Tiếng hú giữa đêm khuya |
Tác Giả: BS Trần Quý Trâm | |||
Thứ Sáu, 18 Tháng 5 Năm 2012 19:57 | |||
Một trong cảnh để thấy Cộng Sản mất hết tình người, ngay cả đồng bào, dân tộc mình.
Tiếng hú giữa đêm khuya Một buổi tối mùa đông cách đây vừa đúng 31 năm. Lúc đó tôi đang bị “cải tạo” tại trại giam An Điềm,.cách thành phố Đà Nẵng khoảng 50 cây số theo đường chim bay… Tôi còn nhớ rất rõ, đêm đó trời mưa, mưa tầm tã, ngoài trời tối đen, tiếng gió thỉnh thoảng rít lên từng hồi, len vào hai lỗ tai của chúng tôi như tiếng ma quỷ kêu khóc ngoài khu nghĩa địa bên kia sườn đồi. Chúng tôi: anh Thương -Trung úy Cảnh sát đặc biệt, anh Lưỡng -đoàn trưởng xây dựng nông thôn, anh Kỷ -phó quận trưởng, và tôi vừa mới bị giải giao về đây từ trại giam chợ Cồn, Đà-Nẵng. Ngoài tôi ra, các anh kia tôi không rõ các anh sở trường về loại gì, riêng anh Lưỡng lúc bị bắt, khai là làm nghề Y tá. Tôi chẳng thấy anh biết gì về chuyên môn, mà cứ hễ một bệnh nhân nặng sắp chết là anh trình báo với công an xin một con gà còn sống, xé làm đôi đang còn máu me, đắp lên bụng. Kết quả bệnh nhân vẫn chết. Anh còn nói: ”Tôi chữa bằng cách này cứu sống rất nhiều người”. Công an tin nên để anh làm ở trạm xá với chúng tôi. Tính từ khi tôi nhập trại đến nay đã ba tháng, có 5 người chết: 3 bị chết vì sốt rét ác tính, hai người chết vì kiệt sức. Tính ra anh đã mổ cả thẩy 5 (năm) con gà để lo chữa bệnh cho những người xấu số kia, nhưng kết quả như quý vị đã biết, chẳng ai còn sống. Tất cả năm người đếu theo nhau sang bên kia sườn đồi. Chúng tôi không dám ăn mấy con gà đã chết. Anh Lưỡng thản nhiên rô-ti mấy miếng thịt gà béo ngậy trên lò bếp bằng than mà chúng tôi dùng để nấu nước luộc kim tiêm. Anh đã ăn những miếng thịt gà nướng ấy thật ngon lành… Tôi kể sơ một chút về trạm Y- tế: kể cả tôi là bốn người. Tôi, là người kế nghiệp anh Nguyễn Diệu hiện đang ở Úc. Thuốc men kim chỉ đều do tôi đem lên và chỉ có một ít của trạm xá, nhưng phần nhiều là thuốc nam như Xuyên Tâm Liên (chữa Cảm cúm). Một lần uống 10 viên, cả ngày 30 viên, uống xong no luôn. Đau bụng thì có viên Rửa. Nó giống như Alixir Paregorique, uống độ 3 hay 4 viên thì cả tuần sau mới đi restroom được. Loại thuốc này có chất gây nghiện nên số tù hình sự nghiện xì ke thường hay tới khai bện đau bụng tiêu chảy để xin thuốc uống cho dịu cơn nghiện Trạm trưởng là chị Năm công an, trình độ văn hóa lớp I. Thuốc tây chị chỉ biết Tetracycline 250mg mà thôi. Do đó, người tù nào mà công an kêu là nợ máu nhiều với nhân dân thì dù vết thương có bị nhiễm trùng nặng mấy đi nữa, chị năm cũng nói với tôi: ”Anh chỉ cho anh X một viên Tetracyline 250mg/ngày mà thôi”. Có trường hợp anh Y, chi khu trưởng quận Duy Xuyên, cấp bậc Trung tá, đi lao động bị gạch đè dập mấy ngón tay, để lâu vết thương lở loét, nhiễm trùng nặng vì không có thuốc, chỉ được băng bó bằng lá. Chị Năm “ra lệnh” cho tôi: “Tên này nợ máu nặng, anh chỉ cho hắn 2 viên Tetracycline 250mg/ ngày thôi”. Buổi tối họp “giao ban”, ôi đề nghị các anh ở trạm xá cho anh Y 4 viên Tetracycline vì vết thương, làm độc đã quá nặng, và cũng đừng cho chị Năm biết. Thế mà sáng sớm hôm sau, công an đã kêu tôi lên gặp chị Năm gấp. Vừa nhìn thấy tôi, chị quát: ”Tôi đã bảo anh cho tetracycline 250mg hai viên một ngày thôi, tại sao anh cãi lệnh tôi hả?”. Sau đó là hàng chuỗi những chữ nghĩa thốt ra: nào là cố tình dung dưỡng cho thành phần có nợ máu với cách mạng, với nhân dân… Tôi chỉ còn cách duy nhất và cũng là cách mà anh em tù “cải tạo” chúng tôi thường áp dụng để cho qua cầu đó là nhận khuyết điểm và hứa sẽ rút kinh nghiệm cũng như sẽ không vi phạm ở những lần sau nữa. Trên đường trở lại phòng, tôi thấy nỗi chán nản, vô duyên nhói đau vào tâm não. Nỗi xót xa thương cảm cho các bạn tù của chúng tôi nếu chẳng may bị tai nạn hay bị vướng một thứ bệnh gì đó dù chỉ là cảm mạo hay kiết sức là thấy con đường đi về phía bên kia sườn đồi (nghĩa địa) đã chờ đón bước chân, vì bất cứ ai cũng sẽ là nợ máu… Bên cạnh trạm xá là phòng cách ly dành riêng cho số người bị lao phổi nặng nằm chữa bệnh. Lúc tôi mới tới, bệnh phổi của họ đã ở vào thời kỳ thứ ba; bệnh xá không có thuốc chữa. Thỉnh thoảng thân nhân họ thăm nuôi, kiếm được vài lọ streptomycine 1g. Họ đem qua nhờ trạm xá chích, vẻ mặt ai nấy đều hân hoan như vừa có được thuốc tiên… Đêm tôi nằm nghe nghe họ nằm ở phòng cách ly sát bên trạm xá ho húng hắng, khạc nhổ bừa bãi thấy cũng ghê quá. Thấy vậy, tôi đề nghị anh em mỗi người mang khẩu trang để giữ vệ sinh, phòng lây sang người khác. Nhờ vậy, tôi cũng thấy yên tâm, đỡ ngán phần nào. Nhưng niềm vui, hy vọng của họ cũng chỉ là ánh sáng của con đom đóm, vì dễ gì thân nhân của họ kiếm ra thuốc và lên thăm họ thường xuyên được. Hy vọng, niềm vui lụi tàn dần theo từng cơn ho và sư suy kiệt dần mòn của cơ thể. Tôi chưa hề thấy ai ra khỏi khu nhà cách ly để trở về nhập vào khối anh em lao động như lúc họ mới đến trại. Tất cả những bệnh nhân lao phổi đều lần lượt được anh em bạn tù bó chặt thân xác bằng chiếc chiếu để mang đến bên kia sườn đồi, để ngủ ở đó với những người đã đên trước. Trong số những người bệnh ở cách ly có anh Nguyễn Văn Năm bị Hemoptysis. Trong cơ thể anh bị mất máu rất nặng và không còn sức sống. Một đêm anh bị đau hố chậu bên phải. Đó là trường hợp bị “Viêm ruột thừa cấp”. Tôi lên báo cáo công an và chị Năm, trưởng trạm xá: “Ngày mai có xe về Đà Nẵng, xin cho đem anh Nguyễn văn Năm về, nhập viện để mổ, thì mới cứu được”. Nhưng tất cả họ đều lắc đầu và cho là: ’Tên này có nợ máu nặng với cách mạng, với nhân dân, anh chữa không được thì để cho nó chết”. Về phần tôi, bao nhiêu kim chỉ, tôi đem theo lên năm ngoái lúc bị bắt, đều đã dùng hết. Do đó tôi không thể mổ được. Vả lại bệnh nhân bị huyết áp hạ nặng, sẽ bị choáng và tử vong. Nếu mình liều lĩnh mổ mà không có một chút xíu phương tiện chống choáng nào trong tay. Mấy ngày sau bụng anh Nguyễn văn Năm co cứng, càng ngày càng phình to. Anh thở không nổi, tôi phải dùng syringe rút bớt nước ra, thế nhưng qua ngày hôm sau, bụng anh Năm lại trướng lên, có phần to hơn. Đúng là ruột thừa đã bị vỡ mủ, và là Peritonite aigue. Tôi lại lên năn nỉ từ công an quản giáo rồi lại đến chị Năm (trưởng trạm xá), nhưng tất cả họ đều thẳng thừng từ chối và còn nói với tôi: “Đó là tên có nợ máu nặng với cách mạng với nhân dân. Cứ để cho nó chết” Tôi vô cùng thất vọng và trở về, ghé chỗ anh Năm để thăm bệnh. Anh níu tay tôi, thì thào: “Bác sĩ cứu tôi với, tôi còn vợ trẻ và 5 đứa con còn nhỏ dại, đừng để tôi phải chết ở nơi này bác sĩ ơi”. Tôi an ủi anh: “Anh yên tâm, tôi sẽ cố gắng xin với công an quản giáo và trưởng trạm để cho anh được chuyển về bệnh viện Đà Nẵng chữa trị”. Tôi xin đựơc của anh em mấy chai serum, mấy lọ trụ sinh và mấy ống valium 10mg. Tôi đã dùng hết cho anh. Tôi nghe tiếng anh hét lên đau đớn mà lòng buồn vô hạn. Nhưng cũng đành bó tay, không làm gì để giúp cho anh được. Không còn một thứ thuốc gì để lo cứu anh nữa. Những ngày sau đó anh Nguyễn Văn Năm yếu dần. Anh được đưa về nằm hấp hối trong một phòng kỷ luật đặc biệt dành cho những người “có nhiều nợ máu”. Căn phòng hôi hám không thể nào tưởng tượng được. Mỗi lần tôi đến khám bệnh, ruồi bay lên từng đàn. Tiếng vo vo tưởng như bày ong. Người bệnh nằm lẫn với phân và nước tiểu, khai thối đến ói mửa. Đã trải qua nhiều ngày đêm, anh năm rên la thảm thiết. Bụng anh càng trướng to hơn, tôi chỉ làm pontion lấy nước và cho anh uống thuốc ngủ. Nhưng khi hết thuốc, anh càng kêu la thống thiết: “Bác sĩ ơi, cứu tôi với. Tôi còn vợ dại và 5 con thơ”. Đêm nay là đêm 30 tết. Chúng tôi ngồi trầm ngâm buồn tủi bên cạnh lò than. Tiếng nổ lách tách của viên than hồng lóe sáng, soi rõ mấy bộ mặt tang thương của chúng tôi. Tôi đang hình dung ngày mồng Một tết, vợ chồng và các con đi chùa, hái lộc đầu năm. Rồi tôi sẽ lì xì cho các con tôi những đồng tiền mới, nói với vợ tôi những lời chúc hạnh phúc gia đình và cho riêng nàng- Chao ơi là hạnh phúc. Một tiếng sấm nổ to chát chúa làm tôi tỉnh giấc mơ đẹp. Lẫn trong gió mưa, một tiếng hú thê lương vang lên: “Bác sĩ ơi! Cứu tôi với. Tôi đau quá,.. Chết mất, cứu tôi, Bác sĩ ơi…” Tôi nói với mấy anh bên cạnh: “Có lẽ đêm nay anh Năm sẽ đi”. Chiều hôm qua tôi tới thăm bệnh thấy anh nằm thoi thóp, hấp hối. Đôi mắt mở to, anh nhìn tôi cố gắng thều thào: “Bác sĩ cứu tôi, chết…” Tôi đã ứa nước mắt, khóc thầm vì tuyệt vọng không còn cách gì cứu được mạng anh… Mấy ngày nay, anh đã được nuôi bằng dịch chuyền. Khi bụng anh căng cứng quá, tôi làm pontion, lấy ra từng lít nước, với hy vọng mong manh kéo dài hơi thở cho anh được lúc nào hay lúc đó… Và rồi, nửa đêm về sáng, mỗi lúc tiếng kêu của anh yếu dần đi chỉ còn là những thanh âm ngắt quãng thê thiết. Anh Nguyễn Văn Năm đã ra đi, bỏ lại vợ con. Mọi người cho trần ai khốn khổ. Anh Năm đã chết vì sự cố tình của những người cộng sản coi trại tù, những con người cũng là người, nhưng dường như họ không có trái tim, không có những rung động xúc cảm của con người. Hận thù tàn ác vô nhân đã chiếm ngự từng ngõ nghách tâm hồn -Những con người gỗ- Có lẽ sự tàn độc cũng chỉ đến thế, không còn gì để vượt lên trên được cách giết người này nữa. Quả thật cộng sản giết người trong lạnh lùng, vô nhân. Đúng là siêu việt. Người Quốc gia chưa thể và không thể nào so sánh được với cộng sản về sự tàn ác, bất nhân. Sáng mồng Một tết, cơn bão nhiệt đới ngày hôm qua đã dịu bớt, bấu trời xám xịt. Từng hàng cây đổ xiêu vẹo, ngổn ngang xung quanh trạm xá. Tôi cảm thấy mệt mỏi, thẫn thờ vì cả đêm không ngủ được, vì nhớ nhà, và cũng vì tiếng kêu rên thê lương của anh Nguyễn Văn Năm. Qua khung cửa sổ được rào bằng những sợi kẽm gai đan xéo, chằng chịt, tôi nhìn thấy một đám tang đi qua. Thân xác anh Năm được bó trong một chiếc chiếu, có vẻ đã hơi cũ, được ràng buộc rất kỹ. Hai người (bạn tù) khiêng hai đầu bằng một đòn tre. Họ lội lõm bõm trong nước bùn làm văng tung tóe những vệt bùn nhầy nhụa lên con đường trước sân. Họ đang khiêng một xác chết. Đám tang cô đơn, không có tiếng khóc. Họ yên lặng khiêng anh Nguyễn văn năm về nghĩa địa dành cho những người tù xấu số bên kia đồi. Nơi đây, một huyệt đạo đã được người ta đào sẵn từ mấy ngày trước. Thôi, đã xong một kiếp người. Vĩnh Biệt Anh Năm. HOUSTON, THÁNG 5 -2006 BS BĐQ Trần Quý Trâm
|