Cảm xúc khi thăm quần đảo Trường Sa |
Tác Giả: Thụy Mi / RFI | |||
Thứ Hai, 31 Tháng 5 Năm 2010 15:10 | |||
Vào giữa tháng 5, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã theo một phái đoàn của thành phố Hà Nội đến thăm quần đảo Trường Sa. Bia chủ quyền do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lập trên đảo Song Tử Tây trước đây. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên Trả lời RFI, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã kể lại những cảm nhận của ông về chuyến đi này. Tôi vừa rồi may mắn được đi Trường Sa từ ngày 5/5 đến 15/5/2010, trong đoàn thành phố Hà Nội. Có thể nói từ khi Hoàng Sa, Trường Sa trở thành những điểm nóng, những từ ngữ được nhắc đến nhiều trong đời sống xã hội Việt Nam, thì việc đi thăm Trường Sa là mong muốn của nhiều người nhưng không dễ gì thực hiện được. Một chuyến đi như thế rất công phu, vì do quân đội quản lý. Cho nên dù có chủ trương cho các địa phương, ban ngành, đơn vị, tập thể ra với Trường Sa, muốn đi phải đăng ký để Bộ Tư lệnh Hải quân sắp xếp từng chuyến đi, vì các hòn đảo ấy đều nằm giữa biển khơi, cách đất liền khoảng 450 km. Chúng ta đều biết là chúng ta có Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, nhưng Hoàng Sa đang bị nước ngoài chiếm đóng từ năm 1974, khi Trung Quốc đưa quân chiếm đoạt quần đảo này từ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi đó. Gần đây chính phủ Việt Nam đã thành lập huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng, cũng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Còn Trường Sa là vùng biển ở phía tây nam tổ quốc thì cũng có huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Thường có hai hành trình ra đảo Trường Sa, hoặc phía bắc hoặc phía nam. Đoàn chúng tôi đi về hướng bắc của đảo. Từ Hà Nội chúng tôi bay vào quân cảng Cam Ranh, rồi xuống tàu Hải quân đi ra đảo. Mười ngày đi trên biển, theo hành trình đã vạch chúng tôi ghé thăm một số đảo. Đến đảo nào thì tàu neo ở vùng biển sâu, sau đó thả xuồng lên thăm đảo. Chúng tôi đã đến các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Đá Tây, Đá Lát, Cô Lin và nhà giàn DK1 ở bãi Phúc Nguyên. Những người cùng đi trên chuyến tàu HQ 936 lần đó đều cực kỳ xúc động, vì lần đầu tiên được ra biển khơi xa như thế, đến một vùng lãnh thổ thân thương của đất nước ở giữa biển khơi. Khi ở trên đất liền thì thấy bình thường, nhưng phải đi đến tận nơi, thì mấy chữ lãnh thổ, chủ quyền, thềm lục địa, biển đảo… mới có một ý nghĩa cực kỳ cụ thể, cực kỳ thiêng liêng, xới động trong tâm trí mọi người rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Trong những đảo chúng tôi đã thăm có những đảo chìm. Đó là những đảo nhô lên giữa một bãi san hô giữa biển cả mênh mông, có những dải san hô có thể rộng hàng cây số vuông. Khi thủy triều rút thì nó trơ ra, khi thủy triều lên thì ngập. Trước đây những chiến sĩ hải quân ra đóng chốt phải ở trong những cái chòi, khi nước lên thì mấp mé. Nhưng mấy năm gần đây chúng ta đã cho chở gạch đá, xi măng đổ xuống để tôn cao lên và làm nhà cho bộ đội ở, tuy nhỏ hẹp thôi nhưng vững chắc hơn. Còn khái niệm các nhà giàn ở thềm lục địa phía đông nam thì khác. Nhà giàn là nhà, nhưng là cái giàn. Những cây cột được cắm xuống lòng biển sâu, nhô lên mặt nước biển, trên đó làm nhà cho bộ đội ở để canh giữ thềm lục địa, gọi là DK. Những nhà giàn này có từ năm 1989, khi chính phủ Việt Nam quyết định thành lập Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để khẳng định chủ quyền Việt Nam ở vùng thềm lục địa này. Từ những đảo tương đối lớn như Song Tử Tây, và đặc biệt là đảo Trường Sa lớn, về đơn vị hành chánh thì gọi là thị trấn Trường Sa, tức là thủ phủ của huyện đảo Trường Sa; cho đến các đảo chìm như Đá Nam, Đá Lát, Đá Tây, chúng tôi đều gặp các chiến sĩ hải quân. Họ ra chốt ở đảo, một, hai năm mới được thay ca, nghĩa là chuyển về đất liền để người khác ra. Giữa biển khơi mênh mông, mở mắt ra là thấy biển, suốt ngày mở mắt ra là thấy biển. Trước đây điều kiện sống rất khó khăn, đặc biệt là thiếu thốn nước ngọt. Cho đến bây giờ, dù đã được cải thiện, nhưng vẫn có những đảo nước ngọt rất khan hiếm. Một chậu nước vừa phải dùng đánh răng rửa mặt, giặt giũ, rồi tưới cho những chậu cây xanh chắt chiu trồng được trên đảo. Trong những năm sau này do một chủ trương lớn của chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ cho đảo, nên các chiến sĩ ở đảo cảm thấy đỡ xa cách đất liền hơn về mặt tinh thần, giao thông liên lạc. Gần đây báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh có phát động phong trào Chung tay thắp sáng nhà giàn. Những nhà giàn giống như những tổ chim cu ở giữa biển khơi, hết sức nhỏ bé, mong manh, mà một thời gian không thể nào có điện được . Nhờ loạt bài phóng sự trên báo, sau đó một loạt những công ty trong đất liền đã giúp lắp hệ thống pin mặt trời nên một số nhà giàn bắt đầu có điện, giúp cải thiện cuộc sống người giữ đảo ở đây. Những ấn tượng sâu sắc nhất có được trong chuyến đi này là hai buổi lễ tưởng niệm. Thứ nhất là lễ tưởng niệm tại vùng đảo Cô Lin - Gạc Ma. Như chúng ta biết, nơi đây có một trận hải chiến năm 1988; trong quân sử của Hải quân QĐNDVN gọi là chiến dịch CQ (Chủ Quyền) 1988. Trận đụng độ giữa các chiến sĩ hải quân Việt Nam với quân Trung Quốc đã làm cho 64 chiến sĩ hy sinh. Quần đảo Gạc Ma bây giờ vẫn do Trung Quốc chiếm giữ, còn Cô Lin là của Việt Nam. Khi đứng trên boong tàu tưởng niệm 64 chiến sĩ đã ngã xuống, mọi người có thể đã hoặc chưa tìm hiểu, nhưng phút giây ấy chúng tôi đều ràn rụa nước mẳt; thương cảm cho những gương hy sinh của những người lính vì lãnh thổ biên cương của tổ quốc mà cho đến bây giờ hình hài vẫn còn nằm lại dưới lòng biển sâu. Lễ tưởng niệm thứ hai là ở vùng nhà giàn, mà hồi đầu còn rất đơn sơ. Thử tưởng tượng giữa biển khơi mênh mông, sóng gió như thế mà chỉ có những chiếc cột chống mong manh, nhỏ nhoi. Trong một cơn bão, có những nhà giàn đã bị đổ sập xuống biển, và các chiến sĩ vẫy vùng với sóng to gió lớn cuối cùng cũng đã nằm lại với biển khơi. Hai buổi lễ tưởng niệm đó đã gây cho chúng tôi những nỗi xúc động hết sức mạnh mẽ. Cả một chuyến đi như vậy mới thấy là, dù đã có sự hỗ trợ rất lớn từ đất liền, và vẫn tiếp tục có các đoàn ra. Mỗi địa phương tùy vào thế mạnh của mình mà giúp cho các hòn đảo trong huyện đảo Trường Sa mỗi ngày một khác. Nhưng chúng tôi vẫn thấy giữa Biển Đông rộng lớn như thế, trước âm mưu thôn tính Trường Sa chiếm Biển Đông của các thế lực nước ngoài, thì vẫn rất cần một sự nhất trí cao của nhiều người Việt Nam, và một sự kiên quyết của chính phủ Việt Nam để có thể giữ được chủ quyền Việt Nam trên vùng biển này. Bởi vì với những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi nghĩ nếu có xảy ra một sự biến gì thì tình hình sẽ rất phức tạp và khó khăn cho chúng ta. Những chiến sĩ trên các đảo mà chúng tôi tiếp xúc, một cách rất tự nhiên thôi, đều xác định được nhiệm vụ của mình. Có những chiến sĩ đi tua các đảo trong quần đảo rất nhiều, họ đều ý thức là người lính, có lệnh thì đi. Và họ cũng rất biết điều kiện quân sự, kinh tế của mình, cũng hiểu rằng có thể hy sinh nếu xảy ra xung đột. Họ là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, đã có hay chưa có gia đình. Tâm trạng người lính tử đạo là một chuyện, có lẽ trong quân đội nào cũng thế, nhiệm vụ thì phải thi hành, nhưng cần có một đường hướng chung để làm sao giải quyết được những xung đột, đó là điều mong muốn lớn nhất. Chứ còn tôi nhắc lại là, nếu như để xảy ra một chuyện gì, thì sẽ rất khó khăn cho chúng ta. Trên đường đi thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy các tàu lạ đi ngang qua khi đến những vùng đang tranh chấp hoặc vùng ranh giới. Hay khi đến vùng biển Cô Lin – Gạc Ma chúng tôi lên đảo Cô Lin, dùng kính viễn vọng nhìn sang bên kia, thì thấy họ xây dựng rất kiên cố, vững chắc. Cái đấy cũng là một nguy cơ. Rồi khi tàu đi thì cũng được báo là vẫn có sự theo dõi từ phía bên kia. Cho đến khi chúng tôi về đất liền, thì được tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng lên tiếng là Trung Quốc đã cho khai thông mạng điện thoại di động ở đảo Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa, và như vậy là vi phạm chủ quyền Việt Nam. Chúng tôi về mang theo đầy tâm trạng, và đều thấy là vấn đề chủ quyền trên vùng biển đảo này là cực kỳ phức tạp, khó khăn. Cho nên ra về mọi người đồng cảm với những người lính đảo, nhưng cũng trĩu nặng những suy tư. Nhưng nhìn chung, những người ra thăm đảo đều rất háo hức, ai cũng nhiệt tình đi. Như đoàn thành phố Hà Nội vừa rồi của chúng tôi do bà phó bí thư Thành ủy dẫn đầu, phó Tư lệnh bộ đội Hải quân làm phó đoàn, có đại diện các ban ngành, quận huyện - tôi đi là thành phần văn nghệ sĩ thủ đô. Tất cả đều mong mỏi được đi, và khi gặp các chiến sĩ đảo thì đều hết sức cảm phục. Không ai băn khoăn là đi thế này lỡ nếu có gì nguy hiểm xảy ra thì sao. Lỡ xảy ra đụng độ, và nói chuyện thời tiết thôi, lỡ có một cơn giông, cơn áp thấp nhiệt đới??? Đó là tấm lòng của người từ đất liền. Và những người khác thấy chúng tôi được đi thì có vẻ như là "ganh tị, thèm muốn"… Có thể nói trong mấy năm gần đây huyện đảo Trường Sa đã được xây dựng, củng cố khá tốt, đứng về mặt là một đơn vị hành chính huyện trực thuộc tỉnh. Bộ Tư lệnh Hải quân thường tổ chức những chuyến đi như thế, vì rất nhiều đơn vị đăng ký đi. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên-Hà Nội-30/05/2010
|