Home Đời Sống Y Học Câu Chuyện Thầy Lang: Rượu Xuân Nên Uống Vừa Thôi

Câu Chuyện Thầy Lang: Rượu Xuân Nên Uống Vừa Thôi PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D./ Dallas-Texas   
Thứ Năm, 11 Tháng 2 Năm 2010 19:10

Đón Tết Mừng Xuân là phải có ăn có uống.

Vì thế dân gian ta mới gọi là ĂN TẾT. Mà không phải chỉ ăn một bữa, hai bữa nhưng “chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”. Nhiều địa phương còn ăn Tết cả tháng, vì “Tháng Giêng là tháng Ăn- Chơi”. Giầu thì mổ trâu mổ bò, nghèo thì cũng làm thịt con gà, chung nhau con heo. Rồi nấu nướng, giã giò, gói bánh chưng, bánh tét, ăn uống linh đình.

Uống đây không phải là nước cam nước chanh, nước ngọt mà còn là uống rượu. Vì “phi tửu bất thành yến”. Phải có vài ly rượu đưa cay cho món tiết canh lòng lợn, miếng thịt quay vàng óng thơm ngon. Người ta nâng ly chúc nhau Thọ tựa Nam sơn, Phúc như Bắc hải, giầu có bằng năm bằng mười năm ngoái…

Uống rượu vẫn được coi như là một cái thú. Có người nhâm nhi một chút rượu để thưởng thức cái hương thơm của rượu, cái vị cay cay của rượu, cái cảm giác kích thích của tửu tinh. Uống rượu mà có thêm bạn đồng ẩm thì tiệc rượu càng vui. Nhưng kìa sao mọi sự đang diễn ra êm đềm thân mật, đột nhiên lời qua tiếng lại, một người to tiếng, cà khịa khích bác người kia.

Rồi cãi nhau, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ẩu đả. Người ta đã quá chén, không kiểm soát được mình vì ma men đã làm chủ con người. Người ta đã say vì rượu tràn ngập cơ thể. Ấy là chưa kể, nếu tiếp tục “rượu vào, lời ra” thì sẽ đưa tới bê tha nghiện ngập, mất phẩm giá con người mà còn mang thêm bệnh hoạn.

Nhân dịp Tân Xuân sắp đến, lang tôi xin cùng quý thân hữu tìm hiểu lại lợi hại của cái món “Nước Tinh Thần” spirit water này. Để cùng trọn vẹn vui những ngày Xuân.
Vì ngoài vai trò khiêm nhường trong dinh dưỡng, ẩm thực, rượu được y khoa tây phương coi như một loại thuốc (drug). Với Đông y thì “Tửu vi bách dược chi trưởng”, rượu đứng đầu trăm loại thuốc.

Khi hấp thụ vào cơ thể, thuốc hoặc rượu sẽ tạo ra một số thay đổi vừa tốt vừa xấu cho các chức năng của tấm thân đáng quý này. Khi uống vừa phải, các thay đổi xấu có thể trở lại bình thường, nhứng quá nheiu62 thỉ rượu lại gây hại.

Tác dụng tốt của rượu
Đông, Tây y học đã đồng ý với nhau là rượu có một số tác dụng tốt cho cơ thể, NẾU được dùng vừa phải.
Danh y Lý Thời Trân của Trung Hoa từ xưa đã có nhận định: “ Uống ít rượu sẽ làm khí huyết lưu thông; uống nhiều sẽ làm hại tinh thần, làm tổn thương tinh dịch bao tử và kích thích hỏa tà”.
Các nhà dinh dưỡng y học thời nay thì nhấn mạnh ở chữ moderation, vừa phải cũng như đừng tự tạo ra thói quen uống rượu, đừng uống vì bị ép nài (Tủu bất khả ép). Vừa phải là khoảng 350 cc bia, 150 cc vang và 50cc rượu mạnh, hai lần một ngày cho nam giới. Nữ giới thì một lần thôi vì lá gan quý bà tuy “mưu lược đánh ghen” thì hay nhưng không “xử lý” được lượng rượu lớn. Cũng nên để ý tới độ cồn của rượu: trên 5% là mạnh rồi đấy và phải cẩn thận.

1-Kích thích khẩu vị
Các nhà y học đều có ý kiến là quý vị tuổi cao, người đang phục hồi bệnh có thể dùng một chút rượu khai vị để ăn ngon miệng. Một chút rượu sẽ kích thích nụ nếm ở lưỡi, tăng nước miếng và dịch vị bao tử, giúp cho sự tiêu hóa thực phẩm dễ dàng. Một chút rượu cũng tăng cảm giác đói, khiến ta ăn nhiều hơn.

2-Rượu với trái tim
Đây là vấn đề được nghiên cứu, tranh luận  rất nhiều với nhiều ý kiến thuận nghịch.
Nghiên cứu vào tháng 11 năm 2009 của bác sĩ Larraitz Arriola, Tây Ban Nha, cho hay dùng rượu đều đặn có thể giảm 1/3 rủi ro mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên tác giả cũng vội vàng nhấn mạnh rằng bà không khuyên mọi người bắt đầu uống rượu vì khi lạm dụng, rượu đã gây ra cả triệu tử vong. Và nếu có uống thì nên uống vừa phải kèm theo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động mỗi ngày.
Vì có quá nhiều ý kiến tương tự, Hội Tim Hoa Kỳ cũng miễn cưỡng nói rằng dùng rượu vừa phải có thể có tác dụng tốt cho bệnh tim.

3-Rượu với stroke
Nhiều nghiên cứu nói rằng dùng rượu vừa phải có thể giảm rủi ro stroke gây ra do xuất huyết não. Rượu có tác dụng tăng choledterol lành HDL, giảm sự kết tụ của tiểu cầu.
Hội Tai Biến Não Hoa kỳ nhận định: “Uống hai lượng rượu mỗi ngày có thể giảm quá nửa rủi ro stroke, nhưng uống trên số lượng này lại tăng rủi ro stroke gấp ba lần cộng thêm bệnh gan và các tai nạn khác. Tốt hơn là nếu chưa uống thì đừng bắt đầu uống”.

4-Rượu với khả năng nhận thức
Tập san Y học New England Journal of Medicine, 2005, có đăng kết quả nghiên cứu của Đại học Harvard về sự uống rượu ỡ quý lão phu nhân từ 70-81 tuổi. Những vị nào uống một lượng nhỏ rượu mỗi ngày thì ít bị hư hao nhận thức hơn là nữ nhân không uống. Nhưng uống quá nhiều thì bị suy giảm khả năng học hỏi, cất giữ và nhớ lại sự việc.

5-Rượu xoa dịu tâm trạng
Một chút rượu có thể làm giảm sự bồn chồn, lo lắng hoặc tạo một cảm giác thân thiện giữa con người với con người. Cho nên trong những bữa ăn giao tế, một ly rượu là vật xúc tác tốt đưa đẩy cho việc thảo luận công kia việc nọ. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng:
“Rượu lạt uống lắm cũng say;
 Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.”

Tác dụng xấu của nhiều rượu
Chẳng phải thiên kiến, hẹp hòi nhưng tác hại của tiêu thụ quá nhiều rượu đã được nhìn thấy và nghiên cứu y khoa học chứng minh.
-Theo Viện Nghiên Cứu Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều bằng chứng là nghiện rượu tăng rủi ro ung thư miệng, cuống họng, thanh quản và thực quản. Rượu cũng tăng rủi ro ung thư phổi nếu kèm theo với hút thuốc lá.  Đôi khi rượu gây ung thư gan, đại tràng, nhũ hoa.
-Như đã trình bày ở trên, một chút rượu có thể tốt cho tim, nhưng liên tục nhiều “chút, chút” lại gây tổn thương cho trái tim nhỏ bé, đưa tới cao huyết áp, giãn yếu cơ tim, suy tim rồi tai biến não. Uống nhiều rượu cũng tăng chất béo triglyceride trong huyết quản.
-Gan có nhiệm vụ chuyển hóa rượu để loại ra khỏi cơ thể. Tiêu thụ nhiều rượu khiến cho gan suy yếu, tổn thương, đưa tới các bệnh như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ cứng gan rồi ung thư gan.
- Uống nhiều rượu đưa đến nguy cơ suy dinh dưỡng. Lý do là  rượu chỉ cung cấp một số năng lượng còn chất dinh dưỡng lại rất ít. Uống một lon bia có thể giúp ăn ngon  hơn, nhưng uống dăm lon là no bụng, dạ dầy không còn chỗ cho thực phẩm.  Ngoài ra, nếu uống rượu nhiều, đi tiểu nhiều, lại thêm ói mửa tiêu chẩy mất hết sinh tố, khoáng chất. Thế là thiếu dinh dưỡng với nhiều hậu quả khôn lường.
-Tiêu thụ nhiều rượu khiến phản ứng thần kinh chậm lại, kém tập trung và giảm khả năng phán xét. Uống thêm, người tiêu thụ trở nên hung bạo, gây gổ, mất tự chủ. Hậu quả là đả thương, tai nạn xe cộ, tử vong…
-Nhiều rượu cũng đưa tới nghiện ngập, viêm loét dạ dày, giảm khả năng tình dục, rối loạn dây thần kinh ngoại vi, thay đổi chức năng trí tuệ, thiếu máu, khuyết tật trẻ sơ sinh khi mẹ có thai lại uống rượu, mệt mỏi sau say sưa, béo bụng…

Mấy điều cần lưu ý
-Rượu tác dụng rất nhanh. Chỉ ngửi thôi, hơi rượu đã vào máu. Sau khi uống, 20% rượu sẽ từ bao tử chuyển sang máu, và vài phút sau đã phân tán khắp cơ thể. Do đó các nhà dinh dưỡng đều đồng ý là nên uống vào bữa ăn. Thức ăn tạo lớp lót trong lòng bao tử, rượu cũng hòa lẫn trong thức ăn nên giảm tốc độ lan vào máu.
- Thưởng thức rượu là phải uống từ từ nhấm nháp nhất là khi uống rượu mạnh. Nhà vật lý học danh tiếng của Pháp Langevin có nói rượu sinh ra là để người ta nếm chứ không phải để uống. Đã nếm thì cứ chậm rãi mà thưởng thức.
- Rượu chẳng nên uống một mình hay trong khi đang có chuyện âu lo, e rồi lại quá chén. Mà uống với bạn thì chẳng nên ép buộc vì “ tửu bất khả ép”, mất vui, mất hương vị lại phí rượu vì “ép bất khả từ”, cho nên nốc một hơi cho xong.
- Với rượu mạnh, ta nên pha với nước lạnh hoặc nước đá để nồng độ rượu nhẹ đi. Không nên pha với nước soda có nhiều gas vì hơi làm tăng áp suất trong bao tử khiến rượu truyền sang máu mau hơn.
-Không nên uống nhiều loại rượu khác nhau vì rượu ủ men nồng độ rượu thấp mà rượu cất lượng cồn rất cao. Pha lẫn dễ đưa tới say túy lúy kèm theo nhức đầu, nôn ói.
-Không nên dùng rượu với thuốc chống đau paracetamol (Tylenol), Aspirin, thuốc chống trầm cảm. Tylenol + rượu đưa tới suy gan; Aspirin + rượu tăng rủi ro xuất huyết dạ dà; thuốc trầm cảm và rượu tạo ra tâm trạng quá trầm buồn, thụ động..
- Đang uống thuốc cầm máu, đang có bệnh tiểu đường thì không nên uống rượu  vì rượu làm chuyển hóa thuốc cầm máu, máu loãng hơn cũng như rượu giảm đường trong máu khiến có cơn thiếu đường trầm trọng.
- Bia rượu có nhiều Purine, tiền thân của uric acid. Người bị bệnh thống phong (Gout), không nên uống rượu để tránh cơn đau nhức với ngón chân cái sưng viêm vì uric acit tích tụ.
-Nhiều người cho rằng uống một ly cà phê đậm có thể hóa giải say rượu. Điều này không đúng vì chỉ có thời gian mới làm người say tỉnh rượu. Rượu rời khỏi cơ thế theo tốc độ cố định là .015% nồng độ rượu trong máu/ một giờ. Nếu nồng độ rượu tăng lên gấp 10 thì cần 10 giờ để tỉnh rượu. Và đang say sưa, tuyệt đối không lái xe các loại, để tránh tai nạn, tử vong.
-Tránh ra thời tiết lạnh hoắc tắm nước lạnh khi say rượu vì rất dễ bị cảm lạnh, đôi khi nguy hiểm tới tính mệnh.

Kết luận
Ở đời, xét cho cùng lý, thì mọi sự đều phúc đấy, họa đấy, tùy theo sự khôn khéo lựa chọn, quyết định của con người.
Bia rượu có cả từ nhiều ngàn năm. Người uống cũng nhiều mà người không cũng chẳng ít. Hậu quả tốt cũng có, mà xấu đếm cũng chẳng xuể.
Nhà dinh dưỡng lão thành Từ Giấy đã ví tâm trạng người uống rượu với mấy con thú vật. Uống vừa phải thì hớn hở như con công, thêm chút nữa thì cho là khỏe như sư tử, thêm vài ly thì huyên náo như con khỉ để rồi tới khi say thì nằm gục ngủ khì như con heo. Uống như vậy thì đâu có ích gì.
Cho nên, nếu biết cân nhắc, lấy sự chừng mực, điều độ và có giới hạn làm kim chỉ nam, thì chắc là sẽ “phúc sẽ nhiều hơn họa” và cuộc đời chắc sẽ nhiều mùa Xuân bình an. Bằng như ngược lại, sử dụng bừa bãi, không kiềm chế thì chắc chắn không bao lâu sẽ dẫn đến cảnh “họa vô đơn chí”, mà cuộc đời vì thế cũng vui ít, buồn nhiều, bệnh tật cũng vô số kể.