Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Phát hiện mới liên quan chủ quyền Hoàng Sa

Phát hiện mới liên quan chủ quyền Hoàng Sa PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigonecho sư u tầm   
Chúa Nhật, 22 Tháng 11 Năm 2009 06:14

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế vừa phát hiện trong tủ sách gia đình một châu bản từ thời vua Bảo Đại liên quan tới chủ quyền tại Hoàng Sa.

 

 Châu bản có bút tích của vua Bảo Đại 

Vợ ông Phan Thuận An là người dòng dõi hoàng tộc. Hiện gia đình sống tại 31 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Huế.

Châu bản đề ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ mười ba, tức là ngày 03/02/1939 Dương lịch, do Tổng lý Đại thần Phạm Quỳnh ký tên, "tâu lên Hoàng đế" đề nghị ban chuẩn huân chương cho một người Pháp.

Ông An cho đài BBC biết người Pháp được đề nghị ban thưởng là ông Louis Fontan, cai quản lính Khố xanh trên đảo Hoàng Sa, vừa chết vì bệnh sốt ác tính hai ngày trước ngày ra châu bản.

Ông cũng nói châu bản này được vua Bảo Đại phê chuẩn lập tức, và bút tích của Ngài bằng mực đỏ với chữ "Chuẩn y - BD (Bảo Đại)" vẫn còn rõ ràng trên giấy.

Trước khi Tổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Quỳnh thảo châu bản, ông đã nhận được thư của Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil viết bằng tiếng Pháp, đề nghị tâu xin Hoàng đế Bảo Đại truy tặng huân chương cho ông Fontan.

Thư của khâm sứ Graffeuil ghi rõ ông Fontan là Chánh cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh, chết tại nhà thương Huế vì bệnh typhus (thương hàn) mà ông mắc phải trong thời gian công tác tại đảo Hoàng Sa.

Theo ông Phan Thuận An, châu bản này chứng tỏ rằng trong thời gian trước Đại chiến thế giới lần hai, Việt Nam đã giữ chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.

Trước đây vài tháng, ông An cũng công bố một châu bản khác xin ban thưởng cho lính khố xanh người Việt từng đóng tại Hoàng Sa thời Bảo Đại.

Các nỗ lực tìm kiếm bằng chứng công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang được tăng cường trong thời gian gần đây.

Hồi tháng Tư, Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, hành động khiến Trung Quốc phản đối.

Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này từ sau trận hải chiến ngày 19/01/1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Báo Tuổi Trẻ, hiện đang chạy loạt bài về trận hải chiến Hoàng Sa, đã phải tạm dừng mấy ngày không rõ vì lý do gì.

Dư luận trong nước ngày càng tỏ ra quan tâm tới vấn đề chủ quyền biển đảo sau các động thái mạnh bạo của Trung Quốc tại Biển Đông.