Núi Tabor và sông Jordan ở Israel |
Tác Giả: Bài: Trịnh Hảo Tâm /Ảnh: Phùng Khải Tuấn | |||
Thứ Bảy, 17 Tháng 7 Năm 2010 14:48 | |||
Núi Tabor tọa lạc ở vùng Galilee Hạ trong thung lũng xanh tươi nhiều vườn rau cải... Giã từ Nhà Thờ Tiệc Cưới ở làng Cana là nơi Chúa làm phép lạ đầu tiên trong đời biến nước lã trở thành rượu đãi khách trong tiệc cưới, chúng tôi đi ăn trưa và sau đó lên xe để đến núi Tabor viếng Nhà Thờ Chúa Biến Hình (Church of the Transfiguration) xây trên đỉnh núi. Sau đó đến sông Jordan là nơi ngày xưa Chúa Giêsu được ông Thánh Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa Tội cho Người. Núi Tabor tọa lạc ở vùng Galilee Hạ trong thung lũng xanh tươi nhiều vườn rau cải và cách biển Galilee (Galilê) 11miles (17 km) về hướng Tây thuộc quốc gia Israel. Trên ngọn núi này người Thiên Chúa giáo tin rằng là nơi Chúa Biến Hình, theo Tin Mừng Thánh Luca đã thuật lại là Ðức Giêsu lên núi cầu nguyện và đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ðang lúc Người cầu nguyện dung mạo Người đổi khác, y phục trở nên trắng tinh chói lòa và có hai nhân vật đàm đạo với Người là ông Môsê và ông Êlia. Dưới chân núi Tabor có hai làng dân Ả Rập là Shibli-Umm al-Ghanam ở hướng Ðông và Daburiyya ở hướng Tây cũng như một cộng đồng nhỏ người Do Thái mang tên Kfar Tavor. Núi Tabor cao 1,886 ft (575 m) là ngọn núi cổ do sự chuyển dịch các địa tầng tạo thành chứ không do núi lửa phun. Xe chúng tôi men theo độc đạo quanh co như thân rắn để lên núi. Hai bên đường lên là cây cối xanh tươi, có những nơi nhìn xuống các làng và biển Galilee xanh biếc phía dưới rất đẹp. Trên đỉnh núi là Nhà Thờ Chúa Biến Hình nằm giữa những cây thông già chen lẫn những ngọn tùng Cypress êm đềm thanh tịnh. Nhà Thờ Chúa Biến Hình với 3 ngọn tháp đá trắng được xây từ năm 1919 đến 1924 do kiến trúc sư Antonio Barluzzi thực hiện và tu sĩ dòng Francisco quản lý. Nhà thờ được xây trên nền cũ điêu tàn của ngôi nhà thờ Byzantine có từ thế kỷ 5 hoặc 6 và nhà thờ của quân Thập Tự có từ thế kỷ 12. Bên cạnh nhà thờ là dòng tu của thầy thuộc dòng Francisco được thành lập từ năm 1873. Nhà thờ có hai tháp chuông hai bên, phía dưới là hai nhà nguyện, nhà nguyện phía Bắc để kính Thánh Môsê (Moses) có hình ảnh ông cầm Bảng Ðá Mười Ðiều Răn sau khi thỉnh trên núi Sinai. Nhà nguyện phía Nam kính thánh tiên tri Êlia (Elijah) với tranh ảnh ông khi gặp các vị tiên tri khác. Phía trên bàn thờ chính cuối nhà thờ là bức tranh Mosaic lớn diễn tả cảnh Chúa Biến Hình. Ðoàn hành hương trước Nhà Thờ Chúa Biến Hình trên núi Tabor. Phía Bắc Nhà Thờ Chúa Biến Hình có nhà thờ Chính Thống Giáo với tháp chuông hình vuông. Nhà thờ này được xây năm 1862 với tiền bạc từ nước Romania để kính Thánh tiên tri Êlia. Phía Bắc nhà thờ Chính Thống là một hang đá theo truyền thống Ky Tô Giáo là nơi ông Abraham gặp vua Salem và hang đá được khách hành hương đến viếng rất đông vào thời Trung Cổ. Hiện vì người hành hương gia tăng nên nhà thờ Chính Thống Giáo mở cửa cho mọi người bất kỳ tôn giáo nào đến viếng vào những giờ thường lệ. Núi Tabor qua các thời đại Núi Tabor từ ngàn năm trước là địa điểm chiến lược quan trọng vì nằm ngay giữa các giao lộ lên phía Bắc sang nước Damascus vì vậy nên vùng núi Tabor từng diễn ra những trận chiến ác liệt. Thời kỳ Ngôi Ðền Do Thái Thứ Hai, Alexander của nước Do Thái dẫn 31,000 quân kháng chiến để chống lại Aulus Gabinius là tướng nước Syria nhưng theo quân La Mã. Trong trận này 10,000 quân người Do Thái bị giết riêng Alexander bị bắt và bị xử tử. Năm 66 SCN người Do Thái dùng núi Tabor làm căn cứ kháng chiến chống lại quân La Mã trong cuộc chiến Do Thái-La Mã lần thứ nhất dưới quyền chỉ huy của Josephus Flavius. Hoàng đế La Mã là Vespasian gởi một đoàn binh mã gồm 600 người dưới sự chỉ huy của Platsidus để dẹp tan nhóm kháng chiến Do Thái đóng trên núi. Platsidus biết rằng không thể lên ngọn núi dốc cao với một lực lượng như vậy nên ông ta kêu gọi kháng chiến quân trú trên núi xuống thương lượng. Khi họ xuống thay vì đàm phán với Platsidus, họ lại tấn công tướng La Mã này. Ðể trả thù quân La Mã đang nghỉ quân ở làng trong thung lũng, quay trở lại núi phục kích quân Do Thái, giết nhiều người và chận đường nhóm còn lại đang tìm cách trở lên ngọn núi. Nhiều quân Do Thái phải bỏ núi Tabor trở về Jerusalem ẩn náu. Kháng chiến quân còn lại trên núi sau một thời gian hết nước uống phải đầu hàng.
Thời Byzantine cai trị, vốn theo Ky Tô Giáo nên họ xây nhà thờ trên núi và tín đồ hành hương đổ về chiêm bái rất đông. Theo mô tả trong tài liệu của người hành hương, vào thế kỷ thứ 6 trên đỉnh núi có 3 nhà thờ và thế kỷ thứ 8 có đến 4 nhà thờ và một tu viện. Vào thời kỳ Ả Rập cai trị, năm 947 một trận đánh diễn ra ở núi Tabor giữa những nhóm khác nhau đang chiếm đóng vùng đất này. Ðến thờ quân Thập Tự Chinh, ngọn núi đổi chủ sang tay nhiều lần giữa người Hồi và người Thiên Chúa Giáo. Năm 1099 quân Thập Tự phải xây thành trì trên núi để bảo vệ các nhà thờ và khách hành hương. Ðến năm 1263 người Hồi chiếm thành trì trên núi và thiêu rụi tất cả nhà thờ và tu viện. Năm 1799 Napoléon Bonaparte chiếm vùng này và vùng thung lũng dưới ngọn núi là bãi chiến trường giữa quân Pháp chỉ có 3,000 quân dưới quyền chỉ huy của Napoléon và Ðại Tướng Jean Baptiste Kléber giao tranh với quân Mamluk đông đến 20,000 người. Chúng tôi xuống núi cũng bằng con đường quanh co lúc nãy lên núi, con đường hẹp nhiều khi phải tránh xe ngược chiều nhưng tài xế xe buýt cũng rất thiện nghệ vì thường xuyên lái trên con đường “sạn đạo” này. Tài xế dừng lại ở địa điểm lưng chừng nhìn thấy được các ngôi làng phía dưới để chúng tôi ngắm cảnh chụp hình. Trời đã hết mưa, ánh nắng mùa Xuân rực rỡ chiếu trên các cánh đồng xanh tươi mới gieo hạt lúa mì và ngôi làng chi chít những ngôi nhà màu trắng. Gọi là làng người Ả Rập nhưng nhà cửa ở đây cũng rất khang trang vì thuộc nước Israel chứ không phải Palestine, nhiều nhà lầu với các dĩa để nhận sóng truyền hình từ các vệ tinh. Xa xa nhìn thấy biển Galilee nước xanh biếc mờ khuất sau những đám mây mưa vừa đen vừa trắng trôi nổi dưới chân trời. Cảnh miền Galilee nhìn từ lưng chừng giữa núi rất đẹp và rất trữ tình. Núi Tabor vừa là một danh thắng, một chứng tích lịch sử vừa linh thiêng huyền bí. Lên đến đây lòng người dường như dậy lên một nguồn vui tươi rộn rã, nhìn thấy mọi người ai cũng đẹp, quần áo ai cũng tha thướt, lượt là, phất phơ trong gió, “áo em trắng quá nhìn không ra” huống hồ là Chúa Giêsu đang quỳ cầu nguyện, phong cách thánh nhân và thánh kinh mô tả “dung mạo Người đổi khác, y phục trở nên trắng tinh, chói lòa” cũng là một điều dễ hiểu. Khúc sông Jordan nơi Chúa được thánh Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa. Chúng tôi xuống núi, ngang qua làng Ả Rập, đường sá tráng nhựa sạch sẽ, các cửa hàng tạp hóa, bán đồ lưu niệm như tượng ảnh Chúa tạc bằng gỗ Olive, rượu vang, rượu trái cây bày biện rất vui mắt. Và xe chúng tôi trực chỉ hướng Ðông tiến về biển hồ Galilee để đến sông Jordan là nơi Chúa Jesus ngày xưa chịu phép rửa tội để trở thành một tín đồ bình thường như những tín đồ khác. Yardenit nơi làm phép rửa trên sông Jordan Yardenit tọa lạc ở phía Nam phần cuối của biển hồ Galilee tại nơi dòng nước vừa rời khỏi biển hồ đổ vào sông Jordan trên đường chảy xuống hướng Nam đem nước vào Biển Chết cách hơn 100 km. “Yardenit” có nghĩa là “Jordan nhỏ”, “Baptism” (Rửa Tội) từ chữ “Baptizo” tiếng Hy Lạp có nghĩa là “dìm xuống nước.” Rửa tội xuất xứ từ Thánh kinh Cựu Ước là nghi thức tắm rửa và cũng là phong tục của Do Thái Giáo. Yardenit là nơi mà người ta tin rằng Chúa Jesus đã được Thánh Gioan Tẩy Giả (John the Baptist) rửa tội, theo thánh kinh Tân Ước: “Hồi ấy, Ðức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con.’ (Mark 1, 9-11)” Sau khi vào cánh cổng nơi bức tường đá có gắn bảng “Yardenit,” chúng tôi đi bộ vào một vùng nhiều cây khuynh diệp và gặp một khúc sông hẹp, mặt nước màu xanh yên tịnh như mặt hồ. Bên bờ sông có nhiều bậc thang xi măng dẫn xuống nước và rất đông tín đồ mặc áo choàng dài màu trắng ngâm mình dưới làn nước, bên cạnh là mục sư làm phép rửa và người khác có lẽ là cha hoặc mẹ phần hồn (đỡ đầu) của người chịu phép rửa. Theo Thiên Chúa Giáo mỗi người khi sinh ra đời dù chưa biết gì cũng đã mang tội tổ tông là tội do ông Adam và bà Eva phạm khi cãi lời ăn trái mà Chúa Trời đã cấm không được ăn. Phép rửa tội nhằm rửa, xóa sạch tội tổ tông và cũng là phép chấp nhận người đó trở thành tín đồ của Thiên Chúa Giáo. Những người có mặt tại địa điểm rửa tội hôm nay gồm đủ mọi quốc tịch như người Âu hoặc Mỹ Châu da trắng, người Trung Ðông da ngăm và một nhóm người Ðại Hàn. Người chịu phép rửa hụp đầu xuống nước trong vài giây, khi ngoi lên có người sung sướng tươi cười, có người xúc động khóc hòa lên. Người ta ca hát những bài Thánh ca, có nhóm đang nghe mục sư hướng dẫn cầu nguyện thông công cùng Thiên Chúa bằng đủ ngôn ngữ, thứ tiếng khác nhau. Tín đồ đang làm Phép Rửa ở Yardenit trên sông Jordan. Trên bờ cạnh những cây khuynh diệp, cây olive là những căn nhà bán Kinh Thánh, ảnh tượng, Thánh giá, nước lấy từ sông Jordan đựng trong những chai, những lọ kiểu dáng khác nhau. Có những chai nhựa trong để cho mọi người múc nước trên khúc sông đem về. Những chiếc áo choàng trắng được thuê từ nơi đây với lệ phí tùy hỷ người mướn muốn cho bao nhiêu cũng được. Bên cạnh có nhà thay quần áo và quán ăn uống. Không khí nơi khúc sông phép rửa này vừa ồn ào, nhộn nhịp vừa trang nghiêm, thành kính, linh thiêng. Theo cơ quan vệ sinh y tế Israel thì nước sông nơi đây tuy có màu xanh lá cây nhưng đủ sạch để ngụp đầu, nước cũng không khác nước trong biển hồ Galilee. Khúc sông này người ta cấm chèo thuyền, bơi lội, câu cá và cắm trại. Phía trên bờ nơi những bức tường có những bảng trích Thánh Kinh về Chúa chịu phép rửa được viết bằng nhiều thứ tiếng, trong đó thấy có hai bảng bằng tiếng Việt Nam ghi năm 2007 và 2009 với tên những người dâng tặng từ mục sư đạo Tin Lành đến linh mục Công Giáo ở họ đạo Việt Nam tại Washington D.C. Chúng tôi lên đường trở về Nazareth để nghỉ đêm thứ nhì trong tu viện Dòng Tiểu Muội (Little Sisters of Jesus) của các bà sơ người Pháp, trong đó có một sơ người Việt là sơ Têrêsa Quý, bà đã và đang sống ở Nazareth suốt cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa và người nghèo khổ.
|