Thật là một thảm kịch khi Hoa Kỳ phản bội miền Nam Việt Nam và hàng chuỗi hứa hẹn đã không được thực hiện mà đỉnh cao là cuộc ra đi hỗn độn của người Mỹ tại Sài gòn và việc bỏ rơi hàng ngàn người Việt đã tin tưởng vào chúng ta.
|
"Thế nào là gía trị của một lời hứa? "Dan King đã hỏi như vậy trong Nội san của những người hưu trí CIA số Mùa Hè 1999. Ông muốn nói đến việc đã không di tản được hết mọi nhân viên người Việt làm cho Ban Tiếp vận tai Sài gòn, do ông King làm giám đốc. Câu trả lời thật đơn giản. Những lời hứa không được thực hiện chẳng có gía trị gì cả. Thật là một thảm kịch khi Hoa Kỳ phản bội miền Nam Việt Nam và hàng chuỗi hứa hẹn đã không được thực hiện mà đỉnh cao là cuộc ra đi hỗn độn của người Mỹ tại Sài gòn và việc bỏ rơi hàng ngàn người Việt đã tin tưởng vào chúng ta. Tôi hiểu và chia sẻ phát biểu của Dan King rằng trong một sự nghiệp dài và nổi bật "việc triệt thoái khỏi VN ám ảnh tôi nhiều hơn bất cứ sự kiện nào khác". Thật đúng như vậy. Đó cũng là kinh nghiệm cá nhân tồi tệ nhất của tôi, gần như xấu hơn cả cái chết của song thân tôi và của người em trai. Cố nhiên tôi đau buồn vì sự từ trần của họ, nhưng chúng ta ai mà không một lần chết. Họ chết vì những lý do tự nhiên. Miền Nam VN chết vì chính trị tại quốc nội HK đã đưa đến một loạt quyết định chính sách, trước hết đặt miền Nam VN vào một vị thế chông chênh và rồi lấy hết của họ những phương tiện để chống lại sự xâm lăng công khai của Bắc Việt. Có những việc HK quên thực hiện: chẳng hạn đã không thực thi lời đe dọa của chính quyền Nixon sẽ đáp trả "lập tức và mạnh mẽ" việc Hà Nội vi phạm Hiệp định Ba Lê. Có những việc HK cố tình thực hiện, đó là Quốc hội tuyên bố đơn phương ngừng oanh tạc, việc cấm bất kỳ hoạt động quân sự nào tại Đông Dương và cắt giảm viện trợ xuống xa dưới mức mà TT Nixon đã hứa với TT Nguyễn văn Thiệu tại hội nghị San Clemente tháng 4.1973 mà tôi có được tham dự. Thật là thích ứng khi ông Kissinger trong tác phẩm "Những năm biến động", đã mở đầu chương nói về Đông Dương với tựa đề "Những lời hứa bị quên lãng". HK chưa bao giờ thực thi nghiã vụ của mình theo Hiệp định Ba Lê là thay thế phi cơ, pháo binh và thiết giáp cho Nam VN trên căn bản "một đổi một" khi bị hư hao vì chiến sự. Ngược lại, Hà nội tiếp tục tăng cường lực lượng CS tại miền Nam VN, khiến cán cân quyền lực dần dần và liên tục thay đổi. Tình báo của chúng ta đã báo cáo sự việc và Kissinger đã cố gằng phản ứng lại tình huống này nhưng quyền hạn cũa Mỹ đã hoàn toàn bị tê liệt bởi cuôc chiến giữa Quốc hội và TT Nixon. Chính trị quốc nội Mỹ đã đảm bảo cho Hà nội rằng CS không phải sợ bị HK trả đũa. Cuộc chiến Ả rập-Do Thái năm 1973, việc phong toả dầu hỏa của khối Ả rập, việc thiếu hụt xăng dầu tại Mỹ, việc chuyển giao cho Do Thái và NATO những tiếp liệu quân sự khởi thủy dành cho VN cũng đã ảnh hưởng xấu đến sự chú tâm và tài nguyên của Mỹ; giá dầu cao hơn đã có hệ qủa tàn phá nền kinh tế VNCH. Việc TT Nixon từ chức tháng 8 năm 1974 đã bật đèn xanh cho Bắc việt, theo chính sự nhìn nhận của họ, tiếp tục xâm chiếm miền Nam. Trong cùng lúc, một cuôc chiến khác diễn ra giữa Quốc Hội và Đại sứ Grahgam Martin tại Sài Gòn. Trong một lá thư năm 1973, TT Nixon đã chỉ thị Đại sứ tiếp tục duy trì thái độ chống cộng tích cực của HK tại Đông dương. Nhưng công luận Mỹ và QH đã không còn ý chí hy sinh để hỗ trợ lập trường đó, và chính quyền Mỹ đã không điều chỉnh được chính sách tai VN thích ứng với thực tiễn tình hình đang khai triển trong năm 1974 và những tháng đầu năm 1975.
Những cảnh báo về thảm họa sắp đến được toà Đại sứ Mỹ, Tùy viên quốc phòng và Nhiệm sở CIA đã bị giới quyết định chính sách tại Hoa Thinh Đốn không đếm xỉa tới. Chính sách của HK lờ lững trôi cho đến khi Bắc Việt đạt được một sự khai thông lớn tại Cao nguyên. Giới tình báo chúng ta tại Sài gòn nhận ra rằng miền Nam VN đang đối mặt với cuộc khủng hoảng quân sự và tâm lý lớn nhất. Chúng ta báo cáo về HTĐ rằng việc CS kiểm soát Cao nguyên là điều không tránh khỏi và rằng TT Nguyễn văn Thiệu và chính phủ của ông không thể nào chịu nổi một sự mất mát như thế. Chúng ta kết luận rằng Nam VN đang gặp khó khăn trầm trọng vì sự tương tác giữa quyết tâm của Bắc Việt đạt cho được một giải pháp quân sự và quyết tâm của Quốc hội đơn phương chấm dứt hoặc giới hạn quân viện Mỹ cho miền Nam bất chấp CS có làm gì đi nữa. Kết cục thật dễ tiên đoán: Không có quân viện của HK, Nam VN không thể tồn tại. Khả năng tiến hành chiến tranh của Bắc Việt hoàn toàn không trở ngại và được Nga Sô và Trung Công hỗ trợ.
Chính trong bối cảnh này mà kế hoạch di tản của tòa Đại sứ khởi động mạnh, chuẩn bị cho việc tiến hành những kế hoạch đã được dự thảo ngay từ đầu năm 1975, có sự phối hợp của HTĐ và Tư lịnh Hạm đội Thái bình Dương, để di tản những nhân viên Mỹ không thuộc thành phần tác chiến cũng như một số thành phần được chỉ định của Nam VN. Lập tức có vấn đề nẩy sinh: Người Việt chỉ có thể ra đi với thông hành và chiếu khán hợp lệ do quốc gia tiếp nhận cấp. Không một quốc gia Đông Nam Á nào muốn tiếp nhận người Việt tỵ nạn. Và chúng ta thì lại không có thẩm quyền để miễn trừ cho người Việt khỏi bị chi phối bởi luật lệ Mỹ theo quy định của Sở Di trú-và việc miễn trừ cho tạm dung của Bộ trưởng Tư pháp áp dụng cho người Việt nhập cảnh HK chỉ được đưa ra ngày 25/4/1975 tức 4 ngày trước khi Sài gòn thất thủ. Ngày 26/3/1975 Tham vụ Wolfgang Lehmann yêu cầu được phép ngay lập tức di tản nhân viên, gia đình cùng đồ gia dụng. Yêu cầu này, được lập lại nhiều lần, đã không bao giờ được ghi nhận. Dan King là một viên chức Tiếp vận xuất sắc của Nhiệm sở CIA Việt nam. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về khả năng của ông vậy mà trong bài viết, ông cũng đã thuật lại vài chuyện không đúng. Thật sự không hề có một sự lựa chọn nào khác ngoài việc "nghe lời ông Đại sứ ":Nhiệm vụ của chúng ta là yểm trợ ông Đại sứ trong cương vị viên chức cao cấp nhất của HK - và chúng ta không có sứ mạng hay phương tiện gì để làm khác. Về tài sản cá nhân, Đại sứ Martin đã ban huấn thị cụ thể rằng nhân sự cao cấp phải duy trì sinh hoạt gia đình bình thường, nhằm trấn an người Việt rằng chúng ta không sắp sửa ra đi. Chính ông Đại sừ và nhiệm sở CIA đã mất hết tài sản tại Sài Gòn, và bản thân tôi cũng mất khá nhiều. Tôi không nhớ một cuộc thảo luận chi tiết về việc sử dụng "những xe buýt còn lại" để di tản nhân viên của chúng ta, nhưng tôi nhớ rằng Nhiệm sở không có xe buýt: Tòa ĐẠi sứ và tùy viên Quốc phòng kiểm soát những xe đó, và khoảng sau 3:30 chiều ngày đó không còn có thể sử dụng xe buýt nào nữa vì đám đông vây quanh tòa Đại sứ. Thật ra chưa hề có một thỏa thỏa thuận nào giữa HTD và SG, hoặc ngay cả giữa tổng hành dinh CIA và nhiệm sở SG về con số và thanh phần người Việt nào đủ điều kiện di tản. Trưởng nhiệm sở SG được chỉ thị thảo kế hoạch để di tản "những nhân sự then chốt bản xứ", lúc đó ước tính khoảng 150 người. Tòa ĐẠi sứ chưa hề được hướng dẫn rõ ràng về số lượng được di tản.
Tuy thế,đã có một kế hoạch khẩn được đồng ý, mang bí danh TALON VISE/FREQUENT WIND. Kế họach này chỉ định Đại sứ Mỹ là viên chức chịu trách nhiệm thi hành 1 trong 4 phương án. Một, dùng máy bay thương mại, không có sự tham dự của Tùy viên QP. Hai, Không vận quân sự từ Tân Sơn Nhất và các phi trường khác theo nhu cầu. Ba, di tản đường biển từ 2 hải cảng của Sài Gòn. Bốn, di tản bằng trực thăng ra tàu Hải quân Mỹ ngoài khơi. Tất cả các phương án này cũng như những diễn biến bao quanh đã được kể lại chi tiết trong tuyển tập luận án Không lực HK tại ĐNA, tập IV, luận án 6, "Chuyến bay cuối cùng khỏi Sài gòn".
Phương án #1 (hàng không thương mại) đã được tiến hành theo khả năng hàng không cho phép. Tiến trình này kết thúc khi Cơ quan Hàng không Liên bang tuyên bố các phi cảng Sài Gòn không an toàn, mà không có sự tham khảo gì với tòa Đại sứ. Điều này có nghĩa là những hợp đồng bảo hiểm không còn có gía trị với đường bay SG, và hành động này đến lượt nó đã chấm dứt ngay các chuyến bay thương mại Mỹ.
Phương án #2 cũng đã được thực hiện. Máy bay quân sự Mỹ đưa người Mỹ và người Việt từ SG sang căn cứ Hải quân Mỹ tại Vịnh Subic, và trong những giai đoạn sau, đến Guam. Những điều kiện tiến hành phương án này đã được Đại sứ Martin ấn định. Ông đã loại bỏ việc di tản bằng máy bay quân sự các sĩ quan và viên chức chính phủ VNCH. Nhiệm sở CIA mỗi ngày được thông báo những chỉ tiêu nhất định tùy vào sự khiển dụng của phi cơ. Thủ tục xuất cảnh của người Việt được giản lược bằng cách thiết lập địa điểm xử lý tại phi trường với sự hợp tác của nhà cầm quyền VN. Nói chung sự hợp tác giữa các bộ phận Mỹ là tốt đẹp, ngoại trừ việc Phó tùy viên Quốc phòng đã tìm cách vượt qua hệ thống chỉ tiêu xuất cảnh cho mỗi ngày. Ông đã bị giải nhiệm và đưa ra khỏi VN. Nhiệm sở SG đã tham gia với cương vị là một thành viên của tòa Đại sứ: chúng ta không có máy bay có thể bay sang Vịnh Subic, và những nước láng giềng như Hương Cảng, Thái lan, Mã lai Á và Tân gia ba không muốn tiếp nhận người tỵ nạn. Khi một chiếc phi cơ của Air America chở ngưòi Việt tới Hương cảng, nhà đương cục HK đã bắt giữ chiếc phi cơ và tống giam phi hành đoàn củng toàn thể hành khách.
Phương án #3, việc di tản bằng đường thủy từ cảng SG đã không được thực hiện. Ông Đại sứ sợ rằng cảnh sát địa phương sẽ không điều hành được việc xuống tàu một cách có trật tự, và ông muốn tránh tình trạng hỗn độn và hoảng loạn như đã diễn ra tại Đà Nẵng. Việc không vận bằng phi cơ quân sự tiếp tục cho đến hết ngày 28/4 với những chiếc C-130 và DC-9 đầy ắp. Để chở được tối đa, mọi hàng ghế của C-130 đã được tháo ra. Hành khách phải nằm trên sàn, dưới tấm lưới hàng hóa. Ngày định mệnh 29/4 bắt đầu với việc BV pháo kích Tân Sơn Nhứt. Theo phán đoán của giới chức quân sự Mỹ, được ông Đại sứ xác nhận sau khi đích thân kiểm tra các phi đạo, phi trường không thể nào còn sử dụng được cho loại phi cơ cánh cố định, và do vậy, chúng ta chuyển sang phương án 4, máy bay trực thăng. Việc sử dụng trực thăng Air America là một phần bất khả phân của kế hoạch di tản. Rủi thay, khoảng 1/3 máy bay trực thăng của Air America đã bị hư hại trong cuộc pháo kích sáng sớm. Việc này đưa đến những hậu qủa cực kỳ nghiêm trọng: nhiều địa điểm tập trung được chỉ định, có cả Duc Hotel và nhiều điểm trên sân thượng chỉ có thể rước người bằng trực thăng Air America, trực thăng quân sự không thể đáp xuống các nơi này được vì địa điểm qúa nhỏ mà phi cơ thì nặng nề. Phải dùng xe buýt để đón hầu hết những người Mỹ và Việt được di tản và chở tới TSN: nhiều người khác phải đi bộ đến tòa Đại sứ. Trong khi đó, các viên chức cao cấp của Sứ quán, kể cả Trưởng Nhiệm sở hoạch định một sự hiện diện giảm thiểu tại SG. Đây là mối ưu tư của họ cho đến khoảng trưa, khi có lịnh cho chúng ta ra đi. Trong hòan cảnh đó, khoảng 10:38 sáng, Đại sứ Martin yêu cầu Hoa thịnh Đốn và Tư lịnh hạm đội TBD tiến hành trực thăng vận tức Phương án 4. Lúc 10:51, tư lịnh Hạm đội TBD ban lịnh "thi hành" cho mọi đơn vị, nhưng lịnh này không phải được tiến hành ngay lập tức. Theo Thiếu tướng Richard Carey, binh chủng TQLC, thì các đơn vị tham gia đã không thống nhất thời điềm tiến hành di tản. Điều này, tự nó cũng là một câu chuyện dài.
Bởi đó, chiếc trực thăng đầu tiên đến TSN lúc 2:06 cùng với tướng Carey. Theo kế hoạch, tiếp ngay đó là những chiếc CH-53 chở lực lượng an ninh bộ để bảo vệ khu vực Tùy viên QP. Những trực thăng chở quân này một tiếng sau mới tới, đổ nhóm TQLC đầu tiên, bốc đám người tỵ nạn và bay trở lại tàu. Đến 8 giờ tối, những ai chen chân được vào khu vực tuỳ viên QP đều được di tản, và đến qúa nửa đêm, nhóm lực lượng an ninh bộ TQLC cuối cùng được bốc đi, sau khi đã phá hủy trụ sở tuỳ viên QP. Vào khi đó, chỉ còn một giai đoạn then chốt của chiến dịch FREQUENT WIND là còn đang diễn ra: Việc bốc người trong khu vực sứ quán. Để tiết kiệm nhiên liệu, các phi công của Air America đã thả một số lớn người di tản xuống tòa Đại sứ để cho trực thăng và xe buýt sẽ chuyển tiếp đến TSN. Việc chuyển vận bằng xe buýt phải kết thúc khoàng 3:30 chiều do các khúc đường quanh sứ quán quá hỗn độn và đông nghẹt người. Kế hoạch dự trù chỉ không vận số khoảng 100-150 người chót tại tòa Đại sứ, nhưng kế hoạch này đã bị các diễn tiến làm thay đổi. Bãi đậu xe trong sứ quán được biến thành bãi đáp cho trực thăng và khu sân thượng cũng được sử dụng. Vào 9:00 tối, mặc dù có những chuyến bay liên tục từ sứ quán, vẫn chưa thấy là công tác sẽ kết thúc. Sự hỗn loạn và căng thẳng trong và quanh sứ quán vẫn gia tăng. Với việc phá huỷ trụ sở tuỳ viên QP, liên lạc giữa sứ quán và trực thăng lại có vấn đề, việc tạm ngưng không vận để trực thăng lấy nhiên liệu ngoài khơi đã gần như gây hỏang loạn trong sứ quán. Vẫn còn hàng trăm người trong sứ quán và nhiều hơn nữa tại khu nhà giải trí kế cận. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 30/4, bãi đậu xe của sứ quán đã bốc hết ngưới và được phong tỏa. Vẫn còn khoảng 1.200 người, vừa dân di tản, nhân viên sứ quán và lính TQLC trong toà Đại sứ và tòa nhà tiếp vận. Bất chấp lịnh cúa HTĐ, Đại sứ Martin vẫn còn ở lại cùng ban tham mưu cao cấp, Trưởng và Phó nhiệm sở CIA; ông tính toán rằng, mà đúng như thế, chừng nào Đại sứ và ban tham mưu còn thì cuộc không vận vẫn tiếp tục. Đúng là có tiếp tục, nhưng số phi cơ ngày càng giảm, với hàng loạt điện văn từ HTĐ cho biết chỉ còn 13, rồi 10 rồi 6 chuyến nữa. Trong thời gian này, liên lạc bị gián đoạn giữa tòa Đại sứ và Hạm đội TBD. Khoảng 4 giờ sáng, bộ chỉ huy không vận gưỉ một điện văn quyết định đến chiếc máy bay còn trong khu vực. Điện văn này là của Tổng thống HK và phải được chuyển giao bởi chiếc trực thăng nào đầu tiên tiếp xúc với Đại sừ Martin. Chỉ còn 21 chuyến bay. Chỉ di tản người Mỹ. Đại sứ Martin phải lên chiếc trực thăng khiển dụng đầu tiên và trực thăng này sẽ đánh đi "TIGER TIGER TIGER" một khi cất cánh bay ra biển. Hàng trăm người chờ di tản, kể cả nhân viên người Việt của sứ quán, cùng nhân viên toà Đại sừ Đại Hàn, bị kẹt lại trong khuôn viên sứ quán. Trách nhiệm không ở nơi Đại sứ Martin mà ở nơi TT Ford, bộ trưởng ngoại giao Kissinger và bộ trưởng QP James Schlesinger. Ngày 29/4, rạng sáng ngày 30/4 Hải quân và Không quân đã thực hiên 1.422 phi vụ trên bầu trời Sài gòn. Hơn 7000 người được di tản vào ngày chót. Đây là một thành tích ngoại hạng. Tôi tin rằng những người trong chúng ta tại VN đã làm được tối đa những gì có thể làm được trong những điều kiện tuyệt vọng. Chúng ta đã cứu được nhiều người Việt, nhưng đã không cứu được hết những ngưòi đáng được cứu vớt. Tôi dành cho những người trong QH và trong Chính quyền Mỹ giải thích quyết định của họ. Bản chất cuộc thất bại của chúng ta chẳng có gì đẹp đẽ. Thua trận cũng không bao giờ đẹp cả.
|