Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bài học gì từ biến cố 30/4/1975?

Bài học gì từ biến cố 30/4/1975? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Quế Lâm   
Chúa Nhật, 17 Tháng 4 Năm 2011 04:57

Thảm hoạ của dân tộc Việt Nam trong hơn 60 năm qua, là do những người lãnh đạo đất nước tạo ra. Họ làm theo ý riêng, dựa vào ngoại bang mà còn độc tài độc tôn, độc đảng.

 

Đây là câu hỏi mà có lẽ nhiều người Việt Nam mong đợi câu trả lời trong suốt 33 năm qua. Nhưng thiết tưởng muốn có thì cần đi tìm, tại sao không tìm hiểu để tự trả lời mà phải mong đợi? Vì đây là vấn đề quốc gia đại sự có liên hệ đến nhiều cường quốc, chỉ có giới lãnh đạo -những người có trách nhiệm tột đỉnh, giữ địa vị lâu dài, mới có đủ tư thế trả lời. Và bài học họ rút tỉa được (may ra) mới có giá trị. Đó là ba ông tướng lãnh cao cấp: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Cao Văn Viên. Câu trả lời của họ sẽ giúp đồng bào cảm thông, thấy được hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước mà những người lãnh đạo đã cố hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm do nhân dân giao phó. Hoặc ít ra, nó cũng giúp mọi người có cơ sở để phán xét việc làm của giới lãnh đạo, từ đó có thể tìm thấy được bài học gì hữu ích cho mai sau. Thật ra, không có bài học lịch sử nào giống bài học lịch sử nào, song đồng bào vẫn luôn kỳ vọng…chỉ vì tương lai đen tối của tổ quốc: kinh tế ngày càng tụt hậu, đồng bào không có dân chủ tự do, một phần đất nước lọt vào tay ngoại bang.

Có một số người, dù không nắm hết mọi khía cạnh lớn của đất nước, nhưng đã cố công theo dỏi các diễn biến lịch sử để đưa ra bài học nầy, kinh nghiệm nọ, rồi đi đến khen chê, đề cao hoặc mạt sát những người lãnh đạo. Điều này vừa thiếu công bằng vừa đào sâu thêm sự hiềm khích sẳn có, mà vẫn chưa đưa ra lời giải đáp nào thỏa đáng. Rất tiếc, ba lãnh tụ VNCH nêu trên không ai viết lại hồi ký, ghi lại đoạn đường đau thương của đất nước, và tự phán xét việc làm của mình để rút ra bài học. Lúc cầm quyền, họ có rất đông tùy viên, nào là bí thư, nào là chánh văn phòng, chánh võ phòng…Những thuộc cấp đó có bổn phận ghi chép công việc thường nhật của xếp mình, cũng chính là công việc của quốc gia. Khi về hưu, họ chỉ nhìn lại từng sự kiện, nhớ lại cách hành xử của mình mà viết hồi ký. Một việc thường tình, mà không làm được. Chả lẽ họ đã quên quê hương đất nước rồi sao?

Tuy nhiên cũng có hai nhân vật cao cấp có tầm cỡ, ghi lại hồi ký, đó là cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn và cựu Tổng trưởng Kế hoạch -Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Ông Cẩn luôn tự hào về con đường tiến thân và sự nghiệp chính trị của mình. Theo ông “ở Pháp có những người tốt nghiệp từ trường Quốc gia Hành chánh, nhưng tích cực tham gia sinh hoạt chính đảng hoặc hữu khuynh hoặc tả khuynh. Đa số các vị này tranh cử vào Hạ Nghị viện và từ cương vị của đại diện dân cử được mời qua Hành pháp giữ các chức vụ hoặc Thủ tướng hoặc Tổng Bộ trưởng. Họ có thế lực vì họ là đại diện cử tri tại một địa phương, là dân biểu Quốc hội và việc tham gia Nội các của họ không phải là do lời mời cá nhân mà nằm trong một thủ tục chuyển quyền hiến định của toàn thể hoặc từng phần Nội các. Điển hình là trường hợp của hai cựu và đương kiêm tổng thống Pháp Giscard d’Estaing và Jacques Chirac (ghi chú: thời điểm 2003) cả hai đều tốt nghiệp trường Hành chánh và cả hai đều từ dân biểu qua lập Nội các, giữ chức Thủ tướng nhiều năm, trước khi tranh cử tổng thống. Cựu thủ tướng Pháp Lionel Jospin cũng tốt nghiệp trường Hành chánh và từ Dân biểu Quốc hội được mời thành lập Nội các và ra tranh cử chống Tổng thống Jacques Chirac”. Ông Cẩn tự hào cũng tiến thân như vậy. Ông tốt nghiệp trường QGHC, đắc cử Dân biểu, tham gia đảng chính trị, ông là Tổng Bí thư Đảng Công Nông Việt Nam. Một bộ phận của đảng Công Nông là Tổng Liên đoàn Lao Công Việt Nam lúc bấy giờ, theo ông cho biết có độ nửa triệu đoàn viên. Và sau cùng ông là Thủ tướng. (1)

Còn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, từ 1957 ông du học, tốt nghiệp, dạy Đại học và sống lâu năm ở Mỹ -là quốc gia đã yểm trợ VNCH. Sau 16 năm ở Hoa Kỳ, ông về nước tham chính, làm Phụ tá Tổng thống Thiệu về tái thiết, sau đó giữ chức vụ Tổng trưởng Kế hoạch qua hai đời thủ tướng: Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Bá Cẩn. Ông tự nhận “hoàn toàn không ở địa vị đủ cao cấp để nói lên lời cuối, nhưng nhờ một cơ duyên của lịch sử đã may mắn được gặp lại cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhiều lần ở London và Boston để nghe và ghi lại những lời cuối cùng của ông về cuộc chiến”. (2)

Ông cựu thủ tướng viết hồi ký Đất Nước Tôi năm 2003 và ông Tiến sĩ phụ tá tổng thống viết quyển Khi Đồng Minh Tháo Chạy” năm 2005. Ở tuổi trên 70, sau gần 30 năm suy ngẫm… hai tác phẩm trên tất phải có giá trị, đáng tin cậy để đồng bào đọc và thấy được tại sao nước mất với biến cố 30/4/1975.

Muốn rút tỉa bài học, trước hết phải nhìn lại cẩn thận, xem xét nguyên nhân nào đã dẫn đến biến cố trên.

Trong sách Đất Nước Tôi có “Chương 18 Tại sao Miền Nam Thua” và “Chương 19 Việt Nam Bị Bán Đứng”, nghĩa là “Miền Nam thua vì Việt Nam bị bán đứng”. Ông Cẩn cho rằng: “Sau khi chiến tranh lạnh tiến dần đến giai đoạn Hoa Kỳ và Nga Xô phải bàn chuyện chung sống hòa bình trong những hoàn cảnh và điều kiện nào đó để quân bình lực lượng, quân bình ảnh hưởng trên thế giới. Chính trong khuôn khổ một trật tự mới cho thế giới này mà VNCH bị biến thành con cờ để trao đổi với Cộng sản Nga Hoa. Nói rõ hơn, thay vì phải giữ cho VNCH được tự do dân chủ với bất cứ giá nào để làm “tiền đồn cho Thế giới Tự do” hầu ngăn chặn chính sách bành trướng của Cộng sản thì nay, vì sẽ có cam kết sống chung hòa bình trong khuôn khổ một trật tự mới đã được thỏa thuận, thì nguy cơ bành trướng Cộng sản không còn nữa, tất nhiên “KHÔNG CẦN TIỀN ĐỒN NỮA”.

Cũng vì đó “VNCH và Đài Loan bị bán đứng từng phần cho Trung Cộng”. Nixon đã bán đứng “quy chế cường quốc và thành viên Hội đồng Bảo An LHQ” của Trung Hoa Quốc Gia cho Trung Cộng. Và sau đó, Hoa Kỳ làm ngơ để Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của VNCH. Riêng VNCH còn bị HK hy sinh để đổi lấy Trung Đông, vì lẽ Kissinger -ngoại trưởng HK là người Do Thái. Sự tồn tại của Do Thái và quyền lợi dầu hỏa ở Trung Đông, nên HK phải cắt viện trợ cho VN để dồn cho Do Thái. (3)


Trong chương 18, ông Nguyễn Bá Cẩn có đề cập đến chiến tranh Đông Dương 1946-1954 với nhận xét “Pháp và Đồng Minh (Anh, Hoa Kỳ…) đã thua chiến tranh Đông Dương vì không có chính nghĩa”. Còn chiến tranh Việt Nam 1967-1975, Miền Nam thua vì VNCH bị bán đứng. Không hiểu tác giả dựa vào cơ sở nào để nói rằng chiến tranh Việt Nam khởi sự từ 1967? Phải chăng ông muốn những diễn tiến của lịch sử phải phù hợp với sự nghiệp chính trị của ông. Trang 474-5, ông cho biết: “Kể từ năm 1967 cho đến 1975, trong 8 năm tại Hạ Nghị Viện VNCH, tôi có dịp tiếp xúc với hàng chục nghị sĩ vả dân biểu Hoa Kỳ đến thăm Sàigòn…”.

Cái nhìn của ông Cẩn về chiến tranh Đông Dương 1946-1954 không phản ánh đúng sự thật lịch sử. Chiến tranh Đông Dương khởi đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo. Tài liệu Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers) đã ghi rõ: trong cuộc xung đột Pháp/Việt Minh ở Nam Bộ và cuộc đàm phán Pháp với ông Hồ Chí Minh năm 1946, Hoa Kỳ giữ thái độ trung lập. Vì thế Tổng thống Truman từ chối lời yêu cầu của De Gaulle xin HK cung cấp phương tiện để chở quân Pháp sang Đông Dương. HK cũng bác bỏ yêu cầu của Paris xin cung cấp vũ khí để Pháp chống Việt Minh. HK cũng làm ngơ trước những lời kêu gọi của ông HCM yêu cầu HK can thiệp để VN trở thành một nước được Mỹ bảo hộ trong một thời gian, trước khi độc lập như Phi Luật Tân.

HK hoàn toàn đứng ngoài trong cuộc chiến Đông Dương cho đến giữa năm 1948. Lúc bấy giờ chiến tranh lạnh giữa Thế giới Tự do và Quốc tế Cộng sản đã diễn ra. Ông HCM từng xác nhận “kháng chiến VN là một bộ phận của nhân dân thế giới do Liên Xô lãnh đạo. Kháng chiến VN là một hình thức cao rộng của giai cấp đấu tranh, nghĩa là cuộc đấu tranh lớn trên toàn thế giới, giữa thế giới tư bản và thế giới cộng sản”. Vì vậy HK áp lực mạnh buộc Pháp trao trả độc lập cho các nước Đông Dương. Nhờ đó, thỏa ước Elysée ra đời năm 1949: Pháp nhìn nhận VN độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp (LHP), song HK vẫn chưa ủng hộ thỏa ước. Đến giữa tháng Giêng 1950, tức ba tháng sau khi chiến thắng ở Hoa Lục, Mao Trạch Đông thừa nhận nước VNDCCH, đồng thời chi viện giúp ông HCM chống Pháp. Ngay sau đó, Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu cũng theo gưong Trung Cộng. Đầu tháng Hai, HK và các nước Tây phương mới chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại lãnh đạo.

Theo kế hoạch giải thực (giải trừ chế độ thực dân) của LHQ, các nước thực dân phải huấn luyện người dân thuộc địa có đủ trình độ để quản trị đất nước sau khi thu hồi được độc lập. Riêng VN, đã có đầy đủ chuyên viên trí thức tốt nghiệp từ Pháp hoặc Đại học Hànội…Nhưng VN chưa đủ sức bảo vệ nền độc lập vì sự uy hiếp của Việt Minh Cộng sản. Do đó VN cần phải nằm trong khối Liên Hiệp Pháp, để được Pháp và đồng minh HK -đứng đầu Thế Giới Tự Do yểm trợ mới đủ sức đương đầu với VM được Cộng sản Nga Hoa ủng hộ. Cũng tương tự như Mã Lai, mãi đến năm 1957, sau khi dẹp yên Mã Cộng, Anh quốc mới trao trả độc lập cho Mã Lai.

Nhờ lực lượng cân bằng, đại diện hai khối Thế gìới tự do và Quốc tế Cộng sản là Anh Quốc và Trung Cộng đứng ra chủ toạ hội nghị Genève 1954, đi đến chia cắt ảnh hưởng ở Đông Dương, nhằm bảo vệ hòa bình thế giới. Miên Lào trung lập, miền Bắc VN thuộc ảnh hưởng khối Cộng, miền Nam VN thuộc ảnh hưỏng Thế Giới Tự Do. Trách nhiệm hoàn tất, Pháp rút khỏi Đông Dương. Lãnh đạo miền Nam là thủ tướng Ngô Đình Diệm, một chí sĩ yêu nước, thanh liêm, từng từ chức Thượng thư đầu triều để phản đối Pháp. Nếu Anh Pháp Mỹ không có chính nghĩa trong chiến tranh Đông Dương 1946-1954 khiến Pháp bại trận như nhận định của ông Cẩn, thì làm sao có được VNCH, nhân dân miền Nam được sống trong dân chủ tự do 21 năm!

Ngày 26/4/2005, sau khi phát hành quyển Khi Đồng Minh Tháo Chạy, đài VOA đã hỏi Ts Hưng: “Có nhiều người đã nói rằng MN sụp đổ vì hai lý do Mỹ bỏ rơi và MN thiếu ý chí tồn tại. Là người trong cuộc ông nghĩ sao? Ông Hưng trả lời “Lý do Mỹ bỏ rơi rất đúng vì MN đã được sử dụng như một quân cờ trong ván cờ thế giới. Nhưng một khi đã bắt tay được với Mao trạch Đông và hòa hoãn được với Liên Xô thì “cái tiền đồn của thế giới” không còn cần thiết nữa, và phải tìm cách tháo lui. Câu hỏi đặt ra không phải là “có nên hay không nên bỏ rơi MN” mà là “bỏ rơi như thế nào” thôi. Còn lý do “MN thiếu ý chí” thì chính đại sứ Martin đã nói ngược lại là MN không thiếu ý chí”.

Trong tác phẩm KĐMTC, Ts Nguyễn Tiến Hưng cho rằng nguyên nhân Mỹ dứt khoát bỏ rơi MN là vì quyền lợi của Mỹ ở VN đã không còn nữa. Ông lập luận rằng “Sau Thế chiến II, HK giúp thành lập hai quốc gia Do Thái và VNCH. Ngày 14 tháng 5 1947, Do Thái trở thành một quốc gia độc lập. Ngày 26 tháng 10 1955, nước VNCH được thành lập, Hà Nội nhất quyết đòi hỏi phải tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc để đi tới thống nhất đất nước theo qui định của hiệp định Genève. Tổng thống Diệm, với sự ủng hộ mạnh mẽ của HK, tiếp tục bác bỏ. Ngày nay, VNCH đã mai một 30 năm rồi, nhưng Do Thái vẫn còn trường tồn, lại còn mạnh mẽ hơn. Lý do là vì Mỹ vẫn còn cần đến Do Thái làm tiền đồn để trấn giữ túi dầu ở Trung Đông. “Nếu tiền đồn dầu lửa ở Trung Đông còn cần thiết thì tiền đồn của Thế giới tự do bên Á châu lại không còn cần thiết nữa”. Kể từ ngày TT Nixon bắt tay được với Trung Quốc thì giá trị của miền Nam để “ngăn chặn làn sóng đỏ” đã không còn là bao nhiêu trong những tính toán của Mỹ về hơn thiệt (cost-benefits). Dần dần VN đã hết vai trò một tiền đồn của Thế giới tự do. Và như vậy, vấn đề còn lại đối với Mỹ thì chỉ là làm sao rút ra được cho êm thắm, ít bị tổn hại về uy tín là được rồi”. (4)

Lập luận của TS Nguyễn Tiến Hưng về việc HK giúp thành lập hai quốc gia Do Thái và VNCH không phản ánh đúng sự thật lịch sử, Theo tài liệu của Tự điển bách khoa Wikipedia thì năm 1947, Liên Hiệp Quốc chấp nhận phân chia phần đất Palestine thành hai quốc gia: một là Jewish, một là Arab. Ngày 14/05/1948, Israel tuyên bố độc lập. Quả thật, từ đó đến nay HK luôn là đồng minh của Do Thái, có phải vì dầu hỏa hay không? Nhưng có điều chắc chắn là đất nước nhỏ bé này luôn bị các nước Á Rập láng giếng hăm doạ xoá tên trên bản đồ. Do Thái lại là quốc gia đứng đầu các nước ở Trung Đông, không những vì nền kinh tế phát triển mà còn là một nước tôn trọng nhân quyền, dân chủ tự do. Tôi nghĩ rằng đó là lý do HK phải yểm trợ Do Thái, cái nôi dân chủ tự do trong vùng đất nhiều dầu hỏa nhưng thiếu dân chủ tự do vì quá cuồng tín. Cũng tương tự như MNVN sau 1954, HK luôn yểm trợ MNVN, coi đây là mô hình tự do, phồn thịnh ở Đông Nam Á.

Còn lập luận nói rằng HK đã ủng hộ Tổng thống Diệm bác bỏ đề nghị của Hà Nội tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, để thành lập VNCH đã vô tình bôi xấu TT Diệm. Ông Diệm không bác bỏ việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước mà chỉ đưa điều kiện để tiến hành. Đó là khi nào nhân dân miền Bắc được hưởng những quyền dân chủ tự do thực sự. Việc VNCH ra đời cũng tương tự như Do Thái là do LHQ chớ không phải HK. Tại hội nghị Genève 1954, toàn thể các Hội viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ đồng ý chia đôi VN. Thực trạng VN cũng tương tự nước Đức và Triều Tiên. Tháng 8 năm 1955, thủ tướng Diệm đã trả lời đề nghị của Hà Nội về việc tổ chức tổng tuyển cử: “Tổng tuyển cử là một định chế hòa bình và dân chủ nhưng với điều kiện tiên quyết là sự tự do sinh sống và tự do đầu phiếu phải được bảo đảm”. Ông giải thích thêm “người ta không thể làm được điều gì xây dựng về vấn đề này khi mà chế độ Cộng sản miền Bắc vẫn không cho phép người dân của họ hưởng những quyền tự do dân chủ”. Ông Diệm còn cho rằng việc tổng tuyển cử chưa thể thực hiện khi chánh quyền CS ở miền Bắc ngay bước đầu đã vi phạm quyền tự do công dân. Họ không cho người dân miền Bắc được tự do lựa cọn vùng muốn sinh sống theo tinh thần hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam tứ HĐ Genève 1954. Sau đó qua chiến dịch “cải cách ruộng đất” chính quyền miền Bắc đã tiến hành khủng bố tàn bạo trong phạm vi rộng lớn để trấn áp những người không thích chế độ cộng sản.

Còn HK trong tuyên bố riêng công bố sau khi Hội nghị Genève bế mạc, họ cho biết về vấn đề VN bị chia cắt: “nếu quyết định của các cường quốc phản lại ý muốn chung của người dân bản xứ, HK sẽ mưu tìm sự thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do có LHQ giám sát”. Trong tinh thần đó, chính quyền Eisenhower đã ủng hộ lập trường của TT Diệm là cuộc tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam chỉ được tiến hành khi nào miền Bắc chấm dứt khủng bố, thực thi dân chủ và để người dân tự do thực hiện quyền đầu phiếu. Việc này HK đã hoàn thành trong HĐ Paris 1973: nhân dân MN được hưởng mọi quyền tự do, sau đó tham gia cuộc tổng tuyển cử tự do để quyết định thể chế tương lai MN. Chính phủ MN sẽ hiệp thương với chính phủ MB để thống nhất đất nước theo tinh thần HĐ Genève 1954.

Ông cựu thủ tướng là một chuyên viên hành chánh, ông Phụ tá tổng thống là một chuyên viên kinh tế, các ông chỉ trình bày tổng quát về lịch sử chính trị nhằm mục đích làm sáng tỏ lập luận của mình: HK bỏ rơi VNCH để dồn lực cho Do Thái, vì lẽ Kissinger là người gốc Do Thái. Ông Cẩn còn đi xa hơn, cho rằng Anh Pháp Mỹ không có chính nghĩa trong cuộc chiến Đông Dương 1946-1954 để có lý do lên án HK bỏ rơi miền Nam hồi năm 1975. Điều quan trọng mà đồng bào muốn biết là giới lãnh đạo đất nước đã nhận định như thế nào về sự sụp đổ của MN? Nay thì đã có câu trả lời: ‘Mỹ không cần tiền đồn nữa” và “tháo chạy”. Ông đồn trưởng Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu vội vàng chạy trước, tiếp theo là các viên chức giúp việc chạy sau. “Đất nước tôi” là như vậy, “Đồng minh (của Mỹ) tháo chạy” là như vậy.

Sau này, gặp lại nhau ở hải ngoại, ông Thiệu nói với cựu phụ tá của mình: “Tôi có trách nhiệm, nhưng không có tội” (Je suis responsible mais pas coupable) (5) Dù sao, ông vẫn còn biết mình có trách nhiệm (trước 1975)…Nhưng lại cho rằng mình không có tội, vì tất cả là do Hoa Kỳ. Đổ lỗi cho Mỹ là xong chuyện. Ba mươi năm sau, trong tác phẩm KĐMTC, Ts Nguyễn Tiến Hưng viết rằng: “Nhìn lại lịch sử, tôi cũng không khỏi suy tư và đặt một câu hỏi khác: tại sao phía VNCH lại cứ âm thầm từ hè 1973 khi Mỹ bắt đầu cắt xén viện trợ? Tại sao lãnh đạo hành pháp và lập pháp không họp lại để bàn luận về hồ sơ mật xem phải nên đối xử làm sao với HK trong hoàn cảnh chính trị của Watergate, và dưới triều một tổng thống Mỹ mới? Việc này chỉ được làm sau khi rút khỏi Pleiku thì đã qua muộn”. (6) Ba mươi năm sau, vẫn còn ý nghĩ “ỷ lại vào Hoa Kỳ”, chả lẽ vào thời điểm đó, mang mấy chục lá thư của Tổng thống Nixon gởi Tổng thiệu Thiệu (Hồ sơ mật Dinh Độc lập) đến Quốc hội HK nằm vạ, hăm he: Tổng thống mấy ông hứa thì mấy ông phải giúp. Viện trợ nhiều thì chúng tôi giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít. Không chịu giúp nữa, chúng tôi bỏ tiền đồn chạy cho mà coi.

Lịch sử là một chuỗi dài nhân quả, từ nhân sinh ra quả. Quả sẽ tạo nhân và cứ thế tuần tự diễn tiến theo qui luật bất di bất dịch: luật nhân quả. Phải tìm hiểu nguyên nhân mới thấy được hậu quả. Đằng này cứ ỷ lại vào Mỹ rồi lên án Mỹ, thì làm sao thấy được những nguyên nhân khác, do mình chớ không phải do Mỹ đã làm sụp đổ Miền Nam? Vì thế, đã không làm tròn trách nhiệm đối với đất nước trước 1975, còn nay thì hết trách nhiệm đối với đồng bào dân tộc.


Làm kẻ thù của HK thì dễ, nhưng làm bạn với họ thì thật là khó. Ngày 29/4/1975, bà Anna Chennault tới Đài Loan mang theo lời nhắn nhủ của (tổng thống) Ford đến cho ông Thiệu. Nội dung cho biết vì tình hình phản chiến ở đây, ông Thiệu không nên đến Hoa Kỳ lúc này. Ông nên đi nơi khác, nhưng gia đình ông thì có thể vào Hoa Kỳ được. Bà Chennault nói có thể dàn xếp để Thiệu đi đâu tùy ý. Ông Thiệu lạnh lùng nói với bà: “Làm kẻ thù của HK thì dễ, nhưng làm bạn với họ thì thật là khó’. (7) Bà Anna Cennault là quả phụ tướng Claire Chennault người đã chỉ huy đoàn Phi Hổ, hồi Đệ II Thế chiến. Bà rất có uy tín của đảng Cộng Hòa, ra vào tự do trong chính giới ở Hoa Thạnh Đốn. Bà đã làm trung gian giữa Nixon và Thiệu, qua đó nhóm ủng hộ đảng Cộng Hòa khuyến cáo VNCH không nên gởi phái đoàn sang dự hòa đàm Paris hồi tháng 11/1968. Ông Thiệu chấp nhận, do đó, kế hoạch hòa bình của đảng Dân chủ Mỹ thất bại, ứng cứ viên Humphrey thất cử, Nixon đắc cử. Đây là món nợ chính trị giữa Nixon và Thiệu được Ts Hưng trình bày trong Chương 2 quyển Hồ sơ Mật Dinh Độc lập.

Ngoài câu nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”, đây là câu nói để đời thứ hai của ông Nguyễn Văn Thiệu. Một bài học cho ông và cho đất nước. Trong những ngày cuối tháng Tư/1975 Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón 130 ngàn người VN vào đất Mỹ, chả lẽ họ lại hẹp hòi, thiếu nhân đạo đối với vị lãnh đạo VNCH hay sao. Phải có điều gì bí ẩn, tìm hiểu mới thấy được bài học 30/4/1975. Đối với người Á Đông chúng ta, đã gọi là bạn, là tri kỷ thì phải hiểu nhau, ăn ý với nhau, không có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Sở dĩ làm bạn với HK thật là khó, là vì không hiểu HK, chỉ biết ỷ lại, dựa dẫm vào bạn mà thôi; chớ không biết hợp lực với bạn thực hiện mục tiêu chung của Thế giới Tự do trong chiến tranh lạnh vừa qua. Anh Quốc ăn ý với HK trong việc giải trừ thuộc địa nên Anh Quốc giữ được nguyên khối Liên Hiệp Anh sau Thế chiến II. Bà thủ tướng Anh Thatcher và TT Reagan đã hợp tâm hợp ý giúp kết thúc chiến tranh lạnh không tốn một giọt máu.

Đối với VN, từ sau 1954 đã có hội “Người Mỹ bạn của Việt Nam”. Tháng Năm 1956, Thượng Nghị sĩ John F. Kennedy, bốn năm sau trở thành tổng thống Hoa Kỳ, đã tuyên bố với hội này rằng: “Hoa Kỳ coi Việt Nam như là một thí điểm của nền dân chủ ở Á châu”. Ông còn nhấn mạnh thêm “Việt Nam còn là sự trắc nghiệm về ý thức và quyết tâm của Hoa Kỳ”. Do đó, “nếu miền Nam Việt Nam sụp đổ vì cộng sản, vì rối loạn chính phủ, vì nghèo đói hoặc bất cứ lý do nào khác, thì Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm và uy tín của Hoa Kỳ ở Á Châu chắc chắn sẽ chìm sâu” (8) Hai năm trước, tổng thống Eisenhower đã gởi thư đến thủ tướng Ngô Đình Diệm, xác định mục tiêu của HK là “giúp miền Nam Việt Nam bằng viện trợ để duy trì và phát triển một nhà nước tự do có sức sống mạnh, có khả năng chống trả lại những mưu toan khởi loạn hoặc xâm lược bằng vũ lực”. Hoa Kỳ mong muốn chánh phủ Nam Việt Nam đáp ứng lại bằng cách thực hiện những cải cách cần thiết, mở rộng chánh phủ có sự tham tham gia của các đảng phái chính trị và thiết lật các cơ cấu dân chủ hơn. (9) Đối với Hoa Kỳ, Miền Nam VN là tiền đồn của Thế giới Tự do, để ngăn chận sự bành trướng của CS. Nơi đây còn là “chiếc tủ kính trưng bày sự phồn vinh và nền tự do kiểu Mỹ ở Đông Nam Á” như nhận xét của một cán bộ CS cao cấp Mặt trận giải phóng Miền Nam. (10)

Đầu năm 1965, trước sự uy hiếp nặng nề của Cộng sản Bắc Việt được Liên Xô, Trung Cộng và khối Cộng sản Đông Âu tiếp sức, VNCH sắp sụp đổ. Hoa Kỳ vội can thiệp, đưa quân vào Miền Nam, vừa dội bom miền Bắc, nhằm áp lực Bắc Việt ngồi vào bàn đàm phán giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình. Sau ba năm với hai gọng kềm: tăng quân vào miền Nam, mở rộng diện oanh kích miền Bắc, Hànội chịu ngồi vào đàm phán ở Paris. Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi VN, mở đầu kế hoạch “Phi Mỹ hoá” hạn chế dần sự can dự của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, để làm giảm bớt sự căng thẳng giữa hai khối Tự do và Cộng sản. Nơi nào có mặt Mỹ, thì khối CS yểm trợ lực lượng địa phưong chống đế quốc Mỹ. Nơi nào bị CS đe doạ xâm lưọc để bành trướng như miền NamVN, Hoa Kỳ phải trực tiếp can thiệp. Vì thế tạo ra nhiều khu vực căng thẳng, nhiều lò lửa chiến tranh trên thế giói. Hoa Kỳ đã tự chế qua kế hoạch Phi Mỹ Hoá, rút quân khỏi VN, HK đã đi tiên phong mang lại hòa bình cho thế giới bằng cách làm sứ giả đi Trung Quốc và Liên Xô thuyết phục hai nước này cùng tự chế như Mỹ, để tạo ra một giai đoạn hòa bình, hòa hoãn mà các bên đều có lợi.

HK không dùng quyền phủ quyết, giúp Trung Cộng trở thành Hội viên Thường trực Hội đồng Bảo An LHQ, có địa vị ngang hàng với Anh, Pháp, Mỹ, Nga. Hoa Kỳ còn mặc nhiên thừa nhận Trung Cộng như là lãnh tụ Thế giới Thứ ba, tạo thế chân vạc ba thế giới để cùng nhau bảo vệ hòa bình thế giới. Hoa Kỳ đã thuyết phục được Liên Xô và Trung Cộng áp lực BV chấp nhận chấm dứt chiến tranh VN bằng cách tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN. Nhân dân miền Nam sẽ quyết định tương lai miền Nam chớ không phải do HK hay BV áp đặt. Hội đồng Quốc gia hòa hợp hòa giải dân tộc gồm ba thành phần sẽ được thành lập để tổ chức cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do, để người dân miền Nam thể hiện quyền tự quyết của mình. Ở Miền Nam có ba thành phần chính trị, phù họp với xu thế chung toàn cầu cũng có ba thế giới: HK lãnh đạo Thế giới Tự do, Liên Xô khối Xã hội chủ nghĩa còn Trung Cộng lãnh đạo Thế giới thứ ba.

Hiệp định Paris 1973 ra đời trong bối cảnh “tiền đồn chống Cộng” ở miền Nam Việt Nam vô cùng bền vững, VNCH kiểm soát 80% đất đai, hơn 90% dân số. Trung Cộng đã bị bao vây chặt chẽ: ở đông bắc là Đại Hàn do tướng Pak Chung Hee lãnh đạo, ở phía đông là Trung Hoa Quốc gia do Thống chế Tưởng Giới Thạch, Phi luật Tân do tướng Ferdinand Marcos, ở hướng Nam là Nam Dương do tướng Suharto, ở Cam Bốt do tướng Lon Nol, ở Thái Lan do thống chế Kittykachorn lãnh đạo. Đây là thời điểm, HK kỳ vọng nhân dân miền Nam tự do sẽ chiến thắng CS qua cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do theo tinh thần HĐ Paris 1973. Chiến thắng của MNVN cũng là chiến thắng của HK trong chiến tranh lạnh. HK đã dồn sức viện trợ biến MNVN thành một thí điểm của sự phồn vinh và dân chủ tự do ở Châu Á. Gần 60 ngàn binh sĩ Mỹ đã hy sinh, trên 300 tỷ mỹ kim chiến phí đã giúp MNVN vượt qua sự đe doạ của chiến tranh xâm lược, nay là lúc gặt hái thành quả hòa bình. Nhưng cuối cùng diễn ra cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa HK và VNCH.

Sau HĐ Paris, Nixon mời Thiệu sang HK, hội đàm với ông ở San Clemente. Nixon cam kết sẽ viện trợ đầy đủ cho VNCH với điều kiện VNCH phải cùng Mỹ nghiêm chỉnh thực hiện HĐ Paris 1973. Nếu BV vi phạm, HK có lý do để tái can thiệp...Nhưng Thiệu vẫn kiên trì với lập trường “bốn không”, tiếp tục chiến đấu chớ không hòa giải. Ông đẩy thành phần thứ ba về phía CS, khiến CS có thêm thế lực, MN càng sụp đổ mau. Trong khi đó, sau 1975, Thế giới thứ ba do Trung Cộng lãnh đạo đứng về phía HK đã góp phần làm sụp đổ Liên Xô và khối Xã hội chủ nghĩa thế giới.

Từ 21/5/1973, Kissinger và Lê Đức Thọ trở lại Paris để thảo thuận và ra một tuyên cáo chung xác định hai bên quyết tâm thi hành nghiêm HĐ Paris. Trong thời gian này, Nixon đã gởi gần chục lá thư thuyết phục Thiệu: “Như Ngài rõ, tôi đã công khai tuyên bố nhất quyết thi hành bản hiệp định Paris với tất cả uy tín và thiện chí của Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ sẽ không ai hiểu nổi vấn đề này nếu bây giờ sự thương thuyết bị thất bại vì những trở ngại ta có thể tránh được. Tôi xin lập lại rằng ước vọng duy nhất của chúng tôi là muốn thấy bản Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh và thắt chặt tình liên đới với VNCH. Tôi không tin rằng Ngài muốn tôi phải ra trước dân chúng Hoa Kỳ dể giải thích sự bế tắc của cuộc thương thuyết hiện nay ở Paris. Điều này chắc chắn sẽ đưa tới sự cắt đứt ngân khoản cho Lào và Căm Bốt và cuối cùng là Miền Nam VN. Khi ở San Clemente, tôi đã nói rõ với Ngài về việc xin Quốc hội HK viện trợ đầy đủ khó khăn như thế nào. Tuy nhiên tôi cũng đã trình bày với Ngài rằng chúng tôi sẽ dồn mọi nổ lực không những xin đầy đủ viện trợ cho những nhu cầu hiện tại của VNCH, mà còn yểm trợ cho những kế hoạch kinh tế dài hạn Ngài vừa công bố! Nổ lực này đang tiến hành tốt đẹp và được đặt vào hàng ưu tiên đầu. Nhưng tôi thẳng thắn khuyến cáo Ngài rằng chỉ một mối bất đồng nhỏ nhoi của chúng ta trong tình thế này cũng đủ làm tiêu tan nổ lực trên. Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ cân nhắc kỹ lưỡng điều trên khi đọc lá thư này” (11) TT Nixon đã khuyến cáo thảm trạng sụp đổ miền Nam VN từ hai năm trước, bằng giấy trắng mực đen rõ ràng, chớ không phải âm thầm tính chuyện bán đứng VNCH hay đang chuẩn bị tìm cách bỏ chạy.

Dù cố thuyết phục song Thiệu vẫn không nhượng bộ. Ngày 13/6/1973, Nixon gởi lá thư cuối cùng cho Thiệu với lời lẽ đắng cay: “Lá thư của Ngài đề ngày 12/6 là một đòn giáng mạnh vào tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung của chúng ta. Căn cứ vào những hy sinh và rủi ro của HK phải gánh chịu vì Ngài, tôi không thể ngờ Ngài có thể trả lời một cách tiêu cực như vậy. Tôi chẳng cầu dấu diếm sự căng thẳng trong mối bang giao giữa chúng ta vì Ngài đã phủ nhận những cam kết của tôi trong việc ký kết bản tuyên cáo này. Nếu Ngài lựa chọn đường lối tiêu cực này thì chính Ngài đã vạch ra chính sách tương lai của HK đối với Việt Nam. Tôi sẽ bắt buộc phải chiều ý Quốc hội và công luận HK, chỉ yểm trợ vừa đủ những nhu cầu có tính cách nhân đạo cho nhân dân miền Nam và bỏ qua những quyết định và nhiệm vụ khó khăn để viện trợ kinh tế và quân sự cho VNCH như ta đã thảo luận ở San Clemente. Chẳng cần phải nói dài dòng, nổ lực của chúng tôi trên toàn cỏi Đông Dương sẽ chấm dứt. Tôi coi sự lựa chọn của Ngài như chống đối sự phán đoán và cam kết của chính bản thân tôi. Đây không còn là vấn đề của người đi thương thuyết hay của luật sư và chuyên viên. Đây là vấn đề giữa tôi và Ngài. Sự lựa chọn là do Ngài”. (12)

Từ đó, Quốc hội Hoa Kỳ từng bước giảm dần viện trợ cho VNCH, tước bớt những quyền hạn của tổng thống. Kế hoạch hòa bình của Nixon kể như thất bại, Quốc hội Mỹ mượn vụ Watergate để áp lực Nixon từ chức. Tám tháng đến lượt Thiệu. Đúng như lời Nixon trong lá thư cuối cùng, hành động của Thiệu “là một đòn giáng mạnh vào tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung của chúng ta” và Hoa Kỳ “chỉ yểm trợ vừa đủ những nhu cầu có tính cách nhân đạo cho nhân dân miền Nam và bỏ qua …viện trợ kinh tế, quân sư”. Trong tình thế như vậy, TT Ford đành phải yêu cầu Thiệu không nên đến Hoa Kỳ. Tình bằng hữu giữa Nixon và Ford với Thiệu đã mất, miền Nam Việt Nam cũng không còn. Điều đau buồn nhất, là hành động của ông Thiệu và những người phụ tá đã làm mất đi cả tình đồng minh Việt Mỹ trong thời kỳ hậu 1975, vì luôn luôn coi HK là phản bội, ký HĐ Paris 1973 để bán đứng miền Nam VN cho CS. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh rất nhiều xương máu với người bạn đồng minh Hoa Kỳ trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng dân chủ tự do. Cuối cùng, Hoa Kỳ chiến thắng, trở thành siêu cường quốc số một thế giới. Còn người bạn đồng minh ngày trước, chỉ vì ông tổng tư lịnh tối cao đã trở mặt, nên ngày nay không còn là đồng minh của Mỹ nữa -Đồng minh trong hòa bình mà HK đã vạch ra sau khi ký HĐ Paris 1973 và rút lui khỏi VN. Đồng minh để tiếp tục trách nhiệm lịch sử chưa hoàn thành: giành dân chủ tự do trong phạm vi rộng lớn, cho đồng bào cả nước.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì quá ỷ lại vào HK, khước từ quyền tự quyết của nhân dân miền Nam được ghi rõ trong điều 9 HĐ Paris 1973 là “thiêng liêng bất khả xâm phạm phải được tất cả các nước công nhận” (The South Vietnames people’s right to self determination is sacred, inalienable, and shall be respected by all countries), tạo ra thảm cảnh 30/4/1975. Sau đó, đến lượt những người CS, cũng tin tưởng và ỷ lại vào sự “hùng mạnh tất thắng” của Liên Xô, nên khước từ bình thường hoá bang giao với HK, đứng về phía LX chống lại Trung Cộng, tạo thêm cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba giữa Cộng Sản Việt Nam và CS Trung Quốc. Khi cuộc chiến này kết thúc cũng là lúc Liên Xô và hệ thống Xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ. CSVN lại quay về thần phục Bắc Kinh. Biết được ý đồ của đàn em từng phản bội mình: “thà mất đất, mất biển, chớ không để mất đảng”, giới lãnh đạo Trung Cộng tự do chèn ép. Họ đưa ra 16 chữ vàng làm nền tảng cho mối bang giao mới với CSVN, trong đó có bốn chữ “họp tác toàn diện”. Đó là hình thức “lệ thuộc toàn diện”, họ cũng chưa vừa lòng, họ còn bành trướng thêm tí đất, tí biển của đàn em.

Thảm hoạ của dân tộc Việt Nam trong hơn 60 năm qua, là do những người lãnh đạo đất nước tạo ra. Họ làm theo ý riêng, dựa vào ngoại bang mà còn độc tài độc tôn, độc đảng. Lãnh đạo miền Nam trước 1975 thì “thả mồi”, lãnh đạo đất nước sau 1975 thì “bắt bóng”. Câu chuyện “thả mồi bắt bóng” trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày trước, tưởng rằng chỉ là chuyện vui nhưng đó là bài học, giúp những người hằng ưu tư đến tiền đổ suy ngẫm và luận bàn thế sự trong những dịp trà dư tửu hậu. Còn bài học lớn của những người lãnh đạo, muốn đất nước trường tồn phải biết quý trọng văn hoá dân tộc, khắc sâu ý niệm: “quyền tự quyết của nhân dân là thiêng liêng bất khả xâm phạm, phải tôn trọng nó”. Chỉ có nhân dân mới hoá giải được thảm hoạ bị đồng hoá, mới chấm dứt tình trạng kinh tế tụt hậu, đưa đất vào kỷ nguyên Độc lập, Dân chủ, Tự do và Giàu mạnh.

Lê Quế Lâm


(1) Nguyễn Bá Cẩn, Đất Nước Tôi - Hồi ký chánh trị. Hoà Hảo Press, Derwood MD (USA), 2003, tr. 206-07 & 201.
(2) Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy. Cơ sở xuất bản Hức Chấn Minh, San Jose CA, USA, 2005, tr.26.
(3) Nguyễn Bá Cẩn, Sđd, từ trang 447 đến trang 552.
(4) Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Sđd, tr. 454-57.
(5) Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập. C & K Promotions, INC, Los Angeles, 1987, tr. 601.
(6) Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy. Sđd, tr. 459.
(7) Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, Sđd, tr. 561. Tác giả phỏng vấn Anna Chennault, ngày 2-3-1986. Ông Thiệu và gia đình định cư ở Luân Đôn. Các con ở HK và người con gái cũng ở đấy. Ông ta thỉnh thoảng sang thăm con. Bà Chennault cũng có gặp riêng ông Trần Thiện Khiêm và ông Khiêm muốn được sang Mỹ ở. Ông ở Arlington, Virginia (chú thích 14, tr. 891-2)
(8) Phạm Kim Vinh, Nước Mắt Việt Nam. Cơ sở PKV xuất bản, HK, 1982, tr. 13/14.
(9) US Department of State, American Foreign Policy, 1950-1955 - Basic Documents. Government Printing Office, Washington, DC, 1957, tr. 2401-04.
(10) Trần Bạch Đằng, Chung Một Bóng Cờ. Nxb Chính trị Quốc gia, Hànội, 1993, tr.857.
(11) + (12) Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập. Sđd,tr. 327 + 341-42