Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại - Trận chiến Quảng Trị

Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại - Trận chiến Quảng Trị PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Hai, 26 Tháng 4 Năm 2010 15:40

  Thuyết trình về đề tài Trận chiến Quảng Trị,

 sử gia Dale Andrade, thuộc Trung Tâm Lịch Sử Quân Ðội Hoa Kỳ, nói: “Tướng Giai đã bị đối xử rất bất công. Tôi cho rằng ông đã làm hết sức mình, trong một hoàn cảnh rất khó khăn trước quân thù.” (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Trong hội thảo “Việt Nam, 35 năm nhìn lại,” trận Quảng Trị được đưa ra thảo luận và được đánh giá là trận chiến khủng khiếp nhất của chiến cuộc Việt Nam.

Mở đầu phần thảo luận là ông Dale Andrade, một sử gia kỳ cựu thuộc Trung Tâm Lịch Sử Quận Ðội Hoa Kỳ, hiện đang soạn tài liệu lịch sử chính thức cho những hoạt động chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng là tác giả của ba cuốn sách về chiến tranh Việt Nam: “Ashes to Ashes: The Phoeniz Program and the Vietnam War” (1990); “Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam” (2000), and “America's Last Vietnam Battle: Halting Hanoi's 1972 Easter Offensive” (2001).

Ông Andrade phát biểu:
“Trận chiến Quảng Trị được chia làm hai giai đoạn, tôi sẽ trình bày về giai đoạn đầu, khi Bắc chiếm thành, nhường danh dự nói về việc quân lực VNCH chiếm lại cổ thành, trong giai đoạn hai, cho Ðại Tá Phạm Văn Chung.”

Sử gia Andrade nhận định là vào “Mùa Hè Ðỏ Lửa” năm 1972, bờ cõi của miền Nam Việt Nam gần như hoàn toàn chìm đắm trong khói lửa, nhưng “mục tiêu chính của Bắc Việt là Quân Ðoàn 1, nằm ngay phía dưới của Khu Phi Quân Sự”, với hy vọng sẽ chiếm thành Quảng Trị một cách nhanh chóng nhất để chiếm lợi điểm trong hòa đàm Ba Lê.

Theo sử gia Andrade, thì về phía quân lực VNCH, tình hình tổng quát lúc bấy giờ rất nguy kịch. Ông nói:
“Trong lúc quân Bắc Việt được hùng hậu ở khắp nơi, thì về phía quân lực VNCH, tình hình đã rất tệ. Bắt đầu rút quân từ giữa năm 1965, và đến đầu năm 1972 thì Hoa Kỳ đã mang hết các đội quân tác chiến ra khỏi vùng này, chỉ còn để lại một vài cố vấn.”

Dùng bản đồ quân sự để dẫn giải diễn tiến của cuộc chiến, sử gia Andrade cho cử tọa thấy tình trạng bị vây hãm của QLVNCH.

Thuyết trình đoàn của đề tài “Trận chiến Quảng Trị” tại cuộc hội thảo “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại”,
từ trái sang: Chuyên gia nghiên cứu chiến tranh Việt Nam George J. Veith,
Ðại Tá Thủy Quân Lục Chiến Phạm Văn Chung, Ðại Úy Dù Nguyễn Việt,
Nguyễn Kỳ Phong, dịch giả cuốn “Operation Lam Sơn 719”
của Thiếu Tường Nguyễn Duy Hinh. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

“Thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề, Tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh, ra lệnh lui quân về phía Nam để có thể tạo ra một đồn lũy vững chãi hơn.”

“Các cố vấn Hoa Kỳ cho rằng đây là một quyết định hợp lý, có cơ sở, có triển vọng giữ lại được hàng ngũ của ông trong tình thế hiểm nghèo lúc đó. Nhưng tiếc thay, ngay khi kế hoạch lui quân bắt đầu, thì nửa đêm hôm đó, Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân Ðoàn 1, gọi phôn, ra lệnh tử thủ Quảng Trị.”

Sử gia Andrade cho rằng “mệnh lệnh bất nhất” của hai vị tướng đã tạo ra một tình trạng hoang mang trong binh sĩ, họ không biết nghe ai, “tạo ra hỗn loạn làm tản mát hàng ngũ”, khiến “tiềm năng chiến đấu của QLVNCH bị tổn hại nặng nề.”

Tình hình bi đát đến nỗi, sử gia Andrade kể, Tướng Abrams, trước đó, mỗi khi nói chuyện với Hoa Thịnh Ðốn đều hết sức bênh vực QLVNCH, nhưng một ngày sau khi mất Quảng Trị, đã phải gọi về Hoa Thịnh Ðốn than thở:

“Một số lãnh đạo của VNCH đã bắt đầu bỏ cuộc, khiến cho binh sĩ của họ mất cả ý chí chiến đấu!”
“Có thể câu nói này quá là quá bi quan. Nhưng ngay sau khi Bắc Việt chiếm được Quảng Trị, tình hình thực sự là bi đát.” Sử gia Andrade nhận định.
“Sau khi Quảng Trị thất thủ, Tướng Giai bị đổ hết tội lỗi lên đầu, và còn bị bỏ tù.”
“Tướng Giai đã bị đối xử rất bất công. Tôi cho rằng ông đã làm hết sức mình, trong một hoàn cảnh rất khó khăn trước quân thù, khi không được cả sự đồng thuận của đồng đội.”

Kết thúc phần trình bày của mình, sử gia Andrade nói:

“Trận chiến Quảng Trị được tiếp tục sau khi Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh quân đoàn I bị thay thế bởi Tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những lãnh đạo ưu tú nhất của QLVNCH.”

Cử tọa của buổi hội thảo căng thẳng đột nhiên được bật ra những tiếng cười thoải mái hiếm có khi Ðại Tá Phạm Văn Chung, tư lệnh Lữ Ðoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, mở đầu phần thuyết trình của ông:

“Tôi phải để tấm hình này lên đây!”
“Trẻ lắm!”
“Ðẹp trai nữa!”
Mọi người nhao nhao bình phẩm về tấm hình một chàng trai trẻ tươi cười trong quân phục VNCH.
“Lúc đó tôi 21 tuổi, bây giờ thì đã 80 rồi.” Ðại Tá Chung nói.
Nhưng cử tọa chìm dần vào im lặng với câu nói kế tiếp của ông.
“Ðã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày QLVNCH chiếm lại cổ thành Quảng Trị, nhưng với tôi mọi việc như mới xẩy ra ngày hôm qua.”
“Tôi có lẽ là một trong những nhân chứng sống cuối cùng còn sót lại từ trận chiến này!”
“Hôm nay tôi rất hãnh diện và cũng rất đau buồn... để kể lại cho quý vị nghe trận đánh này trong vai trò một chiến sĩ của QLVNCH.”

Xúc động khiến ông nghẹn lời nhiều lần.

“Hơn 20 ngàn binh sĩ của cả hai bên đã bỏ mình trong trận đánh kéo dài 5 tháng.”

Phần lớn bài thuyết trình của Ðại Tá Phạm Văn Chung đưa ra những thí dụ tỉ mỉ để trình bày tương quan lực lượng giữa QLVNCH và quân đội Bắc Việt, và ông tóm tắt rằng “về bộ binh, thiết giáp, cũng như pháo binh, quân Bắc Việt trội hơn QLVNCH gấp 4 lần. Tuy nhiên về không quân và hải quân thì QLVNCH chiếm ưu thế hơn.”

Mô tả sự khủng khiếp, ác liệt và đẫm máu của trận đánh, Ðại Tá Chung dẫn chứng câu nói của một sĩ quan trung đội trưởng:

“Muốn bị thương dễ lắm, chỉ cần dơ tay lên khỏi miệng hố cá nhân hoặc thò tay ra khỏi cửa hầm thì dính đạn liền!”

Theo Ðại Tá Chung, để dành được chiến thắng, lực lượng tấn công bao giờ cũng phải trội hơn từ 3 đến 5 lần lực lượng phòng thủ, thế mà trong trận Quảng Trị địch phòng thủ lại trội hơn ta tấn công đến 4 lần.

Ông kể tiếp:

Thế nhưng, vào ngày 16 tháng 9 năm 1972, một lễ thượng kỳ long trọng với đầy nước mắt của binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến tại cổng thành Quảng Trị tan hoang, đổ nát như đống gạch vụn, đánh dấu việc QLVNCH đã chiếm lại được cổ thành.

“Vì phép lạ hay vì yếu tố danh dự, tâm lý nào mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tạo nên chiến thắng vẻ vang đó?”

Ðại Tá Phạm Văn Chung đặt câu hỏi, và phần trình bày của ông chấm dứt giữa tiếng vỗ tay của cử tọa.