Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau 66 Năm, Lịch Sử và Công Lý Nào Cho Vụ Án Phạm Quỳnh?

Sau 66 Năm, Lịch Sử và Công Lý Nào Cho Vụ Án Phạm Quỳnh? PDF Print E-mail
Tác Giả: Sơn Tùng   
Thứ Bảy, 05 Tháng 11 Năm 2011 20:50

Làm gì có sự “công minh của lịch sử” khi Đảng CSVN còn ngự trị trên tất cả mọi thứ, kể cả thứ gọi là “lịch sử”.

Nhân dịp từ chối “tự ý làm đơn xin cứu xét được Giải thưởng Hồ Chí Minh” 2011 về âm nhạc (rồi lại làm đơn), Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người con trai thứ chín của cố Học giả Phạm Quỳnh, qua một bài phỏng vấn được phổ biến trên diễn đàn điện tử ngày 30 tháng 8 vừa qua dưới tựa đề “Cây cúc đắng trổ hoa vàng”, đã nói khá nhiều về con đường đi theo “cách mạng” và phục vụ Đảng Cộng sản VN của ông từ năm 15 tuổi, sau khi thân phụ ông bị “cách mạng” thủ tiêu vì bị kết tội tay sai thực dân Pháp và “bản án” ấy đã được duy trì cho đến ngày nay, sau 66 năm.

(Wikipedia)

Ngày 6 tháng 9 năm 1945, Học giả Phạm Quỳnh, nguyên Chủ bút Tạp Chí Nam Phong, nguyên Thượng Thư Bộ Lại Triều Đình Bảo Đại, đã bị lực lượng vũ trang Việt Minh tại Huế thủ tiêu.

Theo các nguồn tin tổng hợp, nội vụ đã diễn ra như sau: Ngày 23.8.1945, lấy cớ tìm kiếm vũ khí, một toán Việt Minh đã tới lục soát Biệt thự Hoa Đường ở Huế, nơi cựu Thượng thư Phạm Quỳnh cư ngụ sau khi triều đình Bảo Đại giải thể. Dù không tìm thấy vũ khí, toán Việt Minh cũng “mời” Ông Phạm Quỳnh và người con rể là Nguyễn Tiến Lãng đi theo để tới “họp” với Ủy ban Cách mạng Trung Bộ đóng tại Tòa Khâm sứ Pháp cũ. Sau đó, thân nhân Ông Phạm Quỳnh không được tin tức gì cho đến đầu năm 1946, khi sửa soạn đem Nguyễn Tiến Lãng ra xử, báo chí Việt Minh mới công bố Ông Phạm Quỳnh đã bị “xử tử hình” cùng với Ông Ngô Đình Khôi và người con trai trưởng Ngô Đình Huân (lúc ấy làm thông ngôn cho người Nhật). Việt Minh không cho biết toà nào đã xử những người này, xử bao giờ, bị giết ngày nào và chôn cất tại đâu.

Mãi tới năm 1956, sau khi Ông Ngô Đình Diệm thành lập thể chế Cộng Hoà tại miền Nam VN, do sự chỉ dẫn của chính giới lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, qua trung gian của viên đại sứ Ấn Độ trong Ủy-hội Quốc-tế Kiểm-soát Đình-chiến theo Hiệp định Genève 1954, gia đình của các nạn nhân mới tìm được nơi chôn xác tại khu rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị cách thành phố Huế khoảng 20 cây số về phía Bắc. Ba người (Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân) đã bị giết cùng một lúc (đập vỡ sọ bằng cuốc) và chôn chung một hố vào ngày 6.9.1945.

Thời điểm này rất quan trọng vì việc “xử tử” đã diễn ra sau khi phái đoàn trung ương Việt Minh do Trần Huy Liệu cầm đầu từ Hà-nội đến Huế chứng kiến lễ thoái vị và trao quốc ấn của Vua Bảo Đại ngày 30.8.1945 tại Cửa Ngọ Môn. Điều này cho thấy việc “xử tử” ba nhân vật quan trọng ở Huế không phải do quyết định của phong trào Việt Minh địa phương (lúc ấy do Tố Hữu cầm đầu) mà phải có lệnh từ Hà-nội do Trần Huy Liệu đem theo.

Nhưng lệnh ấy xuất phát từ đâu và do ai ban ra? Để trả lời câu hỏi này, cần biết mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh và Phạm Quỳnh cùng dòng họ Ngô Đình tại Huế. Với Học giả Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh đã biết tiếng từ lâu và đã gặp nhau mấy lần tại Paris năm 1922 khi ông Phạm Quỳnh tháp tùng phái đoàn Vua Khải Định sang Pháp dự “Hội chợ Marseille” (lúc ấy HCM còn mang tên Nguyễn Ái Quốc). Các cuộc tiếp xúc này đã được Ông Phạm Quỳnh ghi trong nhật ký vào ngày 13.7.1922 và 16.7.1922 (xem phóng ảnh nhật ký đính kèm), và kể lại rõ hơn trong thiên “Hành trình nhật ký”. Về dòng họ Ngô Đình tại Huế - Quảng Trị, Hồ Chí Minh càng biết rõ hơn và mang lòng kính nể mà nhiều người biết. Tố Hữu cũng là người biết rõ mối liên hệ giữa HCM và dòng họ Ngô Đình nên đã ra lệnh bắt giữ mà không dám thủ tiêu ngay.

Trong tình hình sôi bỏng buổi đầu khởi nghiã của Việt Minh vào tháng 8.1945, các “ủy ban cách mạng” địa phương đã tự ý giết nhiều người mà không cần lệnh của trung ương. Nhưng với Học giả Phạm Quỳnh và cha con Ông Ngô Đình Khôi, Tố Hữu không thể không báo cáo lên trung ương và xin lệnh. Trong trường hợp này, có thể nói chắc rằng người ra lệnh “giết” ở trung ương không ai khác hơn Hồ Chí Minh, vì không ai khác có quyền và dám nhận trách nhiệm ấy.

Nhưng, Hồ Chí Minh, chính phạm trong tội ác này, đã chối tội và đóng kịch tài tình. Một mặt đổ tội cho cán bộ địa phương, mặt khác thăng chức cho Tố Hữu (sau này lên tới phó thủ tướng) và ra lệnh mở chiến dịch kết tội “tay sai thực dân Pháp” cho Phạm Quỳnh cùng với việc bôi xoá tên ông trong văn học sử và thủ tiêu các tác phẩm của ông.

Theo hồi ký viết năm 1992, Bà Phạm Thị Thức, con gái của Học giả Phạm Quỳnh, kể rằng sau khi cha bị giết, bà đã cùng người chị là Phạm Thị Giá ra Hà-nội gặp Hồ Chí Minh qua sự giúp đỡ của Vũ Đình Huỳnh, bí thư thân cận của HCM. Trong cuộc tiếp xúc này, Hồ Chí Minh đã đổ tội cho Việt Minh ở Huế: “Hồi ấy tôi chưa về… Và trong thời kỳ khởi nghiã quá độ có thể có nhiều sai sót đáng tiếc.” Cả nước đều biết Hồ Chí Minh “đã về” Hà-nội từ tháng 8.1945 và đọc “tuyên ngôn độc lập” ngày 2.9, bốn ngày trước khi Học giả Phạm Quỳnh và cha con Ông Ngô Đình Khôi bị giết. Nếu sự thật việc giết Phạm Quỳnh là “sai sót đáng tiếc” sao không sửa sai trong suốt 66 năm?

Trong những năm gần đây, do việc đòi tự do ngày một lan rộng tại Việt Nam, một số người đã rụt rè nêu ra trường hợp Phạm Quỳnh và một số tác phẩm của ông đã được in lại. Trong chiều hướng ấy, Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã dè dặt nói lên sự oan ức của cha mình trong lúc vẫn bày tỏ lòng trung kiên với Đảng và tin tưởng ở sự công minh của các cấp lãnh đạo nhà nước CSVN.

Năm 2004, trong bức thư gửi cho Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương Đảng CSVN, để than phiền về việc thân phụ ông đã bị “khắc họa” sai sự thật trong bộ phim “Ngọn Nến Hoàng Cung” (qua nhân vật Đặng Huỳnh với tư cách phản động để chứng minh cho kết cục bi thảm của người này), Phạm Tuyên đã cho thấy ông tin quyết định thủ tiêu thân phụ ông là do Tố Hữu chứ không phải là lệnh từ Hồ Chí Minh, và viết rằng: “Cũng vì vậy chúng tôi luôn mong mỏi có một ngày được thấy sự đánh giá công minh về cụ thân sinh của chúng tôi” (Trích thư ngày 24.10.2004). Trong thư trả lời viết tay ngày 28.11.2004 (đính kèm), Nguyễn Khoa Điềm cho biết đã “cắt bỏ những đoạn, những lời không cần thiết”. Nhưng bộ phim gồm 45 tập đã được chiếu từ tháng 8.2004 và được phát hành ra thị trường, kể cả hải ngoại.

Trong cuộc phỏng vấn do Nguyễn Hoàng Diệu Thúy thực hiện trên báo Tiền Phong cuối năm 2007, Ông Phạm Tuyên cũng lại nói lên lòng tin tưởng vào “sự công minh của lịch sử” sau khi bày tỏ sự cảm động và biết ơn những người đã góp phần vào việc xuất bản những tác phẩm cũ của thân phụ ông trong những năm gần đây.
Trở lại với bài phỏng vấn ngày 30.8.2011, Nhạc sĩ Phạm Tuyên một lần nữa khẳng định: “Tôi vẫn hằng mong mỏi sống đến ngày được chứng kiến thân phụ mình được giải toả, dù đã hơn 65 năm rồi, nhưng tôi vẫn tin vào sự công minh của lịch sử.”
Lịch sử nào và lịch sử do ai viết?

Đọc câu trên đây của Ông Phạm Tuyên, người ta phải hiểu ông ta muốn nói “bố tôi bị Đảng vu cáo và giết oan, dù đã hơn 65 năm rồi, nhưng tôi vẫn tin vào sự công minh của Đảng”.

Ai mà không biết tại Việt Nam ngày nay, “lịch sử” đã bị Đảng CSVN bóp méo vo tròn, đổi trắng thay đen theo “sử quan mác-xít” để phục vụ cho sự thống trị của “Đảng”. Phạm Quỳnh cũng chỉ là một trong hơn một triệu người Việt Nam vô tội đã bị tàn sát để dựng nên chế độ độc tài chuyên chế ngày nay, trong đó có sự góp công của Phạm Tuyên, con của “Việt gian” Phạm Quỳnh, được ví von là “cây cúc đắng trổ hoa vàng” - một lời khen con và lên án cha!

Khi cha bị xử tử, Phạm Tuyên mới 15 tuổi, đã bỏ nhà theo kháng chiến vì tin theo lời dạy của “Cụ Hồ”: “cứ vững tâm đi theo cách mạng”, khi ông theo hai bà chị tới gặp HCM tại Hà-nội để hỏi về cái chết oan khiên của cha mình. Năm 18 tuổi, Phạm Tuyên được kết nạp vào “Đảng” và hăng say phục vụ trong hơn nửa thế kỷ để được tuyên dương như sau: “với một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, tình yêu sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn với Đảng, Bác Hồ kính yêu chính là nguồn cảm hứng sôi nổi, vô tận để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác những ca khúc cách mạng trữ tình. Đó là các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu (Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Bài ca người thợ rừng, Em được nghe chuyện Bác Hồ, Hành khúc người thợ mỏ, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Thành phố mười mùa hoa) và đặc biệt là một loạt bài hát ca ngợi Hồ Chủ Tịch: Em được nghe chuyện bác Hồ, Từ làng Sen, mà nổi tiếng nhất là bài ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ viết đúng khoảnh khắc Bắc Nam chuẩn bị giành được độc lập” (Lê Thị Thanh Bình).

Hơn 36 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, 20 năm sau khi các chế độ cộng sản đàn anh tại Nga và Đông Âu sụp đổ, với trào lưu dân chủ đang ào ạt tràn dâng trên toàn thế giới, với những tiếng nói bất khuất không ngừng cất lên và sự thật được phơi bày tại Việt Nam ngày nay, có thật Phạm Tuyên - con của nhà văn hoá ưu tú Phạm Quỳnh, một người vô tội đã bị Đảng CSVN giết hại và hạ nhục suốt 66 năm - vẫn còn tin tưởng ở sự “công minh” của “Đảng” sau cả đời phục vụ nó?
Ít ai nghĩ như vậy. Đây chính là bi kịch, hay hài kịch, của những người đã lỡ mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ bồng bột hiến dâng cho “Đảng”. Không mấy ai có can đảm đứng thẳng lưng để dõng dạc nói ra Sự Thật, tự phỉ nhổ vào “sự nghiệp lừa dối người khác và lừa dối chính mình”, như Nhạc sĩ Tô Hải đã làm.

Làm gì có sự “công minh của lịch sử” khi Đảng CSVN còn ngự trị trên tất cả mọi thứ, kể cả thứ gọi là “lịch sử”.

Tại Nga, cái nôi đã sinh ra Đảng CSVN, 20 năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các sử gia chân chính vẫn còn phải làm việc để soi sáng sự thật vào lịch sử, sửa chữa những sai lầm và gian trá đã được viết ra trong 70 năm. Tại Ba Lan, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chính quyền mới đã phải lập raViện Quốc Gia Truy Hồi (Institute of National Remembrance) để truy tầm, nghiên cứu và đưa ra ánh sáng những tội ác của cộng sản tại nước này.

Tại Việt Nam, Lịch sử và Công Lý liên quan đến vụ án Phạm Quỳnh, cũng như hơn một triệu người vô tội khác, chưa có thể “công minh” bao lâu mà Đảng Cộng sản vẫn còn ngự trị trên đất nước Việt Nam.

Lịch sử và Công lý liên quan đến tội ác của Đảng CSVN hiện nằm trong các văn khố ở khắp nơi trên thế giới, do công trình của các sử gia người Việt ở hải ngoại và các sử gia quốc tế.

Trong khi những người con khác của Học giả Phạm Quỳnh, trong đó có Ông Phạm Tuân, hiện cư ngụ tại Vùng Hoa Thịnh Đốn, đã từ nhiều năm nay không ngừng đòi hỏi Công lý cho cha và vạch mặt chỉ tên thủ phạm thì ở bên kia chiến tuyến, “cây cúc đắng trổ hoa đỏ” Phạm Tuyên vẫn cúi đầu phục vụ bạo quyền và tin tưởng ở sự “công minh” của những kẻ tay vấy máu cha mình.

Đây là một bi kịch gia đình hay bi kịch của cả một dân tộc?

04.9.2011