Bệnh Gan PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 06 Tháng 7 Năm 2010 11:29

Nếu tưởng sỏi túi mật thành hình do hậu quả của viêm tấy đường dẫn mật hay vì rối loạn biến dưỡng khiến mật tích tụ trong túi mật thì nhầm.

 Sỏi mật được hình thành do tức giận
Chuyên gia bệnh gan mật ở Đức, sau khi đúc kết dữ liệu thống kê của công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm với cả ngàn đối tượng, đã quả quyết là không dưới 40% trường hợp sỏi túi mật là do gia chủ có điều gì bực tức nhưng nói không được.

Người ta cũng ghi nhận sỏi túi mật được hình thành rất nhanh ở người gặp chuyện phẫn uất oan uổng trong nghề nghiệp, gia đình... nhưng không có cơ hội giãi bày, trong khi nạn nhân không hề có bệnh trên trục gan mật hay gặp rối loạn biến dưỡng trong suốt thời gian theo dõi.

Tình trạng tức mà không dám nói, giận (kể cả giận vợ) mà nói không xong là lý do gây rối loạn co thắt cơ vòng của ống dẫn mật khiến mật thay vì xuống ruột lại đọng lâu hơn trong túi mật.

Tình trạng “kẹt xe” trong túi mật tuy không đủ để gây cơn đau khiến gia chủ phải gõ cửa thầy thuốc nhưng lại là điều kiện thuận tiện để mật vừa quay lại tấn công ngay niêm mạc túi mật tạo điểm trầy xước vừa giúp tạp chất trong mật có cơ hội bám vào đó để kết tủa. Sỏi túi mật khi đó, bất chiến tự nhiên thành”.

Ở thành phố cảng Hamburg, người dân tếu táo rằng có anh chàng quản lý nghĩa địa xe phế thải làm giàu được nhờ hiểu chỗ nhược của những người không tìm ra lối thoát trong cảnh trên đe dưới búa. Anh này kiếm tiền bằng cách bán vé tính giờ cho người vào bãi xe tha hồ đập phá, chửi rủa cho hả cơn giận.

Ấy vậy mà dịch vụ này lại đắt khách. Dù chưa ai thống kê được nhưng chắc chắn đã có không ít người nhờ tốn một ít tiền chỉ để đập xe cũ, chửi xe hư cho bõ ghét, không ngờ lại đỡ được khoản tiền lý ra phải đưa cho thầy thuốc để mổ sỏi túi mật.

Tiền nhân cũng đã báo động là hễ “giận căm gan” khó tránh “tức cành hông”. Biết vậy nên liệu mà tìm cách “xả xú páp” cho sớm, đừng để bụng quá lâu mà rồi có ngày phải... mổ bụng.

Vitamin E có thể trị bệnh gan nhiễm mỡ

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố nghiên cứu của mình, đó là vitamin E có hiệu quả với chứng bệnh gan nhiễm mỡ không do uống rượu - chứng steatohepatitis.
Bệnh Steatohepatitis là do sự chuyển hóa mỡ bất thường, làm tăng mức độ các chất oxy hóa có hại trong gan. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và hầu hết là những người không uống rượu, hoặc uống rất ít. Bệnh có thể làm hỏng chức năng gan, có khả năng gây tử vong.

Ước lượng có 3% đến 4% người Mỹ bị chứng bệnh này, mặc dù nhiều người không ý thức được rằng mình đang mang bệnh.
Nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ trước đây cho thấy những chất nhạy cảm insulin và chất chống oxy hóa có thể làm thay đổi sự tiến triển của bệnh steatohepatitis.

Để kiểm tra khả năng này, một hệ thống các Học viện Quốc gia về Nghiên cứu Sức khỏe Lâm sàng đối với căn bệnh nói trên, do tiến sĩ Arun J.Sanyal thuộc Đại học Cộng đồng Virginia (Mỹ) đứng đầu, đã thực hiện một cuộc thử nghiệm lâm sàng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong việc điều trị căn bệnh này.

Cuộc thử nghiệm bao gồm 247 người lớn mắc bệnh và không bị tiểu đường, được chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất được cho uống 800 đơn vị quốc tế thuốc vitamin E mỗi ngày, nhóm thứ hai uống thuốc tiểu đường pioglitazone và nhóm thứ ba chỉ uống placebo (chất vô hại được dùng như thuốc để bệnh nhân tưởng mình đang được điều trị).
Kết quả (đăng trên Tạp chí Y học New England) cho thấy 43% bệnh nhân nhóm thứ nhất đã có sự cải thiện chức năng gan đáng kể, so với 19% những người trong hai nhóm còn lại.


Tránh uống nhiều rượu bia để hạn chế phát sinh bệnh ung thư gan Ung thư gan: Sát thủ thầm lặng

Gia đình của anh Nguyên tại Huế, bệnh nhân ung thư gan, chưa hết bàng hoàng vì mọi việc diễn ra quá bất ngờ. Chỉ ba tháng sau khi phát bệnh, anh đã qua đời dù trước đó anh vẫn sinh hoạt khỏe mạnh.

Theo lời chị Liên, vợ anh Nguyên: "Trước khi phát hiện bệnh anh Nguyên vẫn đi làm. Thỉnh thoảng anh hay bị tức bụng. Anh còn chủ quan cho rằng do ăn nhiều dầu mỡ nên bị sình bụng. Cả gia đình đều không chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi đột ngột của anh. Do bệnh tình nặng, cộng thêm yếu tố tâm lý không ổn định trong suốt thời gian chữa bệnh, sức khỏe anh suy yếu nhanh, và ra đi chỉ ba tháng sau khi được đưa vào bệnh viện điều trị".

Tuy quá trình đưa đến ung thư gan vẫn còn là một bài toán khó cho giới chuyên môn, song những yếu tố như viêm gan siêu vi B, C, xơ gan, và độc chất Aflattoxin được xác định có liên quan mật thiết đến qúa trình phát sinh bệnh ung thư gan.

Theo ước tính của Bộ Y tế, nước ta có hơn 16 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B. Thực trạng cho thấy hơn 70% số bệnh nhân ung thư gan có tiền sử bệnh viêm gan siêu vi B, hoặc C. Điều này khiến Việt Nam trở thành nước có tỉ lệ bệnh nhân ung thư gan xếp hàng cao nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có thêm 10.000 ca nhiễm bệnh ung thư gan mới.

Do triệu chứng lâm sàng của ung thư gan thường không rõ ràng, 80% bệnh nhân được phát hiện ung thư gan thường phải ở giai đoạn cuối. Với khối u nhỏ, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, ăn uống giảm sút, cảm giác tức hạ sườn phải nhưng không đáng kể, khiến nhiều bệnh nhân lầm tưởng mình bị chứng khó tiêu. Triệu chứng chỉ thể hiện rõ nét ở giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị vàng da, bụng trướng, đau đớn dưới hạ sườn. Khi bệnh nhân trong giai đoạn ung thư gan tiến triển, diễn biến tử vong thường rất nhanh, thông thường khoảng từ 1-6 tháng, hãn hữu mới có trường hợp kéo dài được một năm.

Hiện nay, ung thư gan có thể được phát hiện sớm bằng nhiều biện pháp chẩn đoán tiên tiến như siêu âm, CT Scan, chụp mạch máu gan, MRI, Alphafetoprotein, hoặc sinh thiết gan. Nếu được phát hiện ở gia đoạn sớm, bệnh có thể được kiểm soát.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, hay ghép gan vẫn là phương pháp điều trị tối ưu. Tuy nhiên, việc tiến hành phẫu thuật còn phụ thuộc vào các yếu tố kích thước, vị trí, số lượng u, mức độ xâm lấn tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch chủ dưới, và chức năng gan... Không phải khối u nào cũng có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật. Bên cạnh phẫu thuật, các phương pháp phá huỷ u qua da bằng điện động, vi sóng, hoặc đốt nhiệt cao tần, hay hóa thuyên tắc mạch ngăn máu đến nuôi khối u cũng được áp dụng cho bệnh nhân ung thư gan.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư gan cũng có thể dùng dược phẩm Sorafenib (tên thương mại Nexavar®), với tác dụng ức chế sự tăng trưởng của khối u.

 Tuy không chữa dứt bệnh, nhưng Nexavar® tác động trực tiếp lên tế bào ung thư, ngăn cản máu đến nuôi khối u, cũng như thay đổi tính chất của tế bào ung thư, để chúng tự lập trình thời gian chết như các tế bào bình thường.

 Thuốc được chỉ định chủ yếu cho bệnh nhân sau phẫu thuật nhằm ngăn cản khả năng tái phát, và cho bệnh nhân ung thư gan tiến triển.

Thuốc này đã được Tổ chức quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA của Mỹ, và EFPAMA của châu Âu thông qua chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan. Hiện nay, Nexavar® (do Công ty Bayer - Đức sản xuất) đang được lưu hành trên hơn sáu mươi quốc gia.

Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư gan đều không bảo đảm triệt tiêu hoàn toàn bệnh, và khả năng tái phát  vẫn còn rất cao. Việc điều trị lại rất tốn kém, và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Vì thế, việc phòng bệnh luôn cần được coi trọng. Mọi người cần tiêm vacxin phòng ngừa viêm gan siêu vi B, điều chỉnh thói quen ăn uống lành mạnh, tránh uống nhiều rượu bia.

 Đối với những trường hợp đã nhiễm viêm gan siêu vi B, hoặc C, cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, cũng như tiến hành tái khám định kì nhằm phát hiện mầm mống bệnh, để kịp thời áp dụng những phương pháp điều trị thích hợp