Biến Cố Đấu Tranh Địch Vận Tại Bần Yên Nhân |
Tác Giả: Đỗ Ngọc Nhận | |||
Thứ Hai, 04 Tháng 1 Năm 2010 13:36 | |||
Sau Hiệp Định Genève 21-07-1954, Tiểu đoàn 26 bộ binh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (QĐQGVN) do tôi chỉ huy nhận được lệnh phá huỷ tuyến phòng thủ khu vực núí Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt để di chuyển về hải cảng Hải Phòng, điểm tập trung của đơn vị trước khi di tản bằng đường thủy vào Miền Nam Việt Nam (MNVN). Tuyến phòng thủ mà Tiểu đoàn chúng tôi trấn giữ từ hơn một năm qua là một phần của Vòng Đai De Lattre de Tassigny nằm trong phạm vi Tiểu Khu Chiến Sơn Tây, gồm nhiều cứ điểm xây bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố, có nhiệm vụ ngăn chặn các đại đơn vị chính quy cộng sản từ các chiến khu Việt Bắc xâm nhập vào miền Trung Châu Bắc Việt. Có lẽ tiểu đoàn 26 BB được đánh giá cao về khả năng chỉ huy lãnh đạo, khả năng tác chiến, khả năng tinh thần cũng như khả năng quân số, cho nên đã nhận được lệnh chuẩn bị thực tập nhảy dù để tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ trước khi căn cứ này bị cộng sản tràn ngập vào ngày 8-05-1954. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thời điểm 1954, QĐQGVN đang trong thời kỳ thành lập, tổ chức đơn vị tác chiến cao nhất là tiểu đoàn bộ binh biệt lập. Theo sự thỏa thuận giữa chính phủ VN và chính phủ Pháp lúc bấy giờ thì các đơn vị QĐQGVN do Bộ Tư Lệnh Quân Đội Viễn Chinh Pháp chỉ huy về mặt tác chiến, các Quân Khu của QĐQGVN trách nhiệm về mặt quản trị nhân viên, hành chánh, tiếp vận và huấn luyện. Hoạt động địch vận của Việt Minh Cộng Sản Nhưng trước khi đến điểm hẹn, đơn vị phải dừng quân chờ đợi khoảng một tuần lễ tại làng Bần Yên Nhân nằm trên quốc lộ số 5 khoảng giữa Hà Nội - Hải Phòng. Tình hình tại miền Bắc sau hiệp định ngưng bắn Genève khá phức tạp. Mặc dầu quốc lộ 5 nằm trong hành lang dự liệu trong bản HĐ để Pháp rút quân trong vòng 3 tháng và do quân đội Pháp bảo đảm an ninh, nhưng hầu hết các làng mạc dọc theo quốc lộ trương cờ đỏ sao vàng như là CS đã tiếp thu. Xen kẽ đó đây trên quốc lộ, những toán VC gồm cả đàn bà con nít công khai giương cờ, phóng loa tuyên truyền thắng lợi Điện Biên, thắng lợi dành được độc lập trong tay thực dân Pháp. Có cơ hội, chúng còn bắt cóc những binh sĩ quốc gia di chuyển lẻ tẻ. Nhiều xe cộ đủ loại lớn nhỏ, 4 bánh, 3 bánh 2 bánh, quân sự, dân sự vội vã lăn bánh trên con đường tráng nhựa không đủ rộng, nhiều đoàn người lũ lượt gồng gánh hấp tấp như ma đuổi, phần đông đi về hướng Hải Phòng không phải Hà nội. Dân chúng ai nấy nét mặt đăm chiêu, hoảng hốt, sợ sệt, có lẽ cùng chung cảnh ngộ tìm đường di cư lánh nạn CS. Đây là thời điểm khởi đầu phong trào di cư của hơn một triệu người dân VN từ miền Bắc vào MNVN, gồm mọi thành phần xã hội: trí thức, tiểu tư sản, nông dân, công nhân, sống tại nông thôn cũng như thành thị. Nhân dân miền Bắc VN vừa sống qua những đợt đấu tố cải cách ruộng đất (1952-1953) kinh hoàng ngập máu và nước mắt do Việt Minh và cố vấn Tàu Cộng thực hiện. Chúng đã lộ nguyên hình là tập đoàn vô sản chuyên chính phi dân tộc, tay sai của quốc tế CS, chủ trương đấu tranh tiêu diệt các giai cấp khác trong xã hội, đeo đuổi lộ trình vô sản hoá và nô lệ hoá nhân dân, đưa nhân dân vào guồng máy cai trị độc tài sắt thép của nhà nước và của đảng. Một ngày đầu tháng 8-1954, đoàn xe của tiểu đoàn giống như con trăn khổng lồ chuyển bánh từ Sơn Tây trực chỉ quốc lộ 5, đến Bần Yên Nhân khoảng 4 giờ chiều dưới ánh nắng gay gắt mùa hè oi bức. Chúng tôi tạm đậu bên lề đường gần khu chợ để chờ lệnh. Toán thám sát được phái đi trước trở về báo cáo rằng tại đình làng, địa điểm mà Ban Chỉ Huy tiểu đoàn dự định đặt bản doanh có treo cờ đỏ sao vàng với một số VC hiện diện. Lượng định rằng VC phải tôn trọng lệnh ngừng bắn, tôi ra lệnh đại đội 1 trong tư thế tác chiến cùng với ban tham mưu tiểu đoàn tiến vào đình làng. Viện lý do nhận lệnh tạm chiếm để giữ an ninh bảo vệ hành lang rút quân theo tinh thần bản HĐ ngưng bắn, chúng tôi yêu cầu cán bộ VC phải tức khắc nhường chỗ. Lời qua tiếng lại có khi găng tưởng chừng phải dùng đến võ lực, nhưng cuối cùng CS nhượng bộ. Cờ đỏ sao vàng được cán bộ CS kéo xuống. Lập tức, chúng tôi thay thế bằng lá cờ quốc gia nền vàng 3 sọc đỏ. Ban chỉ huy tiểu đoàn và đại đội chỉ huy đóng quân tại đây như dự tính, các đại đội trực thuộc tập trung tại sân một ngôi chùa cách đó không xa. Việc đóng quân tạm tưởng chừng êm ả, bất ngờ khỏang 9 giờ tối, chúng tôi nghe nhiều âm thanh khác lạ xuất phát từ trong làng với tiếng trống thúc liên hồi, tiếng phèng la chói tai nhức óc, tiếng loa phóng thanh oang oang kêu gọi dân làng mít tinh phản đối quân “ngụy”. Tiếp đến là những đoàn người gồm nhiều đàn bà lớn tuổi, những thiếu nữ thanh xuân và trẻ con choai choai dưới ánh đuốc chập chờn đến tiếp cận với các đơn vị, đòi trả chồng con (?) về xum họp với gia đình. “Đất nước đã hoà bình độc lập”, họ gào thét. Đám đông đặc biệt nhắm vào đối tượng khoảng 50 lao công mà tiểu đoàn được cung cấp để mang vật liệu đạn dược khi hành quân. Cảnh giành giật diễn ra bất ngờ và có lúc trở nên hung hãn, nhất là khi các bà vợ binh sĩ lo bảo vệ chồng con của mình. Chúng tôi phải cấp tốc đưa các lao công đến chỗ an toàn, động viên tinh thần họ và hứa sẽ trả tự do cho họ khi tiểu đoàn đến Hải Phòng. Một số hạ sĩ quan có sáng kiến mặc y phục lao công ra tranh luận với đám đông vạch trần âm mưu nhận chồng gian dối v.v. Cuối cùng về khuya đám người mít tinh cũng giải tán, nhưng một số binh sĩ độc thân đã không thể kiềm chế sự cám dỗ nên đi theo các cô gái giạn dĩ mời gọi. Sau đó, hầu như suốt đêm, VC phát loa tuyên truyền kêu gọi các binh sĩ rời bỏ hàng ngũ đơn vị… Hoạt động địch vận của VC tiếp diễn liên tục những ngày kế tiếp dưới nhiều dạng thức khác nhau. Hậu quả thật tai hại. Tôi thường hãnh diện được chỉ huy một đơn vị có tinh thần kỷ luật cao, chiến đấu dũng cảm, trên dưới thương mến nhau, một lòng phục vụ. Tiếc thay chỉ ít ngày tạm trú tại Bần Yên Nhân sau đình chiến, tiểu đoàn đã mất đi khoảng 1/4 hạ sĩ quan và binh sĩ, hoặc đào ngũ theo lời dụ dỗ địch vận của VC hoặc tự rời bỏ quân ngũ trở về sinh sống với gia đình. Thế là khả năng chiến đấu của đon vị giảm sút thê thảm. Cái đau là ở chỗ địch đã xử dụng dân chúng như một loại vũ khí đấu tranh tuy rẻ tiền nhưng lại rất hiệu nghiệm, bởi đúng vào lúc mà đơn vị đang bị giao động mãnh liệt do HĐ đình chiến tác động. Nhất thời tôi hoàn toàn ở vào thế bị động đối với loại vũ khí này. Biến cố đấu tranh địch vận trên cùng với hoạt cảnh ngưởi di cư lánh nạn CS cho thấy, ngay từ cuộc Chiến Tranh VN lần thứ nhất (1946-1954) giữa Pháp và Việt Minh cách đây trên nửa thế kỷ, cuộc chiến mà CS gọi là Chiến Tranh Nhân Dân (CTND) đã mang nhiều hình thức và nội dung cực kỳ phức tạp ngoài khuôn khổ quy luật tác chiến quy ước mà chúng tôi dược đào tạo tại các quân trường. Các sĩ quan trong tiểu đoàn 26 BB gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng phần lớn vào lứa tuổi rất trẻ, hoặc được đào tạo tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt nếu là sĩ quan hiện dịch, hoặc trừ bị động viên xuất thân từ Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam định. Sĩ quan trong tiểu đoàn rất thân thiết nhau vì có chung một mẫu số do nguyên nhân thời cuộc đưa đẩy: chúng tôi không có sự lựa chọn nào tốt hơn là tạm thời hợp tác với Pháp chiến đấu chống CS để sống còn. Lớn lên vào thời buổi chiến tranh, những thanh niên đồng lứa tuổi như tôi rất hiếm người có thể đứng ngoài cuộc, họ buộc phải lựa chọn, hoặc theo kháng chiến Việt Minh cộng sản chống Pháp, hoặc theo quốc gia hợp tác với Pháp chống lại VM cộng sản. Tôi chọn khuynh hướng thứ hai vì đã từng bị CS bắt, gán tội tuyên truyền chống cách mạng(?) và phải trốn về vùng tề do Pháp kiểm soát sau đó. Năm 1949, QĐQGVN bước vào giai đoạn hình thành, tôi tình nguyện nhập học khoá 3 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (TVBLQĐ) để trở thành sĩ quan hiện dịch nòng cốt trong quân đội quốc gia. TVBLQĐ sau được cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia VN (TVBQGVN), là một học viện quân sụ đào tạo sĩ quan cán bộ danh tiếng bậc nhất tại Đông Nam Á Châu. Tốt nghiệp khóa 3 TVBLQD (khóa đầu tại Đà lạt) với cấp bậc thiếu uý hiện dịch giữa năm 1951, đúng vào thời điểm chiến cuộc bộc phát dữ dội, lại đậu cao với thứ hạng 3/135, có cơ hội chọn lựa ngành chuyên môn để yên thân, nhưng tôi lại tình nguyện về phục vụ tiểu đoàn 16 QĐQGVN đồn trú tại Bùi Chu, Trung Châu Bắc Việt. Đơn vị này gốc tự vệ công giáo, được tiếng có tinh thần chiến đấu rất cao, mỗi xứ đạo Bùi Chu là một căn cứ địa chống cộng rất phù hợp với lý tưởng chống CS của tôi. Kể từ ngày ra trường cho đến khi chiến tranh kết thúc (tháng 7-1954), tôi tham gia nhiều chiến dịch tại nhiều nơi trên đất Bắc như Bùi Chu, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Sơn Tây, Hải Phòng, giữ nhiều chức vụ chỉ huy tác chiến trong cương vị đồn trưởng, chi khu trưởng, đại đột trưởng, tiểu đoàn trưởng bộ binh tăng cường, đã một lần bị thương nặng tưởng nguy đến tính mạng. Trong khi chờ đợi tại Bần yên Nhân trước khi đi Hải Phòng, không phải bận tâm với công tác hành quân thường ngày như lúc còn chiến tranh, các sĩ quan trong tiểu đoàn có thời giờ rảnh rỗi nên thường trao đổi với nhau về kinh nghiệm chiến trường và viễn ảnh tương lai của đất nước. “Biến cố đấu tranh địch vận” mà tiểu đoàn vừa trải qua đã như một tia sáng loé lên trong đầu mỗi người chúng tôi về những hiểu biết rất nông cạn, về cái vốn rất nghèo nàn mình có đối với cuộc chiến mà chúng tôi vừa trải qua như một cơn ác mộng hãi hùng. Tại sao Quân lực Pháp thua VM cộng sản? Tại sao CS tàn ác tiêu diệt người quốc gia, triệt hạ đối lập, giết hại trí thức, đấu tố, giảm tô giảm tức, cải cách ruộng đất giết hại nông dân lại có ma lực thu hút quần chúng theo chúng đến thế? Chiến tranh quy ước và Chiến Tranh Nhân Dân khác nhau ở chỗ nào? có những ưu điểm nhược điểm gì? v.v. Với tôi, bài toán về cuộc chiến tranh chống CS từ 1954 cho đến nay vẫn chưa có đáp số thoả đáng. Chiến Tranh Nhân Dân Về đường lối chỉ đạo chiến tranh mặt quân sự, Đại Hội Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ II đầu năm 1951 đề ra chủ trương: “…Đại hội đã ra quyết nghị về quân sự tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”. Đảng chủ trương xây dựng một quân đội mạnh mẽ, chân chính với ba đặc điểm: dân tộc, nhân dân và dân chủ. Khẩn trương xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích. Phương châm tác chiến vẫn là “lấy du kích làm chính, vận động chiến là phụ, nhưng phải đẩy mạnh vận động chiến tiến lên để vận động chiến trở thành chủ yếu”. Tuy vậy, do đặc điểm chiến tranh phát triển không đều nên chỉ đạo phải dựa vào điều kiện cụ thể của mỗi chiến trường mà vận động phương châm cho thích hợp. Phải nắm vững nguyên tắc tiêu diệt chiến”. Về mối quan hệ chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương, Đai hội II nghị quyết: “Vì Đông Dương là một chiến trường và cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với cách mạng Miên, Lào nên lúc này phải tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến Miên – Lào phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng võ trang, xây căn cứ địa”. (Đường tới Điện Biên Phủ, Võ nguyên Giáp, tr. 117, 118) Bàn về chiến lược trong CTND, họ Mao rất tự hào về tác phẩm độc đáo của mình khi ông nói: “Đối phương của chúng ta không hiểu rằng trong chiến tranh chống Cộng, họ cần phải có một chiến lược, chiến thuật mới. Ỷ vào ưu thế của họ trên mọi địa hạt, họ đã khinh ta và đã cố chấp bấu víu vào những phương sách cổ hủ”.(Sách Lược Xâm Lăng của CS. Minh Võ, tr.20) Đứng trên quan điểm học thuật, trong bài viết Trước Mối Nguy Của Dân Tộc, nhà biên khảo Minh Võ định nghĩa về CTND khá chính xác như sau: “… Chúng tôi đã nhiều lần định nghĩa chiến tranh ý thức hệ CS là tòan bộ chiến, một cuộc chiến tòan cầu, tòan diện, trường kỳ. Chiến tranh nhân dân chính là hình thức điển hình nói lên đầy đủ nội dung đó. Chiến tranh nhân dân là một cuộc chiến mà tòan dân là lính, phải chịu kỷ luật nhà binh. Trong chiến tranh nhân dân mọi người dân đã là lính, thì tất cả các nhà báo, tất cả các chủ nhiệm, chủ bút và từng biên tập viên của mỗi tờ báo cũng đều là lính và chịu kỷ luật nhà binh. Dựa vào nguyên lý đó không thể nào có tự do báo chí. Khi mà đảng đã nhân danh “chính nghĩa” dân tộc kiểu Lênin, hay nhân danh Cách Mạng Vô Sản thế giới để tiến hành chiến tranh thì không ai có thể từ chối nghĩa vụ đi lính và khước từ tuân thủ kỷ luật nhà binh, kỷ luật chiến tranh. Báo chí là một vũ khí, một mặt trận, một đạo quân. Mỗi ngòi bút là một sư đòan…. Thực ra, tất cả những hình thức chiến tranh đa dạng mà CS dùng phát xuất tử khái niệm tòan bộ chiến mà Clausewitz đã chủ trương từ trước thế chiến I, rồi sau đó bị quên lãng. Nhưng Ăng Ghen là học trò của Clausewitz đã đem áp dụng trở lại và thành lò đúc “vũ khí phi vũ trang” phổ biến của CS. Theo quan niệm này thì cái gì cũng có thể là vũ khí, chỗ nào, lãnh vực nào cũng có thể là mặt trận. Chiến tranh nhân dân vì vậy cũng chỉ là một khía cạnh của Tòan Bộ Chiến”. Tác giả cuốn PAVN (Quân Đội Nhân Dân VN), ông Douglas Pike nhận xét như sau về CTND: “…Đó là một chiến lược chiến tranh chưa thấy có chiến luợc đối kháng”. Pike muốn nhấn mạnh là cả Hoa kỳ và Pháp chưa tìm ra được một chiến lược hữu hiệu chống lại chiến lược CTND của CSVN. (Viet nam at War, Phillip B. Davidson, p.798). Trong một tài liệu khác, Pike nhận định “đấu tranh” giữ một vai trò chủ yếu chiến lược trong CTND. Chiến Tranh Cách Mạng Cuộc chiến thôn tính MNVN của CSBV còn nằm trong khuôn khổ chiến tranh bành trướng ý thức hệ của phong trào cộng sản quốc tế. Trần văn Trà, một thượng tướng MTGPMN, từng là Trưởng Phái Đoàn VC trong Ban Liên Hợp Quân Sự (BLHQS) bốn bên sau Hiệp Định Ba Lê 1973, tác giả chính kế hoạch Tổng Công Kích MNVN 1975 thú nhận: “…Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta đã mang tính chất rất phức tạp cả về nội dung lẫn hình thức ngay từ đầu và qua các quá trình diễn biến của nó cho đến ngày nay. Nó không chỉ là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống xâm lược, cũng không phải là một cuộc chiến tranh có tính chất giai cấp giữa cách mạng và phản cách mạng trong nước, mà còn phức tạp hơn, là một cuộc chiến tranh thể hiện sự đấu tranh giữa hai thế lực tiến bộ và phản động trên toàn thế giới…”(Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 năm, Hồi ký Trần văn Trà, Nhóm Nghiên Cứu Việt Sử, tr. 119). Hồ chí Minh cũng đã từng tuyên bố: “Kháng chiến VN là một bộ phận của Mặt Trận Dân Chủ Nhân Dân Thế Giới do Liên Sô lãnh đạo”. - “Chiến thuật sai, chiến lược sai: chiến tranh sẽ nhanh chóng thất bại Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn trên để đánh giá cuộc chiến 1957-1975 thì quân lực Hoa kỳ rơi vào trường hợp hai, còn CSBV rơi vào trường hợp ba”. Nghị Quyết 36 Tiếng súng vừa ngưng, CS lập tức bắt bỏ tù hằng trăm ngàn quân cán chính VNCH, áp dụng chính sách kinh tế nhằm bần cùng hoá nhân dân MNVN ngang bằng với miền Bắc, loại bỏ những thành phần phản chiến kể cả các lãnh tụ hoặc tổ chức tôn giáo đồng minh giai đoạn, xoá bỏ chiêu bài MTGPMN nay trở thành vô dụng, triệt hạ những kẻ nội thù, nhưng thực chất là những đảng viên, những thành phần bất đồng chính kiến. Tuỳ thời gian và không gian, những đồng minh giai đoạn hay kẻ nội thù bị triệt hạ được CS gán tội là những “bọn phản động”, “bọn phản cách mạng”, “ thế lực thù địch”, “hoạt động diễn biến hoà bình” v.v. Quả thực, “phương tiện thực hiện cách mạng vô sản là bạo lực, dối trá, khai trừ”. (Di Sản Mác-xít tại VN, Đỗ mạnh Tri, tr. 93) Đối với đồng bào vượt biên lánh nạn CS đi tìm tự do, ban đầu CS lên án nặng nề, cho rằng đó là những bọn liếm gót giầy đế quốc, những cặn bã của xã hội, bọn nguỵ quân nguỵ quyền phản động v.v. Nhưng rồi theo thời gian, sự thành công của khối người tỵ nạn “nguỵ quân nguỵ quyền phản động” tại quốc ngoại về các mặt học vấn, kinh tế, chính trị và ngoại giao dần dần trở thành mối đe doạ chế độ nhưng đồng thời cũng là kho tàng béo bở ngoại tệ, cho nên CS quay hướng 180 độ dở trò ve vãn chiêu dụ. Bởi vậy, ngày 23-03-2003, Bộ chính trị đảng CSVN cho ra đời Nghị Quyết 36/NQ-TW (NQ36) quy định đường lối đấu tranh nhằm khống chế khối 3 triệu người Việt đang sinh sống tại nước ngoài. Không cần đếm xỉa đến quyền tự do lựa chọn và nhu cầu về tinh thần cũng như vật chất của đồng bào, CS nguỵ biện rằng tất cả mọi người VN ở nước ngoài, kể cả các thành phần tỵ nạn CS nay đã trở thành công dân quốc gia nơi họ cư trú, đều là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc. Với sự gán ghép ngang ngược một chiều như vậy, CS tự cho mình có quyền săn sóc giúp đỡ (?) kèm theo là quyền khuynh đảo, chinh phục, kiểm soát tất cả các người Việt ở hải ngoại. Đối tượng ưu tiên là chiêu dụ các thành phần có khả năng kinh tế dồi dào, có trình độ trí thức cao mang tiền của và chất xám về nước phục vụ cứu nguy cho chế độ. Đối với những thành phần bất đồng chính kiến, chúng đe doạ có biện pháp đấu tranh thích hợp (?). Nhà cầm quyền CSVN cũng dành ngân khoản khổng lồ để thực hiện những chương trình do NQ36 đề ra cho người Việt ở nước ngoài như: dậy tiếng Việt, cấp sách giáo khoa, tổ chức các trại hè cho giới trẻ, đầu tư các chương trình phát thanh, văn nghệ, truyền hình, internet, báo chí, khen thưởng v.v. Với “vũ khí chiến lược về thăm VN và gởi tiền giúp bà con bên nhà”, đồng thời lợi dụng thế đối tác quyền lợi chiến lược đối với Hoa kỳ, CSVN đang từng bước thực thi các chương trình NQ36 nhằm xâm nhập, lũng đoạn, làm soi mòn ý chí chống cộng, gây chia rẽ hàng ngũ người Việt quốc gia hải ngoại. Phản ứng của chúng ta hiện nay đối với NQ36 không đi xa hơn một số những hoạt động chống cộng tuy cần thiết, nhưng rời rạc thiếu sự thống nhất và chỉ có tác dụng chiến thuật. “Có lẽ lịch sử đau thương 30-04-1975 đang trên đà tái diễn tại cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại?” Chiến lược - Chiến thuật – Sách lược Cuộc đối thoại ngắn ngủi trên nói lên một thực trạng, quân lực hùng mạnh Hoa kỳ đã thắng lợi về chiến thuật, nhưng cuối cùng lại chiến bại trong CTVN. Nhiệm vụ của chiến lược là triệt để phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của mình, đồng thời triệt để khai thác nhược điểm và khắc phục ưu điểm của kẻ địch. Còn phạm vi và chức năng của chiến thuật là giải quyết vấn đề đấu pháp, vấn đề phương pháp hành động để đoạt thắng lợi ngoài chiến trường trong khuôn khổ đường lối chiến lược. Mặc dầu với ưu thế tuyệt đối về hoả lực, về khả năng di động, về khoa học kỹ thuật trên đất liền, trên không, trên mặt biển sông ngòi, nhưng Hoa kỳ và VNCH vẫn không chiếm được ưu thế về mặt chiến lược đương đầu với chiến lược CTCM của CS. Lý do rất dễ hiểu là do bản chất chính trị của cuộc chiến, trọng tâm guồng máy chiến tranh chủ yếu của CS không nằm ở tổ chức võ trang hay lãnh thổ, mà là ở tổ chức chính trị quần chúng. Cũng vì chiến lược của Đồng Minh không đúng, không sắc bén, không tấn công bẻ gẫy được quy luật phát triển quân sự ba thứ quân của địch, cho nên phát sinh hậu quả mâu thuẫn. Ưu thế quân sự của ta tuy mang lại nhiều thắng lợi to lớn ngoài chiến trường, nhưng chiến tranh có khi lại phát triển theo chiều hướng ngược: địch bị tổn thất nặng về quân sự, nhưng nông thôn của ta mỗi ngày thêm ung thối, tổ chức lực lượng quân sự địch không ngừng phát triển. Sau HĐ Paris 1973, mặc dầu do nhiều yếu tố khách quan tác động, nhưng phần chủ yếu là do ta đã không kịp thời chủ động được đường lối chiến lược phù hợp với khả năng và tình hình thực tế, cho nên đã chuốc lấy thảm bại 30-04-1975. Vào khoảng năm 1962, cao trào xây dựng ACL mỗi ngày mỗi bành trướng. Trên 6000 ấp đã được hình thành, hạ tầng cơ sở VC đang từng bước bị loại khỏi thôn ấp. VC ra sức đánh phá phản công để lật ngược thế cờ. Nhiều ấp không tránh khỏi mũi giùi công phá của địch. Vấn đề đặt ra là phải có phương thức phòng vệ ấp hiệu quả hơn để vừa giữ được ấp, vừa bảo vệ được sinh mạng và tài sản của dân, đáp ứng mục tiêu chính trị của chương trình. Các hội thảo viên một khóa hội thảo tại Trung Tâm Hội Thảo ACL tại suối Lồ Ô đề nghị một phương thức có tư tưởng chiến lược rất sáng tạo như sau: “Tại các địa phương thường có khuynh hướng phòng thủ chu vi các ACL. Ta có trên 6000 ấp, quân đâu đủ để mà phòng thủ. Vả lại phòng thủ như vậy không đáp ứng được nhu cầu bẻ gẫy quy luật đánh phá ấp của VC. Một cấp chỉ huy nếu có tư tưởng chiến lược khi phòng thủ hay tấn công đều phải đặt vấn đề điều nghiên quy luật tác chiến của địch. Lấy tỷ dụ, muốn tấn công ấp, VC không thể đi ra ngoài quy luật thâu thập tin tức, điều nghiên quy luật hoạt động của ấp, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị tiếp liệu, dự kiến tuyến xuất phát, đường tiến quân, đường lui quân, cách di chuyển, đêm hay ngày v.v. Tư tưởng chiến lược của người chỉ huy là phải bẻ gẫy quy luật tác chiến của địch, tức là đánh địch trước không cho địch hoàn tất giai đoạn chuẩn bị. Đánh như vậy là chủ động là mang chiến trận ra xa khỏi ấp cho nên còn được thắng lợi cả về mặt chính trị nữa…”. Biến cố Tết Mậu Thân cũng là một tỷ dụ điển hình về mối tương quan phức tạp giữa chiến lược và chiến thuật. Trong dịp Tết Mậu thân, CS đã quá chủ quan khi ra lệnh các địa phương đồng loạt nổ súng tấn công chiếm các mục tiêu đô thị, làm chủ tình hình, phá hoại cơ sở vật chất, tiêu diệt đồn bót của VNCH. Báo cáo sai lạc đã làm cấp bộ chỉ huy VC đánh giá quá cao về khả năng chiến thuật các đơn vị. Mặt khác, về chính trị, CS ước tính nhân dân đô thị sẽ nổi dậy (?) tiếp tay các mũi võ trang của chúng, nhưng đó chỉ là giấc mơ huyền ảo, thực tế thì ngược lại: dân chúng tận tình tiếp tay các đơn vị QLVNCH. Quá chủ quan và thiếu thực tế, nên CS đã đề ra các mục tiêu chiến lược mà địa phương không tài nào thực hiện được. CS đã là nạn nhân của những tuyên truyền láo khoét của chính họ. Hậu quả là trừ một vài nơi CS thu được một số thắng lợi giới hạn, còn hầu hết bị thất bại nhục nhã. Sự thất bại ấy không phải rủi ro hay cấp dưới thi hành kém mà vì tính chất không thực tế, chủ quan, lý tưởng xa vời, kế hoạch viển vông của chỉ đạo. Đó là bài học điển hình rất rõ ràng về mối tương quan giữa mục tiêu chiến lược và khả năng chiến thuật. Về phần VNCH, tuy bị tấn công bất ngờ, ở trong thế thụ động cả về chiến lược lẫn chiến thuật, nhưng nhờ tài ba và tinh thần dũng cảm của các cán bộ chỉ huy chiến thuật và nhất là sự ủng hộ nhiệt tình của dân chúng tại các đô thị, cho nên đã đạt được thắng lợi lớn lao chưa từng có trong suốt cuộc chiến. Thắng lợi về mặt chiến lược lớn lao nhất là ta đã tiêu diệt được hầu như toàn bộ cán bộ hạ tầng cơ sỡ của địch. Như mọi người đều biết, trong CTND/CTCM, hạ tầng cơ sở VC là xương sống là mạch máu để phát động, nuôi dưỡng và phát triển chiến tranh. Sự thiệt hại của địch lớn lao cho đến mức độ sau Mậu thân, tình hình an ninh nông thôn đã nhanh chóng vãn hồi. Tướng VC Trần văn Trà đã phải than thở: “ … sau tết Mậu Thân, … Mỹ nguỵ đã liên tục đánh phá càn quét, bình định, vô cùng ác liệt. Nhiều nơi nhân dân ta đã bị tàn sát, bị gom vào ấp chiến lược, nhiều cơ sở bị mất, nhiều đồng chí hy sinh..” (Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Hồi ký Trần văn Trà, Nhóm Nghiên Cứu Việt Sử, tr.63). Sau này CSBV đã phải bổ xung thay thế cán bộ hạ tầng cơ sở VC bằng những cán binh xâm nhập từ miền Bắc. Chiến lược và chiến thuật là những cụm từ được dùng trong lãnh vực quân sự. Về phương diện chính trị, cụm từ chiến thuật được CS thay thế bằng cụm từ sách lược tức là những chính sách giai đoạn nhằm phục vụ cho chủ trương chiến lược chính trị dài hạn. Stalin viết trong cuốn Những nguyên tắc chủ nghĩa Lénine: “… Mục đích của chiến lược là thắng trong chiến tranh, chẳng hạn chiến tranh chống chế độ Nga-hoàng hoặc chống giai cấp tư sản. Còn sách lược thì lại nhắm vào những mục tiêu kém quan yếu hơn; vì sách lược cố gắng thắng lợi, không phải trong một cuộc chiến tranh toàn diện mà trong một trận này hay trận đánh khác…” (Sách Lược Xâm Lăng của CS, Minh Võ, tr.83). Những tỷ dụ về sách lược của CS: Chiến tranh là một loại đấu tranh đặc biệt giữa con người với con người. Để tranh thắng, mỗi bên đều không từ bỏ bất cứ thủ đoạn biện pháp nào. Bí quyết mang lại thắng lợi là phải dành được ưu thế về chiến lược và chiến thuật. Tại VN, chúng ta đã phải đương đầu với CSVN tay sai CS quốc tế, qua hai cuộc chiến khốc liệt: Chiến Tranh Nhân Dân (1946-1954), rồi đến Chiến Tranh Cách Mạng (1957-1975). Riêng cuộc chiến 1957-1975, bản thống kê tổn thất nhân mạng các bên thật là kinh hoàng: Ngày nay tại hải ngoại, chúng ta đang bị CS dồn vào thế phải đương đầu một cuộc đấu tranh mới với sự ra đời Nghị Quyết 36 do trung ương đảng bộ CSVN đề ra. Với CS, mục tiêu duy nhất và mãi mãi của họ là cưỡng bức nhân dân VN trong đó có người Việt quốc gia hải ngoại phải quy phục “Đảng CS, một cơ cấu sắt thép, toàn trị, quốc tế, bạo động và bạo lực”.(Di sản Mác-Xít tại VN, Đỗ mạnh Tri, tr.92). Mặc dầu hằng hà sa số chiến sĩ quân dân chính VNCH đã hy sinh cho chính nghĩa tự do của dân tộc, nhưng chúng ta đã thua CS trong hai cuộc chiến CTND và CTCM. Nay CS đang ớ thế thượng phong trong cuộc chiến NQ36. Bài viết giới hạn trong một vài trang giấy này chỉ có mục đích rất khiêm tốn là rút tỉa một vài kinh nghiệm trong quá khứ, hầu từ đó có thể trong muôn một góp phần vào nỗ lực tìm ra đường lối chiến lược hữu hiệu đương đầu với mưu đồ khống chế cộng đồng xuyên qua NQ36 của CSVN. Chỉ có con đường xây dựng cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại thành căn cứ địa giầu mạnh, đoàn kết, trong sáng, có lập trường quốc gia vững chắc, không bị CS lừa phỉnh, chi phối, áp đặt, mới tạo được hấp lực và điều kiện hỗ trợ cho phong trào đấu tranh giải trừ chế độ CS tại quê nhà. Để kết luận, tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của tác giả Minh Võ viết trong bài “Trước Mối Nguy Của Dân Tộc”: Từ ngàn xưa, Tôn Tử đã từng nói: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đó chính là nguyên lý không hề thay đổi. Sự thất bại trong quá khứ chứng tỏ chúng ta chưa thấu hiểu mục tiêu, lộ trình và phương pháp mà CS đã vạch ra và quyết tâm đeo đuổi thực hiện nhằm cộng sản hoá dân tộc. Trong cuộc chiến ý thức hệ, toàn dân , toàn diện, mỗi người trong chúng ta, trong đó có bản thân tôi, phải gánh chịu ít hay nhiều trách nhiệm để MNVN rơi vào tay CS. Lấy lý tưởng phục vụ Quốc Gia Dân Tộc làm nền tảng xây dựng, lấy lòng yêu nước làm động cơ thúc đẩy, chúng ta hãy thành khẩn kiểm thảo và sám hối những lỗi lầm mình mắc phải trong chiến tranh và chiến đấu, để từ đó học hỏi, nuôi dưỡng ý chí và sự quyết tâm tìm ra con đường đích thực mình phải theo hầu mang lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền, không CS cho dân tộc VN. Đó mới chính là đáp số cho nỗi trăn trở vế biến cố đấu tranh địch vận đã xẩy đến cho bản thân tôi ở Bần Yên Nhân (Bắc VN) cách đây 55 năm trước vậy.
|