Suốt nhiều năm tìm kiếm, gia đình của cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm và cố Ðại Tá Võ Toàn đã tìm thấy hài cốt của họ với các tấm thẻ bài đầy đủ họ tên và số quân.
Sau 36 năm, tìm thấy hài cốt Chuẩn Tướng Ðiềm, ÐT Võ Toàn Sĩ quan Sư Ðoàn 1 Bộ Binh lâm nạn tháng 3/75 trên đường bay từ Ðà Nẵng
|
Di ảnh Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm khi còn mang cấp bậc đại tá. (Hình: Gia đình cung cấp) |
Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm là tư lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Ðại Tá Võ Toàn là trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 1 Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Cả hai sĩ quan này thiệt mạng trong một chuyến bay vào đêm 28 tháng 3, 1975 từ Ðà Nẵng dự trù về Qui Nhơn chuẩn bị phòng tuyến mới để cầm cự khi Ðà Nẵng thất thủ và Quảng Nam không còn an toàn.
|
Thẻ bài của Chuẩn Tướng Ðiềm. (Hình: Gia đình cung cấp) |
Theo nguồn tin của gia đình Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm và Ðại Tá Võ Toàn, tìm ra địa điểm hài cốt của họ mới cách đây khoảng 3 tuần lễ tại một địa điểm sát bờ biển thuộc làng Lá Ngái, thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ðược sự giúp đỡ của người dân địa phương đã chôn cất những tử thi này, gia đình đã dễ dàng kiếm ra địa điểm. Trước đó, gia đình Chuẩn Tướng Ðiềm đã tổ chức rất nhiều lần tìm kiếm nhưng không thành công.
Khi khai quật lên, ngoài hài cốt của Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm (còn thẻ bài và một lá bùa trong túi áo- được gia đình xác nhận), Ðại Tá Võ Toàn (còn thẻ bài và một nhẫn cưới), còn có hài cốt một thiếu úy (có cấp bậc trên cổ áo), một phi công (mặc đồ bay), một phụ nữ và một em bé.
Ðiều này trùng hợp với ký ức của cựu Trung Tá Lê Ngọc Bình, người lái chiếc máy bay bị rớt, cho biết trong số người trên máy bay ngoài hai sĩ quan Sư Ðoàn 1 còn có nhiều người quá gian tránh pháo kích.
Trong cuộc nói chuyện với báo Người Việt trưa ngày 7 tháng 10, ông Lê Ngọc Bình nói rằng máy bay do ông lái bay trong sương mù dày đặc, chở nặng (khoảng 16 người gồm cả quân và một vài người là thân nhân không quân chạy nạn) không bay cao được và bay dọc theo bờ biển. Tới một khu vực thuộc tỉnh Quảng Ngãi thì bị bắn và máy bay rơi xuống biển.
Ông Bình, nguyên phi đoàn trưởng phi đoàn trực thăng 275 của Sư Ðoàn 1 Không Quân VNCH, kể rằng buổi tối 28 tháng 3 năm 1975, phi trường Ðà Nẵng bị pháo kích dữ dội. Ông được lệnh dời phi đoàn sang một phi trường nhỏ ở Non Nước lâu nay không sử dụng, để tránh pháo kích và “đợi êm quay lại chứ không định đi đâu”. Ðược một ít lâu thì có mấy xe díp chạy tới, ngừng lại. Ông thấy có Chuẩn Tướng Ðiềm, Ðại Tá Toàn và một số sĩ quan cao cấp khác.
Dịp này, Tướng Ðiềm liên lạc với tỉnh trưởng Bình Ðịnh thì được cho hay nơi đây vẫn còn an toàn nên ông muốn được vào đó để lập tuyến phòng thủ mới. Ông Bình trình bày rằng trời mưa và sương mù nặng nên bay rất khó khăn, nguy hiểm. Trong khi đang thảo luận thì “dân trong làng gần đó túa ra nói xe tăng Cộng Sản đang đi về hướng này”.
Vì vậy mọi người cùng lên máy bay và quyết định bay dọc biển về hướng Qui Nhơn ở phía Nam. “Trên máy bay có một y tá, một phụ nữ với 4 đứa con nhỏ là những người quá giang tránh pháo kích ở Ðà Nẵng, tất cả ngồi đầy máy bay tới 16 người. Máy bay bay thấp vì nặng”. Ông Bình kể.
|
Thẻ bài và nhẫn cưới của Ðại Tá Võ Toàn. (Hình: Gia đình cung cấp) |
Máy bay bay ngang qua Chu Lai bị bắn, may không bể bình xăng, nên không mất cao độ. “Nhưng khi chưa tới Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, thì bị bắn lên. Nghe tiếng súng nhỏ bắn rồi máy bay không còn điều khiển được và rớt xuống nước”.
Theo lời ông Bình kể “Ðụng nước, máy bay trực thăng lật ngửa. Tôi cố sức ra được, trồi lên mặt nước, mang giày nặng không bơi được nên lặn xuống cởi giày. Trồi lên lại thì thấy ông Ðiềm cũng nổi lên, còn mang áp giáp. Tôi la lớn kêu ông cởi áo giáp. Cũng thấy ông Toàn nổi lên.”
Lúc này, ông nói đã uống rất nhiều nước biển, rất mệt lại đêm tối không nhìn thấy gì, “sóng đánh rầm rầm, mạnh ai nấy đi”. Ông ráng bơi được vào bờ, rất mệt, bám được mô đá nhưng lại bị sóng đánh dạt ra ba lần mới bám được một chỗ, tay sứt móng máu chảy rất nhiều. Ông không thấy ai bơi vào như ông, lúc này ông đoán khoảng 11 tới 12 giờ đêm.
Ông Bình kể tiếp là ông đi dọc biển một hồi thì thấy một máy bay trực thăng trước mặt. Ông chạy tới, may nhờ một người trong nhóm người này là trung úy thuộc cấp cũng thuộc phi đoàn của ông nhìn ra ông nên đã không bị bắn. Chiếc máy bay này đã đáp xuống vì sương mù dày đặc không bay nổi.
Khi họ đang bàn tính và chờ bớt sương mù thì bị một nhóm quân cộng sản tới tấn công. Nhóm của ông đã bắn trả, rút lên máy bay và bay đi kịp. Cố gắng lên được cao độ 2,000 feet, trời bớt sương mù và lúc này cũng đã khoảng 7 giờ sáng ngày hôm sau. Máy bay ra khỏi mây và bay về được tới phi trường Phù Cát.
“Tôi nghĩ là ông Chuẩn Tướng Ðiềm và những người kia đều đã chết đuối. Họ đã uống nhiều nước biển” nên mất sức, không thể chống chọi với sóng biển. “Hai đêm qua tôi đã không ngủ được khi nghĩ đến chuyến bay hôm đó”. Ông Bình nói.
|