Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Hoả lò, cửa sinh tử của những kiếp buồn (kỳ 2)

Hoả lò, cửa sinh tử của những kiếp buồn (kỳ 2) PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải Thanh Thủy   
Chúa Nhật, 28 Tháng 12 Năm 2008 21:43

 
Máy chém của thực dân Pháp tại Hỏa Lò. Máy chém này cũng dùng ở Yên Bái năm 1930 để hành hình 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng, gồm cả Ðảng Trưởng Nguyễn Thái Học.
II- Kế hoạch G93-công an đảng ta giỏi thật: Ðánh Tàu thì kém, kèm tù nhân rõ tài

Theo ông Nguyễn Xuân Hoắc, thượng tá, cựu giám thị tiết lộ với cánh báo chí sau này về chuyến chuyển tù từ nhà tù Hỏa Lò cũ đến nhà tù Hỏa Lò mới: Số lượng phạm nhân tại Hỏa Lò cũ khi đó là 1,800 người. Trong đó 6 phạm nhân đang chờ ngày hành quyết, 35 phạm nhân có án từ 10 năm đến chung thân; 80 phạm nhân mang án từ 5 năm đến 9 năm; Số tù thường phạm chiếm tới 2/3 (1,205 người) còn lại là số phạm nhân bị giam cứu về các hành vi tội nghiêm trọng như kinh tế, chính trị (chiếm khoảng 40 người). Ðiều khá đặc biệt, trong 1,800 tù nhân của trại chỉ vẻn vẹn 150 phụ nữ, chiếm tỷ lệ 1/12 so với nam, ít hơn hẳn so với thập kỷ 2000...

Ðúng kế hoạch đã bàn định, trừ 6 phạm nhân bị tử hình sẽ được di chuyển trên xe con, có cán bộ “áp tải” (ngay bên cạnh) còn các loại tù thường phạm khác (1,205 người) sẽ đi chung trên xe lớn, loại 45 chỗ ngồi. Tất nhiên, dưới con mắt nghiệp vụ của cục V26 - chuyên phụ trách về việc giam giữ tội phạm - tất cả phải được tính toán, phân loại, rà soát kỹ lưỡng đến từng chi tiết, con số, vụ án để phạm nhân trong cùng một vụ không được di chuyển trong một ô tô hoặc cùng một lần “xuất trại”. Mục đích để tránh hiện tượng thông đồng, phản cung, gây khó khăn trong việc cai quản của quản giáo, cũng như đi cung của các điều tra viên trực thuộc cơ quan an ninh sau này... Chính vì thế tổng số xe được huy động vào thành phương tiện vận chuyển là 40 xe, trong đó có 4 xe đặc chủng, 3 xe chuyên dùng và 20 xe chở khách, 8 xe tải, 5 xe chữa cháy.

Về mặt giám sát, giam giữ, tất cả các xe còn lại đều được gia cố thêm chấn song sắt ở cửa sổ xe, như một nhà tù di động, để phạm nhân dẫu có ý định vượt ngục, “nhảy ngựa” cũng đành bó tay.

1,800 phạm nhân bị cả trăm cai tù cùng gần 1,000 công an các quận huyện áp giải, theo tỷ lệ một “địch, một ta”. Cụ thể theo cái gọi là kế hoạch G93 (dự thảo vào cuối năm 1993) 205 công an quận Hoàn Kiếm phải huy động bố trí tại 38 điểm trên tuyến đường 14 km mà đoàn xe tù chạy qua, 78 công an quận Ba Ðình bố trí ở 26 điểm, 121 công an huyện Từ Liêm bố trí ở 25 điểm, đặc biệt là các ngã tư nhạy cảm hay gây ùn tắc như Phan Bội Châu, Ðiện Biên Phủ, hoặc trống trải tại khu vực ngoại thành Hà Nội như ngã tư Cầu Giấy, ngã ba Cầu Diễn v.v... Ngoài ra còn 259 người thuộc trung đoàn Cảnh sát cơ động, 61 viên cảnh sát giao thông, 20 cảnh sát hình sự, 20 cảnh sát điều tra và các đơn vị khác như hậu cần, y tế, khoa học hình sự, thông tin; tham mưu cảnh sát v.v... Tổng số quân là 1,041 người, bằng đúng số biên chế của toàn thể “cán bộ, chiến sĩ” công an Hà Nội lúc bấy giờ. Nói bằng từ của các lão thành cách mạng khi ấy là... còn đông hơn quân Nguyên, Mông thời nhà Tống vào xâm lấn An Nam bị Lý Thường Kiệt đánh bại trên dòng sông Như Nguyệt. Vì thế một con ruồi nếu không may bị rơi vào bẫy nhà tù khi ấy cũng khó lòng lọt vượt thoát khỏi sự canh chừng cẩn mật đến từng milimet đường như vậy.

Ngoài ra để tránh bất cứ điều gì có thể xảy ra, mỗi chuyến đi trong tổng số 5 chuyến phải trang bị 400 khóa tay, 401 khóa xích. Chưa kể các cai tù Cộng Sản còn được trang bị 60 dùi cui các loại, 26 khẩu AK, 50 súng ngắn, gần 1,000 đèn pin và các hàng chục các loại công cụ hỗ trợ khác, như bình xịt hơi cay; máy bộ đàm, bình cứu hỏa để hễ có tù trốn, tù xổng, tù nổi loạn, la ó, hoặc thân nhân chủ động đốt xe tù để cướp người, giải vây... thì toàn quyền xử lý: đánh đập, bắn bỏ, hoặc xịt hơi cay, chữa cháy v.v... cốt không cho “chúng nó thoát, không xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào, làm ảnh hưởng tới bề dày tích lũy và ối đỏ chiến công trong lịch sử ngành.”

Danh sách phạm nhân trên mỗi chuyến xe được đánh máy làm 5 bản: Quản giáo hai đầu trại mới và cũ giữ mỗi người một bản để cùng đối chiếu lúc “xuất” ở trại cũ và “nhập” vào trại mới. Ba bản còn lại chia đều cho đội tham mưu; cảnh sát bảo vệ dẫn giải và ban giám thị trại giam, không nhầm một tên, không thừa, hay thiếu một dấu chấm, dấu phẩy.

Ðúng 10 giờ 15 phút, việc di chuyển trại bắt đầu. “Chuyến hàng” đầu tiên là 6 phạm nhân bị kết án tử hình... Ðó là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Ðình Tước, Bùi Văn Vinh, Nguyễn Văn Thắng, Trần Văn Hậu và Huỳnh Thức. Khỏi phải nói đến sự hoảng loạn, đau xót của những tử tù này, tất cả đều khóc như mưa như gió, chắp tay lậy cán bộ như tế sao:

- Lạy cán bộ. Sao lại bắt chúng tôi “đi” giữa đêm hôm khuya khoắt thế này, xin cán bộ, cho em nhìn mặt vợ con lần cuối.

Hoặc:

-Thưa cán bộ, chiều nay em đã được ăn bữa đặc biệt như quy định giành cho tử tù đâu, xin cán bộ cho em viết mấy chữ về gia đình...

Khi biết tên mình còn chưa có trong sổ Nam Tào mà chỉ là một sự chuyển đổi chỗ ở, từ nơi giam cũ lạnh lẽo, chết chóc tới nơi ở mới, lạnh lẽo chết chóc không kém, mới tạm thở ra một hơi buồn bã.

Ngay sau đó, trong ánh đèn pha lóe sáng nơi cổng trại, 1794 con người bị còng xích dẫn giải ra ô tô, tất cả đều diễn ra đúng bài bản đã dự liệu từ trước: Từ đọc lệnh, dẫn phạm nhân, khóa tay, đối chiếu danh sách, đưa ra xe... không chậm nửa phút, không gây nên một sự xáo trộn nào trong lòng người dân Hà Nội, chỉ có sự bàng hoàng ngơ ngác của các thân phận tù đày khốn khổ, không biết mình bị đưa đi đâu, về trại nào, lý do gì? Có còn được gặp lại gia đình, bạn bè người thân nữa không? Ðặc biệt là 150 chị em nữ, vốn sống bằng nội tâm đầy mặc cảm, kêu khóc như ri...

40 xe, mỗi xe phải đi lại 5 lần, với tổng số 130 km, song nhờ di chuyển vào ban đêm, giữa lúc mưa to gió lớn, tốc độ nhanh, không gặp cản trở gì tại các giao lộ, cũng như chắn tàu, nên trong vòng chưa đầy 6 tiếng, tất cả 1,800 phạm nhân đã được nhập trại một cách an toàn.

Sau này nhiều phạm nhân ra trại kể:

- Bình thường chẳng có ma nào quan tâm hỏi han săn sóc, lơ tơ mơ là quản giáo oánh bỏ mẹ, thế mà mấy hôm sắp chuyển trại, thấy các bố lũ lượt ra vào thăm dò thái độ tư tưởng có vẻ đặc biệt lắm, hóa ra các bố nhà ta mưu lược thật. Tất cả từ kế hoạch di chuyển, kế hoạch giao nhận và phương tiện; bảo vệ trên đường; bảo vệ trên xe, bảo vệ vòng trong vòng ngoài của trại, xử lý các tình huống đột xuất, đến chuyện huy động cảnh sát giao thông cấm đoán, phân luồng, dẫn đường, dẹp đường rồi hậu cần, dự trù kinh phí, thuê xe v.v... đều đúng ruýt. Giá mà hồi đánh Tàu khựa tất cả đều được phối hợp nhịp nhàng gọn gàng như thế, có phải... bố chúng nó cũng không dám dạy cho Việt Nam một bài học nào, mà chỉ có ngược lại thôi... Hóa ra công an đảng ta giỏi thật, đánh Tàu thì kém, kèm tù nhân rõ tài.

(Còn tiếp)