Home Đời Sống Y Học Cơn đau tim là gì?

Cơn đau tim là gì? PDF Print E-mail
Tác Giả: Uyên Trang sưu tầm   
Thứ Hai, 12 Tháng 1 Năm 2009 01:39

Mỗi năm, có hàng vạn người Hoa Kỳ sống sót sau khi bị nhồi máu cơ tim, quay trở lại làm việc và tận hưởng một cuộc sống bình thường. Bạn có đầy đủ lý do để tin tưởng về một sự hồi phục hoàn toàn. Trái tim của bạn đang hồi phục và mỗi ngày qua đi bạn sẽ khỏe mạnh hơn và năng động hơn. Các câu hỏi và câu trả lời dưới đây sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn điều gì đã xảy ra cho bạn và cách bạn bắt đầu trên con đường phục hồi.

 Tại sao tôi bị nhồi máu cơ tim? 

Cơ tim của bạn cần có ôxy để tồn tại. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu mang ôxy đến cho cơ tim giảm nghiêm trọng hoặc bị chặn đứng hoàn toàn. Ðiều này xảy ra vì động mạch vành cung cấp máu cho tim có thể dần dần trở nên dày hơn và cứng hơn do sự tích tụ của chất béo, cholesterol và các chất khác được gọi chung là mảng xơ vữa. Quá trình chậm chạp này được biết tới như là bệnh xơ vữa động mạch. Khi một mảng xơ vữa trong động mạch tim bị vỡ ra một khối máu đông hình thành xung quanh mảng xơ vữa. Khối máu này có thể làm tắc động mạch và chặn đứng dòng máu chảy tới cơ tim. Khi cơ tim bị thiếu ôxy và chất dinh dưỡng, hiện tượng này gọi là chứng thiếu máu cục bộ. Khi hư hại hay hoại tử một phần của cơ tim xuất hiện do chứng thiếu máu cục bộ, cái này được gọi là đau tim hay nhồi máu cơ tim (MI). 

Tại sao tôi không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào? 

Bệnh xơ vữa động mạch không có triệu chứng. Một lý do của việc có thể không có dấu hiệu cảnh báo là đôi lúc khi một động mạch vành trở nên hẹp lại thì các mạch cũng có nhiệm vụ mang máu tới cho tim ở gần đó lại mở rộng ra để giúp bù đắp. Mạng lưới các mạch mở rộng được gọi là tuần hoàn bàng hệ và giúp bảo vệ một số người khỏi bị nhồi máu cơ tim bằng cách đưa lượng máu cần thiết tới tim. Tuần hoàn bàng hệ cũng có thể phát triển sau khi bị đau tim để giúp cơ tim phục hồi. 

Trái tim của tôi có bị tổn thương vĩnh viễn không? 

Khi xảy ra nhồi máu cơ tim, các cơ tim bị mất nguồn cung cấp máu bắt đầu chết. Mức độ tổn hại đối với cơ tim phụ thuộc vào kích thước của vùng được các động mạch bị tắc nuôi dưỡng và thời gian từ lúc bị tổn thương đến lúc được điều trị. Phần hư hại cơ tim do đau tim lành lại bằng cách hình thành mô sẹo. Thường mất một tháng đến vài tuần để cơ tim của bạn lành lại. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ tổn thương của bạn và tốc độ lành lại của chính bạn. Trái tim là một cơ quan rất bền bỉ. Cho dù một phần của nó có thể bị chết, phần còn lại vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng vì trái tim của bạn đã bị tổn thương, nó sẽ yếu hơn và không thể bơm được nhiều máu như lúc bình thường. Tuy nhiên, với sự điều trị đúng cách và thay đổi lối sống, các tổn thương tiếp theo có thể được hạn chế hoặc ngăn ngừa. 

Tôi sẽ hồi phục sau khi bị nhồi máu cơ tim chứ? 

Câu trả lời hầu như là có. Cơ tim bắt đầu lành lại ngay sau khi xảy ra nhồi máu cơ tim và thường mất khoảng tám tuần. Mô sẹo sẽ hình thành ở vùng bị tổn thương, và mô sẹo này sẽ không co bóp hoặc bơm máu như các mô cơ khỏe mạnh khác. Ðiều đó có nghĩa là tim không thể bơm máu tốt như trước. Mức độ suy giảm chức năng tùy thuộc vào kích thước và vị trí của mô sẹo. Hầu hết những người sống sót sau khi bị nhồi máu cơ tim đều mắc bệnh động mạch vành ở mức độ nào đó (CAD) và sẽ phải thực hiện những thay đổi lối sống quan trọng và có thể phải sử dụng thuốc để ngăn ngừa các cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai và có một cuộc sống trọn vẹn và hữu ích. 

Tìm hiểu thêm về phục hồi từ đau tim. 

Có phải mọi cơn đau ngực đều là nhồi máu cơ tim không?

 Không. Một dạng đau ngực rất phổ biến được gọi là chứng đau ngực, hoặc đau thắt ngực. Nó là một sự khó chịu lặp lại thường diễn ra chỉ trong vài phút. Chứng đau thắt ngực xảy ra khi cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu và ôxy cần thiết. Sự khác nhau giữa chứng đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim là chứng đau thắt ngực không làm tổn thương vĩnh viễn cơ tim. Chứng đau thắt ngực thường xảy ra trong khi tập luyện hoặc căng thẳng về mặt tình cảm khi nhịp tim và huyết áp của bạn tăng cao và cơ tim của bạn cần nhiều ôxy hơn. 

Có nguyên nhân nào khác đối với đau tim bên cạnh việc tắc nghẽn? 

Ðôi khi động mạch vành tạm thời co lại hoặc biến thành sự co thắt. Khi hiện tượng này xảy ra, động mạch hẹp lại và lượng máu chảy đến các phần của cơ tim giảm hoặc ngưng lại. Chúng tôi không biết chắc nguyên nhân gây ra co thắt. Cơn co thắt có thể xuất hiện trong những mạch máu có vẻ bình thường cũng như ở những mạch máu xơ vữa bị tắc từng phần. Sự co thắt mạnh có thể gây ra đau tim. 

Ðau tim có giống như ngừng tim không? 

Không. Ðau tim là do sự chặn lại làm dừng dòng máu chảy về tim. Chứng ngừng tim xảy ra khi hệ thống điện tim bị rối loạn chức năng. Ở chứng ngừng tim (còn gọi là tim ngừng đập hay SCD), cái chết xảy ra khi tim đột ngột ngừng làm việc. Ðiều này do nhịp tim bất thường gây ra (gọi là rối loạn nhịp tim). Rối loạn nhịp tim phổ biến nhất trong chứng ngừng tim là rung tâm thất. Hiện tượng này là khi các ngăn dưới của tim đột nhiên bắt đầu đập hỗn loạn và không bơm máu nữa. Cái chết xảy ra trong vòng vài phút sau khi tim ngừng đập. SCD có thể được cứu văn nếu thực hiện CPR (hô hấp nhân tạo) và sử dụng máy khử rung để gây sốc tim và phục hồi nhịp tim bình thường trong vài phút. 

(Theo Hội Tim Mạch Hoa Kỳ)