Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Tướng Vang Pao - người của 30 năm chiến tranh Việt Nam

Tướng Vang Pao - người của 30 năm chiến tranh Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt   
Thứ Bảy, 08 Tháng 1 Năm 2011 19:21

 Hơn 30 năm trong cuộc đời của Vang Pao là chiến đấu ở quê hương Lào và trên lãnh thổ của bộ tộc Hmong

Tướng Vang Pao, một tên tuổi mà trong thời đại chiến tranh Việt Nam có lẽ không ai không biết đến, vừa từ trần tối Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011 tại một bệnh viện gần Fresno, miền Trung California, nơi ông đã được đưa vào điều trị từ gần 10 ngày trước.

 
Tướng Vang Pao phát biểu trước Bức Tường Ðá Ðen, tượng đài chiến tranh Việt Nam, tháng 5 năm 2000 trong dịp kỷ niệm 25 năm kết thúc chiến tranh ở Ðông Dương. (Hình: Luke Frazzaq/AFP/Getty Images)
 
Hơn 30 năm trong cuộc đời của Vang Pao là chiến đấu ở quê hương Lào và trên lãnh thổ của bộ tộc Hmong, trong quân đội Pháp, quân đội Lào và quân đội bí mật của CIA.

 Sau khi cộng sản chiếm được chính quyền ở Lào năm 1975, Tướng Vang Pao tị nạn sang Hoa Kỳ và ông đã giúp cho việc định cư hàng ngàn đồng bào người Hmong của ông tại California, Minnesota và một số thành phố thuộc tiểu bang Wisconsin.

Theo lời Chi Vang, 46 tuổi, một trong số 32 người con của ông nói với thông tấn xã AP, thì mặc dầu đã 81 tuổi Tướng Vang Pao vẫn còn mạnh khỏe.

 Nhưng vào mấy ngày cuối năm vừa qua ông đã đến chủ tọa hai buổi lễ mừng năm mới của cộng đồng dân Hmong ở vùng Fresno, và có thể vì trời lạnh mà bị viêm phổi.

Ðược coi là lãnh tụ hiển nhiên của cộng đồng tỵ nạn người Hmong ở Hoa Kỳ, Tướng Vang Pao trong cuộc sống lưu vong vẫn tiếp tục những mưu đồ chống cộng sản, cuộc chiến đấu mà ông đã kiên trì gắn bó gần hết cuộc đời mình.

 Nhưng cuộc chiến tranh ở Ðông Dương đã đi vào dĩ vãng của lịch sử và ông không thể tìm đâu được sự hỗ trợ cho lý tưởng tranh đấu vì tự do của đồng bào ông. Trong một thời gian, công việc làm chính thức của ông là nhân viên bảo vệ ở một siêu thị. Tuy nhiên qua nhiều năm ông vẫn thường xuyên hiện diện ở các lễ hội của người Hmong tị nạn, lên tiếng tranh đấu quyền lợi cho những cựu chiến binh đã sát cánh với người Mỹ chống quân đội Bắc Việt.

Ông giúp hình thành nhiều tổ chức trong cộng đồng và lập ra một hội đồng trung gian hòa giải những tranh chấp giữa 18 bộ tộc Hmong.

 
Một cảnh ở Xieng Khuang, quê hương của cố Thiếu Tướng Vang Pao. (Hình: Alfred Molon/TravelAdventure)
 
Năm 2002, thành phố Madison tiểu bang Wisconsin đã có dự án đặt tên ông cho một công viên nhưng đề nghị này bị bãi bỏ sau khi một giáo sư trường Ðại Học Wisconsin ở Madison đưa ra những tài liệu tố cáo ông đã từng cho lệnh giết các tù binh chiến tranh và cả những thuộc hạ không trung thành hay đối thủ chính trị.

Ông bất ngờ bị bắt giữ năm 2007 với trát tòa án truy tố tội âm mưu ám sát các giới chức chính quyền cộng sản ở Lào, một hành động trái luật pháp Hoa Kỳ đối với các chính phủ nước ngoài.

Theo cáo trạng của các công tố viên, phong trào giải phóng Lào có tên là Neo Hom đã quyên góp hàng triệu dollars để tuyển mộ chí nguyện quân và tìm cách mua vũ khí trái phép.

 Dân Hmong đã biểu tình đông đảo trước tòa án Sacramento, mang những hình ảnh chứng minh ông đã là đồng minh của nước Mỹ và đòi hỏi cho ông được đóng bail tại ngoại.Và Tướng Vang Pao vẫn được nghênh đón long trọng khi tới tham dự các lễ hội của cộng đồng Hmong ở St Paul, Minnesota và Fresno, California.

Tháng 11 năm 2009, tòa án liên bang ở Sacramento hủy bỏ lệnh truy tố ông và 12 nghi can đồng phạm bao gồm cựu trung tá quân đội Hoa Kỳ, Harrison Jack, cùng 11 người Hmong đa số là cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam.

 “Vang Pao là một con người vĩ đại và anh hùng đích thực của Hoa Kỳ. Ông ta đã phục vụ quốc gia này từ nhiều năm tại quê hương và bây giờ tiếp tục ở đây,” theo lời Luật Sư William Portanova bênh vực cho các bị cáo.

Thiếu tướng Quân đội Hoàng gia Lào Vang Pao sinh năm 1929 tại làng Nonghet, tỉnh Xiengkhuang, Trung Lào, trong một gia đình nông dân.

 Khi quân đội Nhật Bản chiếm Ðông Dương, ông mới là một thiếu niên và đi theo quân đội Pháp chống Nhật để bảo vệ bộ tộc sơn cước của mình - lúc đó tiếng Việt gọi là Mèo, chưa phải Hmong.

 
Bản đồ Lào với ba miền: Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào. (Hình: Wikipedia)
 
Tới chiến tranh với Việt Minh, quân đội Pháp cho Vang Pao theo học tại một quân trường ở Việt Nam và phong chức trung úy. Sau hiệp định Geneve năm 1954, Vang Pao trung thành với quốc vương Lào và gia nhập quân đội hoàng gia nhưng vẫn tiếp tục là chỉ huy trưởng lực lượng dân quân người Mèo.

Các sĩ quan CIA nhận thấy Vang Pao là một chiến binh đầy kinh nghiệm và có uy tín lớn trong bộ ộc Hmong đã tìm đến ông khi mở cuộc chiến tranh bí mật chống lực lượng thiên Cộng Pathet Lào và sự xâm nhập của bộ đội Bắc Việt vào khoảng năm 1960.

 Dân quân Hmong của Vang Pao chặn phá các tuyến đường tiếp vận của Bắc Việt vào miền Nam - đường mòn Hồ Chí Minh - hoặc phụ trách công tác thám báo cho quân lực Hoa Kỳ mở các cuộc oanh kích không quân.

Máy bay của các công ty hàng không thuộc CIA, lúc đầu là CAT (Civil Air Transport) và sau đó là Air America, là phương tiện liên lạc với các toán lực lượng đặc biệt gồm du kích Hmong và ở một vài tiền đồn có cả các cố vấn Mỹ.

 Máy bay vận tải C-46 và C-47 của Air America, thường không có sơn hiệu kỳ và số hiệu, thực hiện những phi vụ bí mật từ Việt Nam tới những phi trường nhỏ hoặc thả dù tiếp tế cho lực lượng của Vang Pao trên khắp đất Lào.

Chiến dịch không kích bí mật mang tên Operation Barrel Roll hầu như không được dư luận biết tới, đã được tiến hành suốt 10 năm từ 1964 đến 1973.

Trong điều kiện ấy. quân đội của tướng Vang Pao là lực lượng trên bộ duy nhất mà Hoa kỳ có thể sử dụng. Ðệ Thất Không Lực Hoa Kỳ, bộ tư lệnh ở Philippines và Lực Lượng Ðặc Nhiệm Hải Quân 77 của Hạm Ðội 7 thi hành những phi vụ trong chiến dịch này. Do quy định của hội nghị Geneva năm 1954 và 1962, Lào là một quốc gia trung lập cho nên hoạt động quân sự của Bắc Việt cũng như Hoa Kỳ trên lãnh thổ quốc gia này đều được giấu kín,

Nhiều người Mỹ có tham gia trong cuộc chiến tranh bí mật này sau đó đã tố cáo Vang Pao và sĩ quan thuộc cấp của ông còn buôn lậu thuốc phiện, nông sản mà dân Hmong trồng nhiều trong miền núi trên đất Lào và đặc biệt trong khu “Tam Giác Vàng” - vùng biên giới Lào, Thái Lan, Miến Ðiện.

Tiền thu được dùng để trả cho các du kích trong lực lượng Hmong nhưng đồng thời cũng làm giầu cho các lãnh đạo. Máy bay của Air America là phương tiện thuận lợi để chuyển hàng lậu và CIA chắc chắn biết nhưng đã làm ngơ.

Với thành tích và kết quả đóng góp của quân đội Hmong, cựu giám đốc CIA, ông William Colby, đã từng có lần gọi Tướng Vang Pao là “anh hùng hàng đầu của chiến tranh Việt Nam.”

Năm 2003, từ Hoa Kỳ, Tướng Vang Pao gây ngạc nhiên lớn khi đưa ra chủ trương “diễn biến hòa bình,” đề nghị hòa giải hòa hợp và bình thường hóa mậu dịch với chính quyền Cộng Sản ở Lào. Ông kêu gọi “đưa quá khứ đi vào lịch sử để khỏi đầu một kỷ nguyên hòa bình, thịnh vượng và hòa hợp dân tộc Lào.” Ðề nghị này không được đáp ứng cũng như không có bước tiến nào khác hơn.

Năm 2009, sau khi tòa án hủy bỏ cáo trạng, Tướng Vang Pao tuyên bố có ý định trở về Lào thực hiện hòa giải và tìm giải pháp cho đồng bào Hmong của ông hãy còn bị trấn áp bằng nhiều hình thức ở đây. Nhưng chuyến đi phải bãi bỏ vì chính quyền Lào cho biết sẽ đưa ông ra xét xử nếu trở về.

Hiện nay ước lượng có 200,000 dân Hmong tị nạn tại Hoa Kỳ tập trung đông nhất ở tiểu bang Minnesota và Wisconsin, tại vùng Fresno, California có khoảng 50,000 người.

Một người con của Tướng Vang Pao, Chi Vang ở Fresno, cho biết gia đình và cộng đồng Hmong sẽ tổ chức tang lễ với nghi thức long trọng như một vị vua vì ông xứng đáng với vị trí ấy. (HC)