Home Đời Sống Y Học Chuyện thú vị về giấc ngủ

Chuyện thú vị về giấc ngủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Ba, 14 Tháng 4 Năm 2009 07:14

 Giấc ngủ cần thiết như sự hô hấp và bổ dưỡng như việc ăn uống nhưng cũng đầy bí ẩn như cuộc sống của mỗi người. Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, giấc ngủ trở thành nỗi ám ảnh, một quãng thời gian nghỉ ngơi tối cần thiết vì ai cũng làm việc nhiều, ngủ ít và thường xuyên bị căng thẳng trong công việc. Nhưng chúng ta biết gì về giấc ngủ? Tại sao dân chúng thời nữ hoàng Elizabeth I lại thích xoa mỡ của loài chuột sóc (dormouse) lên bàn chân của họ? Ai là vị thủ tướng đã thoát khỏi chứng mất ngủ? Nhà báo Anh Sean Coughlan đã trả lời những câu hỏi lý thú này và cả những câu hỏi hóc búa khác về giấc ngủ trong tác phẩm Sổ tay cạnh giường của người hay buồn ngủ xuất bản vào tháng 3.2009.

Tổ tiên chúng ta ngủ như thế nào? Ngủ muộn vào buổi tối và thiếp đi cho đến sáng là “mô hình văn hoá” ở các nước công nghiệp phương Tây. Nhưng sự kéo dài giấc ngủ này không hẳn là thói quen chung. Trước cuộc cách mạng công nghiệp (thế kỷ 19) và trước khi bóng đèn điện được Thomas Edison phát minh, chẳng hề có hình mẫu cố định của giấc ngủ. Thời gian ngủ khi đó có thể kéo dài suốt cả ngày. Theo các nhà xã hội học, trong nền văn minh nông nghiệp thuở xa xưa, tổ tiên con người thức dậy vào lúc bình minh, làm việc sớm và ngủ trưa, rồi thức dậy vào buổi chiều, phục hồi sinh lực sau bữa ăn, vốn là hoạt động cộng đồng lớn vào thời ấy. Sau khi ăn uống no say, họ chìm vào giấc ngủ sâu lúc nửa đêm và tỉnh giấc vào lúc rạng đông. Về sau, xã hội loài người hình thành tập quán đi ngủ lúc 9 giờ tối (hoặc sớm hơn vào mùa đông), đến nửa đêm thức giấc suốt 1 giờ để đọc sách trên giường, viết thư, trò chuyện, chuẩn bị bữa ăn qua loa hoặc làm việc… Sau đó, người ta ngủ thêm 4 giờ nữa. Mô hình này được tuân thủ đến đầu thế kỷ 19 và đây cũng chính là cách ngủ của loài tinh tinh- tổ tiên gần gũi nhất của con người!

Một số nền văn hoá còn có hình thức ngủ giống kiểu ngủ đông ở loài vật. Nông dân Pháp thế kỷ 19 có thói quen ngủ vài ngày nhiều lần trong một năm. Trong cuốn The Discovery of France (Khám phá nước Pháp), Tiến sĩ văn học Pháp Graham Robb 51 tuổi của Anh (từng nhận giải “Ondaatje” trị giá 10.000 euro do Hiệp hội văn chương Hoàng gia London trao tặng ngày 28.4.2008) đã đề cập đến một công chức ở Burgundy (miền đông nước Pháp) năm 1844 tình cờ phát hiện sau vụ mùa sản xuất rượu vang, chẳng có bóng người nào làm việc ngoài ruộng nho và trong xưởng rượu: “Những lực điền nằm nhiều ngày trên giường, quấn mình bằng các tấm vải và giảm khẩu phần ăn”, Graham Robb viết.

Giấc ngủ của người nổi tiếng

Trong cuộc sống ngày nay, quên ngủ được xem như dấu hiệu của sức bền bỉ, nhưng điều này không đúng ở mọi nơi mọi lúc. Trong thời kỳ khó khăn nhất của Chiến tranh thế giới thứ hai, Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965) thường ngủ vào buổi chiều. Ông nói: “Đôi khi bạn phải ngủ giữa bữa ăn trưa và bữa ăn tối, nhưng không nên vượt quá phân nửa thời gian này. Khi trút bỏ quần áo và nằm duỗi thẳng người, bạn sẽ thấy thư giãn”. Tuy nhiên, Winston Churchill cũng thừa nhận giấc ngủ trưa của mình có một lợi ích: “Giấc ngủ trưa giúp bạn tỉnh táo và linh hoạt vào bữa ăn tối với gia đình và bạn bè, cho phép bạn cảm nhận những giây phút tuyệt vời nhất với người thân, với món ăn ngon và một chút rượu vang”.

Một người nổi tiếng khác là nhà bác học Albert Einstein (1879-1955) mỗi ngày làm việc suốt 11 giờ từ chiều tối, có những giấc ngủ ngắn giữa lúc làm việc trong chiếc ghế bành êm ái, tay cầm bút chì? Khi Einstein chìm vào giấc ngủ sâu, bút chì rơi xuống, tạo nên âm thanh đánh thức ông để trở lại bàn làm việc.

Chúng ta cần ngủ ra sao?

Câu trả lời phổ biến là chúng ta cần ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày, nhưng thời gian ngủ có thể thay đổi ở cá nhân này hay cá nhân khác. Trong thời kỳ làm Thủ tướng Anh (1979- 1990), bà Margaret Thatcher (sinh năm 1925) chỉ ngủ 4 giờ mỗi ngày, trong khi tỷ lệ người cần ngủ hơn 9 giờ mỗi ngày là l/50? Một cuộc khảo sát gần đây cho biết phụ nữ ngủ trung bình 7 giờ 12 phút và đàn ông ngủ  6 giờ 45 phút mỗi ngày. Tuy nhiên bạn nên cẩn thận bởi ngủ quá nhiều cũng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Theo một nghiên cứu của các chuyên gia y khoa ở California (Mỹ), những người ngủ trên 8 giờ mỗi buổi tối có nguy cơ tử vong cao lúc còn trẻ. Một cuộc khảo sát khác của Đai học Warwick ở Coventry (Anh) tiến hành trên 10.000 viên chức suốt 10 năm cho thấy những đối tượng ngủ ít hơn 5 giờ mỗi tối có nguy cơ tử vong do vấn đề tim mạch cao gấp 1,7 lần so với những đối tượng ngủ nhiều hơn.

Giấc ngủ trong hoàn cảnh khắc nghiệt

Những người điều khiển thuyền buồm đơn độc ngủ như thế nào? Đánh một giấc say nồng đủ 8 giờ mỗi ngày không phải là sự lựa chọn hợp lý và cũng không có tiêu chuẩn nào để xác định thời gian ngủ phù hợp với mỗi người. Các thủy thủ phải học cách ngủ theo những chu kỳ ngắn. Nữ thủy thủ Ellen MacArthur, 33 tuổi, sống tại làng Whatstandwell trên sông Derwent (hạt Derbyshire, Anh), vốn là người đã phá kỷ lục Guinness “Du hành vòng quanh thế giới một mình bằng đường biển nhanh nhất” vào ngày 7.2.2005, với thành tích lái thuyền buồm suốt 71 ngày 14  giờ 18 phút 33 giây! Suốt hải trình đơn độc, cô đã có những giấc ngủ ngắn giúp cân bằng tâm lý và phục hồi sức lực để lái thuyền trong trạng thái tỉnh táo. Cô đã ngủ khoảng 5 giờ 30 phút mỗi ngày và mỗi lần ngủ kéo dài 36 phút.

“Tôi không thể mô tả phương pháp - ngủ - ngắn của mình. Nhưng nếu tôi ngủ 40 phút và hướng gió thay đổi, tôi sẽ thức giấc ngay”, cô cho biết.

Một số người đặc biệt khác không may mắn lắm với giấc ngủ như Ellen. Chẳng hạn các nhà du hành vũ trụ tìm giấc ngủ trong không gian rất khó khăn. Tình trạng thiếu trọng lực đồng nghĩa với việc họ phải ngủ trong tư thế thẳng đứng! Họ thường bó mình trong chiếc túi ngủ và gối cũng phải vừa vặn với đầu họ. Dù sao, những điều đó cũng không ngăn được tiếng ngáy của các nhà du hành vũ trụ ? Những âm thanh mũi nặng và sâu này đã được máy ghi âm của Cơ quan hàng không-vũ trụ Mỹ (NASA) ghi nhận.

Mỡ chuột sóc, cây gai dầu và các phương pháp điều trị chứng mất ngủ

Mỗi năm có khoảng 10 triệu đơn thuốc ngủ bán ra ở Anh - quốc gia có nhiều người “tranh đấu” để có được giấc ngủ đầy đủ. Thế nhưng đâu là những phương cách điều trị xen kẽ nhau?

Người Hy Lạp và người Ai Cập cổ đại tin vào tác dụng của thuốc phiện. Thuốc phiện được pha trộn với cây kỳ nham (henbane), cây khoai ma (mandragora), hạt rau diếp và dây trường xuân. Hỗn hợp này được đựng trong túi mềm, đưa lên mũi ngửi để điều trị chứng mất ngủ. Đến thời Trung cổ, phương pháp này rất phổ biến tại nhiều nước. Dân chúng thời Nữ hoàng Elizabeth I (1558-1603) của Anh lại thích dùng mỡ của loài chuột sóc (thuộc bộ gặm nhấm, họ Gliridae, dài từ 6 - 19 cm và nặng từ 15 - 200 gam) xoa đều lên lòng bàn chân của mình. Điều lạ lùng là mỡ chuột sóc giúp họ ngủ rất ngon! Có lẽ vì thế mà sau này nhà văn Anh Lewis Carroll (1832-1898) đã tạo nên nhân vật chuột sóc ngủ ngày trong tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên. Mãi đến thập niên 1870, cây gai dầu (cannabis) mới được biết đến như một loại thuốc chống mất ngủ. Một công ty của Pháp đã quảng cáo cây gai dầu trong nhãn hiệu thuốc lá Ấn Độ “Cannabis Indica”, với hiệu quả đáng chú ý là ngăn ngừa bệnh suyễn, chứng đau dây thần kinh và chứng mất ngủ!

Phải chăng phó mát tạo nên ác mộng?

Trong truyện Bài ca Giáng sinh (A Christmas Carol) của nhà văn Anh Charles Dickens (1812-1870), nhân vật Scrooge cho rằng mình đã có những giấc mộng về đêm là do ăn một mẩu phó mát trước khi lên giường ngủ, và suốt một thời gian dài, người ta thường liên kết phó mát với những cơn ác mộng! Nhưng một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội phó mát Anh Quốc dựa trên 200 đối tượng đã không tìm thấy mối liên hệ rõ rệt nào giữa việc ăn phó mát và những cơn ác mộng. Dù sao, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng nhiều loại phó mát khác nhau có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Loại phó mát “Red Leicester” được cho là có thể mang lại những giấc mơ hoài cổ nhuốm màu hoa hồng, loại phó mát “Stilton” thì tạo ra những giấc mơ kỳ quái. Riêng loại phó mát “Cheshire” được tin là có khả năng mang lại giấc ngủ say không mộng mị!

Hoà-nhạc-ngủ!

Khán phòng của buổi hoà-nhạc-ngủ (sleep concert) đầu tiên được nhóm nhạc Miyashita Fumio trình diễn vào năm 1999 chật kín người tham dự. Gần đây, những buổi hoà-nhạc-ngủ được nhiều dàn nhạc thực hiện trên toàn nước Nhật nhằm giúp những người bị stress (nhất là công nhân viên) có được giấc ngủ dễ chịu. Khán phòng tiện nghi tựa một rạp chiếu phim hiện đại. Mỗi người phải trả tiền vé không hề rẻ (29 euro), tự chọn một chiếc ghế dựa trong bóng tối không có tiếng động nào ngoài âm nhạc du dương ru người vào giấc mộng. Trong thời gian tới, một số nước phương Tây cũng áp dụng hình thức này để nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ đối với mọi người.

Vì sao Charles Dickens cầm la bàn lên giường ngủ?

Sinh thời, nhà văn Charles Dickens bị chứng mất ngủ và phải điều trị bằng hỗn hợp thuốc phiện với rượu suốt một thời gian dài. Phương pháp này giúp ông chìm vào giấc ngủ nhưng lại khiến ông mệt mỏi khi thức dậy. Sau đó, với la bàn định hướng, ông thử ngủ trên chiếc giường quay đầu về hướng bắc. Cách này dường như có tác dụng do ảnh hưởng của các trường từ tính và đã trở thành phương pháp phổ biến để điều trị chứng mất ngủ dưới triều đại Nữ hoàng Victoria (1837-1901) của Anh. Phương pháp này nhấn mạnh đến vị trí của người ngủ, được các chuyên gia phong thủy công nhận.

Vị thủ tướng thoát khỏi chứng mất ngủ

Khi Harold Wilson (1916- 1995) nhậm chức Thủ tướng Anh hai lần (1964-1970 và 1974-1976), có người hỏi yếu tố nào là quan trọng nhất đối với một người đạt đến đỉnh cao quyền lực. Ông đã nói: “Tài sản quý nhất mà người đứng đầu Nhà nước có thể có chính là có được giấc ngủ ngon vào buổi tối!”.

Những Archibald Philip Prim-rose, tức bá tước RoseberyV (1847-1929), không may mắn như Harold Wilson. Được xem là “chàng trai vàng” của nền chính trị thời kỳ sau triều đại của Nữ hoàng Victoria, A. P. r Primrose đã phải từ chức sau hơn 15 tháng nắm giữ ghế Thủ tướng Anh chỉ vì... không ngủ được? Khi ông bắt đầu nhậm chức vào ngày 5.3.1894, áp lực của công việc đã khiến ông không thể nào chợp mắt và ông đã phải ngồi xe ngựa đi lòng vòng khắp các đường phố London để cố tìm giấc ngủ. Trong một nỗ lực tự ru ngủ ghê gớm, ông đã sử dụng các liều morphine ngày càng tăng trước khi buông xuôi. Cuối cùng, ông phải rút khỏi chính trường vào ngày 22.6.1895 và không còn bao giờ quay lại nữa.

Chuyện vui về giấc ngủ

Tại sao khi yêu đương xong, bạn muốn ngủ ngay? Theo các nhà khoa học, trong trường hợp này, người đàn ông cảm thấy không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ sau khi quan hệ tình dục. Đó là do một hormone đặc biệt được phóng thích khi đạt tới trạng thái cực khoái đã tạo nên cảm giác buồn ngủ. Nếu sinh hoạt tình dục diễn ra vào ban đêm thì cảm giác này càng tăng, nhất là khi cả hai  “làm việc quá sức”! Một lập luận khác là một số người đã thở nông hoặc thậm chí cố giữ hơi thở trong lúc quan hệ nên sau đó họ ngủ thiếp đi.

Chó ngáp do... người! Đây là kết luận từ một nghiên cứu của đại học Birkbeck (London). Cái ngáp của người rất dễ lây lan. Nếu một con chó nằm ườn trong phòng với một người đang ngáp, sau đó nó cũng sẽ ngáp theo chủ!

Danh hiệu “Người nói ra câu nói hài hước về giấc ngủ hay nhất nước Anh” đã về tay Bob Monkhouse (1928-2003), một chuyên gia làm trò tiêu khiển: “Tôi thích chết yên bình trong giấc ngủ giống cha tôi. Không có tiếng la hét và nỗi kinh hãi giống như các hành khách (trên xe) của ông” (I’d like to die peacefully in my sleep like my father. Not screaming and terrified like his passengers).