Những Phẩm Vật Dâng Lên Vị Trưng Nữ Vương |
Tác Giả: Nguyễn Hồng Dũng, Ph. D | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 3 Năm 2010 17:17 | |||
Cách nay tròn 1970 năm khi thanh gươm của vị nữ tướng vung lên chém đầu những quân xâm lược Nam Hán, đem lại nền tự chủ thật sự cho nước nhà, viết nên một thiên anh hùng ca bất tận làm nguồn cảm hứng cho bao thế hệ hầu nhắc nhỡ muôn dân cảnh giác lòng tham lam ích kỷ vô độ của phương Bắc vốn nuôi hoài bão tiến chiếm lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt.
Rất nhiều sử gia viết về sự kiện năm Bốn mươi sau Tây lịch, xin được dựa trên tài liệu trong Đại Việt Sử ký Toàn thư thì Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh huyện Phong Châu. Mẹ là Trần thị Đoan, tự là Man Thiện sống tại làng Nam Nguyễn Huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây đã có công dạy hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị giỏi võ, có chí lớn. Bà Trưng Trắc là vợ của Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Sự xâm lăng của quân nam Hán là một hành động trái với đạo nghĩa lân bang, dùng quân pháp trấn áp lương dân, gây nhiều tội ác cho dân Việt, vì vậy các vị Lạc tướng của Mê Linh và Chu Diên họp bàn phương sách chống lại sự cai trị tàn bạo của Thái thú Tô Định. Do đó Tô Định bèn bắt giết Thi Sách để trấn áp tinh thần liên kết chống ngoại xâm của người Việt. Kế tục sự nghiệp của chồng, tháng 2, năm Canh Tý (40 sau Tây lịch), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh đánh hãm thành đuổi Tô Định chạy về nước. Với sự giúp sức của mẹ và các nữ tướng cận thần nên các quận như Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo hai Bà, kết quả trong thời gian ngắn đã lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, dựng nền độc lập tự chủ cho quốc gia. Qua đến tháng 2 năm Tân Sửu (41), triều đình nhà Hán thấy sự xưng vương dấy quân đánh lấy các thành ấp, quận huyện biên thùy của hai Bà như vũ bão có khả năng Bắc tiến, nên cấp thiết hạ lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, kho chứa thóc lương, rồi phái tướng Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó sang xâm lược một lần nữa. Đầu năm Nhâm Dần (43) Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm tiến đến Lãng Bạc đánh nhau với nhị vị Trưng Nữ Vương. Hai Bà thấy thế giặc mạnh không chống nổi, bèn lui quân về giữ Cấm Khê. Qua đến năm Quý Mão (43), hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán nhưng thế cô và binh lính tan rã nên bị thua rồi hai Bà cùng nhảy xuống sông Hát Giang tự tử. Mã Viện bèn dựng cột đồng làm ranh giới và khắc lên đó dòng chữ thề: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt. Từ đó, nước Việt lại rơi vào tình trạng Bắc thuộc của nhà Hán. Người dân địa phương cảm niệm ơn đức của hai Bà nên đã dựng đền thờ Trưng Nữ Vương ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc và hàng năm đến ngày mùng Sáu tháng Hai âm lịch lại cử hành lễ giỗ hai Bà. Sở dĩ hôm nay chúng ta nhắc đến công đức hai Bà để tuổi trẻ Việt Nam luôn luôn ghi nhớ một điều rằng, công cuộc dựng nước và giữ nước thật muôn vàng thiên nan, vạn giải; tổ tiên chúng ta phải đổ xương máu mới có mảnh đất liền từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Thế nhưng ngày hôm nay chúng ta đang đứng trước một quốc nạn vô cùng nghiệt ngã đó là sự bành trướng lãnh thổ của Trung quốc đã khiến cho đất nước của Việt Nam bị thu hẹp, trong khi đó nhà đương quyền Cộng Sản Việt nam đang đóng vai trò lãnh đạo lại nhu nhược, rụt rè chỉ biết đàn áp người dân lương thiện trong một nước mà không dám chống ngoại xâm, giành lại chủ quyền trên đảo, biển và đất liền. Năm 2010 là năm vô cùng trọng đại và ý nghĩa về mặt lịch sử kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long thành được kiến tạo. Tuy nhiên nhìn tổng quát thì chúng ta chưa xứng đáng để tự hào với tổ tiên dựng nước vì rằng nhiều vùng đất biên giới phía Bắc, quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo thuộc Trường Sa đã rơi vào tay bọn bành trướng Bắc Kinh. Hàng chục ngàn lao động Trung quốc đang có mặt tại vùng chiến lược Tây nguyên, bừa bãi khai thác tài nguyên, bất chấp tai hại cho người dân và môi sinh. Ngoài nguy cơ mất nước, phẩm chất đời sống nhân dân Việt Nam cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Phụ nữ, con cháu của hai Bà Trưng bị đưa đi gả bán và xuất khẩu lao động như một thứ nô lệ mới. Môi sinh ô nhiễm trầm trọng, sông ngòi đang chết, đất đai bị nhiễm độc. Đạo đức xã hội suy đồi, nền giáo dục xuống cấp. Công nhân bị bóc lột, nông dân bị cướp đất, cướp nhà. Chính quyền triệt hạ tôn giáo, đàn áp dân lành và những người đấu tranh đòi công lý, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Độc tài, tham nhũng, lạm quyền, bạo lực, công an trị là thực chất của nhà nước hiện nay, một chính quyền phản lại quyền lợi của dân tộc. Tại Tây Nguyên vụ khai thác bauxite để phục vụ nhu cầu nhôm của Trung Quốc bất chấp ý kiến đại khối dân tộc quan tâm đến thời cuộc đất nước là những thái độ vô cùng tai hại, tắc trách, phản lại hành động quyết tử của các anh hùng Lê Lai, Yết Kiêu, Bà Triệu, Bà Trưng. Chưa hết, nỗi đau mất nước cứ canh cánh trong lòng người dân Việt vì hành động ngu xuẩn của cái gọi là lãnh đạo mười tỉnh biên thùy phía Bắc đã cho Trung Quốc thuê đất rừng đầu nguồn để trồng “nguyên liệu,” nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm an ninh quốc gia. Thực chất rừng nguyên liệu này phục vụ kỹ nghệ Việt Nam hay chở về Trung Quốc chế biến là một câu hỏi thật to vì ai cũng biết mất của cải còn làm lại được, còn mất đất, mất biển, mất rừng là mất hẳn. Nếu đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, sẽ rất khủng khiếp. Các tỉnh miền Trung đã hứng chịu hàng năm chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao? Hơn nữa di dân Trung Quốc sẽ tràn ngập xuống vùng rừng núi này và lập thành một khu tự trị thì ai kiểm soát cho nỗi? Hành động Trung Cộng đắp đập Tiểu Loan trên thượng nguồn Mekông đe doạ sự hủy diệt môi sinh trên đồng bằng sông Cửu Long là một bằng chứng cụ thể. Mới đây nhất Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ đã chú thích Hoàng Sa Trường Sa trên địa phận Trung Quốc, nhà đương quyền Việt Nam có phản ứng lấy lệ và dường như giao khoán công việc phản đối vụ này cho Cộng Đồng hải ngoại? Dù là vô tình hay cố ý mà chúng ta không phản đối thì hậu quả sẽ như thế nào? Do đó việc phản đối của người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ trong nước có tác động quan trọng cho nền tự chủ của tổ quốc. Rất tiếc các tiếng nói phản kháng đang bị chính những người “lãnh đạo đồng bào” bắt nhốt!! Kỷ niệm 1970 năm ngày giỗ nhị vị Trưng nữ Vương đồng thời kỷ niệm một ngàn năm xây dựng Thăng Long thành, chúng ta làm gì để dâng lên bàn thờ hồn thiêng sông núi cho đúng nghĩa, chẳng lẽ cứ tự hào huyễn qua những diễn văn nẩy lửa rồi mặc kệ tương lai?? Vậy thì toàn dân Việt nam chúng ta trong cũng như ngoài nước phải quyết tâm giành lại quyền tự quyết, quyền bãi miễn những người lãnh đạo bất tài bất xứng. Cương quyết chống lại tham vọng xâm lấn của Trung Quốc và ngăn chận nạn bán rừng, nhượng đất , đấu tranh bất bạo động bằng mọi hình thức để đòi hỏi dân chủ và khuyến khích quân đội hãy bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân một cách chính đáng song hành việc loại khỏi hàng ngũ lãnh đạo những người phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân. Có lẽ Tổ tiên Lạc Hồng và nhất là anh linh của nhị vị Trưng Nữ Vương mới hài lòng những phẩm vật đúng nghĩa mà con cháu Bà dâng lên bàn thờ nhân ngày Mùng Sáu tháng Hai Âm lịch này. Mong thay! Viết tại Đền Hùng nhân Kỷ Niệm Ngày Giỗ Hai Bà Trưng.
|