Home Đời Sống Y Học Tập luyện để bồi dưỡng trí thông minh và trí nhớ

Tập luyện để bồi dưỡng trí thông minh và trí nhớ PDF Print E-mail
Tác Giả: Theo National Public Radio   
Thứ Hai, 25 Tháng 5 Năm 2009 00:00

Ngày nay các nhà khoa học nói rằng chúng ta có thể tập luyện bộ óc giống như tập thể dục để giúp cho tâm trí năng động và minh mẫn trong suốt đời.

 Nếu chúng ta ngủ đủ giấc, ăn theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh, và tập luyện thường xuyên - để sử dụng cả thể xác lẫn bộ óc - thì chúng ta có thể bồi đắp thêm trí thông minh khi càng lớn tuổi hơn, đồng thời ngăn ngừa chứng mất trí nhớ thường đi cùng với tuổi già, theo lời Bác Sĩ Richard Restak, giáo sư thần kinh học tại đại học George Washington University.

 Gần đây Bác Sĩ Restak đã xuất bản cuốn sách Think Smart: A Neuroscientist's Prescription for Improving Your Brain's Performance (Nghĩ Khôn Ngoan: Lời Khuyên của Chuyên Gia Thần Kinh Ðể Cải Thiện Khả Năng Của Bộ Óc). Ông nói rằng những cuộc nghiên cứu cho thấy bộ óc của con người đáp ứng với sự luyện tập và những nỗ lực để sử dụng nó trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

 Theo Bác Sĩ Restak, những người lớn tuổi “vẫn có thể bắt đầu học một ngôn ngữ, hoặc học chơi môn đánh bài bridge cần sử dụng trí thông minh, để tăng cường những móc nối giữa các tế bào óc của họ.”

 Nói cách khác, nếu luyện tập trí óc, người ta có thể trở thành thông minh hơn khi càng lớn tuổi.

 Bác Sĩ Restak nói rằng bí quyết là luyện tập ba loại trí nhớ: Trí nhớ dài hạn (long-term memory), trí nhớ thuộc giác quan (sensory memory), và trí nhớ ngắn hạn (short-term memory hay working memory).

 Trí nhớ dài hạn

Bác Sĩ Restak giải thích: “Trí nhớ dài hạn là mọi chuyện mà chúng ta biết về lịch sử, về những gì liên quan tới cuộc đời mình, thí dụ như những ngày đáng ghi nhớ, những biến cố quan trọng đã xẩy ra, nghĩa là tất cả những gì khiến cho một cá nhân khác biệt với thiên hạ. Bạn có thể gọi nó là kho tàng của những thông tin mà bạn sở hữu. Ðó là trí nhớ dài hạn, và chúng ta luôn luôn cấu tạo nó trong suốt đời.”

 Ông khuyên hãy tập luyện để tăng cường trí nhớ dài hạn: Thí dụ như chọn lựa một năm nào đó trong quá khứ của bạn và liên kết thời gian đó với những gì mà bạn đã làm; chẳng hạn như trong năm đó bạn đi học ở đâu, hoặc bạn làm việc ở đâu. Rồi bành trướng những hồi tưởng của bạn lan sang những biến cố trên thế giới, chẳng hạn như những cuộc thi đấu thể thao (đội nào thắng giải bóng tròn World Cup trong năm đó?), những biến chuyển chính trị, những thiên tai, và những sinh hoạt văn hóa quan trọng, v.v. đã xảy ra trong năm đó.

 Bác Sĩ Restak nói: “Hành động này gọi là luyện tập hồi ức. Chúng ta có thể dùng nó bất cứ lúc nào trong đời.”

 Có những ý kiến khác nhau về khả năng cải thiện trí thông minh và trí nhớ bằng cách tập luyện. Ông Torkel Klingberg, một chuyên gia Thụy Ðiển nghiên cứu về bộ óc con người và là tác giả của cuốn sách The Overflowing Brain, nói rằng “một số chức năng nhận thức - như sự chú tâm, những gì cần nhớ trong công việc, và có lẽ cả tới khả năng lý luận - có thể cải thiện bằng cách luyện tập.” Nhưng ông không biết chắc sự luyện tập có thể giúp chúng ta tăng cường trí nhớ dài hạn hay không.

Bác Sĩ Restak nói rằng tâm trí của chúng ta luôn luôn bồi đắp thêm vào kho ký ức trường kỳ, và nếu biết cách liên kết những hình ảnh hoặc những cảm xúc với những ký ức đó thì chúng ta sẽ tăng cường khả năng hồi tưởng.

 Trí nhớ giác quan

Trí nhớ thuộc giác quan là sự hồi tưởng liên hệ tới những giác quan, như xúc giác, thính giác và khứu giác. Bác Sĩ Restak nói: “Trí nhớ thuộc giác quan là thứ mà bạn ít nghe nói tới, nhưng nó là thành phần quan trọng nhất để chúng ta ghi nhớ. Vì vậy, hãy luôn luôn lưu ý những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta.”

 Thí dụ như chúng ta không nhớ tên của một người nào đó “vì chúng ta không lắng nghe họ nói khi gặp họ. Tại sao chúng ta không nhớ gì về những sự kiện nào đó? Tại vì chúng ta không hiện diện ở những nơi xảy ra,” Bác Sĩ Restak nói.

Ðể kích thích trí nhớ giác quan, ông cho rằng người ta nên vận dụng khứu giác. Ông nói: “Tám mươi lăm phần trăm dân chúng ở Hoa Kỳ có thể nhận ra 7 mùi sau đây: Phấn thoa cho hài nhi (baby powder), quế, cà-phê, chocolate, bơ đậu phụng, viên băng phiến (mothball), và xà-bông.”

 Thí dụ, bạn hãy vào bếp, nhắm mắt và bảo người nào đó hãy lần lượt đưa cho bạn ngửi từng món. Hoặc hãy thử ngửi những hương liệu và gia vị nấu ăn, hoặc những mùi quen thuộc nào đó có thể kích thích trí nhớ của bạn khi ngửi. Hãy thử ngửi nhiều lần những mùi khác nhau để xem bạn có thể bồi bổ thêm trí nhớ liên quan tới những mùi hương hay không.

 Trí nhớ ngắn hạn

Trí nhớ ngắn hạn (working memory hay short-term memory) là một hệ thống có nhiệm vụ lưu trữ tạm thời và điều động những thông tin cần thiết để thi hành những công việc thuộc về nhận thức, như học hỏi, suy luận, và lãnh hội vấn đề.

 Trong số tất cả các loại hồi ức, trí nhớ ngắn hạn là loại thiết yếu nhất đối với đời sống hàng ngày của chúng ta.

 Ông Restak đề nghị vài phương pháp tập luyện trí nhớ ngắn hạn, thí dụ như dùng những trò chơi video game dành cho người lớn, trong đó có những tác dụng tăng cường sự chú tâm và sự khéo tay khi chơi.

 Thỉnh thoảng chúng ta nên tập luyện để vận dụng trí nhớ. Thí dụ như khi sống ở Hoa Kỳ chúng ta tập nhớ tên của các tổng thống Mỹ theo thứ tự thời gian ngược chiều, từ Barack Obama cho tới John F. Kennedy. Kế đó, hãy nhớ theo thứ tự thời gian những năm họ nhậm chức, bắt đầu từ Kennedy; đồng thời nói rõ họ thuộc đảng nào (Kennedy thuộc Dân Chủ, Johnson thuộc Dân Chủ, v.v.) Sau đó, liệt kê tên của họ theo thứ tự abc. Ông Restak nói rằng sự tập luyện khả năng nhớ lại cùng một lúc vài phương diện khác nhau như vậy sẽ giúp chúng ta bồi bổ trí nhớ ngắn hạn.

 Bác Sĩ Restak nói rằng chúng ta cần nên coi sự phát triển của bộ óc giống như là một chuỗi của những cuộc chạy marathon. Trong cuốn sách “Think Smart” ông viết: “Khi bộ óc của chúng ta ngày càng già, chúng ta cần phải tập luyện để giúp nó kháng cự với sự thương tổn, bằng cách trang bị cho nó sự giáo dục, huấn luyện nó bằng những vận dụng ký ức gay go, yểm trợ cho nó bằng cách tiếp xúc với những môi trường kích thích tâm trí, và hàng ngày cố gắng phục hồi nó.”

Bác Sĩ Restak nói rằng khi rèn luyện bộ óc như vậy chúng ta thúc đẩy cho tâm trí mình trở thành năng động, để khiến cho bộ óc sẽ tiếp tục làm việc và lành mạnh khi chúng ta càng lớn tuổi. (n.m.)