Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Thánh Ðường Bethlehem nơi Chúa Giáng Sinh

Thánh Ðường Bethlehem nơi Chúa Giáng Sinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Trịnh Hảo Tâm /Ảnh: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Ba, 22 Tháng 6 Năm 2010 20:50

Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giáng Sinh ở thành phố Bethlehem nằm trong vùng Bờ Tây (West Bank) thuộc Palestine

 là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất thế giới còn sử dụng đến ngày nay. Nhà thờ được xây từ thế kỷ 6 dưới thời Byzantine ngay trên hang đá nơi Chúa Jesus sinh ra.

Sáng ngày 26 Tháng Hai, 2010 đoàn hành hương chúng tôi dậy sớm, thu dọn hành lý và trả phòng lại cho khách sạn Park Hotel ở Jerusalem. Hôm nay sẽ từ giã thánh địa Jerusalem để đi Bethlehem (Bêlem) kính viếng nơi Chúa Jesus sinh ra, sau đó lên hướng Bắc để đến vùng Nazareth (Nadarét) là quê hương tuổi thơ của Chúa và ngủ đêm tại đây trong nhà trọ thuộc một dòng các bà sơ.

Sáng hôm nay trời lại mưa lâm râm không dứt hạt vì vùng Trung Ðông còn trong mùa mưa từ Tháng Mười Hai đến Tháng Tư. Bình thường mưa rất ít nhưng năm nay thời tiết thay đổi khắp toàn cầu nên trận mưa từ đêm qua kéo dài đến sáng nay đối với nhân viên làm việc trong khách sạn là trận mưa lớn hiếm thấy.

Bethlehem nằm về hướng Nam và cách Jerusalem khoảng 6 miles (10 km) trong lãnh thổ West Bank của Palestine nên xe chạy một lúc, trước khi vào thành phố là gặp trạm kiểm soát của lính Israel. Vì thấy xe của hãng du lịch nên họ cho qua dễ dàng chứ nếu du khách đi riêng rẽ, phải đi bộ qua một hành lang bằng rào sắt quanh co dài hàng trăm thước, sau đó mới đến trạm kiểm soát sổ thông hành.

 Nơi biên giới này Israel cho xây bức tường cao khoảng 7, 8 mét bằng sắt phía trên còn chạy thêm những hàng kẽm gai nhọn. Ðổi lại Palestine không cho hướng dẫn viên du lịch Israel vào Palestine nên bà Malca sáng nay không thấy tháp tùng với chúng tôi như thường ngày.

Vào thành phố Bethlehem chúng tôi mới gặp anh chàng hướng dẫn viên người Palestine. Anh ta nói rằng tuy là người gốc Ả Rập nhưng anh ta theo đạo Công giáo. Anh cho biết du khách từ Jerusalem nếu muốn viếng Bethlehem có thể tới bến xe buýt trước cổng thành Damacus nơi đây có những xe Van đưa du khách đến trạm biên giới chỉ mất 2 đô la Mỹ. Sau khi qua biên giới lấy Taxi Palestine để vào Bethlehem. Thấy Taxi bên Palestine toàn là những xe cũ kỹ và nhà cửa bên này cũng xơ xác tiêu điều, ngoài đường nhiều con chó ốm đi lang thang trông thật tội nghiệp!


Bên trong nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem.


 Thành phố Bethlehem

Bethlehem nằm trên vùng đồi núi có cao độ 2,543 ft (775m) trên mực nước biển, cao 98ft (30m) hơn Jerusalem.

Dãy Núi Do Thái (Judean Mountains) này chạy từ Bắc xuống Nam và chia làm 2 miền khác biệt: Israel ở phía Tây cạnh Ðịa Trung Hải tương đối màu mỡ vì có mưa, còn West Bank thuộc Palestine nằm phía Ðông toàn là núi non và sa mạc.

 Dân số năm 2007 là 25,266 người đa số là người Palestine theo Hồi Giáo, cũng có một số người Ả Rập theo Thiên Chúa Giáo.

Nổi tiếng nhất ở Bethlehem là nhà thờ Chúa Giáng Sinh (Church of the Navity) được xây vào thế kỷ thứ 6 tại địa điểm Chúa Jesus sinh ra. Hàng năm trong dịp lễ Giáng Sinh, khách hành hương đến đây rất đông để chiêm bái và ngành du lịch là nguồn lợi kinh tế chính của thành phố cũng như của quốc gia Palestine.

Thành phố có tất cả hơn 30 khách sạn và hàng trăm cửa hàng bán các sản phẩm thủ công như tranh tượng tôn giáo điêu khắc bằng gỗ cây Olive.

Trung tâm là khu phố cổ đường xá quanh co nhỏ hẹp hiện là khu chợ Bazaar là nơi du khách mua sắm và ăn uống. Nhà thờ Chúa Giáng Sinh nằm về hướng Tây Bắc của phố cổ do Chính Thống giáo cai quản.

 Ở Bethlehem Do Thái Giáo có một di tích quan trọng được nhắc trong thánh kinh Hebrew là Mộ Rachel (Rachel's Tomb) tọa lạc nơi cổng Bắc đường vào thành phố. Rachel là vợ của thánh Jacob cùng với chồng hành trình từ Shechem đi Hebron, khi ngang qua Bethlehem bà đã chết khi sinh con trai và được chôn tại đây. Người Do Thái xem nhà mộ của bà là một thánh tích linh thiêng nên mặc dù nằm trong địa phận West Bank, Israel cũng rào lại và kiểm soát nhà mộ này.

Trong thành phố còn có đền thờ Hồi Giáo, lớn nhất là đền Mosque of Omar được xây từ năm 1860 dưới thời Ottoman.

Về lịch sử Bethlehem, theo thánh kinh Hebrew chữ “Beit Lehem” có nghĩa “house of bread” (nhà chứa bánh mì) là quê hương sinh quán của Vua David (sinh ra năm 1040 TCN) là vua thứ hai của vương quốc Israel thống nhất, là tổ phụ của dân tộc Do Thái và của cả Chúa Jesus nên Bethlehem còn được gọi là thành của Vua David.

 Năm 132 đến 135 SCN Bethlehem bị người La Mã chiếm đóng và dân Do Thái bị đuổi ra khỏi thành phố. Năm 529 người Samaritans cướp phá thành phố, đốt phá các nhà thờ nhưng sau đó Hoàng Ðế Byzantine là Justinian I cho xây lại. Bethlehem sau đó bị nước Ả Rập chiếm đóng vào năm 63 nhưng họ vẫn để nguyên vẹn các đền thờ thuộc các tôn giáo khác mà không phá hủy.

Năm 1099 quân Thập Tự Giá (Crusaders) chiếm thành phố và xây thêm thành lũy vững chắc, họ thay thế các chức giám mục Chính Thống Hy Lạp bằng Công Giáo La Tinh. Sau đó thành phố lại bị người Ai Cập và Syria chiếm đóng và cuối cùng là đế quốc Ottoman theo Hồi Giáo cai trị.

Ðoàn hành hương trong hang động ở Cánh Ðồng Thiên Thần.

 Kết thúc Ðệ Nhất Thế Chiến, Ottoman tan rã, Anh Quốc thay thế giành quyền kiểm soát thành phố kể cả vào năm 1947 Bethlehem trở thành “khu vực quốc tế” trong kế hoạch của Liên Hiệp Quốc muốn giao đất này cho người Palestine cai trị.

Trong chiến tranh Ả Rập và Israel năm 1948 nước Jordan giành Bethlehem vào lãnh thổ của mình. Năm 1967 trong cuộc chiến Sáu Ngày quân Israel chiếm đóng Bethlehem cũng như toàn lãnh thổ West Bank.

 Hiệp Ước 1995 đặt Bethlehem dưới sự cai trị của chính quyền Palestine và thành phố được điều hành bởi một hội đồng thành phố thuộc nhiều đảng phái do dân chúng bầu lên trong đó có người thuộc Fatah ôn hòa lẫn phe Hamas cực đoan.

Israel cho xây tường cao ở phía Bắc thành phố để cô lập Bethlehem về chính trị, xã hội và kinh tế, mọi sự ra vào thành phố Bethlehem cũng như toàn vùng West Bank đều do Israel chủ động.

 Mức độ cho phép ra vào nhiều ít tùy thuộc vào tình hình an ninh, người Palestine ở Bethlehem từ West Bank vào Jerusalem phải có giấy phép của chính quyền Israel.

 Giấy thông hành còn khó khăn hơn từ khi xảy ra cuộc bạo động Intifada vào năm 2002, lúc đó khoảng 200 dân quân Palestine chiếm nhà thờ Chúa Giáng Sinh và bắt các tu sĩ giữ nhà thờ làm con tin trong 39 ngày. Quân đội Israel vào giải cứu khiến 9 dân quân Palestine và người giật chuông thiệt mạng.

 Người Palestine cũng không được vào Nhà Mồ Rachel bên ngoài thành phố nếu không có giấy phép còn dân quốc tịch Israel thì tự do di chuyển đi đâu cũng được.

Cánh đồng Thiên Thần

Chàng hướng dẫn viên Palestine đưa chúng tôi đến một vùng nhiều hang động ở làng Bayt Sahur cách Bethlehem 2 km về hướng Ðông và anh ta cho biết đây là hang mà các mục đồng thời Chúa Jesus sinh ra đem các đàn dê cừu vào trú ngụ ban đêm để tránh mưa gió lạnh lẽo.

Cũng tại nơi đây thiên thần đã báo các mục đồng rằng “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại. Hôm nay một Ðấng Cứu Ðộ đã được sinh ra trong thành Vua Ða-vít, Người là đấng Ðức Chúa Ki-tô. Anh em sẽ gặp một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ”. Trong hang đá có một nguyện đường nhỏ với bàn thờ khách hành hương có thể đến dâng thánh lễ.

Trước Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giáng Sinh.

 Nhà thờ Chúa Giáng Sinh

Thánh kinh Tân Ước của Thánh Matthew viết rằng: Cha mẹ của Jesus sống ở Nazareth nhưng về Bethlehem để khai kiểm tra dân số vì thuộc dòng họ Vua David.

 Khi hai người đang ở đó thì bà Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa, vì không tìm được chỗ trong nhà trọ nên bà sinh con trai đầu lòng và đặt nằm trong máng cỏ. Chúa Jesus đã được sinh ra trước khi gia đình trở về Nazareth.

Chúng tôi tới nhà thờ Chúa Giáng Sinh (Church of the Navity) là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất được xây ngay trên hang đá từ xưa nay được đánh dấu là nơi Chúa sinh ra ở ngay trung tâm Bethlehem. Lịch sử nhà thờ được ghi lại như sau:

Năm 326: Nhà thờ đầu tiên được xây dưới thời Byzantine cai trị do Hoàng Hậu Helena (mẹ của Vua Constantine I) ra lịnh xây cất khi bà đến thăm Bethlehem và hoàn tất năm 333. Sau đó bị giặc người Samaritans đốt cháy năm 529. Chính hoàng hậu mộ đạo này (sau thành nữ thánh Helena) cũng đã xây nhiều nhà thờ khác trong đó có nhà thờ Mộ Chúa (Gongotha) ở Jerusalem.

Năm 565: Nhà thờ được sớm xây lại do lịnh của Vua Justinian I. Nhà thờ có bình đồ (floor plan) theo hình Thánh Giá, chiều dài 54 mét, rộng 26 mét. Có 4 hàng cột đá uy nghiêm cao 6 mét. Nhà thờ hiện nay được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Ðường còn tồn tại sau khi trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh tàn phá.

Năm 614: Ðạo binh Hồi Giáo Persians dưới sự chỉ huy của Chosroes II xâm chiếm vùng này và họ tàn phá thiêu rụi hầu hết các nhà thờ Do Thái cũng như Thiên Chúa Giáo nhưng họ đã không phá hủy nhà thờ Giáng Sinh. Theo truyền thuyết khi Tướng Shahrbaraz chỉ huy đoàn quân Ả Rập Persians đến đây vào bên trong nhà thờ thấy hình Ba Vua Phương Ðông đến thăm Chúa Hài Ðồng nằm trong máng cỏ, Ba Vua đã mặc y phục giống như người Persians nên họ cho rằng tổ tiên của họ đã đến đây trước nên không đốt phá nhà thờ.


Cửa duy nhất thật hẹp để ra vào thánh đường Chúa Giáng Sinh.
 
Năm 1095 đến 1291: Thời kỳ đạo binh Thánh Giá (Crusaders) nhà thờ được tu sửa nới rộng nhiều lần.

Những thế kỷ sau nhiều thế lực tranh giành chủ quyền nhà thờ. Hai tôn giáo là Chính Thống và Công Giáo La Mã do các thầy dòng Franciscan là hai thế lực lớn nhất tranh chấp cai quản nhà thờ.

Năm 1757: Nhà thờ từ các thầy dòng Franciscan rơi vào tay Chính Thống Giáo cho đến ngày nay.

Ðến khu quảng trường trước nhà thờ điều ngạc nhiên là phía bên ngoài nhà thờ giống như một bức tường thành bằng đá trắng không cùng màu chứ không giống như nhà thờ thường thấy với tháp chuông hay vòm mái bán cầu.

Ðiều ngạc nhiên thứ hai là một vương cung thánh đường lớn nhưng cửa vào rất nhỏ hẹp, phải cúi mình khom lưng mới vào được. Xưa kia có 3 cửa chính nhưng 2 cửa đã bị xây tường bít kín. Cửa còn lại theo dấu các tảng đá nhìn thấy, ngày xưa cao chừng 3 mét nay chỉ còn 1 mét 2.

Có hai truyền thuyết về sự thay đổi này: một là tránh không cho quân lính cưỡi ngựa vào, hai là để ai muốn vào phải cúi mình xuống cung kính. Chắc giả thuyết thứ nhất đúng hơn vì trải qua biết bao biến cố thăng trầm với nhiều thế lực tấn công đốt phá, nhà thờ vẫn còn tồn tại có thể nhờ tường cao, cổng kín khi đóng lại địch quân khó lọt được bên trong và cánh cửa nhỏ hẹp giữ nguyên cho đến bây giờ.

Bước vào bên trong, nhà thờ cũng rất lớn: Trần cao, hai bên là bốn hàng cột tròn bằng đá chạy dài cho tới cung thánh là bàn thờ chính ở cuối nhà thờ. Bàn thờ chính chỉ có một cây Thánh Giá với nhiều giàn đèn treo từ trên trần thả xuống theo cách trang trí của Chính Thống Giáo.

Trong gian sảnh chính của nhà thờ, ở nền nhà để lộ ra một khoảng trống cho thấy nền nhà thờ hiện tại nằm cao hơn nền nhà thờ cũ gần một mét. Nền nhà thờ cũ (do Hoàng Hậu Helena xây năm 326) phía dưới được cẩn bằng đá màu mosaic tuy gần 2,000 năm nhưng màu sắc còn rực rỡ tươi sáng.

 Ðiều lạ là nền nhà thờ cũ rộng lớn như vậy mà người ta chỉ mới phát hiện năm 1934? Lý do nào khi xây lại nhà thờ năm 565 người ta không xây trên nền cũ mà lại xây nền mới ở bên trên?

Giả thuyết thứ nhất cho là để tạo gian khoảng trống gọi là “crypt” dưới nhà thờ để âm thanh thuyết giảng lớn và ấm hơn. Giả thuyết thứ hai cho rằng nền cũ bằng mosaic có nhiều hình Thánh Giá người ta không muốn giẫm đi lên trên đó? Cũng giả thuyết thứ nhất có vẻ hợp lý hơn.

Ngôi sao 14 cánh đánh dấu nơi Chúa Giáng Sinh. 

Trong cung thánh giữa nhà thờ, ngay dưới bàn thờ chính nằm sâu trong lòng đất là hang đá nơi Chúa Jesus sinh ra gọi là Grotto. Có hai con đường từ trên nền nhà thờ dẫn xuống Grotto.

Tại nơi Chúa sinh ra trên nền đá cẩm thạch được đánh dấu bằng một ngôi sao bạc 14 cánh.

 Con số 14 theo sách Phúc Âm như Thánh Matthew diễn tả: “Từ tổ phụ Abraham đến Vua David là 14 đời, từ Vua David đến thời lưu đày ở Babylon là 14 đời, và từ thời lưu đày ở Babylon đến Ðức Kitô cũng là 14 đời” (Matthew 1:17). Trên ngôi sao là hàng chữ khắc bằng tiếng Latinh ý nghĩa là “Nơi này Ðức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu Kitô”. Hang đá Chúa sinh ra dài chừng 12 mét và rộng khoảng 3 mét.

Bên cạnh Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giáng Sinh là nhà thờ thánh St. Catherine (tiếng Việt âm là Catarina) do các thầy Franciscan trông coi. Nhà thờ xây năm 1882 theo kiểu Gothic để thay thế nhà thờ nhỏ. Ðêm Giáng Sinh đạo Công Giáo sẽ cử hành thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ này.

Dưới lòng đất còn những nhà nguyện khác như nguyện đường Thánh Giuse, ghi nhận việc sứ thần báo mộng cho ông đem hài nhì Giêsu trốn qua Ai Cập để tránh cuộc tàn sát các hài nhi theo lịnh của Vua Herod vì khi Ba Vua theo hướng sao lạ tìm viếng Chúa mới sinh, tìm không gặp ghé hỏi thăm Herod. Ông này mới biết Chúa đã sinh ra và dặn Ba Vua khi nào tìm được ghé lại cho hay để vua đi thăm.

Sau khi gặp Chúa Ba Vua đã tìm đường khác trở về nước. Một nguyện đường khác kính các thánh Anh Hài là những trẻ em nạn nhân của Herod. Một bàn thờ kính Thánh Jerome vì năm 388 Thánh Jerome trở lại Bethlehem sống suốt quãng đời 32 năm khổ hạnh để dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Latinh và chết trong hang đá bên cạnh hang Chúa Giáng Sinh.

Vương Cung Thánh Ðường Chúa Giáng Sinh được cai quản bởi Chính Thống Hy Lạp, Công Giáo La Mã và đạo Armenian Apostolic (một nhánh Thiên Chúa Giáo cổ xưa). Thánh đường hiện tại vì quá lâu đời nên xuống cấp trầm trọng, giàn gỗ rui mè kèo cột đều bị mục nát, các bức tranh đá ghép mosaic trên tường từ thế kỷ 12 bị hư hại vì mưa dột.

Nếu một trận động đất mạnh như năm 1834 chắc là nhà thờ sẽ sụp đổ. Ba tôn giáo cai quản nhà thờ, nhà nước Israel và Palestine nên cộng tác với nhau để tu sửa. Nếu mải tranh chấp như hiện nay, di tích tôn giáo cổ xưa 15 thế kỷ sẽ không còn nữa!

Bên ngoài trời vẫn mưa nặng hạt là một hiện tượng hiếm hoi ở vùng sa mạc Trung Ðông này, tình cờ tương hợp với câu thánh ca: “Trời cao hãy đổ mưa xuống, mưa Ðấng Nhân Lành”.

Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã phát hành 6 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung Quốc”, “Mùa Thu Ðông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính” và “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada”. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):

Trinh Hao Tam
3683 Hawks Drive
Brea CA 92823
Ðiện thoại 714-528-1413
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it