10 sa mạc kỳ lạ nhất trên thế giới |
Tác Giả: vnexpress | |||
Chúa Nhật, 30 Tháng 8 Năm 2009 14:23 | |||
Sa mạc thường bao phủ bởi cát vàng và khô hạn quanh năm nhưng một số nơi lại có băng tuyết, muối, nước biển hoặc cát đỏ. Dưới đây là những sa mạc đặc biệt trên thế giới, cũng là thắng cảnh kỳ vĩ. Ảnh trên Oddee. 1. Sa mạc tuyết phủ Taklamakan ở trung Á là một trong những sa mạc cát lớn nhất thế giới, với diện tích 270,000 km2. Vào năm 2008, sa mạc này trải qua một trận mưa tuyết và nhiệt độ xuống thấp nhất sau 11 ngày tuyết rơi. Trước đó, Taklamakan chưa bao giờ có tuyết. 2. Sa mạc bao bọc vũng nước biển, Lençóis Maranhenses (Brazil) Nơi đây được gọi là phá vì có các cồn cát trắng bao quanh những vùng nước biển xanh, tạo nên quang cảnh cổ kính và kỳ vĩ. Sa mạc Lençóis Maranhenses nằm ở vùng bờ biển phía bắc Brazil, rộng 300 km2. Sa mạc này có lượng mưa hàng năm là 1.600 mm, gấp 300 lần so với sa mạc Sahara. Nhưng trong mùa khô hạn, nơi đây xảy ra hiện tượng bay hơi nước và trở nên khô hạn. Đến mùa mưa, các vũng nước lại là nơi cư trú của nhiều loài cá, rùa và trai. Điều bí ẩn là khi những phá đầy nước, cuộc sống trở lại như chưa từng biến mất. Một giả thuyết giải thích rằng, những quả trứng của cá và cua có thể sống trong cát, sau đó hồi sinh khi mưa trở lại. 3. Sa mạc muối lớn nhất thế giới, Salar de Uyuni (Bolivia) Salar được coi là hình ảnh biểu tượng của đất nước Bolivia. Nơi đây phản chiếu ánh mặt trời giống như một tấm gương. Một số hồ nước nằm trong sa mạc này có màu sắc rất lạ. Cách đây khoảng 40.000 năm, vùng này là một phần của hồ Minchin, một hồ thời tiền sử rộng lớn. Khi hồ khô cạn, nó còn lại hai hồ nước là Poopó và Uru Uru và hai sa mạc muối, Salar de Coipasa và Uyuni. Ước tính có khoảng 10 tỷ tấn muối tại sa mạc Salar de Uyuni. 4. Sa mạc trắng Farafra (Ai Cập) Một địa danh hấp dẫn của Farafra là sa mạc Trắng, hay còn gọi là Sahara el Beyda. Sa mạc có màu trắng và kem, khác hẳn màu vàng của những sa mạc thông thường. Màu trắng kỳ lạ này là do sự tồn tại của đá phấn, hình thành từ những cơn bão tuyết trong vùng. 5. Sa mạc tươi tốt Atacama (Chile) Sa mạc Atacama chiếm cứ trên ngọn núi rộng nhất của Chile. Nơi đây từng được ghi vào sách kỷ lục thế giới là nơi khô nhất trái đất. Tuy nhiên ở phần phía nam, sa mạc lại là môi trường sống của nhiều loại thực vật. Bờ biển với sương mù mang hơi nước cho cây cỏ sinh sống. 6. Sa mạc Namib (Namibia) là sa mạc duy nhất có voi sinh sống Phía nam châu Phi nằm trên sa mạc Namib. Nơi đây nhỏ hơn Sahara nhưng lại rất kỳ vĩ. Namib có những đụn cát cao nhất thế giới, khoảng 300m và nếu may mắn, bạn có thể gặp những con voi lớn. Namib cũng là sa mạc già nhất thế giới, có vô số loài cây và động vật sinh sống. 7. Sa mạc đỏ Simpson (Australia) Nơi đây nổi tiếng vì những đụn cát đỏ rực, nằm song song, kéo dài nhất thế giới. Đây là một trong bốn sa mạc lớn của xứ sở chuột túi. 8. Sa mạc Đen (Ai Cập) Cách 100 km về phía bắc so với sa mạc Trắng, sa mạc Đen là vùng của những núi lửa với lượng lớn đá đen. Những viên đá đen nằm dọc trên mặt đất nâu vàng. Nếu trèo lên đỉnh những ngọn núi, du khách sẽ được ngắm quang cảnh tuyệt đẹp xung quanh. Sa mạc đá đen không có người sinh sống. 9. 'Sa mạc' Nam cực, vừa khô nhất vừa ẩm nhất thế giới Nơi đây rất lạnh giá nên không có người cư trú. Vào năm 1983, các nhà khoa học ghi nhận nhiệt độ lạnh cực đại là - 89,5 độ C. Nhưng đây cũng là nơi ẩm nhất và khô nhất trái đất. Lý do ẩm nhất không phải vì có mưa rơi mà bởi nơi đây được bao phủ 98% là băng. Tuy nhiên mỗi năm, Nam cực chỉ nhận chưa đến 51 mm lượng mưa, khiến nó trở thành một sa mạc. 10. Sa mạc rộng nhất thế giới, Sahara (bắc Phi) Sahara có diện tích 8,6 triệu km2, bao phủ phần lớn bắc Phi. Khoảng 4 triệu người sống tại đây. Nơi dài nhất của Sahara là 4.800 km, chạy từ đông sang tây, và 1.200 km, từ bắc đến nam. Sa mạc này trải dài trên gần chục quốc gia và vùng lãnh thổ như Mauritania, Tây Sahara, Algeria, Libya, Ai Cập, Sudan, Chad, Niger và Mali, Morocco, Tunisia. Sahara rất khô hạn nhưng vẫn có mưa rơi hàng năm, khoảng vài chục mm.
|