Tùy bút của cựu SVSQ Khóa 6 Trần Xuân Thái.
MỘT TẬP HỌP KỲ LẠ NHƯNG RẤt NGƯỜI
Tùy bút của TRẦN XUÂN THÁI Rạng rỡ nhất của những kỳ lạ và người, đó là sự thủy chung của 39 năm tình nghĩa, đệ huynh. Cái tình kỳ lạ nầy, 39 năm sau vẫn rực rỡ trong tôi, trong anh. Không những thế, mà lại còn nồng nàn hơn, quý giá hơn, bởi được ngâm lâu trong dòng rượu ngọt bùi của cuộc đời. 39 năm, một chiều dài ngút mắt, đủ để đo lường và thẩm định. 39 năm của đổi thay, của ly biệt 39, nhưng: Vẫn tìm nhau, đến với nhau như là kết quả của những chấn động thân thương rất tình người, rất trí thức, rất độ lượng. Vẫn tìm đến nhau, như là kết quả duyên nợ giao thoa với những định mệnh quý giá. Vẫn tìm đến nhau, như đã hẹn hò từ kiếp trước khi linh hồn và thể xác chỉ là một. Vẫn tìm đến nhau, như những nhánh sông từ khắp bốn phương trời, trôi chảy và hội tụ để trở thành dòng sông K6. Để anh, để tôi, để chúng ta tung tăng đùa giỡn, bơi lội trong đó. Vẫn tìm đến nhau để thấy lại những cành hoa giấy đỏ trắng vàng rực rỡ ở Rạch Dừa, với phạn xá và cá mối, với chà láng mỗi buổi sáng, những giờ nghỉ phép vội vã chạy ra Vũng Tàu, ra Bến Đình ngâm thơ “Buồn ta xuống phố mua kinh, tụng dăm ba miếng thư tình rụng rơi “ và cũng để nhắc và nhớ lại cán bộ Đại Đội Trưởng rất dễ mến, Thiếu Úy Lâm Thái Khương, Thượng Sĩ Mão, với những phát súng thần tốc, chính xác. Không biết giờ này mấy ông ở đâu để gửi về vài lời thăm hỏi và vài món quà chân tình. Vẫn tìm đến nhau để nhìn lại những tâm hồn non trẻ ngơ ngác giữa những mái lều tranh hẩm hiu yên lặng, những đồi cát dài và tiếng sóng biển buồn tênh rì rào của những buổi chiều ở Chí Linh. Với bộ bà ba đen, cái nón beret đen và khẩu súng carbine, những hình ảnh báo hiệu một tương lai có phần đen tối. Với những cái giường èo uột được cột bằng những cây đước, cong queo, nằm rêm cả người. Với những tối đào trộm khoai mì, và những buổi trưa nghe lời tâm niệm: “Chúng tôi quyết tâm!” trước những buổi ăn trưa. Vẫn tìm đến nhau để mỉm cười cho tâm hồn thả bộ nhìn những cành thông xanh mướt ở sân cờ Học Viện với Đại Giảng Đường rực sáng trên ngọn đồi kỷ niệm. Những tháng ngày học tập trong những phòng học xinh xắn và những rèn luyện dưới sức nóng thiêu người của ánh nắng gay gắt bao trùm không gian Thủ Đức. Những ngày tháng tập dợt diễn hành là những ngày tháng tắm mồ hôi. Thể xác, tâm hồn mặn chát chất muối, nên không ươn mềm mà trái lại cả thế xác và tâm hồn vẫn mãi tươi tắn như tuổi trẻ xuân xanh. Cố gắng và hết sức cố gắng để làm đẹp cho Lực lượng, cho Học Viện. Phải đi đúng, đẹp, đều. Phải hơn những quân trường sĩ quan khác. Lần đầu tiên Học Viện được tham dự diễn hành trong ngày đại lễ, đây là niềm vinh dự cao nhất, lớn nhất trong tâm tư của K6 chúng tôi vào thuở đó. Chúng tôi đã cố gắng ngoài sức tưởng tượng của chính mình. Đã vượt qua những giới hạn của chịu đựng, tập ngày, tập đêm, tập trong khi ăn, trong khi ngủ. Vì hai chữ "Học Viện". Vì bốn chữ "Cảnh Sát Quốc Gia". Vì cố vớt vát lại một chút danh dự đã bị thiệt hại bởi những người vô trách nhiệm trong ngành. Chúng tôi đã xỉu, đã rớm lệ, đã trầy cả tay chân, nhưng tâm hồn và ý chí lúc đó thật là mãnh liệt, thật là tinh túy, thật là lý tưởng. Hình ảnh của Thiếu Tá Quách Trung Chánh vẫn mãi mãi ghi đậm trong tình thương của chúng tôi. Mới đây gặp lại được Thiếu Tá Ngô Bá Phước, Trung Tá Phạm Công Bạch và Đại Tá Trần Minh Công và lòng chúng tôi đã xúc động thật nhiều. K6 chúng tôi tin vào những định mệnh quý giá. Thầy Trần An Bài là một định mệnh quý giá đã được Thượng Đế trao tặng cho K6 chúng tôi. Tâm Thầy lớn, hồn Thầy trẻ. K6 đã gần gũi, đã khắng khít với Tâm và Hồn đó hơn ba mươi năm qua. Đã cùng Thầy Bài ngạo nghễ chứng minh rằng một đời người vẫn có thể tắm nhiều lần trong một dòng sông. Vẫn tìm đến nhau... Để mày tau thương nhớ, để đến Laguna Hills ghé lại nhà Nguyễn Doãn Hưng thăm nó và gia đình. Nhìn nó cười mà thấy vui lây. Nghe nó nói say mê về chuyện "networking, board lay out, circuit design" mà tưởng như là nó còn trẻ lắm, như mới ra trường Đại Học như hai đứa con trai của nó. Một gia đình thật đẹp, chị Lan, vợ của Hưng thì thật tuyệt vời. Tối hôm đó, tại nhà vợ chồng Hưng, K6, K7, K8 đã tụ họp và đặc biệt có dịp gặp lại K3 anh Nguyễn Cư, anh Quyết. Chúng tôi đã có một Học Viện trong khu vực xinh đẹp, êm đềm Laguna Hills, trên mười ngàn miles xa cách Học Viện quê nhà, nhưng tình anh em, huynh đệ vẫn trào dâng, thân ái ! Vẫn tìm đến nhau, để nhìn Nguyễn Vĩnh Phiên mắt thì khép kín nhưng rượu thì vẫn nâng lên môi. Chưa thấy ai vừa ngủ vừa nhậu. Chỉ có Nguyễn Vĩnh Phiên, hình như nó không nhậu với rượu, nó nhậu với tình bạn thì đúng hơn. Do đó, rượu không thể làm nó say! Cái khối óc logic của nó đã đưa nó đến với thành công trong vấn đề sáng tạo kỹ thuật và cũng làm văn chương nó trở nên dí dỏm vui vui thích thú. Cô con gái cưng, "the one and only" của nó, thừa hưởng sự cộng hưởng của DNA logic Huế Phiên, của Đà Lạt Trà, cháu đậu Tiến sĩ và sẽ trở thành một nhà "researcher" thành công trong ngành thuốc là điều không lấy gì để ngạc nhiên. Để gặp lại Trần Trọng Bảo, nghe nó kể chuyện ngày xưa khốn khổ mà lòng cảm thấy bùi ngùi cay đắng. Lang thang bán thuốc lá dạo kiếm cơm cho gia đình. Những ngày tháng được thả ra sau hơn 6 năm tù đày là những ngày khổ hơn địa ngục của nó. Sống chui, sống nhủi, sống nhục hình như đã làm cho tâm trí nó trở nên bền cứng hơn. Giòng máu Quảng Ngãi của nó trở nên ấm áp hơn. Dãy Trường Sơn là sân sau của nhà nó, của tuổi thơ của nó. Sá gì những chính trị tù đày. Nghĩa lý gì những trận đòn thù của Cộng Sản. Trí nó vẫn đứng vững như núi Ấn. Tâm nó vẫn hiền hòa bao la như sông Trà, để ngày nay nó có thể ngẩng mặt hãnh diện chia xẻ những lời văn, những tâm tư, những chữ nghĩa tình viết về nó như một người hùng, như là “Ánh Sáng Đời Tôi" (tựa đề bài viết của cháu Bác Sĩ Trần Trọng Quý viết cho cha K6 Trần Trọng Bảo). Tháng rồi, nhận được thêm một tin vui của nó, cháu thứ hai cũng mới vừa ra trường Dược Sĩ và đã có việc làm. Mừng cho nó và gia đình nó. Khó mà nhắc đến tất cả tinh hoa hậu duệ của gia đình K6 trong phạm vi giới hạn của bài viết nầy. K6 lưu lạc khắp bốn phương trời sau những ngày tháng ngục tù, khốn đốn. Đã quyết chí trở lại với các Đại Học khi có cơ hội, để kiên trì học hỏi, nghiên cứu những kỹ thuật tân tiến nhất điện tử, để trở thành những Kỹ Sư giỏi cho các hãng nổi tiếng như Intel, Apple, IBM, Cisco, v.v… Cũng đã có những K6 nắm giữ những chức vụ quan trọng cao cấp như CEO, VP của các hãng xưởng công kỹ nghệ. K6 cũng đã dấn thân vào thương trường và cũng đã thành công không kém ai. K6 bây giờ chú trọng đến tưong lai, dồn hết tất cả cho hậu duệ. Gia đình K6 đã lần lượt cho ra những tài năng xuất chúng với gần cả trăm Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ Sư, MBA, Cử Nhân… Để hãnh diện tuyên bố với tha nhân, với cuộc đời: "Chúng tôi là K6!" Đúng vậy, là K6 với những ngày xưa thân ái và những ngày xưa thống khổ nghiệt oan. Là những sinh viên tuấn tú của những năm đầu bậc Cử Nhân và Cao Học của các Đại Học Huế, Saigon, Dalat, Cần Thơ, đã hội tụ, đã đến với nhau như là định mệnh sau những kinh hoàng đổ vỡ tàn khốc của mùa Hè đỏ lửa 1972. Một định mệnh quý giá! Là tiếng súng P38 bắn vào đầu Nguyễn Phụng vào ngày địa ngục mở cửa 30/4/75. Nguyễn Phụng, dáng người cao lớn, giọng nói vang dội, tính khí gan dạ, cương trực, anh đã tự kết liễu đời mình oai hùng như Dũng Tướng. Thiếu Úy K6 Nguyễn Phụng đã tuẫn tiết như là một Anh Hùng. Là máu của Đỗ Thế Thuận đã tưới thấm vùng đất Quảng Ngãi trong một ngày u buồn rét lạnh, nước mắt người dân vùng xa lạ đó cũng hòa nhập trong những giọt nước mưa lạnh lẽo ngày hôm ấy. Máu, nước mắt và đất cát trộn lại với đau thương. Một hình ảnh của tận cùng thống khổ! Là tiếng pháo, hú rợn người, bay trên đầu, bay trên vai. Đạn rơi trước mặt. Đạn rớt sau lưng. Bãi biển Thuận An nổ tung. Một không gian khét mùi thuốc súng. Một không gian của tử thần. Hai thằng K6 ôm nhau, dìu nhau, kéo nhau, che chở cho nhau giữa một xạ trường quá lý tưởng cho những viên đạn xé nát da thịt con người. K6 Lê thanh Bảo đã cố gắng hết tí sức còn sót lại trong từng tế bào của nó để tạo nên một năng lượng cuối cùng kéo K6 Lê thế Duyệt qua những độn cát nóng như lửa đốt giữa những tiếng nổ kinh hoàng của đạn pháo. “Đừng lo cho tau, Bảo, tau quá kiệt sức rồi, đi không nổi nữa, mầy thoát đi, mầy cố gắng thoát đi!!!” Đó là lời cuối cùng của K6 Lê Thế Duyệt. Một viên đạn pháo rớt ngay bên phải Duyệt, cát và máu trộn lẫn, trời bỗng dưng mờ tối đầy ảo ảnh. Bảo ngất xỉu trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng Duyệt đã biến mất, đã quá xa xăm!!! Gần bốn mươi năm rồi, nhớ lại, nước mắt Bảo vẫn ứa ra, nóng hổi, nóng như hơi nóng của cát Thuận An. Là …. bàn tay an ủi, săn sóc, xót xa thương cảm của K6 Trần văn Mãng dành cho K6 Pham Sáu trong ngục tù đày đọa. Chỉ còn lại khuôn mặt xương lồi lõm, đen xanh, mắt sâu hóm và lờ đờ như kẻ mất hồn, hàng trăm con ruồi đang đậu trên mặt, trên môi, cào xé để hút đi tàn lực cuối cùng từ thân thể chỉ còn da bọc xương của K6 Phạm Sáu. Trong tù, kiết lỵ, ghẻ lở, phân người dính đầy mình. Tàn tạ. Hôi hám... Ruồi bay quanh kín mặt, kín thân. Bệnh xá ghê tởm. Tù nhân xa lánh. Phạm Sáu bị đẩy ra xa giới hạn của tình thương và khứu giác. Một mình trong góc xó chờ tử thần đến đem đi. Trời xui đất khiến, K6 Trần văn Mãng tình cờ gặp và nhận ra Phạm Sáu. Thế là, tình thương đã vượt qua tất cả chướng ngại dơ bấn, hôi hám, Trần văn Mãng đã ân cần chùi rửa Phạm Sáu. Vội vã, năn nỉ đi xin, đi tìm từng viên thuốc, đút từng miếng cháo. Trần Văn Mãng đã chứng minh được sự vô tưởng “Trong tận cùng nỗi khổ, đôi khi tình thương chiến thắng bệnh tật và nỗi chết”. Điều đó đã xảy ra, K6 Trần Văn Mãng đã cứu sống K6 Phạm Sáu. Như thế đó, ba mươi chín năm qua, tụi nó, k6, vẫn được trói buột bởi một sợi dây mỏng manh như vô hình nhưng bền bỉ vô cùng. Lúc hội tụ, khi chia cách. Khi vui vẻ, lúc giận hờn. Nhưng đừng tưởng là tụi nó thù nhau, ghét nhau. Vi đã có nhiều lần nổi hứng tụi nó tự gọi đó là dòng sông K6. Sông có thể chảy xa nhau nhưng sông sẽ luôn mãi trở về với nhau. Dòng sông K6, nghe rất dễ hiểu và thông cảm với ý nghĩa. Ngày đó, ước mơ khiêm tốn của dòng sông là trẻ trung hóa, lành mạnh hóa lực lượng. Là đem những dòng nước tưới mát một phần ruộng vườn nóng rất tàn khốc của lửa chiến tranh và lòng thù hận. Và đã phải trả một cái giá rất đắt cho những ước mơ khiêm tốn đó. Ba mươi chín năm qua, dòng sông K6 đã luân lưu khắp bốn vùng chiến thuật, từ các thôn làng hẻo lánh, đêm ngày trực diện với tử thần, đến những trại tù địa ngục trần gian. Trải qua biết bao nhiêu gềnh đá, thác đèo, thung lũng, rừng sâu, biển cả. Ngày nay, dòng sông K6 đã hiện hữu luân lưu khắp năm châu. Tháng 7 nầy sẽ hội tụ tại San Jose để bơi để lội, để vui đùa trong đó. Ai bảo “một đời người không thể tắm hai lần trong một dòng sông?" K6, tụi nó, tắm 7 lần trong một dòng sông rồi đó !!! Trần Xuân Thái San Jose 5/25/2011
|