Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Hải Chiến Hoàng Sa, 19 tháng Giêng, 1974 (kỳ 3)

Hải Chiến Hoàng Sa, 19 tháng Giêng, 1974 (kỳ 3) PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðông Bàn - Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt   
Thứ Ba, 19 Tháng 1 Năm 2010 00:01

Hai chữ 'Tổ Quốc' không còn trừu tượng

medium_Hoang Sa Ky 3 hinh_01.JPG

Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại (phải) cùng một cố vấn trên chiến hạm tại Hoàng Sa năm 1969. (Hình: Từ hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại.)

medium_Hoang Sa Ky 3 hinh_02.jpg

“Hoàng Sa Trấn - Hải Biên Phòng,” khẩu hiệu của Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải. (Hình: Từ hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại.)

 

LTS - 19 Tháng Giêng, 1974, trận hải chiến giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Cộng nổ ra tại quần đảo Hoàng Sa. Nhân kỷ niệm 36 năm trận hải chiến, và nhân dịp các cựu quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tổ chức “Ngày Hoàng Sa” tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh cách đây 36 năm, Người Việt xin ghi nhận một số ý kiến của những người từng tham gia trận đánh, ở nhiều góc độ, và trình bày trong loạt bài viết nhiều kỳ. Bài viết này được xây dựng cốt yếu dựa trên hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, với sự đồng ý của tác giả.

***

“Tôi (Hồ Văn Kỳ Thoại) điện thoại về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Sài Gòn xin cố vấn Hoa Kỳ can thiệp với Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ đến nơi để cứu vớt các thủy thủ Việt Nam đang bị nạn. Mãi đến mấy ngày sau, chiến hạm Mỹ vẫn không đến mặc dù các thủy thủ đang trôi trên biển trong hải phận quốc tế. Ðiều đó cho thấy là họ không muốn tham dự vào vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng và hơn thế nữa họ cũng không một hành động gì dù là một hành động nhân đạo.”

Ðề Ðốc Thoại ghi lại trong hồi ký, rằng ông có “gọi điện thoại về Bô Tư Lịnh Hải Quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.”

“Với những đe dọa từ phía Trung Cộng, sự không tham dự của quốc gia mà chúng ta gọi là ‘đồng minh,’ sự từ chối của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ trong việc cứu người trôi trên biển, tôi cảm thấy ê chề, đau đớn cho các thủy thủ đang trôi trên biển với những vết thương mà máu ra sẽ là dấu hiệu cho cá mập và trong sự chán nản tột cùng, tôi chỉ thị các chiến hạm bị thiệt hại rời chiến trường để đưa các thủy thủ tử thương và thương binh lên bờ tại Ðà Nẵng.”

Thiếu Tá Phạm Văn Hồng đồng quan điểm. “Ông Kosh,” theo lời Thiếu Tá Hồng, “giữ vai trò chuẩn chi cho công tác xây phi trường. Nhưng tôi cho rằng việc lập phi trường tại Hoàng Sa là một công tác ‘ảo’ chứ không phải là thật. Vì người Mỹ cho tiến hành việc thành lập phi trường, nhưng đó chỉ là cái cớ, vì họ biết là lúc bấy giờ Trung Cộng đã chực sẵn ở ngoài biển rồi. Nó chỉ chờ mình ra để khiêu khích. Vì khi chúng tôi đi chiếc HQ16 do Trung Tá Lê Văn Thự chỉ huy đưa ra đảo, thì khi ra tới nơi đã thấy hai tàu chiến của Trung Cộng chờ sẵn ở đó. Theo tôi nghĩ, Trung Cộng và Mỹ đã thỏa thuận với nhau rồi.”

Thiếu Tá Hồng khẳng định, rằng Hoa Kỳ đã biết, và quyết định không can thiệp vào sự kiện 19 Tháng Giêng, 1974: “Vì việc ông Kosh muốn rời tầu chỉ huy HQ5 để vào đảo giữa đêm khuya cho thấy ông ta đã biết trước mọi việc sẽ xảy ra!”

Sáng sớm ngày 20 Tháng Giêng, một hải đội tiếp viện hùng hậu của Trung Cộng, trên mười chiến hạm, bắt đầu đổ quân lên bờ tràn ngập hai đảo Cam Tuyền và Hoàng Sa. Toán đổ bộ của khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4, trên đảo Cam Tuyền cũng như nhân viên đài khí tượng, Ðịa Phương Quân và Biệt Hải trên đảo Hoàng Sa bị bắt làm tù binh, tổng cộng 43 người được đưa về tỉnh Quảng Châu, Trung Cộng. Viên cố vấn Hoa Kỳ đi theo chiến hạm cũng được đưa đi Trung Hoa Lục Ðịa. Tất cả được trao trả lại cho Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, qua Hồng Thập Tự Quốc Tế, sau 27 ngày bị giam giữ nhưng họ được đối xử tương đối nhân đạo. Ðề Ðốc Lâm Nguơn Tánh được cử sang Hong Kong tiếp nhận. Sự hiện diện của người Mỹ nói trên là một sự bối rối cho chánh phủ Hoa Kỳ, kể cả chánh phủ Trung Cộng.

Theo hồi ức của Thiếu Tá Hồng về ngày được phía Trung Cộng trả tự do, thì “họ” (Trung Cộng) “đưa chúng tôi tất cả 43 người (sáu người đã được thả trước đó vì lý do sức khỏe, trong đó có ông Kosh), từ trại thu dụng tù binh huyện Huyền Hóa, thị xã Quảng Châu, tỉnh Quảng Ðông, đưa đến ranh giới của Thẩm Khuyến, bên này là Trung Cộng, bên kia là Hong Kong; họ mời chúng tôi ăn một bữa khá thịnh soạn, sau đó có đại diện Hồng Thập Tự Quốc Tế đến khám sức khỏe cho chúng tôi.”

Phía Việt Nam Cộng Hòa có người ra đón, nhưng phải đứng “bên kia,” phía lãnh thổ Hong Kong.

Ông Trần Huỳnh Châu, nguyên Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ, nhớ lại một số chi tiết liên quan đến việc Trung Cộng trao trả những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị bắt trong trận Hoàng Sa, “Là Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ, tôi là người ký lệnh giải ngân để thanh toán số tiền trả cho Air Việt Nam chuyên chở những quân nhân Ðịa Phương Quân từ Hong Kong bay về Tân Sơn Nhất. Những quân nhân này trực thuộc tiểu khu Quảng Nam, đồn trú tại đảo Hoàng Sa và bị quân Trung Cộng bắt làm tù binh, sau đó được trao trả tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Hong Kong.”

Ông Châu giải thích thêm, “Cũng cần nhắc lại, bản Hiệp Ðịnh Paris ký kết năm 1974 quy định các bên không được tăng quân số và vũ khí mà phải theo quy chế một đổi một, nên Bộ Quốc Phòng có kế hoạch chuyển giao các đơn vị Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân cho Bộ Nội Vụ. Cho nên Bộ Nội Vụ có trách nhiệm với các quân nhân Ðịa Phương Quân bị Trung Cộng bắt trên đảo Hoàng Sa.”

Cựu Thiếu Tá Phạm Văn Hồng nhớ lại, “Tâm trạng của tôi là tất cả phi trường Tân Sân Nhất, tất cả các em học sinh, và các anh em quân nhân ra đón là của tôi. Tôi muốn ôm tất cả vào lòng. Trước kia, hai chữ Tổ Quốc rất trừu tượng với tôi. Nhưng lần này khi đặt chân xuống phi trường Tân Sân Nhất, tôi mới ý thức rõ ràng thế nào là lòng yêu nước. Khi một nhà báo hỏi tôi rằng nếu tôi được lệnh tái chiếm Hoàng Sa thì tôi có đi không; tôi trả lời lập tức, rằng tôi sẽ đi ngay.”

Hồi ký của cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại viết rằng, “Tinh thần yêu nước không cần được biểu lộ bằng những lời tuyên bố mát tai của những chính trị gia mà được biểu lộ một cách cảm động và hùng hồn nhất, bởi những thủy thủ của toán đổ bộ của tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 19 Tháng Giêng, năm 1974, tại Hoàng Sa trên xuồng cao su, khi 15 chiến sĩ Hải Quân can trường đồng ca bài “Việt Nam, Việt Nam” khi thấy chiến hạm Trung Cộng bị trúng đạn của chiến hạm Việt Nam. Bài hát này cũng là bài hát cuối cùng của Hạ Sĩ Nguyễn Văn Duyên vì sau 10 ngày trên biển cả, ngày thì nóng cháy da, đêm thì lạnh thấu xương, hết lương thực, hết nước uống, đuối sức, anh Duyên đã trút hơi thở cuối cùng khi trôi dạt về tới Qui Nhơn.”