Lính Tan Hàng |
Tác Giả: Hoàng Hải Thủy | |||
Thứ Tư, 16 Tháng 3 Năm 2011 11:42 | |||
Năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười ngày sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, một số ký giả Sài Gòn nhanh chân chạy đến “trình diện” ở Câu Lạc Bộ Báo Chí đường Lê Lợi. Gio-O phỏng vấn: “Ông nghĩ gì về Nhạc sĩ Trịnh Công Son? H2T trả lời: “Tôi khinh anh ta.” Bài này được viết tiếp theo bốn tiếng “Tôi khinh anh ta.” Năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười ngày sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, một số ký giả Sài Gòn nhanh chân chạy đến “trình diện” ở Câu Lạc Bộ Báo Chí đường Lê Lợi. Ở đây có một anh cán bộ nào đó tên là Kỳ Nhân cấp cho đám ký giả Sài Gòn nhanh chân chạy đến với chủ mới những giấy chứng nhận in ronéo “có đến trình diện” ký tên Kỳ Nhân. Ít ngày sau, anh Kỳ Nhân này mất tích. Nhiều ký giả nói với nhau: “Không biết thằng Kỳ Nhân là thằng nào. Có lẽ tên nó là Kỳ Nhông thì đúng hơn…” Bọn Văn Nghệ Giải Phóng Miền Nam chiếm tòa Ðại sứ Ðại Hàn ở đường Nguyễn Du – nghe nói nhà này nguyên là nhà của ông Nguyễn Hữu Hào, ông Quốc Cữu – Bố Vợ Vua – thời vua Bảo Ðại – văn nghệ sĩ Sài Gòn kẹt giỏ bảo nhau đến đó “trình diện cách mạng”. Thực ra Việt Cộng – khi ấy có tên là “Ủy Ban Quân Quản” – chỉ ra lệnh và kêu gọi các sĩ quan, cảnh sát, công chức và đặc biệt là quý ông bác sĩ, giáo viên, nhân viên bệnh viện v.v… đi trình diện ở nhiệm sở. Mới vào được Sài Gòn bọn Bắc Cộng đang có quá nhiều việc rối tinh, rối mù. Họ không ngờ họ chiếm được “Sài Gòn đẹp quá Sài Gòn ơi..” dễ và nhanh ngon lành đến thế, hai là họ chẳng thèm để ý, để tứ, để mắt, để mũi gì đến đám văn nghệ sĩ Sài Gòn nên họ hổng có kêu gọi mấy anh đi “trình diện, trình mạo” chi ráo trọi. Mấy ảnh sợ và mấy ảnh tưởng bở, mấy ảnh nghĩ “đi trình diện là tốt”, nên mấy ảnh lơ láo đến Tòa Ðại sứ Ðại Hàn nay đã đổi chủ. Ðến đấy mấy ảnh gặp ký giả Thái Bạch. Ký giả này được đám ký giả Sài Gòn gọi là Thái Bịch. Bộ mặt Thái Bịch những ngày Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa còn hùng mạnh trông đã khó thương, nay cờ đỏ sao vàng đầy thành phố bộ mặt ấy trông lại càng ghê rợn. Ký giả nhà ta lúc thì mặt lạnh như tiền, lúc thì hòa nhã với cái vẻ cố ý để cho những kẻ đến gặp anh biết anh muốn hỏi vào mặt họ: “Bi giờ ngươi đã biết Thái Bịch này chưa?” Ðể chứng tỏ mình không phải là thường dân, mình là chiến sĩ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mấy anh Cách mạng Ba mươi chạy cờ, chạy hiệu, chạy bàn đeo cái băng đỏ ở cánh tay. Ðặc biệt Ký giả Thái Bịch đeo sề sệ một khẩu Côn Ðui bên hông. Ký giả Thái Bịch nhờ ơn Bác, Ðảng, được hạnh phúc đeo Côn Ðui – hay Côn Bạt, súng Mỹ – liên tục dễ đến hơn cả tháng. Vài tháng sau, Việt Cộng tổ chức lại, đem cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng về tòa nhà Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa, ngã tư đường Trương Minh Giảng-Tú Xương. Bộ mặt hãm tài của ký giả Thái Bịch không còn xuất hiện nữa. Những tên Cách Mạng Ba Mươi là những thằng hèn kiêm ngu si, tưởng bở. Chúng tưởng chúng nhẩy ra chào mừng bọn Việt Cộng chiến thắng, tự nguyện hiến dâng thân khuyển mã phục vụ chủ mới, chúng sẽ được chủ mới chấp nhận, cho hưởng vài đặc quyền. Bọn Việt Công không dùng qua một tên ba mươi nào lâu. Nói cho đúng, VC có dùng nhưng chỉ dùng bọn CM 30 trong những việc vặt, việc chỉ chọc, việc bới móc tố cáo những người dân VNCH mà VC cho là có tội, bọn 30 lòng lang, dạ thú lập công bằng cách làm hại những người chúng quen biết, những người từng đối xử tốt với chúng. Dù chúng làm những việc tồi tàn, khốn nạn đến chính vợ con chúng cũng phải tủi hổ, chúng vẫn bị VC đối xử lạnh nhạt, cho đi chỗ khác chơi sau một thời gian ngắn. Dưới đây là đoạn tôi viết năm 1995 về một số người tôi gọi là “phi cầm, phi thú”. Tôi nghe thành ngữ “phi cầm, phi thú ” lần đầu vài ngày sau ngày 11-11-1963 – ngày Tổng Thống Ngô đình Diệm và Cố Vấn Chính Trị Ngô đình Nhu bị hạ sát. Một tâm thư ngắn được đăng trên hai tờ nhật báo Ngôn Luâïn, Ðồng Nai. Trong thư này ba ký giả Từ Chung, Chu Tử, Hiếu Chân – cả ba anh đều đã qua đời – tự nhận các anh có lỗi vì các anh thấy chính phủ Ngô đình Diệm phạm nhiều tội ác với nhân dân mà các anh không dám tố cáo, các anh tự nhận các anh là một loại “phi cầm, phi thú”. Chúng tôi, bọn văn nghệ sĩ Sài Gòn bại trận, chúng tôi có anh, có em. Trong nhục nhã, trong khổ cực, trong tù đầy chúng tôi vẫn có nhau, chúng tôi vẫn là những văn nghệ sĩ Sài Gòn. Cảnh “phi cầm, phi thú” hiện ra rõ nhất trong những cái gọi là buổi sinh hoạt tại Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố Hồ Chí Minh, trụ sở đặt trong tòa nhà có vườn rộng trước 75 là một cơ sở tình báo của Việt Nam Cộng Hòa, góc đường Trương Minh Giảng-Tú Xương. Những người trong Ban Chấp Hành cái gọi là Hội Văn Nghệ Giải Phóng, thường là Tổng thư ký Việt Phương, lên Ủy ban Thành phố họp, nghe chỉ thị, về phổ biến cho các văn nghệ sĩ. Những buổi như thế gọi là buổi sinh hoạt. Trong những buổi sinh hoạt này bọn trong Ban Chấp Hành Hội ngồi hàng ghế chủ tọa đối diện với hàng ghế của văn nghệ sĩ Sài Gòn. Hai bên ngồi đối mặt nhau. Hai anh Kỳ Nhông, Kỳ Ðà Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn cũng dự buổi sinh hoạt. Hai anh không thể ngồi cùng hàng ghế hay ngồi sau lưng bọn Giải Phóng Miền Nam. Sức mấy chúng nó cho hai anh ngồi chung với chúng, dù là cho hai anh ngồi sau đít chúng. Hai anh không ngồi chung chỗ với bọn chúng tôi, chắc hai anh sợ ngồi với chúng tôi hai anh xấu hổ vì chúng tôi là bọn đầu hàng mặt trơ, trán bóng. Cũng có thể hai anh nhìn thấy sự khinh bỉ hai anh trong ánh mắt của anh em chúng tôi… Hai anh không thể ngồi sau đít bọn Văn nghệ Giải phóng đối diện với bọn văn nghệ sĩ Sài Gòn bại trận, hai anh không muốn ngồi chung với bọn văn nghệ sĩ Sài Gòn nhục nhã. Vậy thì trong những buổi họp chia hai phe rõ rệt mặt đối mặt, chính tà hai phái ấy hai anh Kỳ Nhông đặt đít ở đâu??? Hai anh ngồi ở hai ghế bên cạnh. Hai anh không ngồi trong phe giải phóng, hai anh cũng không ngồi trong phe Việt Nam Cộng Hòa bại trận. Hai anh tự đặt hai cái ghế hai anh ngồi ở cạnh tường. Dường như Phạm Trọng Cầu – Phạm Trọng: Em ra đi mùa thu….mùa thu không trở lại… cũng đã được sáng mắt, sáng lòng đôi chút trước cái gọi là “xã hội xã hội chủ nghĩa” do “cách mạng vô sản” dựng lên vì thấy nó bê bối, bết bát, dơ dáy quá đỗi. Nhiều anh chị nhờ gia đình có tiền cho sang Tây ăn học đớp phải bả xã hội chủ nghĩa, tưởng bở, hung hăng con bọ xít, theo đuôi cộng sản mần “cách mạng”, bị cộng sản cho hộc máu, vỡ mặt khi chúng cướp được chính quyền. Ðiển hình và đại diện cho giới “phi cầm, phi thú” này là Mợ Lang Tây Dương Quỳnh Hoa. Nghe nói chỉ sau vài mùa kỷ niệm ngày “Bác Hồ du Ðịa Ngục,” Phạm Trọng đã có vẻ thất vọng. Phạm Trọng có mần lời ca theo điệu nhạc bài Quê Em: – Quê em miền trung du. Ðồng quê lúa xanh rờn. Giặc tràn lên cướp phá. Anh về quê cũ. Ði diệt thù giữ quê. Giặc tan đón em về. Lời ca mới của Phạm Trọng theo nhạc Quê Em có câu mở đầu: Ba tôi trồng khoai lang… Những anh Kỳ Nhông đi theo cộng sản mần “cách mạng xã hội chủ nghĩa” tưởng bở: Xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa nhất định phải tốt đẹp hơn xã hội tư sản dân chủ. Mấy ảnh ngẩn ngơ khi thấy sao nó bẩn quá. Ông bố mấy anh Kỳ Nhông trồng khoai lang, đào lên thấy khoai mì cũng còn là khá, ông nội anh không có trồng khoai lang, khoai mì, ông nội ác ôn của anh trồng người. Các em nhỏ bất hạnh bị đem ra trồng đầu vùi dưới đất, chân chổng lên trời. Ở những cánh đồng cách mạng vô sản ấy, khi đào đất lên người ta không thấy khoai mì, khoai lang chi cả, người ta chỉ thấy có sọ người, có xương người và máu người. o O o Tối mùa mưa năm 1982, chúng tôi ngồi uống rượu đế một đồng tiền Hồ một ly ở quán nghèo thật nghèo trên vỉa hè bên cổng xe lửa Số 6 – Bạn ta, ơi ông bạn HO ở chín phương trời, mười phương đất hải ngoại thương ca, ông bạn còn nhớ Cổng Xe Lửa Số 6 chạy qua con đường nào trong Sài Gòn thủ đô ta xưa không? – bạn tôi, – Lê Trọng Nguyễn – nói: – Bảo Trịnh Công Sơn là cộng sản tội nghiệp nó. Tôi nói: – Có ai bảo nó là cộng sản đâu. Nếu nó là cộng sản thì ai nói làm gì. Vì nó không phải là cộng sản mà nó lại bợ đít bọn cộng sản nên người ta mới có vấn đề về nó. Tôi mượn lời ông Elie Weisel để diễn tả tâm trạng tôi; Elie Weisel, người Do Thái, sinh trưởng ở Romania, hiện cư ngụ ở Hoa Kỳ. Sống sót từ Lò Thiêu Người Do Thái của Ðức Quốc Xã – cha mẹ, anh chị em ông chết hết trong Lò Thiêu Người – Elie Weisel viết Hồi Ký tố cáo những tội ác bọn Ðức Quốc Xã đã làm với dân Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai; ông được Giải Nobel Hòa Bình năm 1986. Chắc có ai đó đề nghị ông nên tha thứ, ông viết: – Tôi không có quyền tha thứ cho bọn giết người về cái tội chúng đã tiêu diệt 6 triệu người Do Thái. Quyền tha thứ hay không là ở những người đã chết. Tôn vinh hương linh những người công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa – quân và dân – đã chết vì chống lại cộng sản, tưởng nhớ những người Sài Gòn đến 4 giờ chiều Ngày 30 Tháng Tư 1975 còn chết vì chống cộng sản ở Sàigòn, tôi thành kính — và tôi ngậm ngùi – viết những dòng này. o O o Số văn nghệ sĩ Sài Gòn bám đít quân Bắc Việt Cộng, những tên vô liêm sỉ bị nhân dân gọi là bọn Cách Mạng Ba Mươi – CM30 – không nhiều. Anh CM30 thứ nhất là Trịnh Công Sơn – trưa Ngày 30 Tháng Tư, đất trời Sài Gòn sầu thảm, anh CM30 Trịnh Công Sơn lên tiếng hát chào đón quân xâm lăng trên đài phát thanh – tiếp đó là Cung Tích Biền, Thái Bịch, Hoàng trọng Miên.. Ba mươi năm sau, ở xứ người, tôi vẫn cảm thấy nhục khi viết những dòng chữ này. Dù sao những anh CM30 ấy cũng là văn nghệ sĩ Sài Gòn. Sống ở Sài Gòn sau năm 1975 tôi mới cảm, mới biết, mới thấm thế nào là “nhục bại trận, nhục đầu hàng, nhục không chết được, nhục không dám chết, nhục biết là sống nhục mà cứ phải sống để chịu nhục,” tôi mới thấm câu Kiều “Bắt phong trần phải phong trần..”, lòng tôi quặn đau khi tôi nhìn thấy những ông Tướng của quân đội tôi khóc mếu trên màn ảnh TiVi trước mặt quân thù, tôi mới thấy, mới hiểu thế nào là “hàng thần lơ láo, văn nhân vô hạnh, xướng ca vô loại.” Ngày 1 Tháng 5, không biết những tên CM30 nào cho ra tờ báo Trắng Ðen. Báo không có tin tức gì, chỉ có hình ông Hồ chí Minh và vài cái thông cáo của cái gọi là Ủy Ban Quân Quản. Bọn ra báo này là bọn CM30 vì chúng chỉ ra được một số báo, tờ báo CM30 mang măng-xét Trắng Ðen bị bọn Bắc Việt Cộng dẹp ngay tức khắc. Chừng mười ngày sau ngày 30 Tháng Tư tôi mới gượng đi lên trung tâm Sài Gòn. Ðường Lê Lợi của ta lúc 10 giờ sáng long lanh nắng vàng – sáng mát trong như sáng năm xưa, gió thổi mùa thu vào Lê Lợi – cảnh vẫn là cảnh hôm qua chỉ có lòng người tan nát – đường phố Sài Gòn đã được dọn dẹp, không còn những cây súng M16 vứt ở những gốc cây, không còn những chiếc áo blouson của phi công, những chiếc botte de saut nằm lạc loài trong những góc phố; hãy còn quá sớm, hôm ấy Sàigòn chưa có Chợ Trời. Tôi thường mua thuốc lá của chị bán thuốc ngồi bên cửa tiệm Kem Mai Hương. Thấy tôi, chị hỏi nhỏ: – Cậu không chạy được à? Tôi thấy ý thương hại trong mắt chị. Tôi chỉ là một người khách mua hàng của chị, nhưng chị cũng mong tôi chạy thoát, chị cũng muốn tôi không bị khổ nhục, chị thương tôi khi chị thấy tôi không chạy được. Hàng của chị xác sơ nghèo, chẳng còn bao nhiêu thuốc lá Mỹ, bẩy, tám gói Lucky, một hộp thuốc pipe Sir Walter Raleigh. Tôi mua hết số thuốc ấy. Ðấy là lần cuối cùng tôi mua thuốc lá Mỹ ở Sài Gòn. Tôi thấy – chính mắt tôi thấy – ca sĩ Hùng Cường bận bộ áo cánh, quần đen, như lính Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, không nón tai bèo, không giép râu, đi giầy Bata, lưng đeo cái ba-lô có cắm lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đi phây phây trên đường Tự Do. Tôi nghĩ Hùng Cường, nhân buổi tranh tối, tranh sáng, bận bộ đồ đó đi rỡn chơi, như anh hóa trang đóng một vai tuồng. Nhưng cảnh thay đổi từ bộ quân phục lính VNCH – Bạn nhớ không? Dường như Hùng Cường là lính Biệt Ðộng Quân? – sang bộ đồ đen GPMN, chỉ thiếu cái khăn rằn, cũng làm đau lòng người Sài Gòn, nó báo trước cái cảnh: Công hầu đệ trạch giai tân chủ Tôi nghe các bạn tôi kể về một cuộc họp ở trụ sở của Hội Văn Nghệ Giải Phóng Miền Nam – tại Tòa Ðại Sứ Ðại Hàn đường Nguyễn Du – Ðây không hẳn là một cuộc họp. Bọn văn nghệ Giải Phóng không có quyền họp hành gì cả. Vì văn nghệ sĩ Sài Gòn kéo đến đông quá, một, hai anh GPMN phải ra tiếp, nói vài câu trấn an. Lúc đó, không ai mời, Hùng Cường đứng lên, hát ngay một bài ca tụng Bác Hồ do anh sáng tác. Thế rồi một số nam nữ ca sĩ Sài Gòn chiều chiều đến nhà Queen Bee ca hát. Họ hát những bài Tiếng Ðàn Ta Lư, Tiếng Chày trên Sóc Bom Bo, Dưới bóng cây Kà Nưa, Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây..vv. Bọn cán bộ văn nghệ MTGP không tổ chức cuộc tập hát này, họ không mời ca sĩ Sài Gòn đến tập hát, nghe nói đây là “sáng kiến” của Hùng Cường với một anh Tầu Chợ Lớn có tiền. Anh Tầu bỏ tiền ra cho Hùng Cường thành lập một đội văn công chờ sẵn, ViXi cần đến là có ngay, nhưng ViXi dẹp cái ban ca kịch cà chớn phi cầm, phi thú này tức thì. Việt Cộng không thèm dùng những anh chị văn nghệ sĩ Sài Gòn, nếu VC chịu dùng chắc hàng ngũ bọn Cách Mạng Ba Mươi còn có nhiều khuôn mặt mẹt văn nghệ sĩ Sài Gòn. Hoàng trọng Miên là anh CM30 có vẻ có giá nhất, anh có người anh là Thanh Nghị Hoàng trọng Qũi làm Phó Bộ trưởng bộ Văn Hoá trong chính phủ “Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam.” Những tháng đầu tiên HT Miên “phấn khởi, hồ hởi” ra mặt. Mấy anh Tầu Chợ Lớn chuyên đón gió o bế HT Miên hết cỡ. Mấy anh dùng ô tô đưa H T Miên ra Vũng Tầu, lên Ðàlạt, xí nhà đất, vườn cây của những tướng lãnh VNCH. Bọn ViXi cấp xã, quận, kể cả cấp tỉnh, thấy cái gọi là phái đoàn từ Sàigòn ra, nhân danh Bộ Văn Hóa Chánh Phủ Miền Nam, tiếp quản nhà đất của các tướng ngụy bỏ chạy, dễ dàng làm giấy xác nhận chủ quyền ngay. Bọn HT Miên hí hửng ăn nhậu tưng bừng, cuộc đời tươi như hoa hồng thắm. Sáu tháng sau bọn cán bộ phụ trách nhà đất từ Hà Nội vào, bọn này mới là bọn có quyền tịch thu và quản lý nhà đất của những kẻ bị coi là “có tội với nhân dân đã bỏ chạy ra ngoại quốc.” Những giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất bọn HT Miên lấy được trở thành giấy lộn. Mấy anh Tầu tưởng bở vỡ mộng bèn bỏ rơi anh CM30 HT Miên. Tháng Tư 1976 Cộng sản Hà Nội khai tử cái gọi là Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miềân Nam Việt Nam, quẳng đi luôn cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng, Phó Bộ trưởng Văn Hóa Thanh Nghị được cho làm quản thủ Thư Viện. Nghe nói Thanh Nghị than: – Bây giờ tôi là tên tù giữ sách. Cũng nghe nói Thanh Nghị chết không nhắm được mắt. CM30 Hoàng trọng Miên cũng đã qua đời. Số phận chung của tất cả những anh Cách Mạng Ba Mươi là: – bị nhân dân, kể cả bố mẹ, vợ con, khinh bỉ. – không được Việt Cộng dùng, ngay cả Việt Cộng cũng khinh bỉ bọn Cách Mạng Ba Mươi. Ông Á Nam Trần tuấn Khải không hẳn thuộc loại Cách Mạng Ba Mươi, ông thuộc hàng ngũ “Văn nhân vô hạnh”, đội ngũ này có cái tên diễn nôm hơi dài “Văn Thi Sĩ Sài Gòn Phản Thùng Nâng Bi Việt Cộng”. Bài Thơ Nâng Bi của ông Á Nam Trần Tuấn Khải là bài thơ Nâng Bi để đời. Ðây là lời và thơ ông Á Nam Trần tuấn Khải : …Cuối xuân Ất Mão (1975) tiếng súng cuối cùng Sài Gòn-Chợ lớn đã tắt, ngọn cờ giải phóng tung bay khắp miền Nam, nước Việt Nam ta hoàn toàn sạch vết quân xâm lược. Những quân tay sai bán nước đều cao bay xa chạy. Tác giả tuổi ngoài tám mươi này được trông thấy cái cảnh huy hoàng rực rỡ của cả dân tộc Việt Nam, trút hết nỗi uất hờn sâu thẳm trong bấy nhiêu lâu, thực chẳng khác gì tái sinh nên viết mấy dòng sau đây để góp vui cùng bạn lòng trong cõi: Hơn tám mươi năm lộn kiếp đây o O o Liêu lạc bi tiền sự.. Chi ly tiếu thử thân..Vèo trông lá rụng đầy sân..Tha hương tâm sự có ngần ấy thôi..Sự đời đã quá đôi hồi..Thôi còn đâu nữa những người năm xưa..Quốc kỳ còn đó trơ trơ..Dám xa sôi nước mà thưa thớt lòng..Quê hương đâu nữa mà mong..Thôi đành thẹn sắt, tủi đồng thế thôi.. Anh bạn dãi dầu không bước nữa..Gục trên súng mũ bỏ quên đời..Tôi buồn tôi viết không còn lửa..Mượn thơ truy điệu để thay lời. Hỡi ơi bạn tác ngoài trôi giạt…Chẳng đọc văn ta cũng ngậm ngùi… Súng thù, gươm bạn, lính tan hàng..Mấy suối cho vừa nước Giải Oan..Hỡi ơi..bạn tác ngoài ly loạn..Chẳng đọc thơ nhau cũng đoạn tràng…
|