Đức Tổng Giám Mục Giu-se Ngô Quang Kiệt, Một Chính Nhân Quân Tử Của Phương Đông |
Tác Giả: Người Gò thị | |||||
Thứ Hai, 07 Tháng 3 Năm 2011 09:13 | |||||
Như vậy, điểm qua các khía cạnh vừa nêu, chúng ta nhận ra nơi Đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt bao gồm và dung hòa được những yếu tính của người quân tử phương đông và những yếu tố bác ái, khiêm nhường, nhẫn nhục, hy sinh của người tôi tớ khả ái của Đức Chúa
Kính dâng Giáo Hội Công Giáo Việt nam Kính dâng Đức cha Giu-se, nguyên tổng giám mục Hà nội, Kính tặng một người bạn rất thân mến ở Tuy Hòa, người đã gợi ý cho tôi viết bài này. Thấm thoát Đức Tổng giám mục Giu-se rời khỏi trách nhiệm Tổng Giám mục Hà nội đã gần một năm. Trong gần một năm đầy biến động đó, cũng có người đã cố tìm cách liên lạc với ngài (qua mail hoặc bằng điện thoại) cốt để chia sẻ và hiệp thông với ngài nhiều hơn trong tinh thần Tin mừng và Hy vọng của Đức Ki-tô, nhưng ngài vẫn im lặng. Chúng ta tôn trọng ngài cũng như tôn trọng sự im lặng của ngài, nên chúng ta chỉ biết hiệp thông cầu nguyện cho ngài và cho giáo hội Việt nam thân yêu. Nhân mùa chay sắp đến, để cảm tạ Chúa và cũng để tri ân vị tôi tớ khiêm nhu bé nhỏ của Chúa, trước khi xét mình và ăn năn sám hối vì tất cả những sai phạm của chúng ta, để được xứng đáng đến gần Chúa hơn, chúng ta thử dâng lên Chúa một mẫu chính nhân quân tử của các dân tộc phương đông thời trước kể cả khi Chúa Giê-su Ki-tô chưa giáng thế làm người, để so sánh xem có điểm gì gần gũi với “Người Công Chính” theo tinh thần của Tin mừng hay không và để xem dân tộc Việt nam, đất nước Việt nam, con người Việt nam trong những khuôn khổ, điều kiện văn hóa, lịch sử và triết học của mình đã đáp ứng được bao nhiêu Tinh Thần Tin Mừng nguyên thủy mà Đức Ki-tô đã mang đến cho thế giới nói chung và cho đất nước Việt nam ngày nay nói riêng. Và cũng để xem người quân tử nước ta (Đức cha Ngô Quang Kiệt) vận dụng như thế nào và tới đâu (bằng vốn kiến thức và tập quán sẵn có) tinh thần Tin Mừng Cứu độ mà Đức Ki-tô, đấng làm chủ lịch sử đã mang đến cho thế giới ngày nay hầu rút tỉa ra được nhiều bài học quý giá cho cuộc sống đạo của người Ki-tô hữu hôm nay. Quân tử (theo Nho giáo Trung Hoa) (chỉ áp dụng với đàn ông con trai) là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo phù hợp với phương thức cai trị xã hội đức trị (nhân trị) của học thuyết này. Nguyên nghĩa của quân tử là "kẻ cai trị", do những nghĩa phát sinh sau này mà quân tử mới có nghĩa đối lập với "kẻ tiểu nhân" và người quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, trong đó Nhân là quan trọng nhất. Người quân tử cũng là người nắm được mệnh trời và sống theo mệnh trời. Thời nhà Chu, quân tử là cụm từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc. Đến thời kỳ Xuân Thu thì nó được dùng để chỉ các đại phu. Vì thế những người làm quan được gọi là quân tử, còn những người dân thường hay quan lại với phẩm hàm nhỏ hơn tự xưng là tiểu nhân. Tuy nhiên, một số người cho rằng Khổng Tử là người đã sáng tạo ra từ này. Đối với Khổng Tử, các chức năng của nhà nước và sự phân cấp xã hội là các cơ sở của xã hội và được đảm bảo bằng các giá trị đạo đức. Vì thế con người lý tưởng đối với ông là quân tử. Quân tử còn có nghĩa là người tốt hơn, nghĩa là người hơn hẳn về mặt đạo đức, luân lí. Quân tử sau này đã trở thành một trong các khái niệm quan trọng của hệ tư tưởng Nho giáo. * Nhân (chạnh lòng thương): người với người đối xử với nhau trên cơ sở tình thương yêu. Tình thương yêu được cụ thể hóa bằng những nguyên tắc sau: Người đã quy tụ các đức tính trên mà trong đó trung tâm là Nhân (chạnh lòng thương) được coi là người có đức Nhân: tình cảm chân thật, ngay thẳng; hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi. Ngoài ra, còn có 9 tiêu chuẩn và 8 bậc thang hành động của người quân tử mà người viết mạo muội đưa ra để mọi người cùng nhận định (mặc dầu thấy ngài đã hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn như thế, nhưng vẫn muốn thêm ý kiến riêng tư của tất cả các bậc tiền bối và cao nhân đây đó) : * Con mắt tinh anh để nhìn rõ vạn vật. Tuy nhiên, theo quan niệm của Nho giáo, đã là người quân tử phải tỏ đức sáng ngày càng rộng, càng cao. Muốn làm được điều đó, người quân tử phải luôn phấn đấu theo 8 bậc thang dưới đây: * 8 bậc thang hành động của người quân tử * Cách vật: luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận rõ thực chất, phải trái.
* Trung: Là trung với vua, với nước,...(ở đây ta chỉ có thể xét lòng trung thành với Chúa, với Giáo hội mẹ và với tổ quốc qua các hình thức và hiện tượng bên ngoài mà thôi) Trong tám thứ bậc trên thì năm cấp đầu là bất kỳ người nào,từ kẻ tiểu nhân đến bậc quân tử, các đại phu quận công đều phải hiểu biết và tuân theo. Còn ba bậc sau là để trở thành hào kiệt anh hùng, minh chủ... thì thì sự trưởng thành sẽ theo từng cung bậc tăng dần, ví như anh tề gia tốt(là gia đình hòa thuận vui vẻ,có trên có dưới, có gia phong,sống hài hòa với lối xóm, trong gia đình có tôn ty trật tự "vì ngày xưa các ông thường có nhiều vợ") thì mới có thể trị quốc tốt, còn như trong gia đình có con cái hư hỏng, vợ chồng bất tâm phục, lúc nào cũng nói với nhau như phường lưu manh thiếu văn hóa... thì chắc chắn không thể nào trị quốc tốt được nếu như ông ta có quyền hành. Và khi một người trị quốc tốt mới có thể có đủ lực lượng, đủ quân sư giỏi, tập hợp được sức mạnh tổng lực từ dân chúng...., đủ tầm nhìn để có thể bình thiên hạ.Những kẻ mà chưa hoàn thiện được việc ở bậc thấp mà giao cho những việc đại sự thì dễ dẫn đến thất bại. Những kẻ chưa hình dung ra việc mà cứ dám nhận việc thì đúng là Ngôn quá kỳ hành... Phàm những việc người ta cho là tốt , có lợi sẽ theo mãi tới cùng , cái đức ở lễ nghĩa , sau mới khởi nghiệp lớn ,làm việc chính đáng , đức chính thì bền cũng giống như biển lặng trời êm , mưa thuận gió hoà vậy . Thế nên người quân tử phải biết ứng xử thế nào cho đúng mức và đúng mực thì mới phát sinh được hiệu quả về lâu về dài:
(Nguồn: KênhSinhViên.Net) Nước Vệ có một viên quan trông coi pháp luật tên là Quý Cao. Ông là người chính trực, khi thăng đường xử án thì cực kỳ nghiêm minh, công bằng nhưng giàu lòng nhân ái. Trong lần xử án một kẻ ăn trộm, chiểu theo hình phạt thời đó, Quý Cao đã xử anh ta rất nghiêm khắc, để anh ta nhớ đời không bao giờ tái phạm. Bẵng đi thời gian dài, kẻ ăn trộm năm xưa nay trở thành giám đốc Công ty TNHH X. Quả đất quay tròn, một người con của Quý Cao làm nhân viên dưới quyền của vị giám đốc nọ. Thế rồi người con của Quý Cao vi phạm một khuyết điểm, mức độ trầm trọng gấp nhiều lần so với cái lỗi năm xưa của vị giám đốc nọ. Quý Cao đinh ninh thế nào vị giám đốc cũng xử con mình thật nặng để trả thù ông. Trái với suy đoán của Quý Cao, sau khi phân tích thấu đáo khuyết điểm mà người con của Quý Cao mắc phải, vị giám đốc nọ không những không xử phạt, mà còn cho người con của Quý Cao đi bồi dưỡng thêm nghiệp vụ. Vì người con của Quý Cao phạm lỗi là do thiếu kiến thức chuyên môn, chứ không phải do thói hư tật xấu. Cảm động trước tấm lòng của kẻ ăn trộm năm xưa, Quý Cao hỏi: - Trước ngươi mắc tội, ta xử rất nghiêm khắc. Nay con ta phạm lỗi chính là dịp để ngươi trả thù. Thế mà ngươi lại xử sự rất nhân văn. Vậy là cớ làm sao? Vị giám đốc trả lời: - Hồi đó, cái tội của tôi đáng phải xử phạt như thế. Chính nhờ sự nghiêm khắc, công minh của Tiên sinh mà tôi mới có được như ngày hôm nay. Hơn nữa, lúc Tiên sinh luận án, tôi thấy Tiên sinh cũng có ý muốn vận dụng pháp luật để nới tay. Lúc án định xong, đem thi hành, tôi thấy Tiên sinh cũng khổ tâm lắm. Nhưng vì luật pháp bất vị tình nên buộc Tiên sinh phải làm thế. Chứ đâu phải vì Tiên sinh có ý hãm hại tôi. Tôi không cám ơn Tiên sinh thì thôi, sao có thể trả thù ngài được? - Ngài đã dạy tôi một bài học sâu sắc về đối nhân xử thế của người quân tử. Để trở thành người chính nhân quân tử theo quan niệm đông phương quả không phải dễ vì ngoài những tiêu chí trên, người ta còn đòi hỏi phải có học vấn nữa. Học vấn người quân tử Quan niệm Nho giáo xưa chia con người ta thành hai hạng chính là quân tử và tiểu nhân. Để cho mọi cá nhân hoàn mỹ, nền văn hoá cổ đưa ra hàng loạt khái niệm quan trọng: nhân, đức, lễ, hiếu, nghĩa nhằm ràng buộc, chế ngự hành vi con người, mong muốn con người nhanh chóng được hoàn thiện. Do đó ta cần phải hiểu rõ các danh từ riêng quân tử và tiểu nhân thì mới biết xã hội xưa đã đề cao nhân cách cao đẹp trong cuộc sống biểu hiện qua tư duy biểu đạt, giáo dục và hành vi của bậc chính nhân quân tử. Con người ta đi trên đường đời cũng giống như người lữ khách nhìn thấy trước mặt rất nhiều lối rẽ phải lựa chọn. Nếu đi đường thẳng quang minh thì sẽ đến đích suôn sẻ, nếu đi đường cong queo sẽ lạc bước sa chân, vì thế người quân tử bao giờ cũng xác định chọn đường thẳng, còn kẻ tiểu nhân toàn chọn những đường gấp khúc ngoắt ngoéo. Hai danh từ chủ yếu trong các sách vở, ngôn từ, sinh hoạt cổ này thoạt đầu chỉ đề cập đến địa vị trong xã hội, về sau mở rộng nghĩa ra thành người quân tử luôn đàng hoàng, phẩm cách cao thượng. hiên ngang chính đại, vì nghĩa quên thân, kẻ tiểu nhân chí khí bạc nhược, hèn hạ cúi luồn, hám lợi bỏ nghĩa. Ngay cả trong những người có văn hoá giáo dục, cũng vẫn chia làm hai loại là nho quân tử và nho tiểu nhân Nho quân tử là người học và làm theo đạo thánh hiền, lo tu thân sửa mình để hoàn thiện nhân cách chứ không nghĩ học lấy bằng cấp chỉ cốt lấy nghề kiếm ăn. Người quân tử làm việc dựa vào sức mình là chính, làm sai điều gì trước hết phải tự trách mình rồi sửa mình, khi thấy việc thiện thì phải cố làm cho được thấy điều ác thì phải sợ hãi tránh xa. Muốn học làm quân tử cần phải thành thực, không bao giờ tự lừa dối mình mà làm hại sự hiểu biết của chính bản thân và biết giữ chất phác trong nội dung và văn hoá ngoài hình thức. Đối với một người nhân nghĩa trung chính thì học vấn là điều tối quan trọng. Người quân tử bao giờ cũng muốn có đức’ nhưng phải có học thì cái đức mới có giá trị bởi nhân, trí tín trực dũng, cương đều là đức tốt cơ bản để tu thân, nhưng nếu chỉ muốn đức mà không muốn học để hiểu lý lẽ hay dở, đúng sai thì rất sai lầm. Muốn nhân lại bị tình cảm chi phối, che mờ đi thành ra ngu tối. Muốn trí lại bị ham muốn phân tâm thành mông lung. Muốn tín lại cố chấp hẹp hòi đâm ra ích kỷ. Muốn trực lại bị nóng nảy khống chế đâm ra ngang ngạnh. Muốn dũng lại không kiềm chế được thành ra bạo loạn. Muốn cương nhưng cố bảo thủ kiểu gàn dở đâm ra ngông cuồng… hậu quả của việc có đức nhưng không có học vấn là vậy. Sự học cũng như việc trồng lúa, có cây lúa mọc lên không tốt, có cây mọc tốt lại không có hạt. Người đi học thì có người học mãi vẫn không giỏi, có người giỏi thì đức lại không ra gì, vì thế mà con người ta cần giáo dục bồi đắp, tu dưỡng đạt được cả tài và đức. Người đi học thì phải say mê thì mới mong tiến bộ, nhất là đừng vội đặt ra mục đích cầu danh, kiếm lợi thì kiến thức mới sâu sắc, chắc chắn. Người quân tử phải chuyên tâm nghiên cứu mọi điều hay, điều tiết trên lý thuyết và trong thực tế cuộc sống chứ không phải học vẹt, khoe mồm chỉ biết nghe qua tai rồi nói ra miệng lấy mẽ thì học kiểu gì cũng vô bổ. Khổng tử còn cho rằng: "Người quân tử có ba điều lo nghĩ không thể không xét đến. Trẻ mà không học thì khi lớn lên không có tài năng gì. Già mà không chỉ dạy người, khi chết rồi không ai tưởng nghĩ đến mình. Khi giàu có mà không đem của giúp người thì lúc cùng quẫn không ai giúp mình. Cho nên người quân tử lúc trẻ nghĩ đến tuổi già mà lo học, lúc già nghĩ đến cái chết mà lo dạy người, lúc thịnh nghĩ đến lúc suy thì lo giúp người, giúp đời". Sách Đại học xưa cũng dạy rằng: từ vua đến dân ai cũng phải lấy tự sửa mình làm gốc vì kết quả học vấn là biểu hiện rõ nhất của phép tu thân. Muốn hoàn thiện mình, quan trọng nhất phải giữ được tâm và ý. Giữ được tâm cho chính tức là không bị chi phối và điều khiển của tức giận, sợ hãi, vui say. Còn khi tâm đã loạn thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, mồm ăn không biết mùi vị. Giữ được ý cho thành nghĩa là không bao giờ tự lừa dối mình, đối với mọi việc đều thành thực cũng như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp. Nho giáo lấy thành ý là chìa khóa của phép tu thân. Khi đã biết cách sửa được mình thì biểu hiện đầu tiên là không làm điều gì bất thường, trái đạo, không dùng lời nói khéo mà hại đạo đức, không nóng nảy làm bậy, không bo bo tính lấy lợi ích của riêng mình, tuy ai cũng muốn có phẩm giá nhưng không được dựa trên danh lợi phi nghĩa. Đã là người quân tử thì không bao giờ thấy điều lợi mà bỏ việc nghĩa, nếu làm việc phi nghĩa mà được phú quý thì đành chịu bần tiện còn hơn. Sách Luận ngữ nhận xét: "Quân tử lo nghĩ giữ đức hạnh, tiểu nhân chỉ nghĩ đến địa vị mình. Quân tử nghĩ sợ pháp luật, tiểu nhân chỉ nghĩ đến sự lợi lộc. Quân tử có tính cách trung hoà mà không a dua bè phái, tiểu nhân thích a dua bè phái mà không có tính dung hoà". Vì vậy mà trong mọi hoàn cảnh, người quân tử đều tìm thấy niềm vui kể cả khi ăn gạo hẩm, uống nước lã, nằm đất. Ngoài ra, người quân tử có học vấn thật sự còn biết tuỳ vị trí và cảnh ngộ của bản thân để ứng xử cho đúng. Phú quý thì hành lễ theo cách phú quý, bần tiện thì hành xử theocảnh bần tiện, gặp người hoang dã thì đối xử theo cách hoang dã, khi lâm nạn thì hành động theo cảnh ngộ hoạn nạn. Trong mọi lúc, mọi nơi, mọi điều kiện đểu biết cách ứng xử cho thích hợp, đó là thành quả của học vấn, hiểu biết, giáo dục trong đối nhân xử thế của người quân tử, như Mạnh tử đã nói: “Người quân tử lấy đức nhân làm nhà ở, lấy đức nghĩa làm đường đi, lấy lễ làm cửa. Chỉ có mỗi người quân tử mới có thể đi đường ấy, ra vào cửa ấy mà thôi". Nhưng nói thì có sách, mách thì phải có chứng. Vậy để đưa ra một mẫu người quân tử theo kinh điển, ta cũng phải dựa trên những lý luận xác đáng mới được. Bốn tác phẩm kinh điển nổi tiếng của Nho giáo mà bất kỳ người nào nghiên cứu học thuyết này cũng đều biết đến là Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, được nhà triết học nổi tiếng đời Tống là Chu Hy (1130 - 1200) sắp xếp, kế thừa cách chú giải của các nhà tư tưởng Tống Nho đi trước, cũng như chú giải của chính ông thành bộ sách có tên chung là Tứ thư tập chú, trong đó Luận ngữ được xem là một trong những tác phẩm khởi đầu quan trọng cho một nền Nho học Trung Hoa do Khổng Tử sáng lập. Đây là cuốn sách đề cập đến các vấn đề của triết học, chính trị, tôn giáo, đạo đức... Có thể nói, những tinh tuý được rút ra từ những vấn đề đó nhằm mục đích xây dựng con người toàn thiện, toàn mỹ cho một xã hội phong kiến lý tưởng theo học thuyết của Khổng Tử. Trong bài viết này, từ trên bình diện triết học, chúng ta thử làm rõ mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong Luận ngữ của Khổng Tử xem sao. Để làm rõ mẫu người quân tử - con người toàn thiện trong học thuyết Khổng Tử, chúng ta cần phải lý giải tại sao ông lại chọn đối tượng quan tâm trong học thuyết của mình là con người và các quan hệ của con người. Song, trong khuôn khổ của một bài viết ngắn gọn như thế này, hơn nữa kiến thức của người viết cũng có hạn, nên không dễ thực hiện được điều đó mà chỉ muốn nói rằng, bất kỳ ai khi nghiên cứu học thuyết của Khổng Tử cũng đều thống nhất ở điểm cho rằng, đứng trước một xã hội đang phải hứng chịu sự suy thoái về đạo đức của con người (cái mà Trời phú cho con người khi con người xuất hiện và được đặt nó vào vị trí trung tâm của Vũ trụ), xác định đối tượng quan tâm của mình ở trần thế, Khổng Tử muốn làm cho con người thấy được chính bản thân mình, thấy được sự băng hoại về bản tính đạo đức (tính bản thiện) vốn giống nhau khi nó mới được sinh ra nhưng cũng ngay lập tức bị phân hoá, đồng thời dạy cho con người biết cái căn bản nhất của nó là Nhân tính. Chính vì vậy mà ông không đề cập, hay nói đúng hơn là cố ý tránh đề cập đến những vẫn đề sống - chết, mà chỉ chú ý đến bậc trí giả, đó là người biết "chuyên vào việc nghĩa để giúp dân, kính trọng quỷ thần nhưng tránh xa" (Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi - Luận ngữ, VI, 20). Khổng Tử cũng không thích nói về những điều kỳ diệu, về sự hiện diện của thần thánh. Điều này chúng ta có thể biết được qua cuộc đối thoại giữa Quý Lộ và Khổng Tử. Quý Lộ hỏi về việc thờ quỷ thần, Khổng Tử nói rằng: "Thờ người còn chưa nổi, làm sao thờ được ma?". Thưa: Dám hỏi về sự chết. Khổng Tử nói: "Sống còn chưa biết rõ, làm sao biết được sự chết?" (Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: "Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ”? Viết: "Cảm vẫn tử”.Viết: " Vị tri sinh, yên tri tử”? Luận ngữ, XI, 11). Tuy nhiên, để giữ gìn trật tự xã hội nói riêng, Vũ trụ nói chung, Khổng Tử không phủ nhận sự tồn tại của quỷ thần. ông kêu gọi phải kính tổ tiên và biết trọng quỷ thần: "Tế tổ tiên coi như tổ tiên đang có mặt, tế thần coi như thần đang có mặt" (Tế như tại, tế thần như thần tại - Luận ngữ, III, 12). Chúng ta nên biết rằng thời Đức Khổng Tử, chân lý của Tin mừng Đức Ki-tô chưa hề rọi tới. Qua đó, chúng ta thấy, Khổng Tử hạn chế nhiệm vụ của mình ở việc phục vụ mọi người, quan tâm đến công việc quốc gia, nhưng ông vẫn cho rằng, cuộc sống của mọi người, của dân tộc lại phụ thuộc vào đường lối lãnh đạo đúng đắn hay sai lầm của thiên tử và hệ thống quan lại. Đường lối đó là Đạo. Khác với quan niệm của Lão Tử - "Đạo khả đạo, phi thường đạo", đạo mà Khổng Tử đưa ra là đạo của thế giới hiện tượng, là cái cần được nắm bắt để áp dụng vào việc trị nước. Đạo đó có nhiệm vụ uốn nắn những người có nhận thức sai lầm, "cong queo" thành ngay thẳng. Khi con người trở nên chân thành, ngay thẳng thì mọi quan hệ đều trở nên tốt đẹp, bởi vì bản thân con người là linh hồn, là trung tâm của vạn vật trong trời đất. Mọi điều hay lẽ phải trong phép ứng xử đạo đức đã được các thánh nhân đời xưa vạch ra. Khổng Tử chỉ là người thuật lại và mong muốn học thuyết của mình có người thực hiện. Người đó chính là bậc chính nhân quân tử, hay còn gọi là con người toàn thiện. Chữ "quân" trong cụm từ “quân tử” thường dùng để chỉ người đàn ông đạo đức, người toàn thiện hoặc "siêu nhân". Ngoài ra, chữ "quân" đó còn đùng để chỉ các bậc quân vương. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Quân tử động khẩu, tiểu nhân động thủ”, tức là: "Quân tử dùng lời, tiểu nhân dùng tay". Mâu thuẫn giữa hai mặt trái ngược nhau của con người đã có từ lâu. Song, đối với Khổng Tử, nó trở nên cực kỳ quan trọng và cấp bách. Lúc nào ông cũng dành sự quan tâm của mình xung quanh vấn đề con người, xem sự xa rời bản tính (Trời sinh) ban đầu như là nguyên nhân dẫn đến sự đảo lộn trật tự thế giới và đó chính là sự xa rời Đạo. Giữ mình theo Đạo, người quân tử bao giờ cũng tỏ ra thư thái như đạt được sự giải thoát khỏi những ràng buộc, cám dỗ của đời thường - cái vốn làm mọi người xa nhau. Khổng Tử nói: "Người quân tử thư thái mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái " (Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái - Luận ngữ, XIII, 26). Tuy nhiên, sự thư thái đó chỉ là tương đối, bởi người quân tử bao giờ cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trước xã hội, giống như Bồ Tát trong đạo Phật. Khi “làm sạch" mình, phải làm trong sạch từ bên trong người quân tử đồng thời làm sạch cái không gian quanh mình, làm cho môi trường sống khỏi bị ô nhiễm bởi những thói đời hèn hạ, giải thoát cho mình đồng thời với giải thoát cho những người khác. Chính vì vậy, Khổng Tử khẳng định, kẻ tiểu nhân không tự giải phóng cho mình (hạ trí ngu bất di). Ông nói: “Đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp xuống" (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển - Luận ngữ, XII, 18). Người quân tử có sức mạnh biến cải người khác đến chỗ tốt hơn. Sức mạnh đó không chỉ là lời nói, mà còn là sức mạnh bên trong, là đạo đức. Người quân tử lấy đạo đức làm động cơ thúc đẩy người khác hành thiện. Khổng Tử nói: “Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình pháp để giải trật tự, dân tránh khỏi tội nhưng chưa biết hổ thẹn. Dùng đức để dẫn dắt, dùng lễ để giữ trật tự, dân biết hổ thẹn mà tiến tới chỗ tất lành" (Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách - Luận ngữ, II, 3). Ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy khi sự biểu hiện đó không phù hợp thì tư duy của người phát ngôn có thể không lành mạnh cũng có khi việc phát ngôn quá chất phác, không đủ sức thuyết phục người nghe cũng bất lợi. Vì vậy, khi nêu ra đặc trưng của người quân tử, Khổng Tử đã xem xét mối tương quan giữa tính chất phác (Trời cho) với học vấn: "Chất phác thắng văn vẻ thì quê mùa, văn vẻ thắng chất phác thì cứng nhắc. Văn vẻ và chất phác đều nhau, mới nên quân tử" (Chất thắng văn tắc đã, văn thắng chất tắc sử, văn chất bân bân nhiên hậu quân tử - Luận ngữ, VI, 16). Xét trên một phương diện nào đó, quân tử chưa phải là người lý tưởng (mặc dù các nhà tư tưởng Tống Nho đã đặt nó ngang hàng với thánh nhân). Bản thân người quân tử cũng tự nhận thấy mình chưa phải là người hoàn thiện, nên họ luôn tự xác định phải thường xuyên hoàn thiện hoá bản thân để trở nên tốt hơn. Trong cuộc sống hàng ngày không ai có thể tránh được sai lầm, song người quân tử là người biết sai để sửa và đó cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người toàn thiện. Không Tử nói: " Có lỗi mà không sửa mới thật là lỗi", "Quá nhi bất cải, thị ví quá dã - Luận ngữ, XV, 29). Khác với quân tử, tiểu nhân không nhận thấy lỗi của mình và nếu nhận ra cũng không chịu sửa, thậm chí còn dấu diếm. Người quân tử luôn nghiêm khắc với mình, luôn tự truy tìm nguyên nhân ở mình, ngược lại, tiểu nhân thường đổ lỗi cho người khác: "Người quân tử trông ở mình, kẻ tiểu nhân trông ở người" (Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân - Luận ngữ, XV, 20). Đó là quan hệ giữa nghĩa và lợi. Quân tử trọng nghĩa mà luôn sửa mình, còn tiểu nhân vì lợi mà trốn tránh trách nhiệm: "Quân tử rành về điều nghĩa, kẻ tiểu nhân rành về điều lợi" (Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi - Luận ngữ, IV,16). Quân tử là mắt khâu liên kết giữa thánh nhân và người thường, là sợi chỉ nối quá khứ với hiện tại. Quân tử "Sợ ba điều: Sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời nên không sợ, [mà còn] khinh nhờn bậc đại nhân, diễu cợt lời của thánh nhân" (Quân tử hữu tam uý: Uý thiên mệnh, uý đại nhân, uý thánh nhân chi ngôn. Tiểu nhân bất tri thiên mệnh nhi bất uý dã, hiệp đại nhân, vũ thánh nhân chi ngôn - Luận ngữ, XVI, 8). Quả thật, nếu không biết sợ, không cảm nhận được sự hiện diện của trời, sỉ vả quá khứ và coi thường những điều thánh thiện thì tất thảy những cái đó sẽ dẫn tới tai hoạ nghiêm trọng. "Chẳng biết được mệnh trời, không lấy gì để làm người quân tử. Chẳng biết lễ, không lấy gì để lập thân. Chẳng biết phân biệt nổi lời phải trái, không lấy gì để biết người" (Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử đã, bất tri lễ vô dĩ lập dã. Bất tri ngôn, vô dĩ tri nhân dã - Luận ngữ, XX, 3). Quân tử khác với tiểu nhân là ở chỗ biết lễ do đi theo đường chính, nắm được đạo Trung dung, biết được mệnh trời mà "vươn lên" để đạt đến cao thượng, đến trạng thái hoàn thiện và làm cho người khác cùng hoàn thiện thêm. Khổng Tử nói: "Người quân tử đạt tới chỗ cao thượng, kẻ tiểu nhân đạt tới chỗ thấp hèn" (Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt - Luận ngữ, XIV, 24). Sự "vươn lên" đến chỗ hoàn thiện là một quá trình tự cải tạo của người quân tử Con đường khó khăn của sự nghiệp cải tạo đó xuất phát từ nghiên cứu vạn vật, không ngừng nâng cao hiểu biết về mọi mặt và làm cho ý mình thành thật, tiến tới chính tâm để tu thân, tề gia, trị quốc và cuối cùng là bình thiên hạ. Từ bậc thiên tử cho tới thường dân ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc. Vì vậy, khi Tử Lộ hỏi Quân tử phải làm gì, Khổng Tử đáp: "Sửa mình để nên người kính cẩn". Lại hỏi: Có vậy thôi ư? Đáp: "Sửa mình kính cẩn để yên mọi người". Lại hỏi: "Có vậy thôi ư? Đáp: Sửa mình kính cẩn để yên trăm họ. Sửa mình để yên trăm họ, việc đó dẫu vua Nghiêu, vua Thuấn cũng chưa làm cho trọn" (Tử Lộ vấn quân tử, Tử viết: "Tu kỷ dĩ kính". Vấn: "Như tư nhi dĩ hồ?" Viết: "Tu kỷ dĩ an bách tính.Tu kỷ an bách tính, Nghiêu Thuấn kỳ do bệnh chu”- Luận ngữ, XIV, 45). Qua đoạn đối thoại trên đây, chúng ta thấy, quan điểm của Khổng Tử về con đường hoàn thiện hoá là vô tận, đến các bậc thánh nhân, như vua Nghiêu, vua Thuấn, vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Sự vận động để đến với bản thân với tư cách con người toàn thiện đều thông qua sự hoàn thiện hoá bản thân. Giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc của những dục vọng, từng bước nâng cao tri thức của mình về vạn vật (cách vật), về thế giới con người (biết người, yêu thương con người) là con đường hoàn thiện chân chính của Quân tử. Chiến thắng bản thân có nghĩa là chiến thắng những gì trong con người đang cản trở nó quay về với toàn bộ phẩm chất tốt đẹp ban đầu mà Trời ban cho. Việc làm đó là phù hợp với Quân tử - con người toàn thiện, vốn chỉ cầu ở mình chứ không bao giờ cầu ở người.(Tham chiếu từ nguồn: Tạp chí Triết học) Như vậy, điểm qua các khía cạnh vừa nêu, chúng ta nhận ra nơi Đức cha Giu-se Ngô Quang Kiệt bao gồm và dung hòa được những yếu tính của người quân tử phương đông và những yếu tố bác ái, khiêm nhường, nhẫn nhục, hy sinh của người tôi tớ khả ái của Đức Chúa (mặc dù sự phân định cuối cùng vẫn thuộc về Gia-vê Thiên Chúa). Nhân kỷ niệm gần một năm vị tôi tớ của Chúa khiêm nhường rời bỏ sứ vụ vì lợi ích và sự hiệp nhất trong GHCGVN, chúng ta tạ ơn Chúa và tri ân ĐC Giu-se, một chính nhân quân tử của phương đông, đã sẵn sàng bị loại bỏ, để trở nên viên đá góc cho sự hiệp nhất trong giáo hội việt nam mến yêu. Xin đừng có ai vì những thất vọng đau buồn, vì những bài viết phản ảnh thực trạng của GHVN hoặc vì những gương mù gương xấu trong hội thánh mà nản lòng hoặc bôi nhọ hội thánh, giảm đi lòng yêu mến và cảm thông với những yếu đuối của một số mục tử trong hội thánh. Xin hãy nhớ, Chúa Giê-su đã từng phán hứa “hỡi các con bé nhỏ của thầy, đừng sợ…này đây thầy sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” Vì vậy, xin đừng bi quan,nhưng hãy thẳng thắn nhìn nhận mọi tội lỗi của chúng ta trước mặt Chúa nhân mùa chay sắp đến. Và cũng đừng nghĩ rằng mọi sự tệ hại và thiếu hợp nhất trong giáo hội hiện nay là do người khác (trong đó có một số vị mục tử bất xứng chẳng hạn) mà quên rằng chính mình cũng là đầu mối, là nguyên nhân gây nên sự thiếu hợp nhất đó (ví như chúng ta không cầu nguyện đủ, không hy sinh đủ và không bác ái đủ, để khiến Thiên Chúa quyền năng động lòng dẫn dắt lôi kéo các ngài trở về với sứ mệnh ngôn sứ của mình trong lòng xã hội đã mục ruỗng băng hoại hôm nay). Nên nhớ rằng chúng ta dù thánh thiện cách mấy cũng không phải là Chúa Giê-su hoặc thay mặt được Chúa Giê-su để khiển trách hoặc chỉ trích bất cứ ai. Người viết nhiều lúc cũng rất đau lòng khi thấy có một số vị mục tử yếu đuối, bất xứng, nhưng nghĩ cho kỹ lại lời Chúa còn văng vẳng đâu đây”ai trong các ngươi vô tội thì hãy ném đá trước đi”(trước những lời tố cáo và bằng chứng đầy đủ của đám đông Do thái bao gồm thầy cả và biệt phái đối với người phụ nữ ngoại tình). Chúng ta thử ngắm xem thái độ và lời dạy của Chúa ra sao để biết mình nên làm gì cho đẹp lòng Chúa. Chúng ta có thể đọc lại lời từ biệt của ĐC Giu-se Ngô Quang Kiệt lúc ngài chia tay Tổng giáo phận Hà nội, để thấy ngài đau khổ ra sao, yêu mến giáo hội như thế nào và ao ước cho sự hợp nhất của giáo hội nhường bao. Vậy thì để tri ân ngài, để cho kẻ thù Satan không hí hửng mừng thầm vì sự phân rẽ trong giáo hội, chúng ta hãy quỳ xuống thành tâm sám hối, xin Chúa rủ lòng thương tha thứ cho chúng ta và lôi kéo các vị mục tử của chúng ta trở nên can đảm anh dũng làm chứng cho Đức Ki-tô và cho Tin mừng cứu độ của ngài trong xã hội và thế giới hôm nay. “Tiên vàn chúng ta hãy yêu mến (các vị mục tử của chúng ta) trước đã, rồi mọi sự khác người sẽ ban cho sau”, hoặc như lời thánh Augustinô: hãy cứ yêu đi rồi muốn làm gì cũng được(Amo et fac quod vis).
|