Home Đời Sống Y Học 15 điều đàn ông không nên bỏ qua

15 điều đàn ông không nên bỏ qua PDF Print E-mail
Tác Giả: Vương Linh   
Thứ Năm, 22 Tháng 12 Năm 2011 09:02

 So với phụ nữ, đàn ông thường được xem là chểnh mảng hơn trong việc chăm lo sức khỏe bản thân. Khi gặp những triệu chứng như sốt, ho, đau... họ ít để ý vì lý do từng lướt qua nhiều lần như thế.

Tuy nhiên, bệnh nguy hiểm như ung thư, lúc khởi phát triệu chứng không có gì nghiêm trọng, dễ lầm lẫn với cảm ho thông thường nhưng lại không dễ dàng lướt qua nếu không phát hiện sớm, can thiệp kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng ung thư thường gặp ở phái mạnh, song có khi lại không được chính chủ nhân quan tâm:
 
1. Xuất hiện khối lạ ở ngực: Ung thư vú ở nam tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Bất cứ khối lạ nào xuất hiện ở vùng ngực cũng cần được kiểm tra cẩn thận, đặc biệt khi có các biểu hiện kèm theo như: da bị lõm, nhăn nhúm, đỏ hoặc tróc vảy ở nơi có khối lạ. Núm vú bị đỏ, co rút hoặc chảy dịch.
 
2. Đau: Thường gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau và cũng không loại trừ ung thư. Vì vậy, khi có biểu hiện đau dai dẳng nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân.
 
3. Những thay đổi ở tinh hoàn: Một số ca ung thư tinh hoàn phát triển nhanh và gây tử vong cao. Do đó, trừ trường hợp bệnh bẩm sinh hoặc trẻ nhỏ, nam giới nên biết tự kiểm tra tinh hoàn của mình và không nên bỏ qua khi thấy một số bất thường như tinh hoàn to ra hoặc teo lại, cảm giác nặng hoặc căng đau.
 
4. Nổi hạch: Nếu thấy hạch ở nách, cổ hay bất cứ chỗ nào trên cơ thể to ra nhanh hoặc sưng tấy trong thời gian dài (hơn một tháng) thì nên kiểm tra vì có thể đó là hạch trong bệnh lý ác tính.
 
5. Sốt: Có vô số nguyên nhân có thể gây sốt. Trong trường hợp sốt không tìm được nguyên nhân rõ ràng, mọi người cũng có thể nghĩ đến bệnh ác tính vì bệnh này gây sốt ở vài thời điểm nào đó và thường xuất hiện sau khi ung thư đã xâm lấn nhiều nơi.
 
6. Sụt cân: Cân nặng có thể dao động nhưng hầu hết không thay đổi nhiều. Nếu một người mất 10% trọng lượng trong thời gian ngắn (khoảng một tuần) thì cần thăm khám ngay.
 
7. Đau bụng: Bất cứ trường hợp đau bụng nào cũng cần theo dõi cẩn thận, nhất là khi có những bất thường khác kèm theo như vàng da, thay đổi thói quen đại tiện...
 
8. Mệt: Triệu chứng mệt rất mơ hồ và cũng có nhiều nguyên nhân gây mệt mà không nhất thiết là do bệnh tật. Giống như sốt, triệu chứng mệt có thể xuất hiện khi ung thư phát triển. Tuy nhiên, mệt cũng có thể xảy ra ở giai đoạn sớm của ung thư bạch cầu, ung thư trực tràng, dạ dày. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi và không giảm khi nghỉ ngơi thì đó là lúc nên đi khám bệnh.
 
9. Ho dai dẳng: Không nên bỏ qua tình trạng ho kéo dài 3-4 tuần không khỏi. Ngoài những nguyên nhân thông thường như cảm cúm, dị ứng, ho còn là biểu hiện một số vấn đề như viêm phế quản mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản và cũng có thể là ung thư.
 
10. Khó nuốt: Nhiều người than phiền về tình trạng khó nuốt nhưng tìm cách sống chung với nó, lúc đầu khó ăn thức ăn dạng đặc nhưng về sau ăn thức ăn dạng lỏng cũng khó. Có thể đây là chỉ điểm bệnh ác tính như ung thư thực quản.
 
11. Những thay đổi ở da: Cần hết sức cảnh giác khi thấy các nốt ruồi lớn nhanh đột ngột, đau, dễ chảy máu khi chạm vào. Ngoài ra, thay đổi màu sắc da bất thường cũng cần được đánh giá cẩn thận.
 
12. Chảy máu bất thường: Bất cứ khi nào có hiện tượng chảy máu ở những vị trí trước giờ không thấy thì nên đi khám bệnh. Các triệu chứng như ho khạc đàm có máu, đi tiêu, tiểu ra máu, nôn ra máu đều là các dấu hiệu bất thường cần được chú ý.
 
13. Thay đổi ở miệng: Với những người hút thuốc, cần hết sức lưu ý khi thấy trong miệng, lưỡi có nhiều dát hoặc mảng trắng xuất hiện. Đó có thể là bạch sản niêm mạc miệng và có khả năng tiến triển thành ung thư.
 
14. Vấn đề tiết niệu: Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt với những khó chịu về đường tiểu như tiểu khó, tiểu lắt nhắt và cảm giác đi tiểu không hết rất thường gặp ở người trung niên. Tuy nhiên, cần theo dõi cẩn thận và kết hợp với cận lâm sàng để có sự can thiệp sớm, vì phì đại tuyến tiền liệt cũng có khả năng chuyển sang ác tính.
 
15. Khó tiêu: Tình trạng ăn không tiêu kéo dài cần được thăm khám kỹ, nhất là đối với người lớn tuổi, nhằm loại trừ bệnh lý ác tính trước khi nghĩ đến những nguyên nhân phổ biến khác.
 
Nếu tự bản thân cảm thấy không yên tâm về bất kỳ dấu hiệu lạ nào của cơ thể, tốt hơn hết quý ông nên chịu khó đi “thăm” bác sĩ và có kế hoạch thăm khám định kỳ, để giữ vững danh hiệu phái mạnh trong mắt mọi người
 
10 vấn đề sức khỏe nam giới không nên bỏ qua

Đàn ông có nguy cơ mắc các bệnh nặng cao hơn phụ nữ, từ tim mạch tới ung thư. Nhưng hầu hết nam giới lại rất ngại đi khám nên cơ hội phát hiện sớm bệnh và chữa khỏi càng thấp.
Theo Mirror, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phái mạnh không nên bỏ qua những kiểm tra về sức khỏe dưới đây:

1. Huyết áp

Lý do: Một phần tư số người trung niên bị huyết áp cao. Nếu không điều trị, hiện tượng này có thể dẫn tới bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận.
Dấu hiệu cảnh báo: Cách duy nhất để biết bạn có gặp vấn đề này không là đi khám, đặc biệt quan trọng nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh này.
Cách khám: Rất đơn giản, bác sĩ sẽ đo huyết áp cho bạn bằng dụng cụ chuyên dụng và cho bạn lời khuyên cần thiết.

2. Ung thư tuyến tiền liệt

Lý do: Đây là bệnh ung thư hay gặp nhất ở nam giới. Đàn ông trên 50 tuổi nên đi khám định kỳ bệnh này.
Dấu hiệu cảnh báo: Khó đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên hơn và đau ở lưng hoặc vùng hông. Khi bệnh tiến triển có thể gây ra hiện tượng liệt dương.
Cách khám: Bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng đồng thời thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra mức tăng của hoóc môn tuyến yên. Việc phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa quan trọng, giúp đưa ra phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.

3. Ung thư tinh hoàn

Lý do: Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới dưới 35 tuổi. Đây cũng là bệnh dễ chữa nhất nếu phát hiện sớm.
Dấu hiệu cảnh báo: Bất cứ hiện tượng nào khác thường: Sưng hay có một u cứng bằng hạt đậu trên tinh hoàn hoặc bị nhức, đau nhói ở vùng này. Bạn có thể tự kiểm tra thường xuyên, đặc biệt nếu bạn từng bị tinh hoàn lạc chỗ hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh này.
Cách khám: Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn siêu âm hai tinh hoàn và có thể làm thêm xét nghiệm máu để xác định mức tăng cụ thể của loại hoóc môn có thể dẫn đến loại ung thư này.

4. Bệnh tiểu đường

Lý do: Có hàng triệu nam giới có thể mắc bệnh tiều đườbg loại 2 mà không biết. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và tầm soát hiệu quả, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng phức tạp, như đau tim, suy thận, đột quỵ, mù và phải cắt cụt chân tay.
Nam giới nên khám bệnh này nếu họ có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, bao gồm béo phì, vòng eo to, hơn 40 tuổi và có người thân mắc bệnh này.
Dấu hiệu cảnh báo: Hay khát nước, mệt mỏi và giảm cân. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lại không có các triệu chứng trên.
Cách khám: Bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm máu đơn giản để đo mức đường glucoz trong máu. Mức này cao chứng tỏ bạn bị bệnh.

5. Cholesterol cao

Lý do: Cholesterol cao là một trong những yếu tố chính gây các bệnh tim mạch, dẫn tới xơ cứng động mạch.
Dấu hiệu cảnh báo: Không có triệu chứng, nhưng nếu bạn ăn theo chế độ giàu chất béo bão hòa, thừa cân hay trong gia đình có người bị tim mạch, bạn nên đi khám.
Cách khám: Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để đo mức cholesterol của bạn.

6. Ung thư da

Lý do: Số lượng nam giới chết vì ung thư da đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua. Mặc dù phụ nữ được chẩn đoán mắc u hắc tố nhiều hơn, nhưng căn bệnh nguy hiểm nhất về da là ung thư lại giết chết nhiều nam giới hơn vì họ có khuynh hướng đi khám chữa muộn.
Dấu hiệu cảnh báo: Thay đổi kích thước và màu sắc của nốt ruồi, ngứa, chảy máu...
Cách khám: Sinh thiết da sẽ giúp bạn phát hiện loại ung thư này.

7. Vòng eo

Lý do: Hiện nay, kích thước vòng eo được cho là chỉ số xác định nguy cơ về sức khỏe chính xác hơn là cân nặng hay chỉ số khối cơ thể BMI. Quá nhiều chất béo ở khoảng giữa cơ thể sẽ tăng nguy cơ bạn mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
Dấu hiệu cảnh báo: Quần áo bắt đầu trở lên chật.
Cách kiểm tra: Đơn giản, chỉ cần đo vòng eo - điểm giữa xương sườn thấp nhất và xương hông của bạn. Nếu số đo này trên 94cm đối với nam giới là quá cao. Hãy đi khám sức khỏe tổng quát hoặc xin lời tư vấn của bác sĩ.

8. Bệnh nhiểm khuẩn Chlamydia

Lý do: Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Nếu không được điều trị, bệnh có thể lây sang bạn đời và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người nữ.
Dấu hiệu cảnh báo: Cảm giác nóng rát khi đi tiểu hay xuất tinh nhưng đôi khi người bị bệnh cũng không có triệu chứng gì.
Kiểm tra: Nếu bạn từng quan hệ tình dục không an toàn và chưa bao giờ làm xét nghiệm kiểm tra chlamydia, nên đi khám và test tại một phòng khám chuyên khoa.

9. Bệnh nhãn áp cao

Lý do:. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn và nếu không điều trị có thể dẫn tới mù. Nếu bạn hơn 40 tuổi, bị bệnh tiểu đường và chứng đau nửa đầu, nhìn kém hay có người thân mắc bệnh này, thì nguy cơ của bạn rất cao.
Dấu hiệu cảnh báo: Việc tăng nhãn áp sẽ diễn ra chậm và mất thị lực từ từ, vì vậy người ta thường không nhận ra cho tới khi gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc nhìn.
Cách khám: Các bác sĩ nhãn khoa sẽ đo nhãn áp cho bạn bằng một loại máy đặc biệt trong vài phút.

10. Ung thư ruột

Lý do: Đây là "kẻ giết người thầm lặng" đứng thứ hai trong các bệnh ung thư và có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm.
Dấu hiệu cảnh báo: Chảy máu ở hậu môn, thay đổi trong thói quen của đường ruột, như táo bón hoặc tiêu chảy, trở nên nặng hơn hoặc kéo dài trên 2 tuần, đau bụng hoặc khó chịu kéo dài trên 2 tuần, giảm cân không rõ nguyên nhân...
Cách khám: Bác sĩ sẽ cho bạn kiểm tra trực tràng và quyết định làm những xét nghiệm cần thiết khác. Bệnh này cần đi khám ngay. Những người trên 60 tuổi nên tham gia sàng lọc ung thư ruột định kỳ.