Home Gia Đình CSQG Văn Chương Truyện Ngắn: Dốc Đời Thăm Thẳm

Truyện Ngắn: Dốc Đời Thăm Thẳm PDF Print E-mail
Tác Giả: K2 Ngô Viết Trọng   
Thứ Tư, 01 Tháng 2 Năm 2012 22:16

Mờii bạn đọc câu chuyện tiêu biểu dưới "triều đại xã hội chủ nghĩa".


      Dốc Đời Thăm Thẳm
 
      Tôi theo chị tôi đến thăm lão Đính vào một buổi chiều. Đến thăm nhưng cũng có nghĩa như đến ra mắt một người "có danh" ở địa phương, vì tôi là người lạ mới đến xứ này. Trong hai ngày đầu ở nhà chị tôi, tôi đã nghe nhiều người nói chuyện về lão. Qua lời họ, tôi hình dung lão là một người khí khái nhưng cũng gàn gàn. Lão rất ghét và sẵn sàng chửi tạt thẳng mặt những kẻ tà nịnh. Lão luôn bênh vực kẻ yếu và không hề biết nể nang ai. Các viên chức có thế lực ở thôn xã đều phải né tránh lão. Tôi hơi ngạc nhiên vì chuyện một người làm rẫy vùng kinh tế mới tại sao lại có thể nghênh ngang như thế. Tôi đến nhà lão với một niềm tò mò háo hức cùng ít nhiều nể nang ái mộ.
      - Nhà lão đó!
      Đó là một ngôi nhà rường vách ván lợp tranh khá lớn, nổi bật so với những nhà chung quanh đều lụp xụp lợp bằng lá kè. Tôi thấy một người đàn bà ăn bận lam lũ, đang lui cui trồng mấy cây keo ở hàng rào phía trước. Chị tôi chỉ tay nói nhỏ:
      - Vợ lão đấy.
      Người đàn bà thấy có người đến thì ngẩng mặt lên nhìn. Bà cỡ chưa tới bốn mươi tuổi, cũng dễ nhìn, mỉm cười nói giọng Huế:
      - Chị tới chơi hay có việc chi?
      - Định tới thăm anh chị đây, có anh ở nhà không chị?
      - Có, lão đang ở phía sau nhà ấy. Mời chị, mời ông vô nhà.
      Nói xong, bà đứng thẳng lưng quay ra phía sau kêu:
      - Ông Đính ơi, có khách đến thăm này!
      Bà bỏ những cây keo đang trồng dở trên tay xuống chân hàng rào rồi đi vào nhà. Chị tôi và tôi cũng bước theo. Tôi hơi thắc mắc! Lão Đính cỡ tuổi nào mà có người vợ trẻ như vậy...? Nghe tiếng chân lẹp xẹp, chị tôi mau mắn quay nhìn lại:
      - Chào anh! Anh khỏe không?
      - Chào bà chị! Tôi thì khi nào cũng khỏe. À, đây là ông cậu bà chị hay nhắc đó chắc!
      Tôi cũng gật đầu:
      - Dạ, chào anh!
      - Chào ông cậu!
      Ông ta gật gật, có vẻ chăm chú quan sát tôi, mỉm cười thân thiện. Tôi cũng thân mật bước lại gần ông định chìa tay ra nhưng ông đã đưa hai bàn tay dính đầy đất lật qua lật lại cho tôi thấy. Tôi hết sức ngạc nhiên vì trông ông không có gì là "lão" cả. Đó là một người đàn ông nói tiếng Bắc, ước chừng chỉ trên bốn mươi bốn lăm là cùng. Ông Đính nước da ngăm đen, ở trần, mặc quần đùi, để lộ một bộ ngực thật vạm vỡ. Chân tay ông nổi cuồn cuộn những bắp thịt. Thật không khác gì một lực sĩ. Đầu tóc ông thì đen nháy, rậm và hình như không có một sợi bạc...
      - Bà chị, ông cậu cứ vào nhà, tôi rửa tay chút xíu.
      Bước vào nhà, tôi đứng nhìn quanh. Trên trần bắp trắng bắp đỏ cột chùm treo tới hai tầng.  Rường cột, rui mèn đều là gỗ tốt được bào chuốc khéo léo. Nếu lên ngói nữa thì nhất. Trong nhà có đến ba cái sập vuông lớn. Vùng này người ta thường chứa hoa mầu trong sập. Hai cái kê song song chiếm nguyên một căn bên. Cái thứ ba đặt ở góc trong căn bên thứ hai. Góc còn lại thì chất đầy những bao bố, bao nylon chứa hoa mầu căng phồng. Dưới chân những chồng bao ấy thấy rải rác mấy trái đậu xanh vỏ khô đen lánh. Căn giữa sát vách thì kê bàn thờ. Phía trước là bàn ăn và cũng là bàn khách, có sáu cái ghế dựa đàng hoàng, khác với hầu hết các nhà khác chỉ dùng ghế ngồi là những khúc gỗ tròn đường kính chừng hơn một gang, cưa bằng mặt. Không có giường, có lẽ hai ông bà ngủ trên sập. Người vợ, bà Kiêm, đem nước ra, bà để cái ấm nhôm lên bàn. Chén đựng nước thì dùng chén ăn cơm. Hơi nước nấu với thứ lá gì bốc lên một mùi thơm dễ chịu, hấp dẫn.
      Bà Kiêm rót nước ra chén. Ông Đính ngồi lại gần tôi, cầm tay tôi:
      - Cậu ốm quá! Ở trong tù chắc cực lắm nhỉ! Mấy năm?
      Tôi chưa kịp đáp thì chị tôi mau miệng nói:
      - Bảy năm đó anh. Ở tù lúc này... thì chắc anh cũng biết rồi!
      Ông Đính cười, nụ cười dễ hiểu:
      - Tôi phục vụ chế độ mấy chục năm mà không biết sao được!
      Tôi cũng đặt một câu hỏi cho có chuyện:
      - Chắc anh cũng đi bộ đội?
      - Phải, tôi trước cũng là bộ đội, người nhái đặc công chứ phải chơi đâu, lập biết bao nhiêu công trạng, gần hai chục tuổi đảng, bây giờ đi làm rẫy đây này!
      - Anh chắc cũng cỡ tuổi bốn lăm bốn sáu?
      - Cậu lầm rồi, đảo con số đó lại, sáu mươi bốn rồi cậu ạ!
      Tôi ngạc nhiên hết sức, tôi nghĩ là ông Đính nói đùa. Từ khi sống với xã hội chủ nghĩa, tôi chỉ thấy người già trước tuổi chứ chưa thấy trường hợp ngược lại bao giờ.     
      Ông Đính khuyên tôi nghỉ dưỡng sức một thời gian rồi chịu khó làm ăn. Ông nói ông là người luôn làm việc hết mình và ông rất thương những người siêng năng làm việc. Theo ông, làm việc giỏi thì muốn gì cũng được. Nếu gặp chuyện gì rắc rối cứ cho ông hay, ông có thể giúp đỡ...
      Nói chung, cuộc gặp gỡ chỉ có tính cách tạo sự  quen biết buổi đầu.
                        *
      Trên đường về nhà, tôi hỏi chị tôi:
      - Lão Đính sáu bốn tuổi thiệt hả chị?
      - Thiệt chứ! Người con đầu của lão cũng tuổi cỡ như cậu rồi. Cậu ấy tên Nhất, trông gần giống như lão. Còn mụ vợ chính của lão cậu chưa thấy đó, già nua móm mém khẳng khiu, đứng bên lão có người tưởng là hai mẹ con đấy!
      Thì ra lão Đính nói thật. Người đàn bà tôi gặp khi nãy chỉ là vợ bé của lão.
      - Thế bây giờ bà vợ chính của lão ở đâu? Bà có ghen không?
      - Mụ đang ở với thằng con thư tư của mụ, thằng Tứ. Thằng Tứ cũng bộ đội phục viên, chưa vợ con chi cả. Giỏi lắm! Một mình nó mà làm tới bốn năm mẫu mía đó. Mụ già ấy chẳng thèm ghen tuông chi hết. Có thêm người nào cho lão mụ càng mừng là khác, để lão khỏi quấy rầy mụ mà!
      - Lão dữ dằn vậy hả chị?
      Chị tôi cười tủm tỉm:
      - Rồi cậu sẽ biết. Mỗi lần kẹt cựa, lão tới thăm là mụ vợ già của lão phải chạy trốn trối chết đó! Những lần chịu trận, mụ run như thằn lằn đứt đuôi, thở không ra hơi. Mụ bị bệnh suyễn nặng mà lão đâu có chừa.
      - Đàn ông như thế thì cũng quá đáng! Thế thì trước sau bà cũng chết trong tay lão!
      Chị tôi lại cười:
      - Được một cái là ngoài cái tật xấu đó, lão rất tốt với mọi người.
      Hèn gì! Khi nói chuyện với lão tôi cảm thấy hơi hướm có vẻ bất thường. Chính cái thân thể tạo hóa cho lão lại càng lồ lộ vẻ bất thường nữa. Phải chăng lão có phép cải lão hoàn đồng? Hơn sáu chục tuổi mà da không nhăn, tóc không bạc, thân thể vâm váp bắp thịt cuồn cuộn như lực sĩ. Quả là một trường hợp hiếm có trên đời. Nếu không giáp mặt được người thì ai nói tôi cũng khó mà tin được. Về nhà rồi tôi vẫn còn suy nghĩ về lão mãi.
                                                         *
      Một thời gian sau tôi biết được lão Đính người Hải Phòng, gốc làm nghề biển. Lão cùng vợ đi vùng kinh tế mới ở miền Nam một lượt với bốn người con trai, đều là bộ đội phục viên. Cả năm cha con đều khỏe mạnh hơn người. Họ giỏi nhiều mặt, cưa kéo, làm than, trồng trọt đều vượt thiên hạ. Ba người con lớn Nhất, Nhị, Tam đều đã lập gia đình, tuyển rặt những người vợ miền Trung giỏi giang. Phải nói là tuyển lựa thật, vì đó là hạng đàn bà mà đàn ông lơ mơ không thể nào theo đuôi kịp. Đặc biệt là cả năm người, coi như năm gia đình, đều đã tạo được nhà riêng, đều tự tay gây dựng cơ sở làm ăn riêng, không ai dựa vào ai, không ai phụ giúp ai. Nhà nào cũng có được cả chục mẫu rẫy trở lên. Nhà nào cũng sắm riêng được một con bò kéo và một chiếc xe để chở hoa mầu. Có nhà lại nuôi thêm được mấy con bò cái để sinh lợi nữa. Trong rẫy, họ dựng những cái chòi lớn, vững chắc để có thể ở lại nhiều người. Họ sắm được cả radio, máy hát để tiêu khiển. Mỗi nhà lại thuê riêng mấy người ở luôn cả tháng hay cả mùa để ở giữ rẫy, để trực tiếp sai phái lo công việc. Vào mùa, họ trồng mía, bắp, đậu, khoai mì  mênh mông bạt ngàn thấy mà choáng ngợp. Hằng ngày, họ dẫn hàng đoàn người làm công lên rẫy làm cỏ hay thu hoạch. Mỗi vụ thu hoạch, họ vận tải hoa mầu nườm nượp, rần rật đến phát khiếp. Bán hoa mầu xong họ lại sắm vàng. Ai trong số họ cũng giữ được vàng cây trong người. Ai bán cái gì giá hời là họ sẵn tiền chộp ngay. Có thể nói đại gia đình lão Đính làm ăn thành công một cách phi thường. Từ chính quyền cho đến dân giả ai thấy cũng lắc đầu chắc lưỡi...
      Thật tình mà nói, sự thành công của đại gia đình lão Đính, ngoài nguyên nhân họ có sức như voi, làm việc cực lực thâm đêm mãn ngày, họ lại còn có kinh nghiệm, gan dạ nữa. Đất vùng kinh tế mới thuở đầu quá tốt mà lại ít cỏ, trồng loại cây gì cũng kết quả. Thời kỳ đó đang cần khuyến khích dân đi kinh tế mới nên chính quyền chưa định thuế má, ai làm được bao nhiêu cho hưởng bấy nhiêu. Ai muốn khai khẩn bao nhiêu tùy sức. Đại gia đình lão hiên ngang giữ tiền, dám kêu người, dám mua vào bán ra mà không sợ ai cả. Cả năm người đều là cựu bộ đội nên các viên chức chính quyền không dám gây phiền hà, kiếm chuyện, dọa dẫm để ăn có.
      Từ khi bắt đầu đi làm công cho người ta, tôi được nghe rất nhiều chuyện về lão Đính. Lão có hai cái ghiền mạnh: rượu và đàn bà. Đi đâu lão cũng mang theo một hũ rượu. Lúc nào lão cũng có thể gần đàn bà. Người đàn bà nào thích mắt thế nào lão cũng tìm cơ hội xáp tới. Không hề biết mắc cỡ, lão tán tỉnh hết sức lộ liễu, thô bạo. Trong túi lão có sẵn tiền, lại thuộc phe chiến thắng nên đối với đám dân lưu đày đói rách "thân còn không kể, kể chi danh" này, lão luôn chiếm thế thượng phong.
      Một lần có mấy người đàn bà đến nhà lão mua đậu, một cô ngồi đối diện với lão mà đong. Đong xong, cô gái có tật tham, vừa nói chuyện vừa bốc thêm từng nắm của chủ bỏ vào thúng mình. Lão không nói gì nhưng thình lình vói tay chụp vào yếu huyệt của cô gái một cái, bất chấp lúc ấy có mấy người đang coi đậu coi bắp cạnh đấy. Cô gái mắc cỡ mắng lão thì lão tỉnh bơ xòe bàn tay đưa lên nói:
      - Cô hốt của tôi bao nhiêu bụm tôi chỉ hốt lại một bụm thôi mà! Nhưng vờ chơi vậy chứ tôi có giữ hột nào trong tay đâu!
      Một lần khác, cũng một cô đến mua đậu. Lão bằng lòng bán nhưng kêu đau lưng không thể hốt đậu trong chồ ra được. Cô gái cần mua tự nguyện đến xúc giúp cho lão. Trong lúc cô gái chổng mông chúi đầu vào chồ đậu, lão lập tức thừa thế ra tay lia lịa. Cô gái la lên:
      - Trời ơi! Lão già dê quá!
      Lão cũng nói thật lớn tiếng:
      - Không ghê đâu cô. Cô trả phải giá thì bác bán thôi mà! Giá đó ghê gì mà ghê!
      Bà Kiêm, bà vợ đang ở với lão chỉ được lo việc ngoài như mua thức ăn, lo cơm nước cho người làm. Bà không có quyền bán hoa mầu mà chỉ dùng tiền do lão Đính đưa từng ngày. Hoa mầu để chỗ nào lão cũng làm dấu rất kỹ. Lão vẫn trực tiếp bán cho khách hàng tất cả. Lão còn có một cái gàn khác người là không bao giờ chịu cho vợ trẩy vảy, cạo nhớt khi làm cá để kho nấu. Lão lý luận "Con cá nó ở dưới nước luôn luôn sạch sẽ rồi, không cần phải làm gì hết, chỉ cắt khúc ra kho nấu thôi!". Vì thế, có người làm mướn cho lão nuốt cơm của lão không trôi. Hằng đêm lão vẫn thường ở rẫy. Năm bảy đêm lão mới ngủ ở nhà với bà Kiêm một lần. Suốt đêm bà Kiêm phải quay mặt về phía lão. Nếu vì mỏi hay ngủ quên mà trở người quay lưng về phía lão là có chuyện phiền liền. Lão chửi te tua không chịu được và đôi khi lão đánh đập nữa. Ban ngày, khi lão đột xuất về nhà, kêu một tiếng thì dù đang nấu canh kho cá gì không biết, bà Kiêm phải cấp tốc rút lửa bỏ đó để vào giường với lão ngay. Vì thế mà một lần bà Kiêm bị chó tha mất một miếng thịt heo bự.
      Những đêm ở rẫy lão đã có những bà làm công phục vụ. Già có, tơ có, hầu hết là những đàn bà góa. Nhiều khi các bà cũng ghen nhau, nói xấu nhau om sòm. Mê tiền của lão đã đành, nhiều bà còn mê lão về "tài ba" nữa. Đặc biệt có một bà trông có phong độ cốt cách, có chồng con, nhà cửa đàng hoàng, cũng lơ chồng để lãi bắp và ở lì bên lão. Đó là bà Tư Hồng người Việt gốc Hoa.
      Tối nọ, lão Đính ghé nhà chị tôi chơi. Sau những lời thăm hỏi xã giao, lão hỏi tôi:
      - Cậu bữa này làm gì? Có rảnh không giúp tôi ít ngày!
      - Làm gì anh?
      - Việc nhẹ thôi, chăn mấy con bò. Thằng nhỏ nhà tôi bệnh thình lình, cậu giúp ít bữa được không?
      Tôi vốn ốm yếu, ít người chịu thuê mướn nên cũng hơi thong thả. Tôi bèn nhận lời làm thử. Qua ngày đầu công việc chăn dắt suôn sẻ. Việc này thấy cũng khá nhàn rỗi, tôi làm tiếp ngày thứ hai.
      Buổi trưa ấy, lão Đính xách một nải chuối đến nói chuyện với tôi. Lão tỏ ra hết sức niềm nở, thân mật bẻ chuối mời tôi ăn. Lão hỏi về cuộc sống của tôi ngày trước rồi khuyên nhủ, khuyến khích đủ điều. Nhân dịp này, tôi cũng tìm hiểu thêm về cuộc đời của lão. Lão cũng vui vẻ trả lời hết. Lão là người nhái đặc công được huấn luyện rất kỹ. Lão được kết nạp vào đảng rất sớm. Lão đã từng tham gia nhiều vụ phá cầu, phá tàu thành công, được thưởng nhiều huy chương, được tặng danh hiệu anh hùng, được tuyên dương nhiều lần. Nhưng lão không màng những thứ đó. Đời lão chỉ có cực lực làm việc, uống rượu và hưởng thú đàn bà. Không có đàn bà lão không sống nổi. Tiếng lão nổi như cồn. Những người đàn bà dâm đãng đua nhau tìm tới thử thách lão. Rất nhiều lần lão bị đảng phê bình, kiểm thảo về vụ ấy. Nhưng lão không thể nào chừa được. Cuối cùng lão bị tước đảng tịch, bị loại khỏi quân đội...
      - Chắc vụ cuối cùng trầm trọng lắm!
      Lão Đính cười hóm hỉnh:
      - Vụ tôi tìm hiểu xem một cô giáo nó khác với bà vợ lam lũ của tôi thế nào. Bị thằng chồng nó kiện, bị kết tội hiếp dâm.
      - Anh có buồn lắm không?
      - Không còn bị ràng buộc đâu nữa thì mắc chi mà buồn!
      - Tôi hỏi thật anh nghe, anh có con rơi con rớt nhiều không?
      - Tôi gặp hàng trăm người đàn bà, dĩ nhiên con rơi con rớt cũng nhiều lắm... Nhưng thôi, bây giờ nói chuyện này. Cậu trông yếu đuối, lao động cuốc cào cũng vất vả. Tôi đề nghị, cậu cứ chăn bò giúp tôi. Tôi sẽ mua thêm năm bảy con nữa. Cậu cứ suy nghĩ cho kỹ, nếu đồng ý thì cho tôi biết để tôi tính.
      Nói xong, lão chào tôi và đi. Tôi suy nghĩ thấy cũng ưng ưng trong bụng. Nhưng tôi chưa nói với ai đề nghị của lão. Mấy ngày sau tôi vẫn tiếp tục chăn bò. Bỗng hôm kia có thằng Hữu, một đàn em cũ của tôi tới thăm. Nó đi thẳng vào vấn đề:
      - Hình như anh định chăn bò cho lão Đính phải không?
      - Ai nói với cậu?
      - Lão đang đi thăm mua bò và nói thế đấy! Tôi nghĩ đàn anh không nên làm! Bây giờ anh đâu phải là tù nữa? Lão là một tên đặc công mà, anh quên à? Nếu anh làm việc ấy, tụi tôi đau lòng lắm đó. Thà chịu đói chứ tôi không bao giờ làm cho lão.
      Nó còn sĩ diện khí khái hơn mình nhiều thật. Tôi xấu hổ bào chữa:
      - Lão nói vậy chứ tao đã trả lời gì đâu!
      Thế rồi sau khi thằng cháu của lão lành bệnh, tôi trả việc lại.
                                               *
      Đại gia đình lão Đính cứ thuận đà mà thịnh vượng lên mãi...
      Không bao lâu, cả năm cha con đều lên nhà ngói, có xây cả sân phơi. Ở vùng kinh tế mới mà tạo được nhà ngói không phải là chuyện bình thường. Cơ sở làm ăn của họ ngày càng phát triển không ngừng. Người người đều nói họ là một gia đình "mả phát"...
                                                  *
      Bỗng một hôm người ta kháo nhau tin bà Kiêm bỏ nhà ra đi. Trước khi đi, bà đã rảo một vòng khắp các vựa thu mua hoa mầu để đòi tiền. Bà cũng bán thêm một số hoa mầu cất chứa trong nhà nữa. Nghe đâu lão Đính mất cũng bộn bộn. Khi đã biết chính xác việc ấy, lão chỉ hơi buồn chứ không la lối. Mấy người con tức giận tỏ ý muốn giúp lão đi tìm nhưng lão khoát tay:
      - Khỏi cần. Bà ấy làm thế cũng phải. Bố đối xử với bà ấy cũng không phải đạo lắm!
      Ít lâu sau, lão bán cái nhà ấy cho một viên chức chính quyền và vào ở hẳn trong rẫy.
      Người con đầu của lão, anh Nhất, sau một thời làm ăn quá thành công, trù thay đổi nếp sống. Anh bán sạch nhà đất, hoa mầu gom hết đưa vợ con về Sài Gòn. Ai cũng nghĩ rằng gia đình anh sẽ lướt đường mây thênh thang.
      Nhưng không biết rồi thất cơ lỡ vận sao đó, chỉ một năm sau gia đình anh ta lại xuất hiện ở một làng kinh tế mới khác. Anh lén lút về cầu cứu với ông bố, có lẽ anh xấu hổ không dám nhìn mặt những người quen biết cũ. Lão Đính thí cho anh mấy chỉ vàng rồi dặn từ đây đừng chường mặt về nữa.
      Người con thứ hai, anh Nhị, bị sốt rét chuyển qua viêm gan không chữa kịp phải qua đời. Hẩm hiu cho anh là chưa con cái gì hết. Cơ nghiệp anh gây dựng bỗng chốc về tay người khác.
      Người con thứ ba, anh Tam thì bỗng phát bệnh điên. Ngày nào cũng đi ra đi vào nói lảm nhảm một mình. Người ta nói đấy là do hậu quả của một vụ dội bom B52 khi anh ta còn là bộ đội ở rừng Trường Sơn. Người vợ cũng bỗng sinh bệnh hoạn. Đất đai nhà cửa dần tiêu tan hết. Vợ chồng bán nhà đem nhau về nương náu trong một căn nhà lá lụp xụp. Cuối cùng anh chết trong sự đói khát.
      Người con út, cậu Tứ, thì mới cưới vợ rồi không biết nghe ai bày chuyện, cậu vượt biên. Cậu bị bắt ở tù một thời gian. Người vợ chán nản trở cẳng ra. Bà Đính buồn tình trở về Hải Phòng. Khi Tứ được thả về thì cơ nghiệp đã tiêu tán hết. Tứ dần trở thành điên dại đi lang thang, sau cùng đi đâu không ai biết.
      Chỉ riêng lão Đính cố bám lấy đất. Những người đàn bà dâm đãng, tham lam vẫn bám lão. Thân xác cũng như của cải của lão cứ thế mà hao mòn. Bấy giờ thì người lão biến đổi khá nhanh. Tóc lão đã bạc dần, các bắp thịt đã xẹp bớt, da đã nhăn nheo nhiều. Nhưng lão vẫn cực lực làm việc. Ngày việc ngày, đêm làm việc đêm. Lão chỉ thay đổi dần về nhân sự. Cuối cùng những người giúp việc lão chỉ còn là đàn bà...
      Chó chết mèo cũng le lưỡi, bà Tư Hồng đang làm cho lão thì phát bệnh. Bà chịu không nổi phải đi bệnh viện. Rồi bà chết vì bị bể tử cung. Người làm kế tiếp là bà năm Thành cũng phát bệnh. Y tá khám cho biết cũng chứng bệnh đó. Bà năm không đủ phương tiện đi bệnh viện nên mất tại nhà. Qua cái chết của hai người ấy, người ta bỗng nghĩ đến một người làm thứ ba tên Cúc cũng rất khắng khít với lão Đính. Đó là một người còn rất trẻ, chưa quá ba mươi. Không hiểu sao gần đây không thấy bà đâu hết. Thiên hạ hỏi thăm nhau và cuối cùng biết được bà Cúc cũng mang bệnh nhưng cố giấu, ở nhờ nhà người chị ruột. Những người tới thăm tiết lộ mới bước vô gần chỗ bà Cúc nằm đã nghe mùi tanh tưởi không chịu được. Bà mất ít lâu sau đó.
      Trước những cái chết ấy, lão Đính cũng không tỏ ta xúc động lắm. Lão chỉ đến phúng viếng như một người khách.
      Người trong xã bấy giờ nhìn lão Đính như một quái nhân. Trong cái xã kinh tế mới xa xôi hẻo lánh ấy, bỗng nhiên từ già đến trẻ đều biết đến chuyện gã Lao Ái đời Tần hơn hai ngàn năm trước. Nhiều người khi nói chuyện thường cải tên lão Đính thành Lao Ái. Những người đàn bà tham tiền của lão Đính thấy nhợn cơ từ từ rút lui hết. Lão bán dần đất đai, trở về cố thủ một khu rẫy chừng sáu mẫu và rất ít khi kêu người làm. Gặp người quen, lão cho biết đang gắng tu tỉnh, thu gom một ít để trở về quê...
      Nhưng lão tu không được. Có lẽ lão mắc nợ nhân thế quá nhiều nên nhân thế không buông tha cho lão. Một buổi sáng lão đi quanh rẫy một vòng thì gặp một cô gái đi mót. Ở rẫy, thường cuối vụ thu hoạch thì người ta đi mót rất đông. Hoa mầu thừa sót qua nhiều đợt thu hoạch đậu xanh, bắp, đậu phộng, khoai mì, mót đi mót lại bao nhiêu lần vẫn còn. Người ta cứ mót mãi cho đến khi chủ rẫy dọn cỏ làm vụ mới. Con mót thường vẫn rủ nhau đi từng toán, không hiểu sao sáng ấy lão chỉ thấy một người. Cô gái trông đẹp sắc sảo mặn mà, ăn mặc sạch sẽ, tay bưng cái thúng, cúi nhổ mấy cây đậu phộng mọc muộn do hột sót dưới đất. Thời gian gần đây lão Đính giới hạn chuyện gần đàn bà nên khí huyết hơi căng. Nay gặp người đẹp lão không dằn lòng được. Lão nhã nhặn nói với cô gái:
      - Cô ở đâu mà thấy lạ lạ thế?
      - Dạ, cháu ở miền Trung mới vô. Cháu chưa có việc làm, nghe người ta nói ở đây đi mót cũng khá nên đi thử.
      - Cô đi mót một mình thôi à?
      - Dạ, cháu đi một mình!
      - Lúc này cuối mùa còn gì nữa mà mót. Cô lên chòi lãi bắp giúp cho tôi rồi tôi trả công cho cô còn hơn a!
      - Cám ơn bác, cháu muốn đi vòng vòng vài nơi cho biết đã. Có lẽ rồi cũng có lúc cháu xin bác việc làm.
      Cô gái trả lời lão Đính như thế rồi bưng thúng lững thững đi về phía đoạn suối có đám cây rậm rạp. Lão chăm chú nhìn theo dáng đi của cô gái cho đến khi cô khuất mắt lão. Lão ngẩn ngơ suy nghĩ một chốc rồi cũng đi về hướng đó. Lão bước thật chậm và thật nhẹ. Tới suối, lão thấy cái thúng để trên một tảng đá bên bờ. Lão nghe tiếng vục rửa dưới suối, lão kêu lên:
      - Cô ơi, cô xuống rửa dưới đó à? Coi chừng có con trăn và con heo rừng hay xuống uống nước lắm đó! Để tôi xuống coi thấy dấu nó đi là tôi biết liền!
      Lão nói xong là bước xuống. Cô gái đang ngồi trên một tảng đá rửa tay chân thong thả, vô tình. Lão vờ vĩnh chú ý đến những lớp lá hai bên mép suối rồi thình lình chồm lại ôm cô gái. Cô gái vùng vẫy kháng cự nhưng dường như khiếp đảm quá không la lớn tiếng được. Lão đưa cô gái tới một phiến đá có mặt trơn phẳng và thanh toán mục tiêu khá dễ dàng. Xong cuộc, lão ngạc nhiên thấy cô gái cười nguýt lão:
      - Thỏa mãn rồi nhé, nếu bác không đền cho tôi nửa thúng bắp, tôi ra tố với chính quyền đưa bác đi tù đó!
      Dễ dàng đến thế sao! Cả thúng đậu xanh lão không tiếc nữa huống là nửa thúng bắp! Lão cười với cô gái:
      - Yên chí, tôi sẽ cho cô gấp năm lần cô muốn. Nhưng bây giờ cô ở đâu? Có chồng con chi không? Nếu thuận, cô ở lại phụ việc với tôi cũng được!
      - Bác đợi cho tôi chừng mươi phút tôi suy nghĩ đã rồi trả lời.
      Thấy thái độ cô gái, lão đoan chắc cá đã ngậm mồi. Lão im lặng đợi, đồng thời cũng để nghe thử tiếng mấy con chó trên chòi có sủa không. Lão có hai con chó, tuy rằng không dữ đối với người nhưng ai sắp đến rẫy lão chúng đều biết và lên tiếng sủa vang đe dọa.
      - Quyết định được chưa?
      - Cháu đồng ý. Mỗi tháng bác cho cháu bao nhiêu?
      Lão ngồi tính toán, giải thích giành lấy phần ân đức, nhân nghĩa về mình. Lão còn hứa hẹn rất nhiều điều khác. Quá sung sướng vì được việc bất ngờ, lão hồ hởi nói thêm:
      - Bây giờ nếu cho cô một thúng đậu thì cô đội về nặng tội nghiệp. Tôi sẽ đưa số tiền tương đương cho cô. Còn đậu xanh hay đậu phộng cô có thể lấy một ít về dùng. Thôi, cũng hơi lâu rồi, ta lên chòi!
      - Cám ơn bác quá thương cháu!
      Cô gái nói và cười khúc khích với thái độ tức cười. Lão ngạc nhiên hỏi lại:
      - Sao cô lại cười?
      - Cháu cười là bác già mà còn hung hăng! Hung hăng mới đầu nhìn qua tưởng thiện chiến lắm không dè cũng chỉ cú một!
      Lão nghe nói cũng tức cười:
      - Thế thì cô ghê quá, tôi không ngờ! Cô muốn tái đấu sao? Tôi lại cứ sợ làm cho cô sợ hãi mà bỏ đi thẳng chứ...
      Cả hai cùng cười và xáp lại ...
      Xong cuộc tái đấu, lão Đính dương dương tự đắc nhìn cô gái:
      - Thôi, bây giờ cô biết sức tôi chưa? Nếu cần ta về chòi tái đấu nữa, mất cả buổi rồi...
      - Bác cứ lên trước, cháu đi cầu một chút rồi lên sau!
      Lão không nhìn lại cô gái, xăm xăm bước một mạch. Ủa, con chó vện sao nằm đây mà ngủ? Mà bình thường dù ngủ hay thức, hễ nghe tiếng động của lão là nó ngẩng đầu vẫy đuôi mừng rỡ liền sao giờ nó nằm tỉnh bơ như thế? Lão lật đật chạy lại đưa chân hất một cái. Trời, con chó đã chết! Lão linh cảm đã xảy một chuyện gì không hay. Lão xách chân con chó chạy vội về chòi. Trời ơi, con chó mực cũng chết luôn! Vô chòi, lão thấy bắp trắng bắp đỏ đổ tùm lum. Đồ đạc bị xáo hết. Đậu xanh đậu phộng trong mấy cái sập bị vét sạch. Lão càng hoảng hốt khi thấy cái chân sập nơi lão chôn giấu cái hộp đựng của chìm cũng bị xê dịch và có dấu đất mới đào. Lão vội vàng bới đất, quả thật cái hộp cũng không còn. Lão gầm gừ, lão rên, mồ hôi, nước mắt lão tuôn nhòe nhoẹt. Tại sao chúng biết đúng dưới cái chân sập ấy có chôn của? Phải rồi! Chính vì lão sơ ý. Hôm kia lão bỏ thêm mấy chỉ vàng mới bán đậu vào hộp, chôn lại nên dấu đất hơi mới làm chúng dễ kiếm. Bây giờ thì lão biết đích thị cô gái đi mót kia là một con điếm mồi. Nó câu lão, cầm chân lão để đồng bọn hành động. Báo cáo với chính quyền ư? Chính quyền vốn chẳng ưa gì lão! Vả lại, đâu có lợi gì cho họ mà tốn công truy tầm! Lão lên sập nằm ấm ức. Bao nhiêu dự tính tan hoang hết. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, lão đã khóc...
      Hôm sau, trong dáng vẻ phờ phạc thiểu não, lão đi tìm người hỏi bán đất. Đất vùng kinh tế mới hồi ấy rẻ như bèo, không biết lão bán được bao nhiêu. Ba hôm sau nữa, lão ghé nhà chị tôi và cho biết sắp về Hải Phòng. Lão nói còn hai sào đất xấu, nếu tôi cần thì lão cho không. Lão nói đáng lẽ để luôn cho người mua sở đất lớn của lão nhưng ông này lợi dụng khi lão cần bán gấp, éo náu trả giá quá rẻ nên lão ghét không cho. Chưa có đất làm, tôi cám ơn lão và xin nhận.
      Ngày lão lên đường hồi hương, không có một ai tiễn biệt. Chị tôi thấy tội nghiệp, khiến tôi đi tiễn, nhân dịp thăm mấy người bà con ở Sài Gòn luôn thể. Chị tôi nói dù sao tôi cũng có mang ơn lão khi nhận hai sào đất. Đồng thời, cũng để coi chừng giùm lão vì lão ít lên thành phố, dễ bị kẻ gian lường gạt. Tôi theo lão đến ga Bình Triệu. Trong khi chờ đợi, lão tâm sự:
      - Tôi quyết định về gấp vì linh cảm nếu còn ở lại, sẽ gặp điều không hay. Trong đời tôi đã gây nghiệp chướng quá nhiều. Thời gian này sức khỏe tôi xuống lắm. Nhiều lần tôi thấy tức ngực, tức từng chặp, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Bà vợ già của tôi về quê cả mấy năm nay không nghe tin tức. Tôi hối hận trong lần bà về, bà có đến gặp tôi để xin tôi ít tiền, nhưng khốn nạn thật, không hiểu sao lúc đó tôi lại quá ghét, không cho một xu. Thật ra bà chỉ có tội già xấu chứ bà có làm gì sai đâu. Suốt đời bà đã chịu khổ với tôi quá nhiều. Gần đây tôi mới nghĩ lại thấy thương bà ta. Tôi định gom chút của rồi về cùng chung sống với bà một thời gian, không ngờ...
      Lão Đính đã đi, nhưng để lại một ấn tượng to lớn cho người ở lại. Người ta cứ bàn tán mãi về sự tuột dốc kinh khủng của đại gia đình lão. Đa số đều cho đó là lẽ tất nhiên của luật nhân quả. Lão đã hại đàn bà con gái quá nhiều. Họ cho rằng còn rất nhiều người khác nữa chết bệnh do lão gây ra. Ngoài ra còn biết bao nhiêu oan hồn con rơi con rớt của lão nữa. Họ tin rằng con cháu lão sẽ còn gánh chịu nhiều hậu quả do hành động của lão tạo nên...
                                                                                        Ngô Viết Trọng
                                                                               (trong tập truyện NGÕ TÍM)