Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Bảo Vệ Lãnh Thổ Lời trăn trối quan trọng nhất của Hưng Đạo Vương

Lời trăn trối quan trọng nhất của Hưng Đạo Vương PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Dzu   
Thứ Sáu, 25 Tháng 6 Năm 2010 13:07

TRẦN HƯNG ĐẠO ( 1213 - 1300 )

 

« Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào ngày 24 tháng 6 năm Canh Tý 1300 Trần Hưng Đạo bệnh nặng, vua Trần Anh Tông thân ngự đến nhà riêng ở Vạn Kiếp thăm và hỏi về quốc sự :

« Như hữu bất húy Bắc khấu lai xâm, kỳ sách an tại ? » (nếu không may thượng phụ khuất núi, giặc bắc lại xâm phạm thì có kế sách gì ?)

Hưng Đạo đại vương trả lời :

« đại khái bỉ thị trường trận, ngã thị đoản binh, dĩ đoản chế trường, binh pháp chi thường dã. Kỳ kiến bỉ quân biến chi, như hỏa như phong, kỳ thế dị thế. Nhược dụng tàm thực hoãn hành, bất vụ dân tài, bất cầu tốc thắng, tắc bạt dụng lương tướng, quan kỳ quyền biến, như vi kỳ nhiên, tùy thồi chế nghi, thu đắc phụ tử chi binh, thủy khả dụng dã…Thả khoan dân lực dĩ vi thâm căn cố đế, thử thủ quốc chi thượng sách dã »

(nhìn chung, kẻ kia cậy gây trận dài, ta cậy binh ngắn, lấy ngắn chống dài là phép dùng binh xưa nay. Khi giặc kéo đến ầm ầm như lửa như gió, thế này dễ chống …Như chúng cứ dần dà như tầm ăn lá, thong thả (có vẻ) không ham của dân, không mong thắng vội, thế này mới là khó trị, ta phải kén chọn tướng giỏi, liệu xem quyền biến để tùy cơ ứng biến như đánh cờ, dùng binh phải đồng lòng như cha con, mới có thể đánh được. Cách này phải ngay thời bình mà khoan sức cho dân, là kế rễ sâu bền gốc. Chính là thuật giữ nước tốt nhất)……. »   (Ngoại giao Việt-Trung qua thi văn sử- NSA)

Hôm nay, ngày 24 tháng 6 năm Canh Dần 2010, xin hãy đọc lại bài «Ngoại giao Việt-Trung qua thi văn sử- Nguyễn Song Anh-19/9/2009 » Và cũng mời các bạn đọc tiếp bài « Lời trăn trối quan trọng nhất của Hưng Đạo Vương ­–Tạ Dzu -04/06/2010 »

Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) Đức Trần Hưng Đạo lui về làm chí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài bệnh nặng sắp mất, vua ngự giá đến thăm và xin ý kiến của ngài về cách đối phó với giặc phương Bắc.

Vua hỏi: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại sang thì làm thế nào?”

Hưng Đạo Vương tâu: “Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thể đánh được. Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.

Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”[1]

Đọc lại những lời cố vấn của một danh tướng từng ba lần anh dũng chiến thắng quân Nguyên, chúng ta phải lo ngại cho tương lai Việt Nam trong tình thế hiện tại do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.

Đối sách của Trung Quốc hiện nay với Việt Nam chính là điều mà Hưng Đạo Vương lo ngại: họ dùng chính sách “dần dà, như tằm ăn lá,… mới khó trị”. Những gì Trung Quốc thực hiện trong 10 năm qua cho thấy rõ điều đó. Nay thì ép Việt Nam ký kết hiệp ước đất liền và biển khơi mà phần thiệt thòi nghiêng về phía Việt Nam, rồi còn chiếm thêm một số đảo; mai lại đòi khai thác bôxít Tây Nguyên; mốt thì hối lộ quan chức nhà nước để trúng những gói thầu quan trọng liên quan tới an ninh tổ quốc, và mới đây nhất là thuê những diện tích lớn rừng đầu nguồn thuộc những tỉnh giáp biên giới Việt – Trung.

Điều kiện thứ nhất trong phương kế mà Hưng Đạo Vương đưa ra là: phải biết dùng tướng giỏi và có tài ứng biến như khi chơi cờ.

Từ ba thập niên qua, Việt Nam không có chiến tranh. Trong lần giao tranh vũ trang cuối cùng năm 1988, Việt Nam đã thua và để mất một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chúng ta không thể biết các tướng lãnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay sẽ ứng phó ra sao khi có chiến tranh. Những tranh chấp ở thượng tầng lãnh đạo, giới quân sự cũng chìm ẩn hoặc bị Tổng cục 2 chỉ đạo Bộ Quốc phòng nắm chắc, hoặc chưa được nhân vật nào thuộc phe đổi mới thân Tây phương yểm trợ, nên chưa có tiếng nói nào.

Chúng ta chỉ thấy các lão tướng có uy tín trong quân đội trước nay lên tiếng, tiêu biểu là ông Võ Nguyên Giáp về những vụ như Tổng cục 2, Sáu Sứ, bôxít… Nhưng dường như những tiếng kêu của ông chỉ rơi vào khoảng không ghê rợn mà Đảng và chính quyền hoàn toàn để ngoài tai, khác hẳn thái độ trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến Hưng Đạo Vương của vua Trần Anh Tông.

Gần đây nhất, trong lá thư đề ngày 21 tháng 1 năm 2010, hai lão tướng khác của Quân đội Nhân dân là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã mạnh mẽ phản đối việc chính quyền Việt Nam “đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305, 3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.

Hai ông cho rằng chỉ vì hám lợi nhất thời, việc cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn sẽ gây hiểm họa cực lớn tới an ninh quốc gia. Hai ông lý luận rằng: “Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì nguồn thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp…

Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những ‘làng Đài Loan’, ‘làng Hồng Kông’, ‘làng Trung Quốc’. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.”[2]

Không hiểu rồi đây tiếng nói của các vị có lòng với đất nước này có bị rơi vào quên lãng như của Tướng Giáp hay không?

Nhưng những góp ý của hai lão tướng yêu nước nói trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy các cấp lãnh đạo trong quân đội. Họ sẽ nhận thấy rằng Đảng CSVN đang hành động hoàn toàn chỉ vì quyền lợi của Đảng mà không phải vì tổ quốc, vì nhân dân. Nhận thức đó rất có thể khiến họ sẽ không còn trung thành với Đảng nữa. Những mệnh lệnh để chống lại “kẻ lạ”, nếu có, sẽ không được chấp hành nghiêm chỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Đó là ý thứ hai của Hưng Đạo Vương về đối sách với Trung Quốc: dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà mới có thể đánh được.

Đức Thánh Trần dạy những điều đó cũng là do ngài đã học hỏi kinh nghiệm cha ông trong huyền sử nước nhà. Những gì Đảng CSVN đang hành xử từ thời Hồ Chí Minh rước chủ thuyết ngoại lai vào rất giống với bài học An Dương Vương ngàn xưa.

“An Dương Vương đã xa rời nếp sống muôn dân, chỉ trông cậy vào người ngoài (Thần Kim Quy) nên ông phải xây thành chống giặc mà trước kia các vua Hùng không cần làm việc đó. Ông còn bước thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa là đem nàng tiên Mỵ Châu, biểu tượng của tinh thần dân tộc gả cho Trọng Thủy, con của kẻ thù Triệu Đà.

Trọng Thủy đang là một kẻ xâm lăng khiến An Dương Vương phải xây thành, xin nỏ để chống cự bỗng ngang nhiên tung hoành tận thâm cung của Loa Thành, còn trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu!”[3]

Từ chỗ sai lầm tin vào chủ thuyết ngoại lai, Đảng CSVN bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Nàng Mỵ Châu, biểu tượng cho hồn Việt, đã chấp nhận và ôm ấp giặc. Hơn thế nữa, nàng còn yêu chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa cả nỏ thần, vũ khí giữ nước cuối cùng cho Trọng Thủy xem rồi bị lừa bịp đánh tráo, y như nhà nước hiện thời đang cho kẻ lạ khai thác bôxít Tây Nguyên, cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn và cho trúng những vụ thầu quan trọng liên quan đến nền an ninh quốc gia.

Đảng CSVN – hình ảnh của Mỵ Châu – đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng yêu quý giặc hơn đồng bào, hơn quê hương, đã đàn áp sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng, bỏ tù các nhà dân chủ và trí thức yêu nước, bịt miệng toàn dân, bỏ mặc ngư dân tự trang bị đối phó, lại còn theo ý giặc trao luôn cả nỏ thần vùng đất Tây Nguyên giữ nước, đổi lấy “4 tốt” và “16 chữ” thánh hiền vàng ngọc thiên triều đỏ ban cho.

Theo Đức Thánh Trần, tướng lãnh phải quyền biến như khi chơi cờ. Với cái nhìn ngày nay, phải hiểu đó là đường lối ngoại giao khôn khéo, biết dựa vào sức dân, vào văn hóa dân tộc, vào trí tuệ toàn dân mà đưa ra các biện pháp hữu hiệu hầu đối phó với chính sách nhẹ nhàng như tằm ăn dâu của Trung Quốc.

Đảng CSVN đã quên bẵng những bài học lịch sử cơ bản đó.

Điều kiện thứ ba quan trọng hơn hết, là “phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”

Thế nào là khoan sức cho dân?

Thời xưa là bớt sưu cao thuế nặng, bớt đàn áp dân chúng, bớt ép buộc muôn dân phải bỏ công bỏ của phục dịch vua quan. Ngày nay là không đục khoét của công, phong bì bôi trơn hợp đồng, là tham nhũng hối lộ, quan liêu xu phụ; rồi còn cướp nhà cướp đất, biến quần chúng thành dân oan hoặc bắt đóng những thứ thuế có tên mà kế hoạch không bao giờ được thực hiện; hay đàn áp tôn giáo và những tiếng nói đối lập, bóp họng quần chúng với thông tin một chiều.

Tất cả những điều ấy đã mạnh mẽ tố cáo rằng Đảng và nhà nước chỉ nắm được ngọn, bao gồm những đảng viên trung thành và các tổ chức ngoại vi ăn chia với nhau, chứ hoàn toàn không hề có kế sâu rễ bền gốc nhằm bắt được nhịp sống của đáy tầng quốc dân như lời dạy của Đức Thánh Trần.

Hiện nay nhân dân đang trông chờ điều gì?

Một cách tổng quan, đó là tự do, dân chủ và nhân quyền như bao công dân, bao tổ chức yêu nước đã thiết tha kêu gọi từ lâu. Nhiều người đã và đang phải chấp nhận tù đày cho những lời kêu gọi thống thiết đó. Nhưng nó đã hoàn toàn chìm vào hố sâu tĩnh lặng ghê rợn của cường quyền bạo lực nhà nước.

Muốn hiểu được ý dân, hãy bắt đầu bằng việc biết lắng nghe tiếng dân, hoà vào đời sống nhân dân hầu không rời xa dân nữa. Nghe tiếng lòng quốc dân là sao? Là phải để quốc dân nói. Muốn nghe mà bịt mồm bịt miệng người ta thì ai nói cho mình nghe? Muốn nghe mà không cho giơ tay phát biểu ý kiến, lại đe dọa rình rập bắt bớ thì ai còn thiện chí phát biểu? Nghe rồi, phải kiên quyết thực hiện ý dân, tức là nắm được mệnh trời.

Mệnh trời ai nắm, kẻ ấy sẽ được muôn dân theo về với mình.

Lời trăn trối quan trọng nhất vào lúc cuối đời của một danh tướng ba lần đại phá quân Nguyên, kết tinh từ máu xương quân dân Đại Việt, có được Đảng CSVN chú ý lắng nghe hay không?

[1] Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, trang 165-166

[2] Trích “Thư gửi lãnh đạo”, đề ngày 21/01/2010 của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

[3] Nam Thiên: Kinh Việt, tr. 234-235. Hoa Tiên Rồng xuất bản, Brisbane, Australia, 1990