Trước 30 tháng 4 năm 1975, nhằm mục tiêu nhuộm đỏ toàn cõi đất nước Việt Nam, Cộng sản hoạt động khắp nơi, dưới mọi hình thức, mở ra nhiều mặt trận. Trong đó, có mặt trận đô thị mà mũi xung kích là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh.
I. THỜI CHIẾN TRANH QUỐC - CỘNG, ĐÃ CÓ MỘT MẶT TRẬN TẠI ĐẠI HỌC
Trước 30 tháng 4 năm 1975, nhằm mục tiêu nhuộm đỏ toàn cõi đất nước Việt Nam, Cộng sản hoạt động khắp nơi, dưới mọi hình thức, mở ra nhiều mặt trận. Trong đó, có mặt trận đô thị mà mũi xung kích là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh. Học đường, nhất là Đại học, thật sự đã trở thành một mặt trận. Ngoài Huế, cũng có mặt trận Đại học hết sức sôi động, nhưng mặt trận Đại học mở ra tại Sài Gòn là quan trọng nhất vì Sài Gòn là Thủ đô, là chỗ tai mắt cho dư luận trong cả nước và cho quốc tế.
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đã có tổ chức hoạt động học đường của Cộng sản, nhưng còn lẻ tẻ, yếu ớt. Những đợt đấu tranh sôi nổi của sinh viên Sài Gòn trong giai đoạn này (1963-1965) do các sinh viên quốc gia, như Lê Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho… cầm đầu. Đối tượng đấu tranh của họ nhắm vào chính quyền quốc gia! (Lê Hữu Bôi bị Cộng sản giết chết tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968).
Đồng thời, cũng khoảng thời gian này (1963,1964,1965), khi thấy người Mĩ và một số thành phần chính trị và tôn giáo bắt đầu có những hoạt động mưu toan khuynh loát chính quyền thì Cộng sản khôn lanh, vội kiện toàn tổ chức, rồi chớp lấy thời cơ để len lỏi vào một số Phân khoa Đại học, một số trường Trung học và tổ chức thanh niên Phật tử, từng bước gây ảnh hưởng, lèo lái và cuối cùng là nắm lấy quyền lãnh đạo các tổ chức này. Từ đó, họ liên tục mở ra các đợt tranh đấu làm rối loạn ngay tại Thủ đô Sài Gòn, gây tiếng vang rất lớn. Chỉ nguyên việc họ liên tục nắm giữ được tổ chức hợp pháp quan trọng là Tổng hội Sinh viên Sài Gòn suốt 4 nhiệm kì đã là một thành tích đáng kể (1966-67: Hồ Hữu Nhựt, 1967-68: Nguyễn Đăng Trừng, 1968-69: Nguyễn Văn Qùy, 1969-70: Huỳnh Tấn Mẫm).
Thời ấy, ngoài những cơ quan có trách nhiệm về an ninh, dân Sài Gòn nói chung, khối đa số sinh viên, học sinh ‘thầm lặng’ nói riêng, có thái độ thờ ơ lãnh đạm, không quan tâm, không tìm hiểu về những phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu; lại càng không biết gì về hệ thống tồ chức cũng như thành phần cán bộ Cộng sản cốt cán lãnh đạo những tổ chức này. Vì thế, một số đã có cảm tình hoặc đã tiếp tay, tham gia vào những phong trào tranh đấu do các cán bộ Cộng sản kích động.
Để vãn hồi trật tự Thủ đô, lực lượng an ninh phải nhập trận. Kết quả là đã phát hiện và bắt giữ được một số khá lớn cán bộ thuộc Thành Đoàn (tức Thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hay Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, nay là Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ vận động thanh niên nội thành và ngoại ô Sài Gòn – Gia Định ) và đã đưa một số những đối tượng này ra tòa xét xử (xin coi bài Trùm Sinh Viên Tranh Đấu Huỳnh Tấn Mẫm, Quả Chanh Bị Vắt Cho Hết Nước của Bạch Diện Thư Sinh. Motgoctroi.com, Mục Lịch sử Cận đại).
Trong số các cán bộ Thành Đoàn bị bắt, có những tên tuổi nổi tiếng trong và ngoài nước, như Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn 1969-70, Lê Văn Nuôi, Chủ tịch Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn 1970-71…Thật ra, những tên tuổi này lúc ấy chỉ là cấp thấp, nằm trong hệ thống mặt nổi. Những cán bộ mặt chìm cao cấp hơn, mới thực sự lãnh đạo mặt trận Đại học. Đa số họ còn nằm trong bóng tối. Tuy nhiên, lực lượng an ninh quốc gia cũng đã vô hiệu hóa (chết, giam giữ hoặc đã từng bắt giữ) được một số cán bộ Thành Đoàn nòng cốt như: Lê Quang Vịnh, Lê Minh Quới (7 Tương, 7 Lễ), Trần Quang Cơ (8 Lượng), Hồ Hảo Hớn (3 Lực, 2 Nghị), Nguyễn Ngọc Phương (3 Triết, bí thư Đoàn ủy), Phan Chánh Tâm (5 Pha, 3 Vạn), Lê Hồng Tư (5 thợ hồ), Phan Văn Dinh (8 Bông, 9 Kế, Đoàn ủy), Dương Văn Đầy (7 Không, 3 Niên, Đoàn ủy) Trầm Khiêm (2 Lâm, Đoàn ủy), Trần Thị Ngọc Hảo (4 Tín, cán bộ điều khiển Huỳnh Tấn Mẫm), Lê Công Giàu…Tiếc thay, công lao của lực lượng an ninh kể trên chưa đem tới thành công triệt để. Qua xét xử, nhiều lần quan tòa đã thả những cán bộ Thành Đoàn Cộng sản nòng cốt ra, bởi vì luật pháp quốc gia đòi hỏi phải có thêm bằng chứng, đồng thời chính quyền lúc đó phải chịu áp lực dư luận báo chí thiên tả trong nước và quốc tế rất nặng nề.
Đến cuối năm 1971, sau vụ Giáo sư Nguyễn Văn Bông và Sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát chết, Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia kiêm Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo (Phủ ĐUTƯTB) VNCH, đã giao cho ông Nguyễn Thành Long thành lập Ban A 17 với nhiệm vụ ổn định Đại học. Chỉ trong một thời gian ngắn, được sự cộng tác tích cực của lực lượng Cảnh sát Đặc biệt Thủ đô, Ban A 17 đã gặt hái thắng lợi nhanh chóng và tuyệt đối: Giải tỏa áp lực của Thành Đoàn Cộng sản, giúp cho hàng ngũ sinh viên quốc gia lần lượt giành lại quyền kiểm soát Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn và Ban đại diện Sinh viên các Phân khoa Đại học, phát hiện và bắt giữ được một số khá lớn các cán bộ Thành đoàn với đầy đủ tang chứng có giá trị pháp luật. Số chạy thoát, phải trốn ra căn cứ hoặc là phải lặn thật sâu.
Đây là thắng lợi lớn và dứt khoát của lực lượng an ninh quốc gia Thủ đô Sài Gòn tại mặt trận Đại học. Tài liệu của Cộng sản đã nhìn nhận sự thất bại của họ trong mặt trận Đại học như sau: ‘…từ năm 1972, địch đã ra tay khủng bố, càn quét, hòng đè bẹp các phong bị trào đấu tranh. Hầu hết những trụ sở tập họp công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh đều chúng phá hủy hoặc chiếm đóng…Tình hình im ắng, căng thẳng, không một cuộc đấu tranh công khai lớn nhỏ nào nổ ra được’. (Hàng Chức Nguyên. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. Nxb Trẻ, 2005. Trang 186).
Để góp phần nhỏ bé vào việc giải mật cho những ai còn quan tâm tìm hiểu về các nguyên nhân dấu mặt của sự thành bại trong cuộc chiến Quốc - Cộng trước 1975; đàng khác, cũng hi vọng có thể cung cấp thêm chút ít tài liệu cho bài học lịch sử, sau đây, chúng tôi sẽ đúc kết tóm lược về các tổ chức Cộng sản trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn và các cán bộ lãnh đạo cốt cán của những tổ chức này, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 1954 tới ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lấy mốc thời gian này là vì năm 1954 ông Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng. Cũng là năm bùng nổ cuộc di cư tị nạn Cộng sản của gần một triệu đồng bào miền Bắc, lôi cuốn theo 1.200 sinh viên, tức 2/3 tổng số sinh viên của Viện Đại học Hà Nội. Với số sinh viên này, hợp cùng số sinh viên thuộc chi nhánh Viện Đại học Hà Nội có từ trước tại Sài Gòn, chính quyền đã lập ra Viện Đại học Quốc gia Việt Nam. Tới 1957 (Đệ nhất Cộng Hòa), đổi thành Viện Đại học Sài Gòn, sau khi có một Viện Đại học khác vừa được thành lập ngoài Huế. Khi Cộng sản chiếm được Sài Gòn (30.4.1975), Viện Đại học Sài Gòn bị giải thể. Viết bài này, chúng tôi đã tham khảo một số tài liệu do Thành Đoàn Cộng sản xuất bản sau 1975, như cuốn Theo Nhịp Bước Lên Đàng (Đoàn Thanh niên Cộng sản Tp. HCM / nhiều tác giả. Nhà xuất bản Trẻ, năm 2000) và cuốn Trui Rèn Trong Lửa Đỏ (Tập ký sự truyền thống Thành Đoàn / nhiều tác giả. Cũng do nhà xuất bản Trẻ, năm 2005).
I I. SƠ LƯỢC TỔ CHỨC CỘNG SẢN TRONG GIỚI HỌC SINH, SINH VIÊN SÀI GÒN TRƯỚC 1975 VÀ CÁC CÁN BỘ CỐT CÁN CỦA NHỮNG TỔ CHỨC NÀY
Thời gian trước 1954:
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945, người Pháp trở lại Việt Nam, nhiều học sinh bỏ trường đi chống Pháp. Trong số lớp trẻ xếp bút nghiên đi làm cách mạng này, một số đã gia nhập tổ chức Cộng sản.
Năm 1947, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định của Cộng sản giao cho Thành ủy viên Phùng Lượng phụ trách công tác thanh niên, học sinh nội thành Sài Gòn và họ lập ra Hội Học sinh Việt Nam Nam bộ (thực chất chính là Đoàn Học sinh Cứu quốc trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn). Hồi đó chỉ có Viện Đại học Hà Nội, cho nên chưa có tập thể sinh viên ở Sài Gòn.
Tại một số trường Trung học, CS đã cấy vào được một vài cán bộ nồng cốt. Tất cả tạm thời góp lại thành chi bộ ghép. Chi bộ ghép tiên khởi này gồm có Trần Huỳnh Long (Trường Petrus Ký), Đỗ Ngọc Thạnh, Nguyễn Ngọc Hà (Trường Chasseloup Laubat), Đỗ Thị Kim Chi (Trường Gia Long), nữ sinh Ngân tức Xinh (Trường Lê Bá Cang).
Về hoạt động: Tuyển mộ thêm cán bộ, rải truyền đơn, phổ biến báo chí và tài liệu.
Năm 1949, Cộng sản thành lập ra Ban Chấp hành Hội Học sinh Nội thành gồm 5 ủy viên: Đỗ Ngọc Thạnh (bỏ học), Tạ Trung Quốc (Trường Chasseloup Laubat), Đỗ Thị Kim Chi (Trường Gia Long). Võ Kim Lang (Trường Lê Bá Cang), Nguyễn Bình Thanh (Trường Marie Curie). Ngoài ra còn có một số cán bộ nòng cốt khác như: Trần Huỳnh Long (Trường Petrus Ký), Nguyễn Quang Cho (Trường Nguyễn Văn Khuê), Trần Quang Cơ (từ Trường Le Myre de Vilers, ở Mĩ Tho lên), Lê Hồng Kê (tức Bùi Văn Trạch) từ trong ‘khu’ về thành. Cộng sản mở những lớp huấn luyện cán bộ ở Vườn Thơm, Đồng Tháp Mười. Hoạt động: rải truyền đơn, bãi khoá.
Thời gian này nổ ra vụ trò Ơn, gây tiếng vang rất lớn: Ngày 09.01.1950, một số học sinh nội trú Trường Petrus Ký, do học sinh Nguyễn Minh Mẩng cầm đầu, kéo nhau đi xin chính quyền thả 2 học sinh của trường bị bắt trước đây. Không có bằng chứng nào nói Cộng sản khởi động vụ này, nhưng Cộng sản đã mau lẹ chớp lấy thời cơ để cướp công. Xảo thuật cướp công lần này giống hệt vụ Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội trước đó 5 năm (ngày 17.8.1945). Mới đây, Bs. Nguyễn Minh Tân, hiện đang cư ngụ ở Pháp, là em ruột của thủ lãnh học sinh Nguyễn Minh Mẩng năm xưa, đã xác nhận chính ông lúc ấy cũng là học sinh nội trú Trường Petrus Ký và đích thân đã chứng kiến, tham gia biến cố Trần Văn Ơn. Và ông đã lên tiếng khẳng định như sau: ‘Biến cố Trần Văn Ơn do học sinh Petrus Ký có sáng kiến đi gặp chính quyền để xin khoan hồng cho hai học sinh của trường bị câu lưu. Lúc đó anh em không bao giờ nghe hai tiếng biểu tình. Phong trào đó được dân chúng ủng hộ tham gia và giúp đỡ, trong chiều hướng quốc gia chống Pháp. Một số người trong Chánh quyền lúc đó cũng không có nặng tay đối với học sinh mà có thể cũng đã thầm kín giúp tay cho học sinh.
Cộng sản đã tìm cách lòn vào chóp credit và tuyên truyền hầu dụ dỗ các học sinh vào khu.
Biến cố bạo động sau đó, đốt xe đốt chợ là của CS, muốn thừa dịp tái bản vụ Trần Văn Ơn 2. Nhưng họ đã thất bại vì không được học sinh và dân chúng ủng hộ nên bị xẹp một cách nhanh chóng’ (Bs. Nguyễn Minh Tân. Biến Cố Trần Văn ƠN. Người Việt Dallas-Fort Worth. Số 763, ngày 12.9.2008. Trang 4D).
1950: Lập ra Ban cán sự phụ trách công tác học sinh gồm có Lê Hồng Kê (7 Kê, Bùi Văn Trạch), Đỗ Ngọc Thạnh tức ‘Ba học sinh’, Trần Quang Cơ, Nguyễn Đông Hà (3 Lam), Huỳnh Ngọc Anh (Tư Nhỏ).
Khoảng thời gian 1954 – 1960
Để có thể tuyển mộ thêm thành viên, Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo mở rộng tổ chức thành Ban cán sự thanh niên, học sinh, sinh viên, giáo chức và kí giả. Phụ trách: Võ Văn Tuấn (2 Trúc), Bùi Văn Trạch (7 Kê), Trần Quang Cơ (8 Lượng), Lê Minh Quới (7 Tương, 7 Lễ), Hồ Hảo Hớn (2 Nghị), Trần Văn Nguyên (Thanh Giang). Họ lãnh đạo một số chi bộ học sinh và sinh viên nằm vùng tại các trường cao đẳng Vô Tuyến Điện, Hàng Hải, Y-Dược, Luật…Giai đoạn này là giai đoạn Liên chi ủy lãnh đạo.
Các lớp huấn luyện tổ chức vào các kì nghỉ Hè, tại Bến Dược, Củ Chi, Bàu Trai, Đức Hòa (Long An), Long Tân (Ông Kèo) huyện Long Thành, Mộc Hóa…Phát hành tờ Học Sinh Cứu Nước.
Khoảng thời gian 1960 – 1964
Đầu năm 1960, Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định Võ Văn Kiệt (9 Dũng, 6 Dân), chỉ thị thành lập Ban Vận động học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định với chủ trương tích cực xây dựng và cài lực lượng bí mật, bán công khai và công khai vào các tổ chức học đường. Cán bộ chủ chốt: Phan Chánh Tâm (phụ trách), Lê Quang Vịnh (bị bắt tháng 8, 1961 tại Củ Chi), Lê Văn Tân (6 Ninh, 3 Phú), Phạm Chánh Trực (10 Dũng, 3 Thạch, 5 Nghị).
Cộng sản cũng bắt đầu mở những khoá huấn luyện như: khoá Rừng Già tại Dương Minh Châu 6, 1960; khoá Rừng Xanh cuối 1960 tại Nhuận Đức, Củ Chi. Khoá ‘Đại Tây Dương’ tại Ba Thu, huyện Đức Hòa. Nội dung huấn luyện cán bộ về 5 bước công tác: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Các nguyên tắc hoạt động: bí mật, ngăn cách, quan hệ đơn tuyến hoặc tổ tam tam; tổ chức bí mật không được nhập nhằng với công khai. Quan hệ không xé rào hoặc dính chùm. Bị bắt phải giữ khí tiết cách mạng, không khai báo. Cuối 1960, tại khoá Rừng Xanh, Cộng sản tuyên bố thành lập Ban Cán sự Thanh niên Học sinh Sinh viên Khu Sài Gòn – Gia Định. Bí thư: Trần Quang Cơ (8 Lượng, 2 Lực), Lê Thanh Hải (10 Nhom, 10 Hải); Phó bí thư: Hồ Hảo Hớn (3Lực, 2 Nghị); Ủy viên thường vụ: Lê Minh Châu (3 Cảnh), Phan Chánh Tâm (3 Vạn), Nguyễn Đông Hà (3 Lam), Nguyễn Thị Tràm (3 Võ), Tăng Anh Dũng (2 Minh, 6 Thơ), Lê Hồng Tư (5 thợ hồ), Nguyễn Văn Tỵ (2 Thu).
Các ban phụ thuộc: Ban cán sự học sinh: Lê Minh Châu (Thường vụ phục trách) Phan Chánh Tâm (5 Pha. 3 Tiền, 3 Vạn) phụ trách các trường vùng Gia Định, Tân Định, Phú Nhuận, Đa Kao; Lê Hồng Tư (5 thợ hồ) phụ trách các trường vùng trung tâm Sài Gòn; Hồ Hảo Hớn (3 Lực, 2 Nghị) phụ trách các vùng còn lại.
Ban cán sự sinh viên: Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Thị Mỹ Diệm (6 Thanh), Nguyễn Thị Loan Anh (5 Nga). Mỗi cánh có căn cứ riêng để tiện lẩn tránh hoặc để học tập. Cánh Phan Chánh Tâm đặt căn cứ ở Thạnh Lộc thuộc xã An Phú Đông; cánh Lê Hồng Tư đặt dưới Long An; cánh Hồ Hảo Hớn đặt tại ấp Chánh xã Tân Thông Hội….
Hoạt động: Giai đoạn này Cộng sản mới chỉ xâm nhập lẻ tẻ vào hiệu đoàn một số trường Trung học và tham gia công khai các sinh hoạt học đường như báo chí, du ngoạn, thể thao, công tác xã hội. Họ chưa nắm được một Ban đại diên sinh viên nào. Tuy năm 1960 là năm Cộng sản phát động ‘Đồng khởi’ khắp nơi ở miền Nam, nhưng họ chưa đủ khả năng chủ động mở mặt trận trong học đường. Chính họ đã phải thú nhận: ‘Nhớ lại thời kì Phật giáo đấu tranh 1963-1964, cơ sở cách mạng trong học sinh, sinh viên chưa đủ mạnh để có thể phát động độc lập các phong trào lớn trực diện đấu tranh chính trị với chính quyền Sài Gòn, cho nên Khu ủy chỉ đạo ‘Phải tấp vô cùng đồng bào và Phật giáo đấu tranh’ (Theo Nhịp Khúc Lên Đàng. Nhà xuất bản Trẻ, 2000. Trang 19). Về báo chí: báo bí mật như Cờ Giải Phóng, Suối Thép, học sinh có tờ Lửa Thiêng; báo công khai có Hồn Trẻ.
Các bộ phận trực thuộc khác: Xâm nhập vào một số tổ chức học đường; Phật tử; Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết; các nhóm ‘Sao Băng’, ‘Sao xẹt’; một số cơ sở bí mật ở Đakao, Tân Định, quận 3; bộ phận công tác an ninh; lực lượng vũ trang. Bề ngoài, các tổ chức Đảng phụ trách thanh niên, học sinh, sinh viên này mang tên một tổ chức có tính cách ‘mặt trận’ là Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Giải phóng Sài Gòn – Gia Định lập ra ngày 09 tháng 01 năm 1961 để dễ tập hợp sinh viên, học sinh.
Khoảng thời gian 1965 – 1967
1. Tổ chức bí mật: Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Đặc khu Sài Gòn – Gia Định (Cộng sản chia lãnh thổ thành các Khu: Khu 9, Khu 8, Khu 7…riêng Sài Gòn - Gia Định được gọi là Đặc khu vì tầm mức quan trọng đặc biệt).
Ban chấp hành: Bí thư: Phạm Trọng Danh (tức Lê Thanh Hải, 10 Hải, 10 Nhom), Phó bí thư: Hồ Hảo Hớn (3 Lực, 2 Nghị), Ủy viên thường vụ: Lê Quang Thành (4 Thành), Nguyễn Tuấn Giao (5 Giang), Lê Minh Châu ( 3 Cảnh), 8 Quang (bổ sung tháng 6, 1965). Ủy viên Ban chấp hành: Phan Chánh Tâm, Lê Thiết (4 Kiếng), Lê Tấn Quốc, Nguyễn Đông Hà, Nguyễn Văn Minh (3 Minh), 6 Thắm. Tháng 6, 1965, bổ sung thêm: Phạm Chánh Trực, Đỗ Hoàng Hải, 5 Lộc (3 Thoại), Lê Mỹ Lệ (5 Trang), Phạm Văn Hai.
Đoàn ủy học sinh: Bí thư: Phan Chánh Tâm (3 Vạn), phó bí thư: 5 Lộc (3 Thoại). Tháng 11, 1965, Phan Chánh tâm chuyển qua đoàn ủy sinh viên, 5 Lộc lên làm bí thư.
Đoàn ủy sinh viên: Bí thư: Lê Thiết, Phan Chánh Tâm lên thế vào 11, 1965; Phó bí thư: Phạm Chánh Trực. Tháng 01, 1966, Phạm Chánh Trực lên bí thư, Phan Văn Dinh (8 Bông, 9 Kế) lên phó bí thư. Các ủy viên: Hoàng Thị Kim Dung (7 Bích, 2 Cường), Nguyễn Thị Loan Anh (5 Nga), Nguyễn Ngọc Phương (3 Triết), Nguyễn Hữu Phuớc (4 Hữu, 3 Thành), Võ Ngọc An (7 Câu), Lê Thanh Văn, Đặng Thiện.
Các ban ngành khác: Ban vận động thanh niên trí thức; Ban quân sự và lực lượng biệt động Khu đoàn; Ban an ninh vũ trang; Ban tuyên huấn; các trường nữ và nữ thanh: Nguyễn Thị Tràm (3 Võ), Lê Mỹ Lệ (5 Trang); Binh vận; Phân Khu đoàn Thủ Đức; Phân Khu đoàn Dĩ An; Phân Khu đoàn Bình Tân; Phân Khu đoàn Nhà Bè, Gò Môn, Củ Chi.
2. Tổ chức công khai Học sinh: Ban đại diện học sinh các trường công và tư; Học sinh vụ thuộc Tổng Hội sinh viên; Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn. Sinh viên: Ban đại diện sinh viên các Phân khoa, các trường Đại học; Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Thanh niên công nhân: Đoàn thanh niên phụng sự lao động (Chủ tịch: Nguyễn Văn Toản).
|
Phân công cán bộ để nắm và lèo lái hoạt động của tổ chức Thanh niên Phật tử. Khu ủy Sài Gòn – Gia Định cử Lê Thanh Hải đặc trách tổ chức Phong trào Dân tộc Tự quyết và Hòa bình, lôi kéo các nhân sĩ, trí thức tên tuổi và lấy lực lượng sinh viên, học sinh làm nòng cốt.
Khoảng thời gian 1967 – 1972
1. Tổ chức bí mật a. Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định Bí thư: Hồ Hảo Hớn (Bí thư tiên khởi của Thành Đoàn), Phan Chánh Tâm (lên thay khi Hớn bị bắt), phó bí thư: Phạm Chánh Trực, Lê Mỹ Lệ (chuẩn bị trận Tết Mậu Thân 1968). 1970, Trang Văn Học (5 Tranh) lên bí thư thay Phan Chánh Tâm (bị bắt). Khi Phan Chánh tâm vượt ngục thành công, đã nắm lại chức bí thư, Phạm Chánh Trực và Lê Mỹ Lệ (5 Trang) làm phó bí thư như trước. Thường vụ: Trương Mỹ Lệ (4 Liêm), Nguyễn Văn Chí (7 Điền, 6 chí), Nguyễn Ngọc Phương (3 Triết), Trang Văn Học. Đoàn ủy sinh viên: Nguyễn Ngọc Phương, Trần Khiêm, Dương Văn Đầy, Nguyễn Văn Sự, Lê Công Giàu, Trần Thị Ngọc Hải. Đoàn ủy học sinh: Lê Mỹ Lệ (bí thư), Nguyễn Thị Nghĩa (9 Ngân), Nguyễn Thị Thiên Bình.
b. Tổ chức bí mật trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 1/ Lực lượng 1: Lực lượng vũ trang và biệt động: Chỉ huy: Lê Tấn Quốc. Phó: Trang Văn Học. Thành viên: Nguyễn Văn Minh (10 Minh), Phan Thanh (3 Tung), Bùi Thị Thanh (4 Hoành), Huỳnh Công Khanh (6 Vĩnh), Lê Văn Hưng (10 Hưng), ‘dì’ Sáu Hòa. 2/ Lực lượng 2: Lực lượng chính trị vũ trang. Chỉ huy: Nguyễn Văn Dũng (Trung ương Cục điều động bổ sung). Phó: Phạm Chánh Trực. 3/ Lực lượng 3: Chính trị công khai: Chỉ huy: Phan Chánh Tâm (3 Vạn). Phó: Phan Văn Dinh (9 Kế) và Dương Văn Đầy (3 Niên). Trong trận tổng tấn công tổng nổi dậy hồi Tết Mậu Thân 1968, Cộng quân đã bị đánh bại thê thảm trong cả đợt 1 cũng như đợt 2 cho nên những lực lượng nằm vùng vừa kể trên đều mất liên lạc với bộ chỉ huy và đã không có bất cứ hành động nào đáng ghi nhận. Thực ra trước đó, Thành ủy đã tưởng có thể gặt hái được chút thành công, cho nên đã cắt tới 2/3 lực lượng Thành Đoàn để đưa về các quận, lập ra các đảng ủy liên phường, coi như bộ khung chính quyền trong trường hợp họ đạt được thắng lợi.
2. Tổ chức công khai và bán công khai: Ban đại diện các trường học; Trung tâm cứu trợ; Đoàn thanh niên Phật tử; Thanh Sinh Công (thanh niên, sinh viên Công giáo); Thanh Lao Công (thanh niên lao động Công giáo của đám linh mục Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ…).
Khoảng thời gian 1973 – 1975
1. Tổ chức bí mật a. Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định: Bí thư: Phạm Chánh Trực, phó bí thư: Nguyễn Văn Nguyên (10 Nguyên) và Trương Mỹ Lệ (10 Trương). b. Các bộ phận trực thuộc: Đoàn ủy sinh viên; Đoàn ủy học sinh; Đoàn ủy các xí nghiệp trọng điểm; Ban công tác mặt trận thanh niên; hệ thống đoàn các cấp: Quận đoàn và Huyện đoàn; Ban quân sự Thành Đoàn; Ban Tuyên huấn; Ban Tổ chức; Văn phòng Thành Đoàn. c. Đảng ủy các trường Đại học và Trung học trọng điểm: Thành ủy chỉ thị thành lập ra Đảng ủy các trường Đại học và Trung học trọng điểm với nhiệm vụ bám trụ nội thành để chỉ đạo trực tiếp phong trào sinh viên, học sinh. Bí thư: Phạm Chánh Trực, Phó bí thư: Trương Mỹ Lệ, Đảng ủy: Dương Văn Đầy.
2. Tổ chức công khai a. Sinh viên: Tổng hội Sinh viênViệt Nam, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (28.7.1971), Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh, Ban đại diện Sinh viên các trường Đại học. b. Học sinh: Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn (ra đời 15.10.1964, Nguyễn Chơn Trung tức 4 Lý, 6 Quang, là chủ tịch đầu tiên; Trung là chủ tịch Petrus Ký), Đoàn học sinh Sài Gòn, Văn đoàn học sinh Sài Gòn, Đội Thiếu niên Phù Đổng, Đội Thiếu niên khăn quàng đỏ. c. Các tổ chức khác: Đoàn Văn nghệ Sinh viên Học sinh, Đoàn Công tác Xã hội Sinh viên Học sinh Sài Gòn, một phần trong Ủy ban Cải thiện Chế độ Lao tù, một phần trong Ủy ban Đòi Quyền Sống Đồng bào, một phần trong Mặt trận Nhân dân Cứu Đói.
VÀI NHẬN XÉT
1. Nói chung: Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn còn có người viết lách mắng mỏ Cộng sản là ngu dốt. Thiển nghĩ chỉ đúng một phần, bởi vì rõ ràng họ rất dở trong việc làm cho dân giàu nước mạnh, nhưng có thể khẳng định ngay một điều là Cộng sản rất ‘giỏi’ trong loại chiến tranh lật đổ nhằm cướp chính quyền mà họ tiếm danh là làm cách mạng, bởi vì họ được huấn luyện thuần thục loại chiến tranh này.
2. Riêng về Thành Đoàn Cộng sản trong mặt trận Đại học: * Tổ chức : Có 2 mặt: chìm và nổi. Mặt chìm gồm hầu hết là những đảng viên, chỉ một ít là đoàn viên. Họ là thành phần cốt cán và lãnh đạo phong trào sinh viên, học sinh từ trong bóng tối. Họ ít bị hi sinh hơn. Mặt nổi là mặt công khai gồm những sinh viên học sinh được tuyển chọn để tranh lấy những vị trí trong các tổ chức học đường như Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Vạn Hạnh, Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn hay Ban đại diện Sinh viên các phân khoa, các Ban văn nghệ, các Ban cứu trợ… * Tuyển mộ kĩ lưỡng: Đối tượng không thuộc gia đình quân nhân công chức cao cấp, có tư tưởng ‘tiến bộ’. Đầu tiên, đối tượng được xếp loại ‘quần chúng tốt’, rồi lên Hội viên (Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Giải phóng Khu Sài Gòn – Gia Định), tiếp theo là Đoàn viên (Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng), cuối cùng mới được kết nạp đảng. * Huấn luyện: Huấn luyện tại chỗ hoặc được giao liên bí mật đưa vào căn cứ. Học 5 bước: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Hoạt động đơn tuyến hoặc tổ tam tam. Hoạt động bí mật không được lẫn lộn với công khai. Không được xé rào khi tiếp xúc. Tránh quan hệ dính chùm. Bị bắt phải giữ khí tiết không khai báo, áp dụng công thức: nhất lí nhì lì tam suy tứ tử: cãi lí, lì chịu đòn, giả bệnh, giả chết để tìm cơ hội vượt ngục. * Hoạt động: Về lí thuyết, khai thác tối đa ý chí bài ngoại, chống ‘đế quốc Mỹ xâm lược’, ‘chính quyền VNCH chỉ là bù nhìn, tay sai’, còn ‘Cách mạng’ là chính nghĩa, là dân tộc, hi sinh chiến đấu giải phóng miền Nam, vì độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, cơm no áo ấm cho đồng bào. Về chiến thuật thì khi yếu, lợi dụng tối đa những nhân vật, tổ chức, hội đoàn tiến bộ hợp pháp, công khai và bán công khai để bảo toàn lực lượng và dần dần cài người vào. Khi đã nắm được quyền thì tiến công liên tục dưới mọi hình thức, làm cho Sài Gòn càng rối loạn bao nhiêu càng ‘tốt’ bấy nhiêu. * Kết quả: Thành đoàn Cộng sản đã thành công giành được các Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1966-67, 1967-68, 1968-69, 1969-70), Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn và một số Ban đại diện các phân khoa… Đã lôi kéo được một lớp sinh viên học sinh tạo thành phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu sôi nổi trong một thời gian ngay trong lòng Thủ đô Sài Gòn.
3. Khối đa số sinh viên quốc gia thầm lặng: Chỉ lo học hành. Không tham gia bầu cử Ban đại diện sinh viên. Không thích Cộng sản, nhưng cũng không làm gì để chống hay tẩy chay các hoạt động của Cộng sản trong nhà trường. Vì thế, một liên danh ứng cử Ban đại diện một Phân khoa do Thành đoàn Cộng sản đưa ra, chỉ cần đạt số phiếu rất nhỏ so với tổng số sinh viên thuộc Phân khoa là có thể đắc cử. Khi liên danh đó đắc cử, nghiễm nhiên có quyền đại diện ăn nói chính thức, hợp pháp. Họ bảo bãi khoá, tức thì cả trường đóng cửa. Họ nhân danh toàn thể sinh viên để yêu sách, đòi hỏi, tố cáo…Và họ liên kết với các thành phần thiên tả, thân Cộng để liên tục mở ra nhiều đợt, nhiều hình thức đấu tranh. Chẳng những khối sinh viên thầm lặng mà ngay cả một số giáo sư và một số giới chức nhà trường cũng bị họ khống chế dễ dàng!
4. Luật pháp của một quốc gia tự do dân chủ rõ ràng đã trói tay chính quyền trong cuộc chiến đối đầu với bọn Cộng sản qủy quyệt. Vì thế, lực lượng an ninh quốc gia tốn công sức rất nhiều mới thâu thập đủ bằng chứng để có thể giam giữ một cán bộ Cộng sản cốt cán. Đến khi Cộng sản nắm được chính quyền thì luật pháp đối với họ chỉ là cái bình phong, là công cụ của chính trị, là loại luật rừng ‘vừa đá banh vừa thổi còi’. Nghi ngờ: bắt! Nhiều trường hợp bắt để đề phòng! Sau 30.4.1975, Cộng sản giam giữ hàng vạn người không cần xét xử. Chỉ cần một tờ giấy hành chánh, họ đã nhốt hàng vạn sĩ quan, viên chức chính quyền VNCH vô thời hạn.
5. Tại sao A 17 đánh bại được Thành Đoàn Cộng sản trong mặt trận Đại học? Vì ở thế chính quyền bao giờ cũng mạnh tuyệt đối. Có đủ nhân sự và phương tiện. Ông Nguyễn Thành Long lãnh đạo Ban A 17 là một cấp chỉ huy xuất sắc: tốt nghiệp Học viện Quốc Gia Hành Chánh và Luật khoa Đại học Sài Gòn, trẻ, độc thân, thanh liêm, có trí nhớ rất tốt, quyết định nhanh và dứt khoát, với một tinh thần quốc gia chân chính và được thượng cấp giao trọn quyền. Thành viên Ban A 17 hơn phân nửa đã tốt nghiệp Đại học, số còn lại đã xong vài ba chứng chỉ, cho nên họ không xa lạ hoặc mặc cảm với môi trường Đại học. Hơn nữa, họ thân quen với các bạn bè sinh viên thuộc đủ mọi thành phần chính kiến, rất thuận lợi cho việc thâu thập tin tức đối phương. A 17 cũng được sự hợp tác của một số cán bộ Thành Đoàn Cộng sản bị bắt (vẫn chưa tiện nêu danh tính). Cuối cùng, A 17 còn được ngành Cảnh sát Đặc biệt Thủ đô tích cực cộng tác, khiến cho nhiệm vụ ổn định Đại học càng mau chóng gặt hái thành công to lớn.
6. Ôn cố nhi tri tân: Bài học rút ra từ bài viết trên đây, nói gì với người Việt quốc gia đang sống tại hải ngoại? Bài học đó nói: bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt quốc gia, CSVN đều tìm cách cài người vào để hoạt động lũng đoạn, khuynh loát, và cuối cùng, chiếm lấy độc quyền lãnh đạo. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trong Hội nghị tại Hong Kong, từ ngày 3 tới 7 tháng 2 năm 1930, cho tới nay là 80 năm. Đảng Cộng sản nào cũng đặc biệt chú trọng đến công tác an ninh, tình báo. Suốt 80 năm qua, nhờ yếu tố có sự lãnh đạo liên tục lâu dài, CSVN đã tích lũy được vốn liếng an ninh, tình báo rất đáng kể. Khi xẩy ra biến cố đồng bào miền Bắc ồ ạt di cư vào miền Nam để tị nạn Cộng sản sau Hiệp định Genève 1954, Cộng sản đã nhanh tay bố trí các điệp viên vào dòng người di cư. (Một thí dụ cụ thể là vụ án cụm tình báo chiến lược A 22 làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước vào cuối 1969. Vụ án đó, chính quyền VNCH đã đem ra tòa xét xử các điệp viên Cộng sản: Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Đồng, Lê Hữu Thúy, Huỳnh Văn Trọng…).
Tương tự, tình báo chiến lược CSVN cũng đã lén lút gửi nhiều điệp viên của họ ra hải ngoại theo các đợt người vượt biên, vượt biển và có thể cả trong các đợt HO. Khi CSVN có Tòa Đại sứ và 2 Tòa Lãnh sự tại Hoa Kì thì những nơi này đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo mạng lưới tình báo của CSVN. Hiện nay, chắc chắn Cộng sản Việt Nam đã cài xong mạng lưới tình báo chiến lược tại hải ngoại và họ đang vận hành mạng lưới đó tại khắp nơi có cộng đồng người Việt cư ngụ. Mặc dù mắt dân thường không thấy, nhưng mạng lưới tình báo chính trị chiến lược này của CSVN tại hải ngoại vẫn là một sự thật hiển nhiên.
Để tưởng nhớ các bạn A 17 Lê Quảng Lạc, Hứa Minh Chánh và Nguyễn Thanh Nhàn.
|