Mổ cườm mắt |
Tác Giả: Trần Bình Nam | |||
Chúa Nhật, 13 Tháng 3 Năm 2011 10:17 | |||
“Mổ cườm xong,…. ta mới thực sự biết trời có thể xanh, núi có thể biếc, và mây có thể trắng đến chừng ấy. Không ngờ tạo vật có thể đẹp đến thế …” Đúng hẹn tôi đến Trung tâm Giải phẫu mắt trên đường Madison thành phố Torrance, quận Los Angeles lúc 7:00 giờ sáng ngày 9/2 để mổ cườm (Cataract Surgery). 8 giờ sáng tôi vào phòng chuẩn bị. 10:30 người ta đẩy tôi vào phòng mổ. 11:00 giờ người ta đẩy tôi ra. Mọi việc diễn tiến khi tôi đang dưới ảnh hưởng của thuốc mê. Ra khỏi phòng mổ tôi bàng hoàng không biết mình đang ở đâu và mắt mình đã mổ chưa. Sao không thấy cảm giác gì cả. Một cô y tá (nurse) cho biết mắt trái tôi đã mổ xong. Họ đẩy tôi vào một phòng đợi xem TV chờ Trung tâm Giải phẫu gọi con gái tôi đến đưa về nhà. Có thể đối với các vị bác sĩ mổ mắt của năm 2011 mọi việc chỉ đơn giản như vậy. Nhưng trước khi mổ nhiều bạn tôi đã mổ cườm kể cho tôi nghe những chuyên phiền toái nho nhỏ làm tôi cũng ngán. Có bạn cho biết sau khi mổ không được xem TV, không đọc sách đọc báo ít nhất một tuần lễ, không ho mạnh và cần uống thuốc chống bón (constipation) để không rặn làm động mắt khi đi cầu . Bạn Vũ Đình Minh (bác sĩ y khoa, nhà văn Mai Kim Ngọc) một bạn thời trung học của tôi, trái lại, đã thi vị hóa cảm giác của ông khi miếng băng vải che mắt sau khi mổ được lấy xuống và ông bắt đầu thấy vạn vật chung quanh. Ông viết: Về Los Angeles tôi quên lời khuyên của bác sĩ mắt San Diego. Tôi tin mắt tôi còn tốt. Trước hết ông cho xem một cuốn phim ngắn, giải thích kỹ thuật mổ cườm, những phiền toái có thể xẩy ra và hỏi tôi có chấp nhận những “nguy hiểm” của mổ cườm không? Đây chỉ là thủ tục bảo vệ người bác sĩ chứ mổ cườm không nguy hiểm như mổ tim v.v…, mặc dù trong cuốn phim giới thiệu người ta nói trong muôn một có trường hợp mổ cườm bị mù. Cuốn phim ngắn giải thích rằng mắt trời cho là một bộ phận khá phức tạp gồm chính yếu một tinh thể dạng lăng kính nhận ánh sáng đưa vào võng mạc (2) (retina). Tùy theo ánh sáng đến từ vật gần hay xa, tinh thể điều tiết (accommodation) độ cong mặt tinh thể để đưa ánh sáng vào đúng võng mạc. Tuổi già, hoặc chưa già nhưng mắt có bệnh, tinh thể không “điều tiết đúng” làm cho ánh sáng tụ lại trước hay sau võng mạc sinh ra bệnh cận thị hay viễn thị. Cận thị hay viễn thị có thể chữa bằng kính đeo mắt. Kính đeo mắt điều chỉnh sự điều tiết không đúng của tinh thể trời cho giúp ánh sáng tụ lại đúng trên võng mô và ta thấy rõ được vật thể chung quanh. Mổ cườm khác hẳn. Tuổi về già tinh thể trời cho bị vẩn đục từng nơi (gọi là mắt có cườm) không còn trong suốt nữa như bị mây che (mắt có mây). Mây hay cườm chỉ là một và gọi là cataract. Và dù cho tinh thể mắt còn điều tiết tốt vẫn không có đủ ánh sáng vào võng mạc nên ta thấy cảnh vật lờ mờ. Bác sĩ Joshi cho tôi biết có hai thứ tinh thể nhân tạo. Một thứ không điều tiết gọi là monofocal IOLs, và sau khi mổ cần dùng kính nếu muốn thấy thật rõ khi đọc sách hay lái xe. Y khoa vừa sáng chế một loại tinh thể mới gọi là multifocal IOLs có thể tự điều tiết để nhìn rõ cảnh vật ở mọi khoảng cách không cần kính. Không có hãng bảo hiểm nào trả tiền cho tinh thể multifocal IOLs. Thời giá mỗi tinh thể multifocal IOLs là $3,500 mỹ kim. Tôi không có khả năng dùng multifocal IOLs. Nếu có chưa chắc tôi dùng. Vốn bảo thủ tôi không tin cái gì quá mới trong thời đại quảng cáo này. Đơn giản thôi. Y tá đo áp huyết, bác sĩ nghe tim nghe phổi lấy lệ rồi chuyển ý thuận cho bác sĩ mắt. Bác sĩ gia đình sau khi xem danh sách thuốc tôi đang dùng, dặn ngưng thuốc Flomax (thuốc điều hòa đường tiểu tiện) 2 ngày trước khi mổ và dùng lại sau khi mổ một ngày. Mười phút sau, bác sĩ gây mê (anesthesiologist) đến giới thiệu cho biết sẽ là người gây mê để giúp tôi “cảm thấy thoải mái” khi mổ. Cô y tá lược qua cho tôi những gì cần làm khi về nhà, ngày mai gặp lại bác sĩ Joshi sẽ có chỉ dẫn mới. Cô dặn: nhỏ thuốc như trước khi mổ, thể dục vừa phải, đừng cúi người lâu, không lái xe, ở nhà nên có một người bên cạnh đề phòng phản ứng bất thường của thuốc mê, có thể xem truyền hình, đọc sách, làm việc trên computer không giới hạn. Cô cho tôi một kính đen bảo dùng khi ra khỏi nhà, và một tấm kính che mắt bằng plastic trong suốt và băng dán để dán trên mắt khi ngủ. Cô y tá nói, để tránh vô tình nằm úp mặt hay chụi mắt. Xong họ mang giày cho tôi (để tôi tránh cúi xuống) rồi dùng xe lăn đẩy tôi vào một phòng nhỏ, xem TV chờ người đón. Mọi việc diễn tiến như mắt bên trái. Khác một chút là bác sĩ gây mê chờ đến khi tôi vào phòng mổ mới chích thuốc gây mê và chích ở một lượng không làm tôi mê hẳn mà chỉ “lâng lâng”. Tôi thấy quang cảnh phòng mổ, và có ý chờ xem bác sĩ Joshi làm việc. Nhưng dù không mê, tôi vẫn không thấy bác sĩ Joshi vào, và ra lúc nào, cho đến khi người ta đẩy tôi ra khỏi phòng mổ. Tuần sau gặp ông Joshi, ông cười kết luận: “You are a bionic man now” (3). Hai tuần sau, ông cho tôi làm kính, một để đọc sách, một để lái xe. Ông cho biết hai tinh thể nhân tạo ông gắn vào mắt tôi khác nhau. Mắt trái nhìn gần rõ hơn nhìn xa, trong khi mắt phải nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Trên nguyên tắc tôi không cần dùng kính. Não bộ sẽ tự động điều chỉnh để khi đọc sách chuyển nhiệm vụ qua mắt trái, khi lái xe lại chuyển nhiệm vụ qua mắt phải. Nhưng ông cảnh giác, sở xe cộ (DMV) của California còn theo luật cũ là đo từng mắt (chứ không cho hai mắt giúp nhau) nên khi DMV đo mắt trái ông họ vẫn có thể buộc phải mang kính. Đó là chuyện mổ cườm của tôi. Bây giờ thì tôi biết ông bạn Vũ Đình Minh của tôi đã tả chân cảnh đẹp thật của trời đất chứ không chỉ là thi vị hóa. Tôi rất tâm đắc và thích thú đọc lại đoản văn dí dõm của ông: Ngược lại bây giờ, ở tuổi 70, chúng ta xử dụng cặp kính một cách vô cùng thú vị. Chỉ nguyên những cuốn sách hay khi về hưu rồi ta mới có thì giờ đọc, cặp kính không còn là một công dụng kiếm sống, mà trở nên cao quý biết bao. Nhưng những thú vị lớn nhất liên hệ đến thị giác là được mổ cườm mắt. Với những ai chưa được hưởng kinh nghiệm này, tôi xin mạn phép dông dài đôi chút về cái tuyệt vời của những ngày, những tháng, những năm sau cuộc tiểu giải phẫu nhiệm mầu này. Với tháng năm, tinh thể mắt đục dần, và ta chấp nhận là tất cả ngoại giới có màu ám khói. Trong cảnh u ám đó, hãy tưởng tượng lúc vết mổ cườm vừa lành, và bác sĩ mở băng cho ta được nhìn cuộc sống bằng con mắt mới. Ôi chao là đẹp. Lúc này ta mới thực sự biết trời có thể xanh, núi có thể biếc, và mây có thể trắng đến chừng ấy. Không ngờ tạo vật có thể đẹp đến thế. Nếu các bạn ở gần núi và mổ cườm về mùa thu, thì các bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì cái huy hoàng của lá trên núi đổi màu. Nếu các bạn mổ mắt vào mùa xuân, thì những vạt hoa dại trong các thung lũng đẹp như ai đổ phẩm vàng phẩm tím lên cả nội cỏ. Nếu các bạn ở miền duyên hải Ca-li như chúng tôi, thì các bạn có thể thấy hoàng hôn chưa bao giờ rực rỡ như vậy khi mặt trời như một trái cầu lửa chìm xuống Thái Bình Dương. Với thị giác mới, các bạn sẽ thấy biển đẹp ngay cả những hôm gọi là xấu trời, khi tất cả trở thành một hòa tấu của những cung bực màu trắng. Trời lẫn với nước, cái đẹp pha lẫn cái buồn, thi vị biết bao…” Và lý thú nhất khi ông cầm hai cái tinh thể nhân tạo trong tay nói với các thanh niên tuổi “tri thiên mạng” rằng: “Nhưng không phải ai cũng được mổ cườm. Phải có cườm, mới được mổ cườm. Và phải có tuổi mới có cườm để mổ. Các bạn trẻ, các bạn phải chờ vài thập niên nữa …”
|