Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hỏa Lò, cửa sinh tử của những kiếp buồn (kỳ 1)

Hỏa Lò, cửa sinh tử của những kiếp buồn (kỳ 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải Thanh Thủy   
Chúa Nhật, 28 Tháng 12 Năm 2008 21:33

 

Tiền diện của nhà tù Hòa Lò nổi tiếng ở Hà Nội còn lại. Phần lớn khu đất nay trở thành khách sạn quốc tế Hanoi Hilton. (Hình: AFP/Getty Images)

Nói đến Hỏa Lò - trại nhốt tù của thành phố Hà Nội - ai cũng sợ.

Tuy từ năm 1994, sau khi chuyển về địa phận của xã Xuân Phương, Cầu Diễn-Hà Nội cách đó 14 km, nó đã được xây dựng lại từ đầu, theo kiến trúc nhà tù xã hội chủ nghĩa, thoát xác hoàn toàn với cấu trúc của nhà tù thực dân đế quốc cũ - một công trình kiên cố vào bậc nhất Ðông Dương, đến con kiến cũng khó lòng qua nổi. Tường bằng đá, cốt thép cao 4 mét, dày nửa mét, được gia cố bởi hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua, bốn góc là những tháp canh có khả năng quan sát nhất cử nhất động của toàn bộ trại giam. Dưới chân tường có đường nhỏ rộng 1.2 mét cho lính tuần tra. Chín (9) khu giam giữ và từng khu biệt lập với nhau bằng những cửa sắt bịt tôn (khu làm việc cho lính canh, trại giam tù người Âu, trại giam tù nữ, khu nấu ăn, khu xà lim giam tử tù, hầm tối giam những người cứng đầu, phạm kỷ luật... v.v). Trên cơ sở đó Bộ Công An đổi thành 'trại giam số 1 Hà Nội' trong tổng số 800 trại giam lớn nhỏ trong 64 tỉnh thành cả nước. Song hai từ “Hỏa Lò” vẫn bám sâu vào trí não người dân Việt Nam và gây nên những ám ảnh kinh hoàng vì mức độ nuốt người khổng lồ và tính chất độc ác, dã man, hèn hạ của nó, còn gấp hàng chục lần so với trại Hỏa Lò cũ.

1. Bàng hoàng nhớ lại

Trên thực tế nhà tù Hỏa Lò do Pháp xây có tên là Maison Centrale (Ðề lao Trung ương), vì xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương huyện Thọ Xương cũ của Hà Nội - một làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung chum, vại sành sứ, nên còn có cái tên là làng Hỏa Lò, thôn Hỏa Lò. Khi người Pháp lấy đất của thôn xây dựng Maison Centrale, thì người Việt Nam quen gọi Ðề lao là Hỏa Lò cũng như làng Phụ Khánh có thêm tên thứ 2 được gọi theo tên nghề của làng mình vậy.

Thông thường các nhà tù thường biệt lập với khu dân cư, riêng Hỏa Lò nằm tại trung tâm thủ đô Hà Nội, thủ phủ của chính quyền thuộc địa. Bên cạnh là Tòa Ðại Hình (nay là Tòa án nhân dân tối cao) và Sở Mật Thám (nay là công an thành phố Hà Nội - 87 Trần Hưng Ðạo). Cả ba nhà-tòa-sở - tạo thành thế chân kiềng, vững chãi. Từ bên trong khu vực hỏa lò - rộng tới 12,908m2 có một đường hầm dẫn thẳng sang tầng hầm của tòa án. Tất cả những phạm nhân bị coi là nguy hiểm, khi đem ra xét xử đều phải đi theo con đường hầm này. Từ đó còn có hai đường hầm nữa thông ra ngoài, theo 2 ngả khác cháu. Một chạy sang Sở Mật Thám (Công an thành phố Hà Nội) , còn đường kia là lối thoát bí mật chạy qua khu chợ 19/12 nay là “Chợ Âm Phủ” để nếu trại có bất ngờ bị tấn công thì các cai ngục, giám ngục, giám thị, lính gác v.v biết đường tẩu thoát.

Theo tư liệu để lại tại chính khu vực được coi là di tích Hỏa Lò, cũng như sách viết về nhà tù Hỏa Lò bằng tiếng Việt, tiếng Anh bán rộng rãi trên thị trường thủ đô, trong những ngày mở cửa đón du khách vào tham quan thì riêng hệ thống cửa sắt, khóa được mang từ Pháp sang. Các phòng giam, phòng tối, xà lim đều chật chội, thiếu ánh sáng, không khí. Những tên cai ngục khét tiếng, có thâm niên cai quản nhà tù, sẵn sàng đàn áp, thậm chí cướp đi sinh mạng của tù nhân, như những tên: Griman (1930-1931), Betsơ (1940), Cagênô (1941-1942), Clêmăngti (1944, 1945), Miniconi (1947-1950), Tuxtu (1951- 1954) v.v...

 

Bên trong nhà tù Hỏa Lò trước khi bị bán cho ngoại quốc làm khách sạn. (Hình: tài liệu Opera.com)

Sau 3 năm thiết kế và khởi công xây dựng, bắt đầu từ tháng 1-1899 nhà tù Hỏa Lò bắt đầu đảm nhận việc giam người. Theo thiết kế ban đầu được Toàn quyền Ðông Dương Paul Dumer duyệt, Hỏa Lò chỉ đủ giam 500 tù nhân, nhưng nó đã nhiều lần được mở rộng để có thêm chỗ giam, theo kiểu ngày một chật chội, đông tù hơn. Cụ thể năm 1913, cải tạo lần đầu, số lượng tù nhân đưa vào là 615 người. Bốn năm sau (1917) đã lên thành 800 người, đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ tĩnh (1930-1931) lên hẳn 1,800 người. Thời điểm cao nhất là chiến dịch thu đông, biên giới 1950- 1953, Hỏa Lò phải đảm nhiệm việc giam cầm tới 2,000 người, trong khi sức chứa tối đa chỉ vẻn vẹn 1000 người...

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm tại nhà tù này, trong đó có các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc... Ghê rợn nhất trong các hiện vật để lại tại hỏa lò lúc này là máy chém, chính nó đã được thực dân Pháp dùng lưu động trong suốt thời kỳ đô hộ 81 năm (1858-1954) đáng kể nhất, tháng 1-1930 được chính quyền thuộc địa Pháp vận chuyển lên Yên Bái để hành hình 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân đảng bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đứng đầu là Nguyễn Thái Học.

Sau “giải phóng” thủ đô (1954) Hỏa Lò đặt dưới sự quản lý của chính quyền cộng sản, trở thành chiến tích ngoạn mục trong công cuộc kháng chiến cứu nước, đánh Pháp, đuổi Nhật. Sau đó trở thành nơi vinh dự nhốt người của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa... Trong suốt 10 năm, từ 1964 đến 1973, Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh leo thang miền Bắc, vì vậy còn được các tù binh Mỹ gọi là “khách sạn Hanoi Hilton”.

Ðặc biệt là thời kỳ Mỹ tiến hành trận “Ðiện Biên Phủ trên không (12-1972), hàng

 

Sinh viên Mỹ đến thăm di tích nhà tù Hòa Lò, đứng nhìm dù và bộ đồ phi hành của phi công Hải quân John McCain (nay là thượng nghị sĩ) mặc khi máy bay A4E Skyhawk của ông bị bắn rơi và bị bắt ngày 26/10/1967. (Hình: AFP/Getty Images)

loạt các phi công Mỹ nhảy dù đã bị bắt sống quanh khu vực tây hồ, trong số này đáng kể là P. Peterson - sau này là đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam và John McCain người giữ chức thượng nghị sỹ Mỹ nhiều năm và đã ra tranh cử tổng thống với Obama nhiệm kỳ 2009-2013.

Cuối thập niên 80, đầu 90, nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp thành cơ chế thị trường, không đóng cửa bảo nhau, đóng cửa để cùng ôm nhau giãy chết như toàn bộ hệ thống Ðông Âu xã hội chủ nghĩa nữa. CSVN mở cửa để rước đầu tư nước ngoài vào, kéo nền kinh tế Việt Nam do đảng lãnh đạo... đang mấp mé trên bờ vực phá sản đi lên theo con đường hòa nhập với thế giới. Khi đó toàn bộ khu vực Hỏa Lò đã bị bán lại cho Ðài Loan trong thời hạn 50 năm, bất chấp mọi lời phản đối của các cựu tù nhân Hỏa Lò, đặc biệt là thế hệ thứ ba - những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, du kích, biệt động nội thành, từ năm 1947 đến 10/10/1954, trong đó có nhiều người đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng và nhà nước. Tuy nhiên vì sự phản kháng quyết liệt này mà Hỏa Lò còn được giữ lại một góc nhỏ làm nơi tham quan cho du khách, 95% phần còn lại bị đập phá không thương tiếc để trở thành tòa tháp cao ngất nghểu, giá trị nhất thủ đô, còn gọi là cao ốc thương mại tháp Hà Nội.

Chính vì thế đầu năm 1994 đã có một cuộc di chuyển trại vĩ đại nhất trong lịch sử của ngành công an Việt Nam, vừa để Hà Nội có tháp cao tầng, sánh ngang với thế giới trong hội nhập toàn cầu, để lãnh đạo có tiền xây nhà cao cửa rộng, cũng là để giải thoát cả tù nhân lẫn cán bộ quản giáo ra khỏi khuôn viên ngột ngạt của trại tù cũ (nhiều phòng giam rộng chưa đầy 200m2 nhưng vào lúc “cao điểm phải giam tới 300 người. Tù nhân không đủ không khí để thở, có người đã chết ngạt). Một cuộc di chuyển diễn ra âm thầm trong bóng đêm, nhưng vô cùng sôi động, khẩn trương, để lại dư âm sâu đậm trong lòng người dân Hà Nội mỗi khi buộc phải nghe lại từ chính những người tù hoặc những người từng chứng kiến cuộc di chuyển “vĩ đại” này.

(Còn tiếp)