Home Đời Sống Y Học Dị ứng - căn bệnh khó chịu, khó trị

Dị ứng - căn bệnh khó chịu, khó trị PDF Print E-mail
Tác Giả: Dược Sĩ Ðoàn Chính Trực   
Thứ Ba, 24 Tháng 11 Năm 2009 09:11

Dị ứng là phản ứng của cơ thể với một chất...

mà đa số người khác lại không có phản ứng.

Nói cụ thể, dị ứng là do cơ thể quá mẫn cảm với các chất, như dược phẩm, thực phẩm, phấn hoa, bụi, long thú, cây, gas, hóa chất, nấm, v.v...

Trong các trường hợp dị ứng, cơ thể thường tiết ra chất histamine để chống lại “chất lạ.” Tuy nhiên, nhiều histamine quá sẽ gây ra viêm (inflammation) các cơ quan trong cơ thể lẫn nhiều triệu chứng phiền toái như ho, sổ mũi, sốt nhẹ, nổi mề đay, ngứa và đỏ mắt,...

Thống kê năm 2000 cho thấy, người Mỹ tốn $4.5 tỉ để mua thuốc... chống dị ứng, bán tự do tại các pharmacy (OTC- over the counter).

Dưới đây là một số trường hợp mà chúng tôi thường gặp trong lúc hành nghề. Cô V, 36 tuổi, bị ho khan 2 tuần nay. Theo lời cô, “ho muốn bể phổi, rách cuống họng, giọng nói khàn đặc.” Bác sĩ cho thuốc Benzonatate, tuy nhiên, chứng ho chỉ giảm chứ không hết. Năm ngoái vào khoảng Tháng Mười, Mười Một cô cũng bị ho khan như vậy và sau đó thành ho có đờm rồi dẫn đến chứng viêm phổi. Cô thắc mắc làm sao trị dứt chứng ho khan này? Thông thường, ho khan mà không có những triệu chứng như sốt, viêm phổi, ho lao, ta nên nghĩ ngay đến chứng dị ứng. Hơn nữa, chứng ho lại xảy ra vào lúc chuyển mùa (Tháng Mười, Mười Một) nên cô V bị dị ứng. Tuy nhiên, nếu cô dùng thuốc Benzonatate, một loại thuốc ho theo toa bác sĩ, trị ho thì chỉ trị phần ngọn mà không trị phần gốc. Nguồn gốc chứng ho của cô là từ dị ứng. Cô V nên trị bệnh ngay, vì nếu để ho kéo dài sẽ gây ra chứng viêm, nhiễm trùng đường phổi.

Ðể trị dứt bệnh, cô V. nên dùng thuốc chống dị ứng như Claritin (loratatin), Zyrtec (ceritidine), hay Benadryl (diphenhydramine). Ðiểm khác biệt là Benadryl gây buồn ngủ nên uống vào ban đêm, thuốc Claritin và Zyrtec không gây buồn ngủ. Ðể trị ho, cô V. có thể tiếp tục dùng thuốc Benzonatate theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cô cũng có thể ngừng thuốc Benzonatate để chuyển sang dùng thuốc OTC Delsym (dextromethophan) chuyên trị chứng ho khan.

Sau 2 ngày sổ mũi, bà X, 55 tuổi, lại bị đau tai, và cảm giác như có nước trong tai. Là một nội trợ, bà vẫn sinh hoạt bình thường. Một tuần trước, có người bạn tặng bà một cành đào lớn và đang được chưng trong phòng khách.

Sổ mũi là triệu chứng thông thường của dị ứng. Phấn hoa đào có thể là nguyên nhân gây ra chứng dị ứng. Khi mũi bị viêm vì dị ứng, ống thông giữa mũi và tai bị nghẹt, áp suất tai tăng lên, sinh ra chứng đau tai.

Giống như trường hợp cô V. kể trên, bà X. nên dùng thuốc chống dị ứng antihistamine. Ngoài ra, bà phải dùng thêm thuốc Sudafed (pseudoephedrine) để trị chứng sổ mũi. Sau 3 ngày, bà X. cám ơn bác sĩ vì đã hết bệnh. Bà hỏi thêm cho đứa con trai, cậu Y., 21 tuổi, bị sốt nhẹ, ho, sổ mũi, nhức đầu, nhức bả vai. Bác sĩ chuẩn đoán là dị ứng. Bà thắc mắc là dị ứng có di truyền không? Dị ứng có thể mang tính di truyền. Nước mũi có thể chạy vào các xoang mũi tạo áp lực lên các dây thần kinh gây nhức đầu, đau bả vai. Cậu Y. có thể dùng Nyquil hay Teraflu để trị bệnh. Ðiều quan trọng là nên đọc kỹ thành phần trong 2 thuốc trên. Thông thường, thành phần của Nyquil hay Teraflu thường có: Tylenol (acetaminophen) chống đau sốt, antihistamine chống dị ứng, pseudoephedrine chống sổ mũi, Delsym (dextromethophan) trị ho khan hay Mucinex (guaifenesin) trị ho đờm.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp cậu Y. nhiễm virus flu. Do vậy cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân mắc một hoặc nhiều triệu chứng sau: sốt cao (trên 103 độ F), sốt mê man, sốt nóng lạnh, đờm màu xanh hay vàng, người mệt mỏi, ói mửa, leo đờm, khó thở... thì đi bác sĩ ngay.

Trong mùa flu năm nay, tiêm chủng vaccine phòng ngừa cúm là điều cấp thiết.

Chồng bà X., ông Z., 58 tuổi, mấy bữa nay mắt bị ngứa đỏ và nổi mề đay thắp người. Không biết phải dùng thuốc gì? Triệu chứng của ông Z. thường là dị ứng với thực phẩm hay thuốc. Cành đào vẫn được trưng trong nhà và vợ con ông đều bị dị ứng nên nhiều khả năng phấn hoa đào là nguyên nhân gây bệnh di ứng cho cả nhà. Ðể an toàn, ông Z. nên dẹp cành đào đi cho dù có tiếc rẻ “hoa thơm” đến mấy. Ông Z. có thể dùng Naphcon A bán tại các dược phòng cho chứng mắt ngứa đỏ. Thuốc Benadryl có thể trị cho chứng mề đay, tuy nhiên ông Z nên dùng vào ban đêm vì thuốc gây chứng buồn ngủ.

Ðể điều trị dị ứng, điều căn bản nhất là phải có thuốc chống dị ứng. Thông dụng nhất là các thuốc thuộc dòng antihistamine như Claritin, Zyrtec, hay Benadryl. Kế đến là các thuốc trị các triệu chứng dị ứng như trình bày như trên. Nên trị chứng dị ứng càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng. Theo Bác Sĩ Bùi Minh Ðức, chuyên khoa Tai Mũi Họng, 90% các trường hợp nhiễm trùng tai, mũi, và họng đều có nguồn gốc từ dị ứng.

Có quá nhiều chất có thể gây ra dị ứng nên rất khó xác định được chất nào là thủ phạm. Ðể xác định thủ phạm, bệnh nhân nên xét lại xem mình thường bị dị ứng vào lúc nào (lúc chuyển mùa, khi đi picnic...) hay ăn gì (đồ biển, thịt rừng...). Cách tốt nhất là đi làm xét nghiệm tại các phòng mạch bác sĩ chuyên khoa để xác định chất gây dị ứng.

Trên đây là một số kiến thức về chứng dị ứng. Chúng tôi không khuyến khích độc giả tự chữa bệnh mà nên tìm đến bác sĩ. Trong phần sau, chúng sẽ trình bày phần dị ứng thuốc và những trường hợp dị ứng gây nguy hiểm.

(Bài viết có sự đóng góp ý kiến của Bác Sĩ Nguyễn Chí Vỹ)