Nỗi Buồn Tháng Tư |
Tác Giả: Nguyễn Khắp Nơi | ||||||||||||||
Thứ Sáu, 29 Tháng 4 Năm 2011 08:22 | ||||||||||||||
Họ chỉ cần những người còn lại nhớ đến họ và thắp cho họ một nén hương lòng để an ui họ phần nào, mỗi khi ngày 30 tháng Tư lại về. Viết tặng những người Vợ và Con của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa đang sống ở Quê Nhà.
Trong cuộc chiến chống Cộng sản, giữ vững giang san, người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh và chịu đựng nhiều hơn cả. Trong cuộc chiến, họ có thể bị chết, bị thương, bị bắt làm tù binh . . . Sau cuộc chiến, họ lại bị bọn Việt cộng đưa đi các trại cải tạo ở những vùng rừng núi hoang vu của Miền Nam và những vùng đất không người ở, tuốt biên giới Bắc Việt và Trung cộng. Đã có rất nhiều người lính đã bị bỏ thây nơi rừng thiêng nước độc vì bị hành hạ làm việc quá độ, bị bỏ đói, lạnh, bệnh tật không thuốc men. Nhưng thôi, đã là Lính chiến, chiến đấu giữ gìn giang sơn, nay Nước đã mất, nhà đã tan, phải chịu đựng như vậy, chứ biết than van với ai bây giờ? Chỉ tội nghiêp cho gia đình của họ, cha mẹ vợ con của họ. Những người này cũng đã chịu đựng, chia xẻ ngọt bùi với người chiến sĩ, có khi cũng đã cùng chiến đấu chung với người lính tại chiến trường. Họ đã chết cùng với chồng của họ mà không bao giờ được nhắc tới, vì họ chỉ là . . . phụ chiến đấu mà thôi. Anh Tuyết, một chiến hữu của Binh chủng Nhẩy Dù đã kể cho tôi nghe câu chuyện thật là thương tâm:
“Năm 1972, Tiểu Đoàn 3 chúng tôi đánh giải vây trại Lực Lượng Đặc Biệt Ben Het ở vùng Pleiku. Trại này chỉ có một tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng trấn giữ (không nhớ rõ, có phải là Tiểu Đoàn 88 hay không?), nhưng bọn Việt cộng đã đem cả một trung đoàn với pháo binh yểm trợ để nhất định nhổ cái gai trên đường mòn Hồ chí Minh của chúng. Anh em Biệt Động Quân đã chống trả dữ dội suốt nhiều ngày chiến đấu, cuối cùng đã phải xin tăng viện. Khi Đại đội đầu tiên của Tiểu Đoàn 3 Dù được trực thăng vận xuống trại, tôi đã tận mắt chứng kiến một cảnh tượng thật bi hùng: Tại một ổ đại liên, bên cạnh xác chết của người xạ thủ Biệt Động nằm dưới đất, còn có xác của một người phụ nữ, chết nằm vắt ngang khẩu đại liên. Vì trận chiến còn đang tiếp diễn, nên những người lính Nhẩy Dù đã phải chắp tay xá xác chết người Phụ nữ rồi đặt xác của bà xuống đất, dùng khẩu đại liên bắn vào bọn bộ đội cuồng tín đang dùng chiến thuật biển người mong tràn ngập trại lính.
Sau khi đã đẩy lui bọn Việt cộng, thu dọn chiến trường, ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân đã cho chúng tôi biết, xác chết của người phụ nữ trên khẩu đại liên đó lả chị Mường (không nhớ rõ tên), vợ của xạ thủ đại liên tên Lái (tôi xin lỗi, đã lâu quá, cũng quên, không chắc là đúng tên). Chị Mường ở Nha Trang, theo đoàn xe tiếp tế lên thăm chồng, vì từ ngày cưới cách đây hơn một năm, anh Lái đã chưa được về phép, và đã xin ở lại chờ kỳ tiếp tế sau mới trở về. Khi trại bị bọn Việt cộng tấn công, chị đã không chịu theo đoàn xe tiếp tế về mà trốn ở lại để được chiến đấu bên cạnh anh Lái. Những khẩu đại liên là linh hồn của trại lính, là mục tiêu đầu tiên mà bọn Việt cộng cần phải hủy diệt, nên bọn chúng đã cho rất nhiều đặc công xung phong vào lô cốt của hầm đại liên. Qua ba lần tấn công, người lính tiếp đạn cho anh Lái bị tử thương, chị Mường đã thay thế anh ta để vác những thùng đạn, lắp vào súng cho anh Lái bắn. Anh Lái đã nhiều lần kêu vợ chạy lui về phòng tuyến phía sau để tránh nguy hiểm, nhưng chị đã từ chối. Đến khi anh Lái bị trúng đạn, gục trên khẩu súng, chị Mường đã đẩy xác anh xuống đất và cầm cần súng tiếp tục chiến đấu, để rồi tới phiên chị cũng trúng đạn, gục ngã trên khẩu đại liên. Cũng nhờ chị tiếp tục bắn ngăn chặn bọn Việt cộng, nên trại lính mới giữ vững được và rồi đuợc anh em Nhẩy dù giải vây. Quan tài của anh Lái được phủ cờ, được chôn ở nghĩa trang Quân Đội, nhưng xác chết của chị Mường không được phủ cờ, không được chôn ở nghĩa trang Lính. Anh Lái được thăng cấp lên Cố Hạ Sĩ, người mẹ già được lãnh tiền tử của anh, những Chị Mường không được thăng cấp và cũng không có tiền tử, vì chị không là lính, chỉ là vợ lính mà thôi. Cho đến hôm nay, chắc chắn rằng bên cạnh những người Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa bị mất một phần thân thể, còn có rất nhiều nhũng người vợ lính đã trở thành phế nhân vì đã cùng chồng chiến đấu chống bọn Cộng Nô. Cũng giống như trong thời chiến, các anh em Thương Phế Binh được đồng đội cưu mang giúp đỡ, riêng những người vợ lính bị thương tật vì chiến tranh vẫn còn bị đặt ra ngoài vòng trợ giúp của chúng ta. Bạn có thể nói với tôi: “Tại vì họ không phải là Lính, nên đâu có thể đòi hỏi những quyền lợi của người lính đuợc!” Đúng, họ không là Lính, nhưng họ đã chiến đấu tại chiến trường cùng với chúng ta, và vì chiến đấu, nên họ mới bị thương tật, chúng ta đâu có thể bỏ qua họ mà không giúp đỡ! Giúp đỡ bằng cách nào bây giờ? Nếu cả hai vợ chồng của họ đã bị chết trong cuộc chiến (như trường hợp của anh Lái và chị Mường nói trên), thân nhân ruột thịt của họ (cha mẹ già, con thơ nay đã lớn) cũng cần phải được giúp đỡ. Những thân nhân này chắc chắn sẽ còn giữ giấy khai tử của đơn vị và của làng xã. Hãy giúp đỡ những thân nhân còn lại này. Nếu chỉ một mình người vợ lính bị thương tật chiến trang còn sống, người chồng đã tử trận, chị chắc chắn sẽ còn giữ giấy khai tử của đơn vị người chồng. Những quả phụ này mới là người chúng ta cần giúp đỡ hơn ai hết, vì họ chỉ còn lui cui một mình, thân thể lại không toàn vẹn, việc mưu sinh hàng ngày chắc chắn có phần vất vả. Nếu cả hai vợ chồng nguời lính còn sống, vả cả hai củng bị thuơng tật vì chiến tranh, cả hai vợ chồng đều cần được sự giúp đỡ của chúng ta. Các hội bạn của Thương Phế Binh, các hội tình thương, những hội đoàn cựu quân nhân, chắc chắn cũng đã có danh sách của những quả phụ này. Có thể đã có một số hội đoàn đã làm công việc thiện nguyện giúp đỡ các qủa phụ của tử sĩ rồi. Thay mặt mọi người (Không có giấy phép đại diện, tôi nhận ẩu thôi), tôi xin cám ơn những tấm lòng vàng kể trên. Cuộc sống của những người Lính, những Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa còn ở lại quê nhà bây giờ ra sao? Cuộc sống của những cô nhi quả phụ của các tử sĩ Vỉệt Nam Cộng Hòa còn lại ở quê nhà ra sao? Họ có được sống một cuộc sống bình thường như mọi người dân khác hay không? Họ có được đi làm? Đi học . . . như những người dân bình thường khác hay không? Chúng ta hãy đọc những lời tâm huyết của một người quả phụ và một Cô Nhi Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, sau đây:
“Sau khi cả nhà đuợc người tài xế lái xe cho anh Tự tới nhà báo tin: Anh Tự đã bị chết” Và cho biết địa điểm giao tranh, ngày 02 tháng 05 1975, tôi cùng với hai đứa em chồng đã mướn xe Lam đến khu vực trường Tiểu học Trung Lập Thượng, tỉnh Hậu Nghĩa để dò hỏi tìm xác của anh Tự. Du kích địa phương không chịu chỉ nơi chôn, còn lớn tiếng la hét: “Bọn Ngụy chúng mày bị xử bắn hết, được cách mạng vùi thây là tốt lắm rồi, đừng tìm kiếm làm chi nữa.” Ngày hôm sau, cả nhà trở lại tìm nữa, lần này, mấy người du kích đã thông cảm, chịu dắt đi tìm xác của anh Tự, chôn tại một ngôi mộ lớn. Khi đào lên, xác của Tự ở trên cùng, sau đó tới xác của ông Tỉểu Đoàn Phó và các anh em Biệt Động Quân khác. Cả nhà mừng quá, vội mướn xe Lam chở xác của anh Tự đưa thẳng vào nhà xác của Bệnh Viện Nguyễn Văn Học (Tỉnh Gia Định). Các Bác sĩ và Y tá đều là những người còn lại của Việt Nam Cộng Hòa, nên sau khi chúng tôi và người cậu (cũng làm trong bệnh viện này) giải thích lý do cái chết, bác sĩ đã đồng ý cho làm thủ tục khám nghiệm. Anh Tự bị chết là do hai viên đạn bắn vào đầu, thêm 4 viên nữa bắn vào người, bàn tay phải bị gẫy, đã buộc lại bằng chiếc vớ của anh Tự, chắc là anh đã bị thương trong khi giao chiến, nên đã tự lấy vớ cột bàn tay lại. Như vậy, có nghĩa là anh Tự đã bị bọn Cộng sản Bắc Việt bắn chết ngay sau khi anh không chịu gỡ lon và cởi quân phục. Hai người du kích có mặt khi anh Tự bị bắn, cũng đã kể lại như trên. Xác của anh Tự được chôn ở Nghĩa Trang Gò Vấp, kế bên ngôi mộ của Tướng Lê Nguyên Vỹ. Mẹ tôi có lập bàn thờ cho anh Tự ở nhà. Tìm mãi, chỉ còn có một tấm hình của anh khi được gắn lon Thiếu Tá. Mấy ngày sau, bọn nằm vùng đã dắt đám bộ đội đến nhà, bắt mẹ tôi phải bỏ tấm hình của anh Tự xuống, bọn chúng nói: “Không được thờ bọn lính ngụy”
THÁNG TƯ LẠI VỀ Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến “Sàigon những ngày sau Tết ngột ngạt vì đông người, khói bụi và kẹt xe. Quảng đường chỉ có ba cây số từ nhà tôi đến nơi làm việc mà phải chạy xe mất đến hơn nửa giờ đồng hồ. Hết nói nỗi! Lý do là vì các lô cốt chắn ngang đường và những cái hố đào trên đường. Đường xá Saìgòn đã chật hẹp, lại còn thêm giòng người nhập cư từ các tỉnh kéo về, gây ra tình trạng mất cân bằng về lao động. Tôi xin giành câu trả lời này cho tất cả mọi người nhé! Nhịp sống Sàigon vốn đã nhanh nay càng nhanh đến chóng mặt cũng như chỉ số lạm phát đã điểm mức hai con số. Các mặt hàng thiết yếu hàng ngày liên tục tăng như xăng dầu, điện sinh hoạt nói chung là tăng một cách hổn loạn và chính quyền gần như bất lực. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng thấy rõ. Sự phân biệt giai cấp trong xã hội đang định hình một cách đầy những rủi ro : Một tô phở giá US$35? Vậy mà tiệm phở vẫn đông khách như bình thường! Lượng khách ra vào là những người giàu có, đại gia, cậu ấm cô chiêu. Họ đi những xe hơi trị giá đến vài tỷ đồng, ôi chả cần quan tâm là bọn người ấy làm gì mà nhiều tiền như vậy. Tôi xin giành câu trả lời này cho tất cả mọi mọi người nhé! Với chính bản thân tôi, thiết nghĩ chắc không bao giời tôi bước vào ăn phở với cái giá cực kỳ phi thực tế đó. Ăn một tô phở là gần bằng một tháng lương của tôi rồi. Cũng may là tiệm phở đó nằm ở Hà Nội, tôi thì ở Sàigon. Nếu không, hàng ngày tôi sẽ có dịp chạy ngang tiệm phở để chiêm ngưỡng và tận mắt thấy các thượng đế (khách hàng) giàu có mặt mũi họ ra làm sao? Có khác gì với loài người bình thường chúng tôi không? Tôi xin giành câu trả lời này cho mọi người nhé! Tôi chợt rùng mình vì cuộc sống của chính tôi hiện tại, mọi khó khăn đang dần hiện ra trước mắt mà tôi chưa biết phải giải quyết ra sao? Niều thứ để lo lắm mọi người ơi! Lang thang trên internet tìm job mới nhưng nhìn vào các tiêu chuẩn tuyển dụng thấy chóng cả mặt: Nào là phải tốt nghiệp đại học này, đại học nọ. Nào là phải có kinh nghiệm . . . v . . .v. Còn tôi, tôi chẳng có gì cả! Nhìn hai đứa con nằm ngũ hồn nhiên mà buồn đến dại người, cái nét hồn nhiên của những đứa trẻ vẫn không đổi thay. Chúng mặc xác giá vàng đang lên kỷ lục, giá USD cũng như vậy nhảy múa cả ngày, vật giá leo thang, chúng chỉ cần biết là hôm nay ba đi làm có đủ tiền mua đồ ăn cho chúng nó hay không mà thôi. Cảm giác khi nhớ lại thời ấu thơ đầy gian khó, tôi lo lắng rằng không biết các con tôi có đủ khả năng để chịu đựng như tôi đã từng bị trong những năm tháng đã qua không? Năm 2011 là một năm đầy biến động trong cuộc sống và công việc của tôi, hụt hẫng và gần như tuyệt vọng, ngũ một đêm dậy trở nên tay trắng, rồi lại phải đối đầu với những khó khăn hàng ngày. Hai đứa con tôi ngày càng lớn, nhìn con tôi mà buồn đến não lòng. Tôi vẫn còn được đi học, nhưng chỉ học tới trung học thôi, còn lên đại học, tôi không được xét đơn, nên đành đi làm cu li kiếm sống. Sau hơn ba muơi năm, tôi tưởng là mọi việc đã chìm vào quên lãng, bất ngờ, một ngày không đẹp, tôi đã được gọi lên văn phòng để cho nghỉ việc. Lý do? Tôi cũng không muốn hỏi, vì biết số phận của mình rồi, nhưng người trưởng phòng đã bỏ ra ngoài, để màn ảnh máy vi tính lại, tôi liếc nhìn: “Cha là lính chiến đấu của Ngụy quân” Tôi chi là nguời dân không có thứ hạng trong xã hội. Người ta sợ bố tôi đến thế sao? Căm thù bố tôi đến mức này nữa? Mọi năm, cứ đến tháng này và suốt hết tháng Tư là tôi buồn đến dại người. Ba mươi sáu năm trôi qua mau mà tôi cứ tưởng như mới chừng mới hôm nào. Nhìn di ảnh của Bố tôi – cố Thiếu tá Trần Đ T, Tỉểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn . . . Liên Đoàn . . . Biệt Động Quân - nghiêm nghị trên bàn thờ mà lòng tôi quặn thắt từng cơn. Tôi bổng nhớ đến các bạn bè của ba thời chinh chiến mà tôi được biết và đã tiếp xúc người còn người mất. Hình ảnh hào hùng năm xưa đã chìm vào quên lãng, chỉ còn lại đó những ký ức buồn của một thời chinh chiến quên mình, hy sinh nhưng bị đồng minh phản bội một cách tàn nhẫn, hèn hạ. Sau đó họ dùng chiêu bài cho phép định cư các cựu tù nhân chính trị gọi là HO đễ phần nào làm dịu dư luận quốc tế, cho dù có thế nào đi nữa thì họ đối với tôi - Đồng minh của QLVNCH – Họ mãi là kẻ hèn nhát, không xứng đáng với tư cách của một nước lớn tự cho mình có cái quyền định đoạt số phận của một nước nhỏ như Miền Nam Việt Nam. Lịch sử sẽ phán xét lương tâm của chính họ, còn biết bao nhiêu thân phận, gia đình, cá nhân bị họ lãng quên một các có chủ ý như các chú, Bác TPB, quả phụ, các quân nhân QLVNCH chiến đấu quên mình, hy sinh bản thân cho cái gọi là ‘tiền đồn tự do”. Mà đáng lẽ ra họ, từng là đồng minh phải có trách nhiệm giúp đỡ. Cái qui định cải tạo 3 năm để được định cư là gì – tôi chẳng hiểu nổi, đã làm bao gia đình phải miễn cưởng ở lại Việt Nam trong uất ức mà chẳng biết tỏ cùng ai. Tôi chẳng hy vọng những dòng chử này đến tay của Tổng Thống Hoa Kỳ, nhưng tôi phải viết lên sự thật, và họ phải có một hành động hoặc cử chỉ dù là giả dối để đính chính và xin lổi hàng triệu quân nhân VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến VN. Đọc đi đọc lại các bài viết về Bố tôi cảm giác vui buồn lẫn lộn, nghẹn ngào khi đọc bào viết về Chú Đoàn Văn Xường – TĐP – TĐ 38 – Liên Đoàn 32 – Biệt Động Quân, người đã chứng kiến tận mắt cái chết thương tâm nhưng kiêu hãnh của Bố tôi, uất hận đến dâng trào về cái chết của Chú Xường. Chú đã vượt ngục nhiều lần nhưng không thành công để rồi bị biệt giam cho đến chết mà đến giờ này gia đình Chú ấy vẫn chưa tìm được xác. Chú xuất thân khóa 22 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt . . . Đau đớn tột cùng. Rồi lại nhớ những cuộc hội ngộ buồn vui trộn lẫn với Bác Đặng HT – Trung tá BĐQ, nhớ lần đi Kampuchea với bác ấy. Bác là một sĩ quan đàn anh người dẫn dắt và thương yêu Bố tôi như người em ruột thịt của mình, nhớ Chú Trần C Ch gọi điện về Việt Nam gửi cho nhà tôi một ít tiền, chú ấy nói : “Chú không phải là quân nhân dưới quyền của bố con, cũng không cùng một Tiểu Đoàn, nhưng cảm thấy tự hào về tấm gương hào hùng của bố của con, chú cũng hoàn toàn hãnh diện về BĐQ, nhớ Bác Nguyễn N Kh – TĐT TĐ 33 – LĐ 32- BĐQ kể trong một lần dừng chân hành quân: . . . Bác Kh và bố tôi đang nằm nghi trên võng thì một quả bom to rớt gần sát chổ nằm của hai người nhưng không phát nổ - Bố tôi cười và nói : “Anh Khoan à, bom rơi như vầy mà anh em mình không sao, chắc số mạng em và anh lớn lắm, vậy thì mình đừng có lo lắng gì về chết chóc nữa.” Rồi một ngày tôi được may mắn gặp rất nhiều bạn bè của bố tôi từ thời học tiểu học, người còn ở Việt Nam, người tận Úc và Mỹ. Khỏi cần phải nói là tôi hạnh phúc biết chừng nào, được các chú kể lại thời thơ ấu, thời vừa vào lính, thời chiến tranh ác liệt mà mọi người vì hoàn cảnh chiến tranh đã mất liên lạc, giờ còn lại đây người còn người mất, người đã nằm xuống cho quê hương, người còn nằm đâu đó chưa chịu về với gia đình, người mang thương tật đến suốt đời, người cách xa nữa vòng trái đất biết khi nào để tương phùng. “Thoáng suy tư nhớ về thời thơ ấu Mộng không thành từ lúc tuổi đôi mươi Viết lên đây dòng chữ nghẹn thành lời Rồi phút chốc sẽ chìm vào quên lãng Sống trên đời mỗi người một sứ mạng Người còn người mất bởi vì đâu Cuộc đời đang sống mãi là bể dâu Mong kiếp sau ngồi cùng nhau trò chuyện Chuyện vui buồn hãy cùng nhau cầu nguyện Cho Việt Nam mãi mãi được bình yên.”
Không khí những ngày này ở Saigon làm lòng người buồn da diết, những cơn gió nhè nhẹ mang cái se se lạnh dường như đang báo hiệu cho mùa mưa sắp về. Cái buồn chẳng hiểu vì đâu? Chỉ biết là buồn, buồn cho cuộc sống khó khăn, buồn cho số phận người ở lại, buồn cho nhiều thế hệ lỡ làng trong và sau cuộc chiến. Buồn cho những người đền nợ nước mà chưa một lần được vinh danh, họ chỉ biết chiến đấu vì lời nguyện ước với núi sông: Tổ Quốc – Danh dự - Trách Nhiệm. Họ thật sự không cần vinh danh, không cần nghi thức phủ kỳ, không cần chức tước . . . Họ chỉ cần những người còn lại nhớ đến họ và thắp cho họ một nén hương lòng để an ui họ phần nào, mỗi khi ngày 30 tháng Tư lại về. Trần Thế. Con của Lính Việt Nam Cộng Hòa.” Nước mất, nhà tan, xã hội đảo điên. Một bọn khủng bố lên nắm chính quyền, trả thù người Lính Việt Nam Cộng Hòa đến tận đời thứ hai vẫn còn thù, thì mong gì cuộc sống của những người Linh, những người Thương Phế Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống ở quê nhà được yên lành! Hãy giúp đỡ những chiến hữu va gia đình của họ. Ngày xưa, trong báo Tiền Tuyến của Lính, có mục: “Diều Hâu Mớm Con” để gây quỹ giúp những gia đinh anh em binh sĩ, tử sĩ. Có ai còn nghĩ đến chương trình này không?
|