Tìm Hiểu Về Phong Tục Tết của người Việt Nam |
Tác Giả: Hải Lưu | |||||||
Thứ Năm, 27 Tháng 1 Năm 2011 08:43 | |||||||
Quanh Nồi Bánh Chưng Tết; Cúng Tất Niên Cúng Tất Niên Sau một năm làm ăn vất vả, ngày cuối cùng của năm âm lịch là ngày để tổng kết và nhìn lại những thăng trầm của những ngày đã qua. Ngày này được gọi là ngày tất niên. Trong ngày tất niên, mọi người trong gia đình sẽ sửa soạn, quét dọn, trang trí lại nhà cửa, đón năm mới. Cùng với đó, mỗi gia đình người Việt sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng tất niên. Ngày tất niên, mọi việc quan trọng chuẩn bị cho lễ Tết Nguyên Đán gần như đã hoàn tất nhưng thường thì ai cũng tất bật với rất nhiều công việc nhỏ, cố gắng chuẩn bị cho một năm mới trọn vẹn, chu đáo. Tuy vậy, những người chủ chốt trong gia đình vẫn không bao giờ sao nhãng việc cúng tất niên. Từ sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình lo làm cơm cúng. Mâm cơm thường phải đầy đủ các vị, các hàng đại diện mặn, chay, thể hiện được sự phong phú trong đời sống hàng ngày của nhân dân ta. Người đàn ông trụ cột trong gia đình sửa soạn nơi thờ tự, thăm mộ rồi trở về làm lễ cúng tất niên. Bữa cơm tất niên làm thịnh soạn hơn ngày thường. Trong bữa cơm tất niên, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt đông đủ, người ta nói nhiều chuyện vui vẻ đã qua, động viên nhau cố gắng, tạo nên một không khí gia đình đầm ấm trong những ngày se se lạnh.
Ngày nay, không chỉ trong gia đình mới cúng tất niên và ăn tất niên. Rất nhiều các cơ quan, các nhóm hội cũng tổ chức cúng tất niên và mở tiệc tất niên, tổng kết năm cũ. Tất niên cũng được hiểu rộng rãi hơn, ngày ăn tất niên cũng không chỉ là ngày cuối cùng của năm nữa, mà là những ngày giáp Tết, khi các cơ quan bắt đầu được nghỉ lễ. Quanh Nồi Bánh Chưng Tết Ngày Tết cổ truyền, nhà nhà ai cũng lo toan sửa soạn đón Tết sao cho thật tươm tất. Đặc biệt đối với người miền Bắc, món bánh chưng luôn là đề tài để nhắc đến đầu tiên trong chuối câu chuyện Tết nhất đang đến rất gần. Người lớn hay hỏi nhau, năm nay nhà làm nhiều bánh chưng hay ít? Gói sớm hay muộn? Nhân bánh thế nào? Trẻ con thường quan tâm xem chúng có thể được tham gia gói bánh không, và sản phẩm của chúng thường là những chiếc bánh nhỏ xinh xinh, gói rồi luộc, rồi chờ đợi đến lúc chín...
Trong tất cả các khâu từ chọn lá, đo đạc khuôn, chuẩn bị gói cho đến khi hoàn tất, trẻ con bao giờ cũng thích nhất khâu ngồi trông nồi bánh. Ở quê, mỗi gia đình thường gói nhiều bánh, cho vào một cái nồi lớn, chất củi đun thâu đêm, đến sáng hôm sau là mùi bánh chín đã lan tỏa ấm nồng, hòa vào không khí Tết một cách rộn ràng. Trong đêm trông lửa nồi bánh chưng, đám trẻ thường nướng đủ thứ củ mà chúng thích: nướng ngô, khoai, sắn và đặc biệt là chúng chờ những cái bánh chưng nhỏ nhắn do chính tay mình được gói. Bánh nhỏ thường chín trước, và khi vừa được vớt ra khỏi nồi, khói còn bốc nghi ngút, chúng đã rất thích thú được thưởng thức sản phẩm của chính mình... Cái cảm giác sung sướng đó thật sự đáng nhớ, và có lẽ ai đã từng được qua cái thời khắc tuổi thơ ấy chắc chắn sẽ không thể nào quên được. Nhiệm vụ trông nồi bánh chưng cũng không phải đơn giản, nếu ngủ quên mất mà không chất lại củi là có thể sẽ làm hỏng nồi bánh. Mùa đông, những ngày cuối năm thường lạnh, nên dù có phải thức cả đêm vì nồi bánh chưng thì ai được giao nhiệm vụ này cũng rất thích thú. Khi bánh chín, người lớn trong gia đình sẽ vớt ra để trên cái mẹt, xếp ngay ngắn cho ráo nước, và dùng khăn lau thật sạch những cặn bọt bám trên lá. Có gia đình cẩn thận còn dùng lá rong sống gói lại ra bên ngoài cho đẹp và buộc lại bằng một thứ lạt giang màu đỏ nhìn rất ấm cúng và mang đậm không khí ngày Tết dân tộc, trang trọng và đầy đủ. Những chiếc bánh sau khi luộc xong, không ai được phép ăn trước khi để lên bàn thờ tổ tiên, mời các cụ về hưởng trước, sau đó mới là con cháu. Còn nữa, khi chuẩn bị lễ đến nhà trưởng họ, hay lễ ông bà, lễ quê nội, quê ngoại cũng không thể thiếu bánh chưng dù quà lễ có to đến mấy đi chăng nữa. Đó là tục lệ, và cũng là nét văn hóa bao đời nay của người Việt. Ngày Tết đang cận kề và đâu đó ngoài chợ đã nghe xôn xao mùa lá rong về, những bà những mẹ đi chợ đã bắt đầu để tâm đến việc chuẩn bị gạo, đậu, lá cho việc gói bánh chưng ngày Tết. Những sự xôn xao, háo hức ấy có lẽ chỉ còn ở những chợ quê mà thôi. Ở phố, nếp sống công nghiệp khiến cho những người bận rộn không có thói quen gói bánh chưng Tết mà sẽ đi mua bánh làm sẵn. Cũng đầy đủ tươm tất, nhưng Tết đã kém thú vị đi rất nhiều, và không khí Tết cổ truyền cũng đang mất dần đi ở phố thị. Trẻ con ở phố đôi khi cũng thiệt thòi, rằng không biết đến khi nào mới được biết đến một điều vô cùng thú vị liên quan đến Tết cổ truyền, đó là những câu chuyện xung quanh nồi bánh chưng ngày Tết.
|