Giới thiệu sách: Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc |
Tác Giả: Uyên Hạnh | |||
Thứ Ba, 23 Tháng 8 Năm 2011 12:43 | |||
Bài giới thiệu tiểu thuyết lịch sử của cựu SVSQ K2 Ngô Viết Trọng bởi Uyên Hạnh trên Khoahoc.net. CHẾ BỒNG NGA ANH HÙNG CHIÊM QUỐC Của NGÔ VIẾT TRỌNG -------------------------------------------------------------------------------- Uyên Hạnh E-Mail: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it 22 tháng 08 năm 2011 --------------------------------------------------------------------------------
Vương quốc Chiêm Thành ngày xưa gồm Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, Bình Thuận. Năm 1832 Vương Quốc Chiêm Thành đã bị xóa tên vĩnh viễn trên bản đồ thế giới sau cuộc Nam Tiến tàn khốc của Đại Việt thời vua Minh Mạng. "Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc" là một quyển tiểu thuyết lịch sử dày trên 250 trang của nhà văn Ngô Viết Trọng, vừa được ra mắt độc giả vào tháng bảy năm nay, 2011, tại Sacramento, Hoa Kỳ. Sách viết về giai đọan lịch sử giữa hai dân tộc Việt Nam và Chiêm thành. Ngòi bút trung thực của ông cho người đọc cái nhìn thông suốt qua những thăng trầm của các triều đại và cuộc chiến khá khốc liệc giữa hai nước. Sách cho thấy rõ nguyên nhân vì sao dân tộc Chiêm bị xóa tên trên bản đồ thế giới. ”Trên dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay, xưa kia đã từng có một Quốc Gia độc lập, phú cường, trải dài lãnh thổ từ Quảng Bình đến vùng cực bắc tỉnh Long Khánh. Lãnh thổ nước này còn mở rộng về phía Tây đến sáu tỉnh Cao Nguyên Trung phần Việt Nam như Daklak, Kontum, Pleiku, Phú Bồn. Đó là Vương Quốc Champa tức Chiêm Thành gồm nhiều dân tộc như Chăm, Rhade, Koho, Chru, Raglai, Mạ.... " (tr./Dv/LQS) ". Thời Việt Nam còn nằm dưới ách Bắc Thuộc, dưới sự cai trị tàn ác của Trung Hoa, Chiêm Thành đã nhiều phen gây khó khăn bối rối cho Trung Hoa qua những vụ tranh chấp lãnh thổ, đã góp phần không nhỏ vào việc ngăn cản sự bành trướng của đế quốc nầy. Rất nhiều thứ sử thái thú tàn ác của Trung Hoa đã mất đầu dưới tay người Chiêm. Người Chiêm cũng đã từng đánh vào Java, Mã Lai, Chân Lạp…và đã từng tiến chiếm Đại Việt… Năm 1365 quân Chiêm đã bắt hằng trăm thanh thiếu niên nam nữ của Đại Việt đang vui chơi Hội Xuân ở đất Bà Dương (Hóa Châu) đem về nước… Tiếp theo mỗi lần Chế Bồng Nga sang đánh Đại Việt thắng trận lại bắt về biết bao nhiêu thiếu nữ và đàn bà trẻ để làm gì nếu không phải là làm quà ban thưởng cho các quan quyền làm thê thiếp hay nô lệ?” (tr. CBN) Theo sử sách ghi lại, cũng là đề mục chính được đề cập đến trong quyển tiểu thuyết lịch sử nầy, chúng ta thấy rõ Chiêm Quốc luôn ôm mộng thôn tính Đại Việt, đã khiến cho dân chúng hai nước trải qua biết bao nhiêu cảnh máu đổ thịt rơi. Và cũng trong giai đoạn lịch sử nầy, chúng ta thấy được những vị vua anh minh đức độ hào hùng của đôi bên. Những người luôn cố gắng giữ gìn tình giao hảo của hai nước để dân chúng được an vui sinh sống. Nhưng cảnh chiến tranh tương tàn nồi da xáo thịt đã không tránh khỏi bởi vì những kẻ cầm quyền tham lam và những nịnh thần vị lợi. Cho dù Chiêm Quốc luôn nuôi mộng xâm chiếm Đại Việt, và với những đội binh tinh nhuệ trên đất liền cũng như trên biển cả họ cũng không dám coi thường lòng yêu nước và ý chí sắt đá của nhân dân Việt. Trong một lần luận đại sự với các quan, vua Chế Bồng Nga nói: ”Ta đã nghĩ kỷ nhiều rồi, các khanh đừng bao giờ nuôi mộng sát nhập Đại Việt vào Chiêm Thành! Thứ nhất, dân tộc Đại Việt là một dân tộc quật cường rất khó chinh phục! Nước Trung Hoa lớn mạnh thế kia, họ đã từng chiếm Đại Việt làm quận huyện trải ngót nghìn năm mà chúng còn vùng dậy được, nay nước ta làm sao cai trị chúng nổi? Thứ hai, nếu ta tiêu diệt được Đại Việt tức là ta tự đem cái biên giới nước ta lại gần nước Trung Hoa, như thế có phải là ta tự đem cái khổ, cái lo thường trực đến bên lưng mình không?”. Một vị quan tâu: ”Thần không hiểu vì sao Bệ Hạ lại kỵ nước Trung Hoa như thế?”. Vua Chế Bồng Nga giải thích: ” Người Đại Việt tuy cũng hung tợn nhưng không thâm độc đểu giả như người Trung Hoa. Này nhé, Khổng Minh thời Tam Quốc mà nay cả nước Trung Hoa đều ca ngợi là nhà chính trị, quân sự đại tài và có đức lớn, các khanh có biết không? Khi chọc giận Chu Du nước Đông Ngô hộc máu mà chết xong, y giả vờ sang Ngô điếu tang khóc lóc thảm thiết đến nổi nhiều người tưởng y thương tiếc Chu Du thiệt tình. Khi tướng Bạch Khởi nước Tần đánh quân Triệu ở trận Trường Bình, quân Triệu bị vây ngặt phải đầu hàng, nhưng Bạch Khởi cho lừa chôn sống ba vạn quân Triệu chỉ trong một đêm. Trong trận đánh tiêu diệt dân tộc Dao ở Vân Nam, người Trung Hoa đã đốt sạch nhà cửa, giết sạch người Dao kể cả trẻ con, bỏ thuốc độc vào tất cả đầu nguồn các dòng suối…Người Trung Hoa đểu giả độc ác như vậy làm sao ta tin họ được!” (tr. 132) Luận về Đại Việt, đã một lần vua Chế Bồng Nga nói với vị đại tướng tài giỏi dũng mãnh La Ngai: ”Khanh nghĩ Đại Việt sẽ bị Trung Hoa nuốt ư? Khó lắm! Đại Việt đã từng là một cục xương mà Trung Hoa nuốt mãi không trôi!” Trong "Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc" nhà văn Ngô Viết Trọng đã có kể đến những nhà lãnh đạo anh minh đức độ coi trọng mạng sống của nhân dân. Như dưới thời vua Trần Nhân Tông và vua Chế Mân: ”Sau khi quân Mông Cổ bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược hai nước Đại Việt và Chiêm Thành, hai dân tộc nầy đã trải qua một thời gian sống hòa bình, thân thiện bên nhau ngót hai mươi năm...” (Tr. 19). Năm Mậu Ngọ 1318 Chế Năng lại bước theo con đường Chế Chí đã đi, kéo quân xâm phạm Đại Việt, Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chấn được vua Anh Tôn cử đi chinh phạt Chiêm Thành. Quân Chiêm thua trận, Đại Việt chiếm được Đồ Bàn. Triều đình Chiêm Thành như rắn mất đầu. Nhưng theo quyết định của lần hội thảo với vua Minh Tôn trước khi Huệ Vũ Vương cất quân và chiến thắng, chiếm được Đồ Bàn, Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chấn cho yết bản phủ dụ chiêu an dân Chiêm. ”Ông kêu gọi ai làm việc gì nay trở về với công việc ấy. Ông cũng ra lệnh cấm tuyệt quan quân Đại Việt quấy nhiễu dân Chiêm. Ai phạm tội nặng như giết người, hiếp dâm đều bị xử chém. Tội vừa như cướp bóc, trộm cắp thì phải chịu đánh đòn… Nhờ lệnh đó, dân Chiêm có phần yên lòng, dần dần lại làm ăn như cũ” (tr. 22).
Lịch sử được viết dưới hình thức tiểu thuyết là dùng lối văn sáng tạo làm phương tiện chuyển tải lịch sử, là ”thổi hồn” vào một thực tế đã ”chết”. Là tạo phần sống động và chất ”xúc tác” cần có để lôi kéo thị hiếu vì gợi được tính hiếu kỳ của độc giả. Nhà văn Ngô Viết Trọng rất có bản lĩnh khi hội nhập hai lãnh vực tri thức của lịch sử và khía cạnh sống động nhẹ nhàng của văn chương. Ông đã truyền đạt được tất cả các cái đẹp của nhân nghĩa lễ trí tín ở đời, và giúp cho chúng ta và thế hệ trẻ đi sâu vào một nền văn hóa và lịch sử Việt phong phú. Những trang sử cần đọc để học và thấy. Học, để làm người cương trực lương thiện. Thấy, để hãnh diện về những tấm gương sáng đầy uy dũng, khí lược, đạo đức và từ tâm của cha ông chúng ta. Hình thức tiểu thuyết lịch sử dưới ngòi bút nhà văn Ngô Viết Trọng không cho thấy một sự bóng bẫy rườm rà. Ông viết rất đơn giản nhẹ nhàng và đi sát với sự kiện. Với một ngòi bút cứng cáp và đầu óc linh động, ông đã viết nên những chương sách có một bố cục chặt chẽ, lời văn rất trung thực với tình thế. Trong phần mở đầu sách ”Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc” tác giả đã luận về nghĩa hai chữ anh hùng. Đi sâu vào quyển tiểu thuyết lịch sử nầy chúng ta hiểu rõ vì sao Chế Bồng Nga xứng danh là một bậc anh hùng của Chiêm Quốc. Nhà văn Ngô Viết Trọng cũng không quên dí dỏm tách rời ý nghĩa các từ ”anh hùng thời đại” mà chúng ta thường nghe thấy ở Việt Nam hiện nay, nhan nhãn đầu làng cuối thôn, của cái gọi là ”ra ngõ cũng gặp anh hùng”! Ngay trong phần mở đầu quyển sách, hình như muốn người đọc hiểu rõ vì sao ông nêu danh vua Chế Bồng Nga là vị vua anh hùng của Chiêm Quốc, ông đã thâm thúy kể cho chúng ta nghe lại câu chuyện ở Trung Hoa thời Tam Quốc, lúc Lưu Bị rụng rời chân tay đánh rơi đôi đũa đang cầm trên tay xuống đất khi nghe Tào Tháo luận nghĩa hai chữ anh hùng! ”… Không ngờ cuộc đời của một vị vua anh hùng ngang dọc một thời lại kết thúc đau đớn chỉ vì một sơ suất nhỏ! Ông đã không thực hiện được ước nguyện. Nếu Chế Bồng Nga cẩn thận hơn một chút, không biết cục diện khu vực Đông Nam Á ngày nay sẽ ra thế nào? Phải chăng đó là sự dàn xếp của định mệnh?". (tr. CBN). Đọc ”Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc” Chúng ta sẽ rõ ”sơ suất nhỏ” đó là gì để thấy được vì sao có thể tạo ảnh hưởng cho cục diện khu vực Đông Nam Á ngày nay. Con sông nào cũng có những khúc quanh, dòng lịch sử nào cũng có những bước ngoặc của nó. Xin hân hạnh giới thiệu đến qúy độc giả tác phẩm ”Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc” để cùng đi vào dòng lịch sử và hiểu được những ẩn khúc trong đường lối chính trị tạo nên những biến cố trọng đại. Nhận chân sự kiện lịch sử, thấy được thế nào là một bước sa cơ đưa dân tộc đi vào ngõ cụt. Đồng thời chúng ta sẽ rõ hơn sự kiện Việt Nam ”thôn tính” Chiêm Thành, và vì sao Chiêm Quốc đã mất dấu trên bản đồ thế giới. Trong buổi ra mắt sách tại Sacramento, một trong số người tham dự hôm đó có ông Lưu Quang Sang, cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa gốc Chăm đã phát biểu: ”Tôi xin mạn phép ghi nhận rằng tác phẩm "Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc" là một đóng góp bổ sung tuy nhỏ nhưng cần thiết cho nền sử học Việt Nam thường đồng hành với nền Champa học. Ngoài ra tôi cũng hy vọng rằng tác phẩm lịch sử tiểu thuyết này sẽ góp phần tích cực củng cố tình nghĩa anh em giữa 2 dân tộc Việt - Chiêm trong đại gia đình Việt Nam thân yêu của chúng ta”.
UYÊN HẠNH 20/ 8.2011 * (tr/CBN): Nêu dẫn trang sách, trích từ ”Chế Bồng Nga Anh Hùng Chiêm Quốc” * (tr./Dv/LQS): (trích/Diễn văn/Lưu Quang Sang) " NGÔ VIẾT TRỌNG 8283 Summer Falls Cir. Sacramento, CA 95828 Tel: (916) 682-6404 E.mail: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|