lan và đối với toàn thế giới, họ đều đã thực hành và làm chứng cho nhân đức can đảm, lòng trung tín đối với Thiên Chúa, với Thánh Giá Chúa Kitô và với Tin Mừng, tình yêu Thiên Chúa và quê hương. Cả hai đều đại biểu cho lòng yêu nước theo nghĩa Kitô Giáo, coi nó như một nhân đức văn hóa và xã hội. Một yếu tố chung khác nữa là cả hai vị đều có một linh đạo về Đức Mẹ và hoàn toàn tín thác vào ngài. Chân phúc Popieluszko lấy Thánh Maximilian Kolbe làm gương mẫu, còn đối với Đức Gioan Phaolô II, gương mẫu đó chính là Thánh Louis Mary Grignion de Montfort.

Nhưng thực ra, đâu là các đặc tính đặc trưng của Đức Gioan Phaolô II? Cha Frukacz cho hay: ngài biết Đức Gioan Phaolô II từ lúc lên 8 khi Đức Giáo Hoàng về thăm quê hương hồi tháng 6 năm 1979. Hình ảnh còn rõ nét trong cha là một nhân vật mặc đồ trắng với cánh tay rộng mở. Không khí hôm ấy là một không khí hân hoan của những ngày vui lịch sử. Cha mẹ cha nước mắt đầm đìa, nhất là thân phụ cha, một đoàn viên của Phong Trào Đoàn Kết. Rồi những năm sau đó, cha được cùng gia đình gặp gỡ Đức Gioan Phaolô II tại Đền Thờ Jasna Gora và tại Czestochowa trong các năm 1983, 1987, 1991, 1997, 1999. Điều hết quan trọng đối với linh đạo của cha là lần gặp vào tháng 8 năm 1991, lúc Đức Gioan Phaolô II tới làm phép đại chủng viện Czestochowa. Lúc ấy cha đang học năm thứ hai tại chủng viện này. Cha rất cảm động khi nghe Đức Giáo Hoàng phát biểu: “với lòng tận tụy trọn vẹn và hoàn toàn, xứng hợp với thái độ của Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá, … các con hãy công bố Tin Mừng của Con ngài và làm chứng cho Tin Mừng ấy trong đời sống, một cách quảng đại, không hề thỏa hiệp với tinh thần thế gian và đừng sợ hãi”. Theo cha, vị giáo hoàng người Ba Lan này là một con người của cầu nguyện. Cha vẫn luôn ghi nhớ trong tâm hồn Thánh Lễ cha được đồng tế với Đức Gioan Phaolô II tại nhà nguyện riêng của tòa khâm sứ vào ngày 7 tháng 9 năm 2000. Cha cho rằng Đức Gioan Phaolô II là một con người của niềm vui Kitô Giáo đích thực. Trong suốt thời gian du học tại Rôma (2000-2007), cha có dịp được gặp Đức Giáo Hoàng và chuyện trò với ngài dịp lễ Giáng Sinh. Nhờ thế, ngài thường được nghe Đức Giáo Hoàng ngâm ngợi các ca khúc Giáng Sinh. Đức Gioan Phaolô II cũng là một con người có một tình yêu lớn lao đối với người lân cận, đối với Chúa Kitô và đối với Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng có lòng yêu kính đặc biệt đối với Đức Mẹ, năng đọc kinh Mân Côi.

Về lễ phong chân phúc cho Đức Gioan Phaolô II, Cha Frukacz không biết sẽ có bao nhiêu người Ba Lan qua Rôma tham dự, nhưng chắc một điều: cả nước Ba Lan đang được huy động. Các phương tiện truyền thông đại chúng ước lượng sẽ có chừng 1 triệu người Ba Lan qua Rôma tham dự thánh lễ phong chân phúc cho người đồng hương rất yêu quí của họ, người vốn được họ coi là đại biểu của mùa xuân tự do.

Ghi chú

(1) Stefan Wyszyński (3 tháng 8 năm 1901 - 28 tháng 5 năm 1981) là giáo chủ Ba Lan, được Đức Piô XII nâng lên hàng hồng y năm 1953, và thường được gọi là giáo chủ của thiên niên kỷ. Thời ngài, Giáo Hội Công Giáo tích cực hỗ trợ phong trào chống cộng. Một trong các vấn đề hàng đầu là việc cộng sản tịch thu đất đai của Giáo Hội. Năm 1950, Đức TGM Wyszyński quyết định hòa hoãn với cộng sản, nhờ thế, Giáo Hội được quyền duy trì một số tài sản và một số biện pháp khác. Tuy nhiên, năm 1953, cộng sản lại mở một đợt bách hại mới và khi các giám mục tiếp tục ủng hộ phong trào kháng chiến, thì nhiều cuộc đấu tố và giam cầm giáo sĩ đã diễn ra, chính Đức Hồng Y cũng cùng chung số phận này và chỉ được thả ngày 26 tháng 10 năm 1956. Ngài không bao giờ ngưng các công trình tôn giáo và xã hội của mình. Thành tựu lớn nhất của ngài là việc cử hành năm 1966, để kỷ niệm 1,000 năm Đạo Công Giáo du nhập Ba Lan. Nhà nước Cộng Sản không cho phép Đức Phaolô VI qua Ba Lan tham dự. Tuy nhiên, vẻ vang nhất đối với ngài là lúc Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng. Ngài qua đời ngày 28 tháng 5 năm 1981, lúc 79 tuổi và năm 2001, được quốc hội Ba Lan tuyên dương là “Người Ba Lan, tuyên uý và chính khách vĩ đại”. Năm ấy cũng được Quốc Hội Ba Lan mừng là Năm Hồng Y Stefan Wyszyński.

(2) Đan viện Jasna Góra (nghĩa là Núi Sáng) tọa lạc tại Częstochowa, Ba Lan, là đền thánh nổi tiếng nhất dâng kính Đức Mẹ tại Ba Lan và là trung tâm hành hương của cả nước, được nhiều người coi là thủ đô tinh thần. Được các đan sĩ dòng Thánh Phaolô thiết lập từ năm 1382, từ đó trở thành địa điểm hành hương nhờ bức ảnh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng mà người ta quen gọi là Đức Mẹ Đen Częstochowa. Người ta vẫn cho rằng nhờ Đức Mẹ mà Jasna Gora thoát cuộc xâm lăng của Thụy Điển vào thế kỷ 17. Và chính vì thế, nó trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến Ba Lan. Ngày 1 tháng 4 năm 1656, Jan Kazimierz, Vua Ba Lan, đã long trọng đọc lời thề hứa dâng cả nước cho sự che chở của Mẹ Thiên Chúa và tuyên xưng ngài là Quan Thầy và là Nữ Vương mọi lãnh thổ thuộc vương quyền của ông.

(3) Jerzy Popiełuszko (ngày 14 tháng 9 năm 1947 – ngày 19 tháng 10 năm 1984) là một linh mục Công Giáo Ba Lan, có liên hệ với Nghiệp Đoàn Đoàn Kết. Ngài bị ba nhân viên của sở tình báo cộng sản Ba Lan hạ sát, được Giáo Hội nhìn nhận là tử đạo và được phong chân phúc ngày 6 tháng 6 năm 2010. Cha nổi tiếng chống cộng, có tài thu hút và được phái tới với những người đình công tại hãng sắt ở Warsaw, sau đó, liên hệ với các công nhân và nhân viên của nghiệp đoàn Đoàn Kết, là những người chống chế độ cộng sản tại Ba Lan. Trong các bài giảng, ngài luôn đan kết các lời khuyên thiêng liêng với các sứ điệp chính trị, chỉ trích hệ thống cộng sản và khuyến khích người ta lên tiếng phản đối. Các bài giảng của ngài được Đài Âu Châu Tự Do phát đi, trở thành nổi tiếng khắp Ba Lan như tuyên ngôn bất khoan nhượng chống lại chế độ. Sau nhiều mưu toan bất thành, tình báo Ba Lan đã bắt cóc cha ngày 19 tháng 10 năm 1984. Cha bị tra tấn dã man và bị thảm sát bởi 3 viên tình báo. Xác ngài bị ném xuống đập nước Vistula và được tìm thấy ngày 30 cùng tháng. Tin ấy làm rúng động Ba Lan. Hơn 250,000 người, trong đó có Lech Wałęsa, đã tham dự đám tang của cha. Năm 1997, Giáo Hội Công Giáo khởi đầu án phong chân phúc cho cha và lễ phong chân phúc này đã diễn ra ngày 6 tháng 6 năm 2010 tại Quảng Trường Piłsudski. Mẹ cha là bà Marianna Popiełuszko, người trước đó mấy ngày vừa tròn 100 tuổi, đã tham dự thánh lễ này.