Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (23)

Sau Bức Màn Đỏ: hậu trường chính trị Việt Nam sau 1975 (23) PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Dung   
Thứ Sáu, 26 Tháng 6 Năm 2009 00:25

(Tiếp theo)
Chính Quyền Cộng Sản Việt Nam Sau Ðại Hội IX (2001-2006)
 

Trung tuần tháng 4 năm 2001, đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức Ðại Hội Ðảng lần thứ IX để kiểm điểm lại những thành tích trong năm năm qua, đồng thời cũng xếp đặt lại nhân sự và đề ra những đường lối mới trong vòng năm năm tới.
 
Thành tích của những năm sau Ðại Hội Ðảng lần thứ VIII năm 1996 đã không được lạc quan. Do sự tranh chấp giữa hai phe đổi mới và bảo thủ trong đảng, cho nên đã không có một biện pháp quyết liệt nào được đưa ra khi phải đối phó với những đổi thay của tình hình kinh tế trên thế giới, nhất là đã không có một kế hoạch nào để đối phó với cơn khủng hoảng tiền tệ trong vùng Ðông Nam Á năm 1997. Số vốn đầu tư của ngoại quốc vào Việt Nam trong những năm này đã sụt xuống thấp hơn năm 1992, cán cân mậu dịch bị thâm thủng tới 150 phần trăm, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng vì dân số đã tăng nhanh chóng, mỗi năm lại có thêm gần 1 triệu người đến tuổi lao động
 
Ðại Hội Ðảng lần IX vào Tháng Tư năm 2001 đã được chuẩn bị từ những hội nghị Trung Ương Ðảng lần thứ 9 của khóa VIII đầu năm 2000. Cho tới Hội Nghị Trung Ương lần thứ 11 vào tháng 2, 2001 thì đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ là Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu sẽ bị mất chức dù mới được làm việc có hơn nửa nhiệm kỳ. Nghị quyết của Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ 11 này đã khuyến cáo là những người trên 65 tuổi không nên ra ứng cử để trẻ trung hóa guồng máy lãnh đạo. Ðiều này nhắm vào Lê Khả Phiêu (sinh năm 1931, sắp 70 tuổi) và Lê Khả Phiêu đã phải tích cực vận động để được thêm vào câu “trừ vài chức vụ then chốt”. Ngoài ra, để tạo áp lực với những phần tử bảo thủ, Lê Khả Phiêu đã dàn xếp để việc canh giữ an ninh cho Ðại Hội Ðảng không được giao cho công an phụ trách như mọi lần mà được giao cho quân đội. Trong dịp hội nghị lần thứ 11 này, Trung Ương Ðảng cũng cho biết là đã có hàng ngàn lá thư góp ý kiến vào bản dự thảo Nghị quyết của Ðại Hội Ðảng. Tuy đảng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những ý kiến đóng góp này nhưng sau đó, bản Nghị quyết chính thức vẫn giống y như bản dự thảo.
 
Hiển nhiên là trong những năm sau Ðại Hội Ðảng lần thứ VIII (1996), nhiều biến cố không thuận lợi đã xảy ra như sự sa sút của kinh tế Việt Nam, tệ nạn tham nhũng tràn lan, những bất ổn ở Thái Bình, Ðồng Nai, Tây Nguyên đã khiến những ủy viên Trung Ương Ðảng không tín nhiệm Lê Khả Phiêu ở trách nhiệm lãnh đạo. Nhưng cũng nhờ biến cố Tây Nguyên, Lê Khả Phiêu đã cố gắng thuyết phục những ủy viên Bộ Chính Trị là “không nên có thay đổi lãnh đạo trong khi trong nước đang có rối loạn” để có thể ra tái cử. Nhiều ủy viên Bộ Chính Trị dĩ nhiên cũng muốn ở lại thêm một nhiệm kỳ nên ít ra đã có 2 phần 3 ủy viên đồng ý. Nhưng dù vậy, đề nghị này đã bị Hội Nghị Trung Ương Ðảng lần thứ 12 họp mấy ngày trước ngày Ðại Hội Ðảng bác bỏ, một điều hiếm hoi ít khi xảy ra.
 
Sự mất chức của Lê Khả Phiêu ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên còn do những vụng về lầm lỗi của cá nhân Lê Khả Phiêu. Trước hết, tuy không có một hậu thuẫn chính trị vững mạnh, kể cả trong quân đội, Lê Khả Phiêu ngoài ý muốn được tiếp tục làm Tổng Bí Thư ít ra là đủ một nhiệm kỳ 5 năm, lại còn muốn kiêm nhiệm thêm chức vụ chủ tịch Nhà nước để được coi như quốc khách khi đi công du các nước khác, giống như Gorbachev hay Giang Trạch Dân. Vì Lê Khả Phiêu vận động chuyện này khá công khai, điều này đã gây bất mãn trong những ủy viên trung ương. Nhưng lỗi lầm lớn nhất của Lê Khả Phiêu là đã mưu toan bãi bỏ chức vụ của ba “cố vấn”. Trong ba người này, Võ Văn Kiệt dĩ nhiên luôn luôn chống đối với Lê Khả Phiêu. Người mà Võ Văn Kiệt đỡ đầu cho vào ban Thường Vụ Bộ Chính Trị là Nguyễn Tấn Dũng đã bị Phiêu loại ra ngoài ngay sau khi Phiêu được lên chức. Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh, tuy cùng chung khuynh hướng bảo thủ nhưng đã tức giận khi bị Lê Khả Phiêu mưu toan loại họ ra khỏi phạm vi quyền lực. Trong Ðại Hội Ðảng toàn quân ngày 4-1-2001, Lê Ðức Anh đã làm cho các đại biểu quân đội ngạc nhiên khi công khai kết tội Lê Khả Phiêu, người đã từng được Lê Ðức Anh nâng đỡ để thăng tiến.
 
Ðồng thời, trong đảng, Ðỗ Mười cũng tích cực vận động để loại bỏ Lê Khả Phiêu. Trong hồi ký của Ðoàn Duy Thành, Ðoàn Duy Thành kể lại là Ðỗ Mười đã nói “Nó muốn lật tao, tao lật nó”. Nguyễn Ðức Tâm trong thư gửi Trung Ương Ðảng vào dịp Ðại Hội Ðảng lần thứ X cũng kể lại là Ðỗ Mười đã cho phổ biến một bản báo cáo tố cáo Lê Khả Phiêu đã giao du thân mật với những phụ nữ như Ðặng Thị Thu Hà, Vũ Thị Dung... trong đó có người hoạt động tình báo cho ngoại quốc (ám chỉ Trung Hoa). Vì thế, tuy khác khuynh hướng, cả ba đã ký tên chung trong một bức thư gửi cho các ủy viên trung ương để chê trách khả năng lãnh đạo của Lê Khả Phiêu. Ðiều mỉa mai cho Lê Khả Phiêu là khi Nông Ðức Mạnh được bầu làm tổng bí thư, ông ta chỉ nhận chức vụ với điều kiện là không còn ba cố vấn và cả bộ ba này đã chấp nhận. Một lỗi lầm nữa của Lê Khả Phiêu là đã dùng Tổng Cục 2 tình báo của quân đội để dùng máy ghi âm nghe lén những ủy viên Bộ Chính Trị khác (vụ A10).
 
Nếu Ðỗ Mười muốn loại Lê Khả Phiêu là vì Phiêu có ý phản bội, loại bỏ những cố vấn, Lê Ðức Anh đã muốn loại Lê Khả Phiêu với một thâm ý khác. Tin tưởng là hậu thuẫn của mình còn mạnh, Lê Ðức Anh dù đã về hưu và làm cố vấn nhưng lại muốn trở lại làm tổng bí thư, cho nên dù đã được Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng báo cáo về việc Lê Khả Phiêu dùng Tổng Cục 2 nghe lén điện thoại từ nhiều tháng trước, nhưng đã chờ cho tới khi những Hội Nghị Trung Ương Ðảng cuối cùng của khóa VIII họp, khi đảng Cộng Sản sắp xếp nhân sự lãnh đạo cho Ðại Hội Ðảng lần thứ IX, mới cho trợ lý của mình là Nguyễn Bắc Son đi khắp nơi báo cáo và nói xấu Lê Khả Phiêu (1). Cuối cùng, một lý do khác khiến Lê Khả Phiêu bị mất chức là thái độ qui phục Trung Hoa và việc nhân nhượng đất đai đã gây bất bình cho một số đảng viên.
 
Kể từ 1986, sau khi phát động đường lối đối ngoại “đa phương và đa dạng”, Việt Nam đã cố gắng, một mặt kết chặt thân hữu ngoại giao với Trung Hoa, mặt khác cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước khác (như các nước ASEAN, Nhật Bản, Tây Âu, Hoa Kỳ...). Tuy vì căn bản đều là xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã thiên về Trung Hoa, nhưng sự thiên vị đã trở nên quá đáng trong thời gian Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, khiến Việt Nam giống như một nước chư hầu. Những thỏa hiệp về ranh giới lãnh thổ hay lãnh hải với Trung Hoa đã không hề được tham khảo ý kiến với Trung Ương Ðảng và cũng chưa được sự chấp thuận của Bộ Chính Trị hay đưa ra trước quốc hội. Do đó, vào kỳ Ðại Hội Ðảng tháng 4, 2001, dù cho có Hồ Cẩm Ðào, phó chủ tịch nhà nước và Tổng Bí Thư tương lai của Trung Hoa, sang tham dự và ngồi cạnh, điều này đã không giúp gì được cho Lê Khả Phiêu. Ngoài ra, ba ngày trước đại hội, khi Hồ Cẩm Ðào tới Hà Nội, báo Nhân Dân đã đăng bài xác nhận chủ quyền đất đai của Việt Nam ở biển Ðông, gián tiếp nhắc nhở đến khuynh hướng bành trướng của Trung Hoa và thái độ cầu cạnh của Lê Khả Phiêu. Trong bản báo cáo kinh tế đọc trước Ðại Hội Ðảng, có đoạn là Việt Nam sẽ xây dựng những cơ sở hậu cần ở những hải đảo để phát triển kinh tế cũng như quốc phòng. Sợ mất lòng Trung Hoa, Nguyễn Dy Niên sau đó giải thích đó chỉ là một đường lối chung còn việc áp dụng là tùy theo địa phương hay trường hợp.
 
Sau khi đã loại Lê Khả Phiêu, những ủy viên Trung Ương Ðảng bắt đầu họp để bầu Tổng Bí Thư vào ngày 17-4-2001, hai ngày trước đại hội chính thức của đảng. Trong vòng đầu, có ba người được đề cử là Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Văn An và Trần Ðức Lương. Tuy dẫn đầu, nhưng Nông đức Mạnh được chưa tới 60% số phiếu, người về thứ hai là Nguyễn Văn An, trưởng Ban Tổ Chức Ðảng được 35% và Trần Ðức Lương được khoảng gần 10%. Vì tỷ số phiếu 35% của Nguyễn Văn An là một số phiếu vững chắc của những cán bộ hoạt động trong tổ chức đảng (2), Nông Ðức Mạnh cảm thấy không an tâm, sợ rằng với tư cách trưởng ban tổ chức đảng, Nguyễn Văn An có thể gây khó khăn hay có thể kiếm thêm được một số hậu thuẫn để lật lại mình. Ngoài ra, với ảnh hưởng sâu rộng của bộ ba “cố vấn”, Nông Ðức Mạnh sẽ có thể bị trói tay như Lê Khả Phiêu. Do đó, mới đầu Nông đức Mạnh đã từ chối không nhận chức.
 
Sự từ chối của Nông Ðức Mạnh gây khó khăn cho Ủy Ban Trung Ương, vì trong số những ứng viên, chỉ có Nông Ðức Mạnh là có những điều kiện thuận lợi.
 
Trước hết, từ trước tới nay, Nông Ðức Mạnh vẫn là người đứng ngoài những tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và đổi mới. Trong gần mười năm làm chủ tịch quốc hội, quốc hội này đã chấp thuận hết những đạo luật đổi mới kinh tế lẫn đàn áp chính trị nên đã được lòng cả hai phe. Uy tín của quốc hội cũng khá hơn khi quốc hội được quyền triệu tập bộ trưởng ra điều trần công khai. Vì chức thủ tướng chắc chắn về tay Phan Văn Khải, một người miền Nam và chức Chủ tịch Nhà nước là Trần Ðức Lương, người miền Trung, chức Tổng Bí Thư phải là người miền Bắc như Nông Ðức Mạnh hay Nguyễn Văn An. Ngoài ra, với tin đồn là con rơi của Hồ Chí Minh, cá nhân và đời tư của Nông Ðức Mạnh sẽ không bị phanh phui (khi được hỏi, Nông Ðức Mạnh đã không phủ nhận và cũng không xác nhận tin đồn này). Sau cùng, nhờ là gốc người Tầy, được cử lên làm một chức vụ quan trọng nhất nước sẽ chứng tỏ là chính quyền Việt Nam không kỳ thị chủng tộc, xoa dịu bớt sự phẫn nộ của dân thiểu số đang biểu tình gây rối trên vùng Tây Nguyên và làm vừa lòng Trung Hoa
 
Vì không có ai thay thế và thời giờ quá gấp rút, chức vụ Tổng Bí Thư phải được bầu ngay để có thể đưa ra cho Ðại Hội Ðảng “nhất trí biểu quyết chấp thuận” hai ngày sau nên Trung Ương Ðảng phải tìm biện pháp hòa giải bằng cách thuyết phục để ba “cố vấn” từ chức, không còn dính dáng gì đến việc điều hành của Bộ Chính Trị, đồng thời, thuyên chuyển Nguyễn Văn An ra khỏi ban tổ chức, sang làm chủ tịch quốc hội. Sau khi đạt được những nhượng bộ kể trên, Nông Ðức Mạnh chính thức nhận lời làm tổng bí thư. Tuy vậy, vây cánh của Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh vẫn còn rất mạnh (như Phạm Văn Trà, Trần Ðình Hoan, Phan Diễn, Nguyễn Khoa Ðiềm...). Hai người này đã ủng hộ Nông Ðức Mạnh vì thấy Nông Ðức Mạnh là người tương đối không có một hậu thuẫn vững mạnh nào để chống lại họ.
 
Tân Tổng Bí Thư của đảng Cộng Sản Việt Nam sinh năm 1940 ở tỉnh Bắc Thái, được du học Liên Xô và tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp, sau đó về làm việc ở ty Lâm Nghiệp Bắc Thái, thăng trưởng ty năm 1977, sau đó được bầu làm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái năm 1986. Năm năm sau, trở nên ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính Trị và được đề cử làm chủ tịch quốc hội từ năm 1992.
 
Ngoài chức tổng bí thư, Ðại Hội Ðảng cũng bầu ra 150 ủy viên Trung Ương Ðảng, trong đó đứng đầu là một Bộ Chính Trị gồm 15 người sắp xếp theo thứ tự:
 
1. Nông Ðức Mạnh: Tổng Bí Thư

2. Trần Ðức Lương, kiêm nhiệm chức Chủ Tịch Nhà Nước

3. Phan Văn Khải, kiêm nhiệm Thủ Tướng

4. Nguyễn Minh Triết, bí danh Sáu Phong, là Bí Thư Thành Ủy Thành Phố HCM từ 2001. Trước đó, Nguyễn Minh Triết là Bí Thư Tỉnh Ủy Bình Dương, đã thiết lập một khu kỹ nghệ hỗn hợp với Singapore tương đối thành công.

5. Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ Tướng

6. Lê Minh Hương, Bộ Trưởng Công An

7. Nguyễn Phú Trọng, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội

8. Phan Diễn, Bí Thư Thành Ủy Ðà Nẵng. Hơn một năm sau, được cử làm Thường Vụ Ban Bí Thư, một chức vụ quan trọng để cùng Nông Ðức Mạnh điều hành hoạt động hàng ngày của nội bộ đảng

9. Lê Hồng Anh, trưởng ban kiểm soát Ðảng, từng là Bí Thư Tỉnh Ủy Kiên Giang, trong lý lịch khai là có bằng cử nhân luật và chính trị

10. Trương Tấn Sang trưởng ban kinh tế Ðảng, quê ở Ðức Hòa, Long An. Trương Tấn Sang cũng là anh em vợ của Nguyễn Tấn Dũng và là anh em của Trương Mỹ Hoa, từng là phó chủ tịch nhà nước.

11. Phạm Văn Trà, Bộ Trưởng Quốc Phòng

12. Nguyễn Văn An trưởng ban tổ chức đảng, từng là bí thư tỉnh ủy Hà Nam, từ tháng 11, 2001 được đổi qua làm chủ tịch quốc hội.

13. Trương Quang Ðược, trưởng ban vận động của đảng, từng là bí thư thành ủy Ðà Nẵng trước Phan Diễn.

14. Trần Ðình Hoan, sau này làm trưởng ban tổ chức Trung Ương Ðảng (3)

15. Nguyễn Khoa Ðiềm, sau này rời chức bộ trưởng Thông Tin Văn Hóa để thăng làm trưởng Ban Thông Tin Văn Hóa của Ðảng.

(Còn 1 kỳ)