Home Đời Sống Y Học Cà phê thuốc lá, chuyện của đàn ông, chuyện của sức khỏe

Cà phê thuốc lá, chuyện của đàn ông, chuyện của sức khỏe PDF Print E-mail
Tác Giả: Hồng Quang theo tuần báo Time   
Thứ Ba, 02 Tháng 2 Năm 2010 22:09

Xem bất cứ cuốn phim trắng đen nào của thập niên 40 và 50, bạn cũng sẽ thấy các nam diễn viên phì phèo thuốc lá.

 
       Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Photo courtesy: Reuteurs 
Từ Paul Newman đến Clint Eastwood sau này đều hết “lá đến xì gà”, um sùm khói thuốc. Thuốc lá trở thành bạn đồng hành mỗi sáng của đàn ông và câu hỏi chào nhau của đàn ông Việt Nam có khi là “này, cà phê thuốc lá gì chưa?”.

Nhưng tại Hoa Kỳ và các xứ mở mang ngày nay, thuốc lá đang bị rượt đuổi tận tình. Năm 2009, thống kê cho thấy chưa tới 20% người Mỹ còn hút thuốc, con số tỉ lệ thấp nhất từ trước đến nay.

Cũng trong năm 2009, chính phủ liên bang đã quyết liệt nâng thuế thuốc lá từ 32 cents mỗi gói lên đến 1 đô la/gói và trao cho cơ quan FDA toàn quyền hành xử với thuốc lá giống như bất cứ món thực phẩm hay thuốc thang nào.

Nhưng Hoa Kỳ và Tây Phương không phải là thế giới, khắp nơi khác, thiên hạ vẫn hút thuốc lá ào ạt. Trong năm 2009, các công ty trên thế giới sản xuất 5 ngàn tỉ điếu thuốc, tức là mỗi công dân của Trái Đất được “chia đều” 830 điếu/năm.

Trung Quốc có số người nghiện hút thuốc còn cao hơn cả dân số Hoa Kỳ, là 350 triệu người. Từ năm 1970 đến nay, số người hút thuốc ở Indonsia tăng thêm 5 lần và các công ty thuốc lá không chịu thua ở châu Phi, nơi tỉ lệ hút thuốc rất ít.

Nhưng sở dĩ người châu Phi ít hút thuốc là tại đa số dân số..không có tiền mua thuốc lá mà thôi!

Nhân loại không chịu thua, vì y khoa chứng minh thuốc lá quá độc hại. Năm 2003, cơ quan World Health Assembly ra nghị quyết chống lại thuốc lá bằng một loạt biện pháp nâng thuế và cấm hút tại nhiều nơi công cộng. Có đến 167 quốc gia đã ký vào văn bản này, cho thấy đa số nhân loại từ chối thói quen phì phèo mỗi ngày.

Còn “người anh em song sinh” cà phê thì sao? Cũng may cho nhân loại là cái thức uống phổ thông nhất thế giới này được khoa học chứng minh mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Theo hiệp hội National Coffee Association, có đến hơn 50% người lớn ở Mỹ uống cà phê.

Theo bác sĩ Katryn Wilson thuộc đại học Y Khoa Havard thì “uống cà phê không có tác dụng phụ, ngoài có thể làm mất ngủ nếu uống quá nhiều”. Đó là chưa kể, theo Rob van Dam, chuyên gia dinh dưỡng của Havard, các khám phá gần đây cho thấy cà phê có thể làm giảm bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, ung thư gan và xơ cứng gan.

Tháng 12 năm 2009, một phúc trình của Đại Học Sydney của Úc cho biết nếu uống 4 tách cà phê mỗi ngày, người ta có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ 25% đến 35%. Điều đó chứng tỏ cà phê có chứa hoạt chất có thể làm giảm lượng đường trong máu.

Đại học McGill University của Mỹ còn đưa ra con số choáng váng hơn, khi cho biết sau khi nghiên cứu 50,000 người tham gia chương trình, các nhà khoa học thấy người đàn ông nào uống hàng ngày từ 6 cốc cà phê trở lên có thể giảm ung thư tuyến tiền liệt đến 60%.

Còn theo các nhà dịch tể học thuộc đại học Madrid thì ngay cả những người từng sống sót qua một thời kỳ bị bệnh tim tấn công, uống cà phê cũng không có hại và các cuộc khảo sát còn cho thấy cà phê có nhiều chất antioxidants có thể làm giảm nguy cơ bị sưng viêm và bảo vệ thành mạch máu.

Rõ ràng một ly đen “thơm lừng” mà thiếu điếu “con mèo” thì giống như Bá Nhạ thiếu Tử Kỳ, nhưng có lẽ đến lúc phải khuyên các đấng trượng phu có nhâm nhi cà phê buồi sáng thì chỉ nên “kéo” một hai điếu cho “thơm râu” thôi, chứ đừng nghĩ “lợi cái này bù qua hại cái kia” là trật đường rầy rồi!

Hồng Quang theo tuần báo Time