Xem bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ |
Tác Giả: Ngọc Trân | ||||
Thứ Ba, 23 Tháng 11 Năm 2010 22:19 | ||||
An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838. Tấm bản đồ nằm trong cuốn từ điển được in ấn, nên nó không phải là độc bản mà mức độ phổ biến rộng rãi, đến được với nhiều người - đặc biệt là giới học giả (đối tượng sử dụng chủ yếu của cuốn từ điển này). Trên bản đồ, quần đảo Hoàng Sa được viết bằng chữ "Cát Vàng". Và điều đặc biệt nhất là, bản đồ có ghi tọa độ và khi đối chiếu với số liệu hôm nay thì hoàn toàn trùng khớp. Đây là bản đồ cổ duy nhất có ghi tọa độ và cũng là bản đồ cổ duy nhất có xác định tọa độ của Hoàng Sa. Phiên bản của tấm bản đồ quý này (do TS Nguyễn Nhã tặng) được treo tại Phòng đọc của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. CÁC NHÀ SỬ HỌC VIỆT NAM LÊN TIẾNG - 2 Các nhà sử học Việt Nam nghĩ gì về phát biểu của Vương Hàn Lĩnh? (Phần 2) Bài báo trên trang mạng Tuanvietnam của báo Vietnamnet, phỏng vấn Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh, một học giả thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã làm cho nhiều người quan ngại. Thông tín viên Ngọc Trân đã phỏng vấn sử gia Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, và ông Đinh Kim Phúc, từng là giảng viên khoa Sử - Địa, Trường ĐH Cần Thơ, hiện đang làm việc tại Đại học Mở TPHCM. Trong bài trước, hai nhà sử học đã khẳng định rằng, ngoại trừ thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam chưa bao giờ thuộc Trung Quốc, và việc một học giả Trung Quốc đe dọa Việt Nam cũng không có gì mới. Để hiểu rõ thêm ý kiến của hai nhà sử học về các phát biểu khác của vị tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh, mời quý vị lắng nghe. Nói lấy được? Ngọc Trân: Thêm một quan điểm nữa của ông tiến sĩ họ Vương đã gây tranh cãi mấy ngày qua trên cộng đồng mạng, đó là ông này đã nói “Chính phủ Trung Quốc cho rằng tất cả những quần đảo nằm trong đường chữ U chín đoạn (Đường Lưỡi Bò) là thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán từ cách đây hơn hai ngàn năm”. Ông nghĩ sao về quan điểm này? Ông Dương Trung Quốc: Quan điểm mà ông Vương Hàn Lĩnh nói về “đường lưỡi bò”, tất cả những bằng chứng lịch sử cho thấy nó chỉ thực hiện từ năm 1947, dưới chế độ Trung Hoa Quốc dân Đảng và được nhà nước Trung Quốc hiện nay kế thừa. Người ta cũng bàn rất nhiều về đường lưỡi bò đó, những vạch đứt đoạn đó có nghĩa là gì, đều vẫn chưa rõ ràng. Tôi nghĩ, có thể ông Vương Hàn Lĩnh đưa ra ý kiến thăm dò ý chí của người Việt Nam chăng? Còn ông ấy nói rằng đó là chủ quyền Trung Quốc có từ 2000 năm, thì một ngày nào đó họ có thể nói rằng, họ có chủ quyền trên sao Hỏa 2000 năm. Đó là cách nói của nước lớn. Ngọc Trân: Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông Đinh Kim Phúc? Ông Đinh Kim Phúc: Ngày 7 tháng 9 năm 1951 Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao như sau: "Và để tận dụng mọi cơ hội nhằm dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam". Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái đoàn nào phản đối. Thực tế là ngay sau đó tại Hiệp ước 1952 ký tại Đài Bắc (Treaty of Taipei) giữa Nhật Bản và Đài Loan thì Nhật Bản cũng không đề cập đến chuyện trả lại quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cho Đài Loan hay Trung Quốc lục địa. Hiệp ước Đài Bắc được coi là để giải quyết vấn đề giữa Đài Loan và Nhật Bản, vì tại hội nghị 1951 cả Trung Quốc lục địa lẫn Đài Loan đều không được mời. Do vậy, chủ quyền của Trung Quốc hoặc Đài Loan đối với Hoàng Sa – Trường Sa còn không được Nhật Bản, là nước thứ ba chiếm lĩnh quyền kiểm soát gần nhất công nhận. Theo tôi, nói như thế thì chẳng khác nào tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh muốn nói rằng “đường lưỡi bò ở biển Đông nói riêng và cả thế giới này nói chung là của Trung Quốc. Trung Quốc phát hiện ra hành tinh này cách đây hàng triệu năm”. Ý kiến của chính phủ Trung Quốc? Ngọc Trân: Theo sự hiểu biết của ông về Trung Quốc, ông có nghĩ rằng đây là ý kiến của chính phủ Trung Quốc, như ông tiến sĩ này phát biểu, hay chỉ là ý kiến của giới học giả Trung Quốc hoặc chỉ là ý kiến riêng của vị tiến sĩ này? Ông Dương Trung Quốc: Trong các tuyên bố chính thức của nhà nước Trung Quốc chưa đến mức độ này. Nhưng tôi nghĩ có thể đây là thông điệp để thăm dò phía Việt Nam chăng, khi mang danh là cá nhân của một nhà khoa học Trung Quốc sang tham dự hội nghị biển Đông? Tôi nhắc lại, đối với những nước có thể chế chính trị như Việt Nam và Trung Quốc, thường các học giả mang tiếng nói của nhà nước, nhưng cách đặt vấn đề thì mỗi người có một mục tiêu khác nhau. Tôi nghĩ đây chưa phải là tiếng nói mang tính chính thức. Nếu là thăm dò thì đây là cơ hội để người Việt Nam thể hiện quan điểm và ý chí của mình. Ngọc Trân: Thưa ông Đinh Kim Phúc, ông có nghĩ rằng ý kiến của TS Vương Hàn Lĩnh đại diện cho chính phủ Trung Quốc? Ông Đinh Kim Phúc: Cần nhấn mạnh rằng, Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh không phải là một học giả bình thường, không tên tuổi, mà là Phó Viện trưởng Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Do đó, Vương Hàn Lĩnh có thể là một cái loa, là người nói thay nhà nước Trung Quốc, ông ta đã thấm nhuần tư tưởng Đại Hán, tự coi mình là dân tộc cao quý, gọi các dân tộc lân bang là Tứ di (bốn thứ mọi rợ): Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch. Tư tưởng này bắt đầu từ Hán Cao tổ kéo dài cho tới hôm nay. Những lời nói trịch thượng của ông tiến sĩ này nói theo ngôn từ của Dương Tử là: “Thân dê mà lốt cọp, thấy cỏ thì thích, thấy chó sói thì run, quên mất bộ da khoác là lốt cọp”. Tóm lại những câu trả lời của Vương Hàn Lĩnh chỉ dùng để bắt nạt, hù dọa, ức hiếp kẻ yếu và sợ kẻ mạnh hơn mình. Sử gia Việt Nam cần làm gì? Ngọc Trân: Thưa ông, được biết hôm 11 tháng 11 vừa qua Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6. Phát biểu tại đại hội này, ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư có nói, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cần quan tâm đến những bằng chứng lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Qua phát biểu của ông Vương Hàn Lĩnh, liên quan đến chủ quyền lịch sử Việt Nam, là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN, ông nghĩ sao về vai trò và trách nhiệm của Hội Khoa học Lịch sử trước sự kiện “Vương Hàn Lĩnh” liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền đất nước, thưa ông? Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ, không vì những lời phát biểu của ông tiến sĩ này mà chúng tôi quan tâm nhiều như vậy, tôi nghĩ rằng sử gia nước nào cũng phải đứng trên quan điểm lợi ích của dân tộc mình. Giới sử gia VN cũng không ngoại lệ, trong lịch sử quá khứ cũng như hiện tại luôn tôn vinh các giá trị dân tộc, mà giá trị cao nhất là độc lập, tự do của dân tộc mình. Trong bối cảnh hiện nay, người Việt Nam càng khẳng định điều đó, là chúng ta có cả bằng chứng lịch sử lâu dài, không những chỉ riêng Hoàng Sa và Trường Sa, về mặt chủ quyền và cả lịch sử lâu dài, cách gìn giữ tổ quốc của người Việt Nam mà chúng ta tồn tại đến ngày hôm nay, đó là, người Việt Nam luôn mong sự hòa hiếu, luôn luôn học hỏi cái hay của phương Bắc, nhưng luôn luôn gìn giữ nền tự chủ của mình. Việt Nam có cả một bề dày lịch sử được chứng minh hết sức rõ ràng. Và hôm nay, giới sử học cũng phải tiếp tục sứ mệnh ấy. Lời của ông Trương Tấn Sang cũng chỉ để nhắc nhở nhiệm vụ của các thế hệ sử gia Việt Nam, trong đó có việc bảo vệ chủ quyền của mình, bảo vệ giá trị mà dân tộc Việt Nam đã có. Trong các giá trị ấy có cả giá trị, Việt Nam luôn luôn mong muốn giữ hòa hiếu, không phải với Trung Quốc mà với tất cả các quốc gia khác có quan hệ với mình. Đó là con đường tốt nhất để tồn tại và phát triển. Ngọc Trân: Ông Đinh Kim Phúc, ông nghĩ thế nào về vấn đề mà tôi vừa nêu ra? Ông Đinh Kim Phúc: Hôm 11 tháng 11, khi báo VietNamNet cho đăng bài “Tranh biện về Biển Đông với học giả Trung Quốc” thì cũng là ngày Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội. Đúng là ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu như vậy. Nhưng đến nay tôi thấy Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dường như chưa có tiếng nói nào phản bác lại Vương Hàn Lĩnh. Nếu Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam không làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, thì tôi nghĩ tổ chức này cũng chỉ đi vào vết xe đổ của 30 năm về trước: chỉ nói theo, nói lại và nói leo những gì giới chính trị đã nói Mời chư vị xem Phần 1, tại đây. *Bài do Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả! Ảnh: An Nam đại quốc họa đồ (1838) có vẽ đảo Cát Vàng (Hoàng Sa) với đầy đủ tọa độ chính xác. An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Taberd vẽ năm 1838. Tấm bản đồ nằm trong cuốn từ điển được in ấn, nên nó không phải là độc bản mà mức độ phổ biến rộng rãi, đến được với nhiều người - đặc biệt là giới học giả (đối tượng sử dụng chủ yếu của cuốn từ điển này). Trên bản đồ, quần đảo Hoàng Sa được viết bằng chữ "Cát Vàng". Và điều đặc biệt nhất là, bản đồ có ghi tọa độ và khi đối chiếu với số liệu hôm nay thì hoàn toàn trùng khớp. Đây là bản đồ cổ duy nhất có ghi tọa độ và cũng là bản đồ cổ duy nhất có xác định tọa độ của Hoàng Sa. Phiên bản của tấm bản đồ quý này (do TS Nguyễn Nhã tặng) được treo tại Phòng đọc của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
|